SUY NIỆM THÁNH KINH CHÚA NHẬT 24 QUANH NĂM C (Xh 36, 7-11, 13-14)



Ông Môsê ở trên núi 40 đêm ngày. Dân Do Thái không thấy ông xuống và không biết chuyện gì đã xảy ra, họ đúc một con bò vàng và nhảy múa thờ lạy tượng: “Hỡi Israel đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ Ai Cập”.

Đây là tội tập thể, tội tầy đình, phản bội Chúa, Đấng đã giơ cánh tay uy hùng đưa họ ra khỏi Ai Cập. Đức Chúa nổi giận, đe hủy diệt hết dân Do Thái và làm cho con cháu Môsê thành một dân lớn thay vì dân Do Thái. Chúa đánh phạt thì còn ai chống nổi?

Chống lại Chúa thì không ai chống lại được, nhưng có cách làm Chúa nguôi cơn thịnh nộ, đó là cầu xin. Phải, Môsê là người Chúa yêu dấu tín nhiệm. Môsê đứng ra cầu nguyện cho dân. Ông rất thương dân và chỉ nghĩ đến số phận của dân, vì theo lời Chúa đe: Chúa sẽ hủy diệt dân và sẽ cho dòng dõi Môsê trở thành một dân lớn, thay vì dân Do Thái. Việc đó hại cho dân, nhưng lợi cho Môsê. Môsê bỏ quên lợi ích riêng mình mà chỉ quan tâm đến lợi ích chung của dân. Ông cầu xin Chúa tha thứ cho dân mà Chúa đã giơ cánh tay uy quyền đưa ra khỏi Ai Cập. Họ phản bội, đó lẽ tội đáng chết. Nhưng còn lời hứa của Chúa với các tổ phụ Abraham, Jacob và Israel thì sao? Chúa là đáng tín trung không bao giờ rút lại lời giao ước. Chúa chấp nhận lời cầu của Môsê và tha cho dân khỏi bị tiêu diệt.

Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử thế giới, chúng ta nghe nói rất nhiều về những lời tiên báo Thiên Chúa sẽ thanh tẩy toàn thể thế giới. Lời tiên báo ấy chỉ là lời đe dọa có điều kiện: nếu nhân loại không hối cải. Vậy hối cải là điều kiện để tránh được việc thanh tẩy. Chúng ta hãy tin lời Chúa, khiêm nhường cầu xin và thành tâm thống hối. Nếu không hoàn toàn thoát được việc thanh tẩy, ít ra cũng bớt được cường độ của điêu tàn.


Lm. Giuse Nguyễn ngọc Lưu