Đọc bài báo dưới đây trên trang BBC tôi chỉ thấy buồn cười, BBC cũng thỉng thoảng có cả đống lá cải
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/viet...2006/11/061128 _blog_saigon_hanoi.shtml
Trận chiến blog Sài Gòn - Hà Nội
Bình luận về Hà Nội trên trang blog đã khơi mào cho cuộc tranh cãi
Một 'cuộc chiến' trên thế giới blog của người Việt đã diễn ra từ mấy ngày qua, sau khi một cô gái Sài Gòn 19 tuổi viết bài chê thủ đô Hà Nội trên blog của cô.
Chủ nhân của trang blog này, lấy nickname là 'Bé Crys', viết một bài ngắn kể lại những bức xúc về chuyện bất đồng khẩu vị và ngôn ngữ khi ra Hà Nội.
Bài viết lên mạng hôm 20-11, và chỉ sau vài ngày, số lời bình luận (comment) đạt hơn 4700.
Có những lời khen "rất thích bài này của em, rất hóm hỉnh", nhưng cũng nhiều lời chê "viết chả ra làm sao, nó cho thấy rõ sự thiển cận", và cũng có rất nhiều sự phẫn nộ.
Bắt đầu từ một bài viết mang cảm tính cá nhân chứ không phải là một nhận định có chiều sâu, nhưng cuộc tranh cãi trên trang blog đã cho thấy những khác biệt vùng miền - một vấn đề tiếp tục là cấm kị trong thảo luận ở Việt Nam.
Nó cũng đặt ra câu hỏi về khả năng chấp nhận sự khác biệt, cũng như khả năng tranh luận của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay.
Nghe phỏng vấn
Đài BBC đã có cuộc tiếp xúc với chủ nhân trang blog, Bé Crys, và cô giải thích về bài viết đầu tiên của mình:
Blog đầu tiên em viết rất vội, khi đang ở Hà Nội. Em ra Hà Nội không phải để du lịch, mà có công chuyện, nên miễn cưỡng em mới ra đó. Ở rất dài ngày, mà em không thích ứng được với cuộc sống ngoài đó, nên em bất mãn, vì có một số điều không phù hợp cho một người từ TP. HCM ra, khác nhau quá. Em cảm thấy bức xúc nên em viết lên blog của em.
BBC:Bạn có thể kể cụ thể hơn, không thích ứng là vì điều gì?
Cái chính em không thích ứng được là vì vấn đề ăn uống. Ở Sài Gòn, khi anh bước vào một nhà hàng, gọi món ăn, anh ăn không vừa lòng thì có thể yêu cầu bồi bàn đem thêm gia vị cho phù hợp. Đằng này khi mà em ra Hà Nội, ăn mấy món không quen mùi vị của nó, em gọi thêm gia vị thì người ta từ chối đưa ra, nên em rất bực mình.
BBC:Họ từ chối là vì họ không có, hay vì lý do nào khác?
Tại vì họ không có. Mà nếu họ có, họ cũng nói tại sao ăn cái món này mà lại cho như vậy, hỏng món ăn của họ đi. Thí dụ như món phở, lần đầu tiên em ra, em ăn ở nhà hàng Thủy Tạ, theo thói quen của người Sài Gòn ăn phở thì phải có tương, em hỏi thì họ nói không có tương. Cái này thì em chấp nhận. Nhưng mấy lần sau, khi em đi ăn phở, em bảo thôi, để bớt bột ngọt lại, họ la rằng phở mà không có bột ngọt thì không ngon.
BBC:Khi bạn đi hỏi cơm tấm, thì nhà hàng họ cũng không biết đó là gì?
Em hỏi khách sạn chỗ em ở, hỏi bác xe ôm, chẳng những họ không hiểu cơm tấm là gì, mà sau khi em diễn tả, họ lại bảo thêm là ở đây không ai ăn cái thứ cơm làm từ hạt gạo kém chất lượng như vậy. Em thấy vậy rất bực mình vì người Sài Gòn ăn cơm tấm mỗi ngày. Mà thực chất ở Hà Nội có quán cơm tấm, chỉ là họ không biết.
BBC:Ngoài bất đồng ngôn ngữ, món ăn, thì bạn còn thấy có điểm gì bất đồng không?
Bất đồng chính thì là vì món ăn, khẩu vị không hợp nhau, và bất đồng ngôn ngữ.
Bất đồng chính thì là vì món ăn, khẩu vị không hợp nhau, và bất đồng ngôn ngữ. Vậy thôi ạ.
BBC:Nhưng ở phần đầu của blog, bạn có nêu ba điểm khiến một số người cảm thấy bất bình. Bạn nói thứ nhất, bạn phân biệt dân thành phố và tỉnh lẻ, thứ hai là bọn sành điệu và bọn ra vẻ sành điệu, và thứ ba là phân biệt giữa người Sài Gòn và các công dân khác.Bạn có thể giải thích thêm vì sao bạn lại có những bất bình đến độ như thế?
Em xin phép từ chối trả lời, vì cái này là tính cách của mỗi người. Mỗi người đều có những tật xấu, và đây là ba tật xấu của em. Nó có sẵn từ khi em còn nhỏ đến nay, chứ không liên quan gì đến chuyện đi Hà Nội mới đây cả. Ngay từ đầu viết blog, em đã xác định em là người có những tính như vậy rồi.
BBC:Có người nói Sài Gòn là một thành phố mở, người tứ xứ đổ về đây. Còn tại Hà Nội, cái gọi là người Hà Nội 'gốc' cũng không còn nhiều nữa. Bạn có mất lòng không trước việc dân di cư đổ về các thành phố?
Em thấy không có vấn đề gì hết, người ta có quyền lựa chọn, nắm bắt những cơ hội cho mình.
BBC:Như vậy nó lại mâu thuẫn với điểm mà bạn nói là phân biệt dân thành phố và tỉnh lẻ.
Em xin nhấn mạnh là em phân biệt người thành phố và người tỉnh lẻ mà đua đòi theo cái thói thành thị. Tức là người tỉnh lẻ mà chạy theo những cái xa hoa phù phiếm chỉ để khẳng định mình cũng là người thành thị. Trên blog của em ghi nguyên văn là em phân biệt người thành phố và những người tỉnh lẻ đua đòi.
Em xin nhấn mạnh là em phân biệt người thành phố và người tỉnh lẻ mà đua đòi theo cái thói thành thị.
BBC:Nhưng bạn cũng nói bạn phân biệt người Sài Gòn với người chỗ khác, thì bạn giải thích cho mọi người thế nào?
Sống ở đâu thì mình yêu chỗ đó nhiều. Em sống ở Sài Gòn thì em yêu người Sài Gòn. Đã là yêu thì đâu thể yêu giống nhau được.
BBC:Blog của bạn đã thu hút rất nhiều lời bình luận, mà trong đó cũng có những lời quá đà. Sau đó hình như bạn có viết một bài khác để xin lỗi?
Em không xin lỗi vì những gì em làm. Em chỉ xin lỗi là nếu em có vô tình gây ra hiểu lầm vì những từ ngữ em dùng mà thôi. Em không cố ý gây ra hiểu lầm hoặc đã làm một số người bị tổn thương vì tình cảm mà họ dành cho Hà Nội.
BBC:Trong bài đầu tiên của bạn mà đã gây phản ứng, thì tựa đề của bài ấy là "F... Hà Lội". Cái từ 'F...' ấy trong tiếng Anh là tục, còn từ 'Hà Lội' mang ý chê bai. Bạn có thấy có cái gì không ổn không?
Dạ, em thấy không có cái gì không ổn. Bản thân em người Sài Gòn, khi em thích, em vẫn gọi vui là 'Sì Gòn'. Người miền Nam nào, lúc gọi vui cũng gọi là 'Sì Gòn'. Đó là cách nói bình thường thôi, em gọi 'Hà Lội' là theo cách đó.
Còn chữ 'F...' thì xin nói thật là hầu hết giới trẻ ở Sài Gòn hiện nay, họ tiếp xúc với phương Tây nhiều rồi. Khi tờ báo Thể thao - Văn hóa lên án em, một người bạn nói với em thế này: "Ở nước ngoài người ta sùng đạo Chúa, vậy mà người ta vẫn nói 'Oh my F... God', chả lẽ mình lại dịch ra là họ muốn sỉ nhục Chúa?"
BBC:Tức là bạn thấy tựa đề của blog không có vấn đề gì?
Dạ đúng rồi, theo em là không có vấn đề gì.
BBC:Vậy bạn có ý định ra thăm lại Hà Nội hay không?
Dạ, em không có thời gian rảnh. Đi đâu cũng là vì công chuyện của em, nên em không có nhu cầu đi thăm.
........................................................... .
Đoàn văn Danh
Tôi là dân Thái Bình theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn, vợ tôi gốc Cần Thơ sinh ra ở Sài, các con tôi đều sinh ra ở Mỹ, biết nói tiếng Việt khá. Hôm nay trời bão tuyết cả nhà không đi làm, không đi học, tôi vào diễn đàn BBC thật ngạc nhiên thấy có chủ đề về blog của cô Bé Crys. Sau khi đọc xong các ý kiến tôi mới mở phỏng vấn cho cả nhà nghe, con gái tôi nhận xét "Cô này nói không giống mẹ,không giống bà ngoại với mấy dì, giọng cô đơn đớt như cách nói của mấy vai nữ trong phim "Dốc tình", cách đối đáp của cô ấy ngang ngang, bây giờ bên Việt Nam người ta gọi là "chảnh" đó ba". Tôi không cho khác biệt Nam Bắc về ngôn ngữ, về ẩm thực,về giao tế là phức tạp khó hoà hợp, và quan trọng cần bàn trong chủ đề này, mà cần tìm hiểu về giới trẻ VN có thể nào bây giờ lại biến đổi như cô Bé Crys, con trai tôi nói " Dùng tựa đề bài viết tục tĩu như thế thì mấy thằng chịu chơi trong trường con cũng không dám, chứ nói gì con gái". Tôi nghĩ cô Bé Crys biết phê phán những gì không lịch sự là tốt, nhưng tại sao chỉ mấy trở ngại như cô nói mà văng tục với cả một địa phương như thế, cô cần sửa bớt tánh ương ngạnh và suy nghĩ nhỏ nhen. Tôi tin dù Nam, dù Bắc không ai chấp nhận phản ứng thái quá của cô Bé Crys.
Pham An, Hà Nội
Xét về tâm lý khi mới đầu đọc blog này: riêng cái title là đã gây ra nhiều dị ứng cho nhiều người, một số comments đầu tiên (tầm 10-20 comments) thực sự gây phản cảm.
- Blog để chế độ public cái này thì ko thể cấm ai ko có quyền đọc và comments cả (vì vậy quan điểm nhà của tôi tôi muốn làm gì thì làm là không chấp nhận được)
- Em gái này về độ tuổi và suy nghĩ vẫn còn non , đúng là entry của em là do cảm xúc nhất thời (nhưng hậu quả thì rất to lớn lên cả BBC rồi đấy)
- Do có quá nhiều người bị lôi kéo mà đầu óc con người chứ có phải cái máy đâu nên rất nhiều ý kiến trái ngược nhau (85% là có đóng góp lịch sự và khuyên răn, 15% còn lại là quá khích ).
- Vấn đề bây giờ đã đi quá xa sẽ trở thành cuộc tranh luận về vùng miền. chính trị, giáo dục,…(tôi cũng đã lường trước được cái vấn đề này)
- Để giải quyết vấn đề này không còn cách nào khác là em Như Hoà set private cho blog của em chỉ để em và bạn em mới nhìn thấy được blog của em (để anh hướng dẫn em nhé: Settings -> Who can see your blog-> em set là Friends).
Vincent Trần, Hoa Kỳ
Thật là tào lao. Tôi cũng là người "Sài Gòn" đây nhưng chẳng đồng ý với cô bé Brys này tí nào. Người HN hay người SG thì cũng có người xấu, người tốt. Không thể lấy văn hóa mỗi vùng miền mang ra đùa như thế. Thông qua cách ăn nói của cô bé này, ta chỉ thấy sự trẻ con thôi. Mong các bác cũng đừng vì chuyện chuyện này mà cãi nhau rùm beng.
Một thính giả
Tôi lại thấy rằng bác xe ôm rất hóm hỉnh khi nói đùa "ở đây không ai ăn cái thứ cơm làm từ hạt gạo kém chất lượng như vậy". Theo tôi thì đó là một kiểu trêu đùa của người miền Bắc.Khổ thân Bé Crys lại cứ tưởng người ta nói thật.
TVLE, New York
BBC vẫn thích đưa những tin chia rẽ Nam Bắc. Tất nhiên họ rất vui mừng khi thấy những người Việt thiển cận cãi vã nhau. Nên dừng đi quí vị ạ, trẻ con quá .
Pho Dem
Sợ quá, viết Blog để cùng chia sẻ với bạn bè cá tính và nhận thức sai , đúng, hay ,dở của mình, bị người khác coi free lại còn chụp mũ phản động. Không biết ông phóng viên nào còn phỏng vấn, hay tra vấn nữa chứ? Ông ta nói sống và làm việc cho cơ quan thông tin quốc tế mà lại đặt câu hỏi theo sự áp đặt được như vậy sao? Xin lỗi gặp tôi miễn tiếp,được gì nào? Các ông còn được trả lương mình thì bị chất vấn thấy không công bằng tí nào, cái chuyện va chạm cá nhân với tập quán địa phương là chuyện thường tình chẳng cần chụp mũ,kích động,những kẻ lợi dụng để đâm bị thóc,chọc bị gạo đó mới là kẻ đáng bị chê trách lên án,tất nhiên mỗi địa phương đếu có những điểm được nhiều người mến mộ,nhưng cũng có những điểm khác với địa phương khác ,từ giọng nói ngôn ngữ đến tập quán riêng........ Tại sao những diễn viên kịch hài,những mẫu truyện vui cười đều có những khen chê tính cách địa phương mà không bị chất vấn? bị soi xét? mà ở trên Blog thì lại đặt vần đề? Đúng là nhiều người lắm chuyện,dư thời gian,chuyên buôn dưa lê.Không thích thì người đọc cứ đối thoại (comment)với người viết thoải mái trao đổi có sao đâu? Rách việc dọa nạt cô bé thấy tội nghiệp...
Hoa, Hải Phòng
Tôi không hiểu tại sao BBC lại đưa bài này. Nó thật là vớ vẩn. Mọi địa phương đều có những sự khác biệt, mà mỗi người nên tự tìm lấy cách để thích nghi. Đây chỉ là sự đỏng đảnh của một đứa nhóc chưa trưởng thành, tôi thấy nó chẳng có gì đáng chú ý cả, nó khác xa với cái tiêu đề hay ho mà quý báo đã chọn.
Robbey Lê, Hồ Chí Minh
Nên đọc rõ phỏng vấn, nó viết cái blog entry ấy trong lúc đang vội vàng, đó không phải là 1 entry cần sự "đầu tư" để thể hiện nó chị à, chỉ là một sự bức xúc vì ăn uống không được, và bị đối xử bởi một cung cách phục vụ quá khác biệt! Kể cả việc dùng từ cũng vậy. Đây là blog cá nhân, bản thân và bạn bè cô bé sẽ hiểu thực ra cô ta muốn thể hiện gì qua ngôn từ của mình.
Bạn ngẫm lại xem, chuyện to tát ra là tại ai? Nhưng đáng lên án hơn cả vẫn là những thành phần quá vô ý thức, hoặc muốn lăng xê thêm tên tuổi cho mình, đi tung hê link lên blog của mình hoặc YM với nội dung đại loại "vào xem con đ* này chửi Hà Nội nè anh em ơi. Vào bomb cho nó chết đi." Đây mới chính là những thành phần gây kích động, từ một sự hiểu lầm mà biến cô thành một con người tệ hại trong mắt một số không nhỏ người tại HN (do lượng spam và nick ảo cũng nhiều nên tôi không dám thống kê, nhưng xấp xỉ cũng khoảng trên dưới 1000 người, đa phần 8x 9x).
Bản thân tôi chỉ nghĩ chuyện này chả có gì to tát, chỉ do một số người lợi dụng, một số phần tử không tốt, và những tờ báo "thị trường" để kiếm doanh thu phóng đại lên. Những người bạn Hà Nội thật sự của tôi chỉ xem đây là những phát ngôn "rất trẻ con", thế thôi. Cũng có người khó chịu, nhưng ít ra họ không thể hiện một cách vô văn hóa trong comment blog... Đó mới chính là những đại diện của người Hà Nội thanh lịch
Mai
Tôi thấy người Hà Nội có khuynh hướng bảo thủ. Xấu che, tốt khoe! Chuyện khoe thì đã có ông nhà nước làm từ mấy chục năm qua. Còn xấu che thì cho đến bây giờ khi che không nỗi nữa thiên hạ mới bàn ra tán vào một số chuyện. Người Sài Gòn thì bộc trực. Có sao nói dzậy! Nghe âm sắc đối thoại của Crys thì thấy được điều nầy rõ hơn! Còn lại là khoe có đúng hay không? Nếu đã khoe đúng thì đâu còn cảnh kêu gào sửa đổi chương trình giáo dục! Cái gì mình không thích thì nên nói thẳng. Ít nhất cũng phải cho mọi người nói thẳng ra đã. Trung Quốc đã có "Người Trung Quốc Xấu Xí" thì VN cũng nên cho người ta can đảm nói lên sự thật ý nghĩ của họ. "Thuốc đắng dã tật" tôi ủng hộ việc nói thẳng còn việc nói sai hay đúng thì người nói chịu trách nhiệm. Không thể dùng "cả vú lấp miệng em" được. Sự thật luôn luôn độc lập với thời gian. Hãy tôn trọng sự thật.
Tran Nam, Sài Gòn
Thật ra mà nói như bạn Tuấn Hưng thì bạn nói là giọng Hà Nội chuẩn, mình thấy chính bạn mới là người phân biệt vùng miền. Giọng chuẩn hay không là tùy thuộc vào thủ đô nằm ở đâu thôi. Bây giờ thủ đô ở HN thì dĩ nhiên là giọng HN là chuẩn rồi Tôi là một người gốc ngoài Bắc, cha tôi là cán bộ bên quân đội, nhưng thật sự tôi thích tính người Nam hơn. Người Bắc tính tình không cởi mở như người Nam.
Bé Crys viết như vậy nói chung là không nên bởi vì chúng ta nên tôn trọng những văn hóa của người địa phương hay là của vùng đó, nhưng mà các bạn HN lại chửi nặng như vậy thì quả thật là thấy được văn hóa và đạo đức của người HN cũng thật là suy tàn. Một lần nữa tôi cũng mong sao nước nhà chúng ta đừng phân biệt nữa mà hãy cùng nhau phấn đấu để phát triển đất nước.
M&S
Người Hà Nội chẳng bao giờ biết nhận khuyết điểm của mình. Người Sài Gòn chí ít họ cũng biết tiếp thu những gì họ bị phê phán và tích cực sửa chữa. Tôi yêu Hà Nội trầm lặng của những người Hà Nội trầm lặng. Chứ không phải một Hà Nội của những người phách lối, lúc nào cũng gào lên ta đây là người Hà Nội...
Candy
Chuyện của cô bé Crys kể cũng bình thường thôi, đâu có gì mà phân tích lớn lao quá. Tôi nghĩ ai đi tới đâu cũng để ý cái chỗ đó ra sao, đồ ăn thức uống có hợp khẩu vị mình không, v.v... Cô bé Crys viết ra cho ta đọc (thật ra là đọc ké vì cô bé viết trong blog của cô chứ không phải viết báo) còn biết bao nhiêu người khác có lẽ không nói ra thôi. Cô bé viết lên cái sự bực mình về bất đồng một cách dí dỏm nhưng có pha nét kiêu kỳ. Đâu ai cấm cô không được như vậy. Theo tôi, đọc để biết ý kiến của một người thôi chứ không cần phải dùng từ đao to búa lớn nào là xã hội có những đối lập về vấn đề triết học cổ kim, nào là đối nội, đối ngoại, hoà nhập, hoà tan, nào là văn hoá nước nhà, ngôn ngữ quốc gia, v.v.. Em Crys vui vẻ bình tâm học hành, làm việc nha. Đi đâu thấy có gì lạ lạ kể tiếp nha.
Võ
Tôi thì không có ý định phân biệt vùng miền nào cả vì bản thân gia đình tôi là cả một sự kết hợp hài hoà nên không dám chê khen gì cả.
Nhưng nghiệm lại suốt hơn hai mươi mấy năm đi làm thì tôi chỉ có nhận xét như thế này để các bạn xem có đúng không nhé: Nguời ở miền bắc rất là thực dụng nếu có dịp thì họ vơ tất cả, nguời tham nhũng hình như đa số là miền bắc vì họ lo xa lắm (lo tận cho tới đời cháu chắt lận). Việc kết bè phái, lôi họ hàng đồng hương vào làm trong cùng một cơ quan để thuận tiện trong việc tùng xẽo tiền nhà nước thì cũng giõi. Có máu lạnh trong việc vòi vĩnh đặt điều kiện hối lộ (mặc cả giá ghê lắm) thì cũng đạt điểm khá. Cái tính "thượng đội hạ đạp" thì không ai sánh kịp.
Theo tôi nghĩ bản chất con người VNam không là như thế! Nhưng do giáo dục, do chủ nghĩa vô thần bao nhiêu năm qua đã ăn sâu vào máu rồi. Họ đâu biết sợ "ác lai thì ác báo" hoặc phải rơi vào chín tầng địa ngục cho những cái xấu xa mà mình đã gây ra.
Mặc dầu chẳng ai biết bên kia thế giới là cái gì nhưng nó ít nhất nó cũng tạo cho mình một cái cảm giác sợ hãi khi thực hiện những điều ác. Mong rằng một ngày nào đó dân VN sẽ về với cội nguồn văn hoá mà dân tộc đã có tự ngàn năm xưa, chứ không phải của ông MácLê nào đó ở bên tận trời Tây.
Hoàng Mạnh
Tôi đã đọc những gì cô bé 19 tuổi - đang sống ở một thành phố phía nam trên đất mẹ Việt Nam yêu quý của chúng ta - nói về HN. Tôi hơi buồn vì những suy nghĩ của cô bé, thương cho em vì những nhìn nhận phiến diện, thương cho em vì thiếu sự giáo dục của gia đình. Nhưng càng buồn hơn khi qua đó biết thêm rất nhiều những ý kiến không đúng và có tính cổ súy những tư tưởng bóp méo hình ảnh về HN.
Tôi cho rằng nên chấm dứt vấn đề này ở đây, bởi một lẽ đơn giản như câu chuyện xem voi cuả ông cha ta thôi. Ở đâu cũng có những điểm chưa đẹp, vâng chưa đẹp. Nhưng đó là sự muôn màu của cuộc sống. Bên cạnh đó còn nhiều nét đẹp và điều đáng cho chúng ta phải lưu tâm, phải học bên canh hành trang vào WTO, ví như: học lại về tiếng Việt, văn hoá Việt, và lề lối ứng xử có văn hoá đẹp của ông cha ta và tự sửa những gì chưa đúng của mình.
Một điều quan trọng nữa, có lẽ nên lưu tâm là chúng ta cần có một cách nhìn bao dung với mọi sự việc, qua đó mới có thể đánh giá chính xác được vấn đề.
TLHT
Một con số rất đáng kể của tuổi trẻ 8x, 9x VN là như thế. Có vấn đề đối với thế hệ này. Với một ít kiến thức tin học và khả năng về tiếng Anh có được, họ xem như đã đủ mà chẳng cần gì hơn. Điều họ quan tâm thường là ăn chơi sao cho sành điệu, chỉ trau chuốt vẻ ngoài bản thân, tự ngắm nghía mình để rồi dò xét chê bai kẻ khác, vui hay buồn phần lớn chỉ phụ thuộc vào túi tiền còn hay đã cạn.
Kiến thức về văn hóa xã hội, cách giao tiếp ứng xử, qui tắc cơ bản về sinh hoạt cộng đồng hầu như là thứ “xa xỉ”. Sự việc trên chẳng có gì ngạc nhiên, là hiện tượng của kết quả được báo trước, khi mà ngành GD suy thoái kéo dài, xã hội VN ngày nay quá khuyến khích vui chơi hưởng thụ, và cả nước vẫn phải “đinhk hướng” (tức chưa rõ hướng).
Đó cũng là câu trả lời vì sao phản ứng của người Hà Nội lại mạnh mẽ như vậy. Xã hội VN đang có vấn đề!
Người Đà Nẵng
Bé Crys còn nhỏ, có bức xúc thì cũng không nên nói thế. Mỗi nơi có đặc trưng văn hóa riêng, cách ăn uống cũng khác. Em không nên nhận xét vậy. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, tất cả tạo nên thành bản sắc văn hóa VN, rât đa dạng. Các bạn trẻ cũng không nên xính ngoại thế, lòng tự hào dân tộc để đâu.
U23
Dĩ nhiên làm người VN thì có lẽ ai cũng muốn nước nhà thống nhất thu về một mối vì mình đều nói tiếng Việt cả.
