-
Moderator
P - Phải học làm Dân! Phải làm Dân
PHẢI HỌC LÀM DÂN ! PHẢI LÀM DÂN !
Quý độc giả thân mến,
Tôi rất ngần ngại viết những hàng chữ này, vì câu chuyện xảy ra khá tế nhị, có thể mỗi người sẽ có một cảm thức và phản ứng khác hẳn nhau trước câu chuyện. Khác nhau là dĩ nhiên, nhưng cái khác ở đây có thể là mâu thuẫn nặng nề, thậm chí có thể gây hiểu lầm tai hại.
Thế nhưng Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng, nếu không, chúng ta sẽ có ngày phải đối diện với sự thật, lúc đó khó có thể cứu vãn và bộ mặt của Giáo Hội Thánh sẽ một ngày một xấu đi. Tất cả chúng ta đang đứng trước những thách đố của thời đại, cả Tin Mừng nữa, theo một cách nào đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của chúng ta.
Tôi được nghe một câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại. Thật ra những câu chuyện tương tự như thế này bản thân tôi và quý độc giả có lẽ cũng đã thường nghe, thậm chí đích thân đã va chạm nữa. Chuyện là thế này...
Ông cụ chưa già lắm, khoảng trên 70 thôi, người ở vùng quê miền đông Nam bộ, vừa đau xót mất một người con trai trạc 50 vì tai biến, cụ kể cho tôi nghe về cách đối xử của cha xứ với gia đình cụ và với chính bản thân cụ. Ngay sau tang lễ, vì nhà xa nên cụ phải nhờ một người cháu chở Honda đến nhà xứ để cám ơn cha xứ, nhưng cha xứ đã không ra tiếp cụ già mặc dầu rõ ràng cha đang có ở nhà, không bận bịu chuyện gì hệ trọng cả !
Ông cụ chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ, quá bức xúc, người cháu nội của cụ, là con trai của người vừa qua đời, đánh bạo vào thẳng trong nhà xứ, gõ cửa phòng cha xứ và nhắc rằng: “Ông nội con chờ cha đã quá một tiếng rồi ạ !” Lạnh lùng với hai chữ “được rồi !”, mười lăm phút sau cha xứ mới lững thững đi ra.
Giọng nhát gừng, cha xứ hỏi ông cụ: “Nhà tang có xin lễ cha khách không đấy ?” Cụ già đáp: “Thưa cha không, cha nhà con không nhận lễ”. Lại hai chữ lạnh lùng: “Được rồi !” Ngài quay mặt đi vào, không một lời chào hỏi. Bây giờ đang khi ông cụ kể lể than thở với tôi, anh cháu nội ấy buông một câu chêm vào: “Cha xứ thật là bất lịch sự !” Phản ứng như thế chúng ta thấy là chuyện dễ hiểu, anh ta tuy xuất thân từ “nhà quê” nhưng đã lên thành phố học và đang làm việc trong một công ty nước ngoài, anh dư khả năng để nhận định về thái độ không hay của cha xứ.
Thế còn chính vị Linh Mục là “cha nhà” trong câu chuyện thì kể thêm cho tôi nghe: Mình từ Sài-gòn về, trước hết vào chào cha xứ, ngài tiếp mình một cách hết sức lạnh lùng. Mình xin phép ngài được dâng lễ tang cho người trong gia đình mà mình hết sức thân thiết, thậm chí còn mang ơn họ đã từng giúp đỡ mình nữa, ngài trả lời: “Không dám, cha muốn dâng thì cứ dâng”. Mình ngỡ người nhà thông tin sai vì trước đó người nhà báo rằng cha xứ rõ ràng đã mời mình dâng lễ nên mình thưa rằng: “Thưa cha, con không chuẩn bị dâng lễ, con chỉ đến tham dự để cầu nguyện”. Lúc đó ngài mới đổi giọng lịch sự hơn để mời mình dâng lễ. Lễ xong đứng lại ở nhà xứ trao đổi, ngài than thở rằng cứ phải làm lễ an táng hoài, chán qua, cũng bằng đó người dự, giảng đi giảng lại hoài, không biết nói gì, có cha về dâng lễ thay cho đỡ quá !