Nhưng nếu xét về mặt văn hoá lịch sử các bác ạ, thì miền Nam và Bắc có thể tồn tại với tư cách là hai quốc gia riêng biệt mà không có vấn đề gì. Văn hoá miền Nam là văn hoá khai phá, nó quá khác với miền Bắc từ chương.
Đấy là em nói về mặt văn hoá lịch sử, chứ em không có ý chia rẽ ai cả và phản động thì em càng không vì nhà em ở miền Bắc, bố em là cựu bộ đội miền Bắc.
Giấu tên
Bạn ra Hà nội và gọi cơm tấm khác nào bạn vào hàng phở gà và bảo chủ quán cho cháu bát fở bò? Bạn làm sao có thể trách người mà cả đời ko biết cơm tấm?
Bạn có biết tôi vào sài gòn và hỏi món bún đậu, cũng chả ai biết tói đang hỏi đến món gì? Tiếp đó là bạn gọi cafe nhưng dùng tiếng miền nam mà bạn lại đổ lỗi cho dân hà nội thế này thế kia?
Thử hỏi tôi ở bắc, vào miền Nam và bảo bán cho tôi cái săm xem, họ có hiểu ko hay fải bảo là bán cho cái ruột? Bạn đi du lịch mà bạn chả hiểu gì về nơi bạn đến thì ko hiểu bạn đi làm gì? Bạn cho rằng cả HN phải hiểu bạn sao?
Vô danh
Không là bầu thì cũng là bí em ơi, cần phải "học ăn, học nói, học gói, học mở" trước rồi hãy học blog nhé. Chúc em học tốt.
Lan Chi, Hà Nội
Tớ nghĩ tác giả của cái blog đó chắc hẳn là con cái của tàn dư nguỵ Sài gòn nào đó trước kia. Chia rẽ sắc tộc, vùng miền dường như luôn là cái đích mà mấy ngoại bang ngắm đến thì phải?
Yêu Việt Nam
Bé Crys còn trẻ nên ăn nói không thận trọng làm nhiều người mất lòng. Nhưng bản thân tôi khi ra Hà Nội, khi hỏi đường, đã từng bị một người trả lời: "Ở đây chúng tôi không sống bằng nước bọt".
Cô tôi đi cùng với vợ tôi, chỉ nói cái này đẹp mua cho con bé đi, vợ tôi nói đã mua rồi, vậy mà bị bắt phải mua vì mới sáng mở hàng. Bản thân tôi nghĩ Hà Nội thanh lịch đã mất khi thành phần ưu tú của Hà Nội đã rời TP trong thời kỳ chiến tranh, thay vào đó là người dân tứ xứ vào Hà Nội sống. Hơn nữa trong 1 thời gian dài Nhà Nước ta chỉ lo dạy dân chủ nghĩa Mác Lê Nin, bỏ bê đạo đức công dân, tôn giáo không được phát triển để giúp người dân hướng thiện.
Mọi người lại sống qua thời chiến tranh ác nghiệt khốn khó, tranh nhau để sống nên sinh ra lối sống ích kỷ như bây giờ.
Nếu bạn hỏi đường ở Sài Gòn, một ông xích lô nghèo khổ vẫn chỉ đường tận tình, có khi dẫn cho đi 1 đoạn. Một bà bán bánh mì bên đường có thể cho bạn ăn nợ mà chưa biết bạn là ai. Mong rằng chính phủ ta thấy được những cái sai để dần dần hồi phục nếp sống thanh lịch của người Hà Nội.
Nhân cách con người hình thành bởi cộng đồng xung quanh qua thời gian dài. Việc này khó nhưng không thể không làm được.
No Name
Tôi thấy cô bé cũng rất cá tính. Cô bé dường như cũng khá sính ngoại (pha ngoại ngữ trong viết và nói) nhưng lại không không sính nội lắm. Thanh niên thời "hip hop" mà lại.
Tuấn Hưng
Tôi sinh ra lớn lên ở Hà Nội, hiện làm việc ở TP. HCM. Tôi cũng cảm thấy một số món ăn, ngôn ngữ khác biệt nhưng đó là khách quan vì mọi địa phương đều có nét văn hóa riêng.
Tuổi đời của Bé Crys còn rất trẻ, em nên chịu khó tìm tòi để hiểu hơn văn hóa nước nhà. Còn về ngôn ngữ, tiếng Hà Nội là chuẩn nhất, đó là ngôn ngữ quốc gia, khỏi bàn làm chi cho mất thời gian.