Một chuyện thứ hai xin được kể với quý độc giả, chuyện đã khá lâu nhưng các chi tiết tôi vẫn không thể nào quên:
Một lần tôi đi giảng và dùng cơm chiều tại một nhà xứ nọ. Giữa bữa, một ông trùm vào thưa với cha xứ về việc có một gia đình cần gặp, ông trùm nói nhỏ với cha xứ điều gì tôi không nghe được, cha xứ khoát tay bảo với ông trùm: “Ra bảo với họ: cha xứ đang ăn cơm với cha khách”. Nghe vậy, tôi đã vội vàng thưa: “Xin cha đừng bận tâm về con, cha cứ giải quyết việc cho họ”. Mhưng ngài bảo: “Mặc kệ họ, cha mà ra tiếp, thì họ quấy rầy cả ngày”.
Thế rồi bữa cơm chậm rãi trôi qua, hơn một tiếng sau tôi chào ngài ra về. Ra đến cửa nhà xứ thì sao lại lố nhố đông người ngồi bệt xuống nền xi-măng mà chờ chực thế này ? Thấy tôi ra, họ vội vàng đứng lên, tôi hỏi họ, mới biết trong gia đình họ có người vừa qua đời, việc đầu tiên là phải vào trình cha xứ, vì cha xứ là người sẽ quyết định giờ và ngày cử hành tang lễ, tất tần tật ! Không xin ý kiến thì có mà chết !
Hôm ấy, ăn cơm ngon và no căng, nhưng tôi đã ra về với một cõi lòng hoang mang buồn bã, lẽ nào một ông cha khách là tôi mà lại là nguyên cớ làm cho tang gia người ta phải chịu khổ lụy phiền toái quá đáng như thế ư ?
Trong Dòng chúng tôi có cha Trần Sĩ Tín, một ngươi duy nhất còn lại trong bốn người lên Tây Nguyên theo chương trình loan báo Tin Mừng cho anh em dân tôc Jarai, bây giờ quanh ngài đã có hơn một chục Linh Mục trẻ, anh em ngược xuôi mọi nẻo đường rừng để nối bước cha anh. Bốn anh em đầu tiên lên Tây Nguyên đã chọn cách sống giữa bản làng dân tộc, học làm người dân tộc, lặng im thấm nhuần máu dân tôc, để từ đó máu dân tộc thấm nhuần Tin Mừng, khi Chúa Thánh Thần tuôn đổ mưa xuống thì những hạt giống âm thầm bộc phát nảy mẩm không gì ngăn cản nổi.
Nhiều lần trong các trao đổi, ngài trăn trở băn khoăn về cách đào tạo. Hình như nhìn chung người ta đã đào tạo một Giáo Sĩ để làm quan, làm cha mẹ người khác thay vì làm dân cùng với người dân ! Bởi thế mới có những lối ứng xử như hai câu chuyện kể trên. Làm thầy chỉ biết phán biết dạy thay vì chịu khó lắng nghe, mà như thế cũng sẽ không có khả năng nghe được tiếng Chúa nói trong và nói qua anh em mình.
Cha Sỹ Tín bảo chúng tôi hãy thử ngồi im một ngày nghe Giáo Dân của mình người ta trao đổi với nhau, kể chuyện với nhau về những gì Chúa làm cho họ. Người dân tộc trên Giáo Điểm của cha mỗi ngày thứ sáu họ kể chuyện về Chúa cho nhau nghe, họ làm chứng về quyền năng của Chúa cho nhau biết và cha đã ngồi nghe họ từ sáng đến chiều. Ngài cứ nhắc đi nhắc lại, phải học làm dân, phải làm dân !
Tôi xin kết thúc câu chuyện không vui ở đây, chỉ xin được nói rằng, đầu thế kỷ thứ 20, Giáo Hội đã đánh mất người nghèo, đánh mất nông thôn, đánh mất giới vô sản để gần gũi đi lại với giới quý tộc, gần gũi với giới nhà giàu, hậu quả như thế nào trong nhiều chục năm qua chúng ta đã thấy. Đến đầu thế kỷ 21 rồi, đừng để xảy ra điều đáng tiếc ấy nữa...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ sáu 25.4.2008
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules