2. Hội Đồng Giáo Xứ: cánh tay nối dài của cha sở.


Cha sở không thể cùng một lúc mà hiện diện khắp nơi trong giáo xứ của mình, bởi vì ngài không phải là...Thiên Chúa, do đó mà cánh tay ngắn ngủi năm tấc của ngài cũng không thể vươn tới những khu xóm hoặc những gia đình trong giáo xứ, cho nên Hội Đồng Giáo Xứ chính là cánh tay nối dài của cha sở mình.

Những thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ chắc chắn sẽ có những trình độ và khả năng không giống nhau, và nếu cha sở là người luôn nhìn thấy được thánh ý Chúa nơi các cộng sự viên của mình, thì những cái “không giống nhau” ấy sẽ là những lợi thế để cha sở khuyến khích họ phát huy khả năng của mình, và với tài “dụng nhân như dụng mộc” của ngài, thì việc trình độ và khả năng khác nhau của họ sẽ bổ sung cho nhau, để giáo xứ như một tòa nhà được xây dựng bởi các vật liệu không giống nhau, nhưng thật sự bổ sung cho nhau.

Mỗi xóm giáo đều có một thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ, chính vị này sẽ là cánh tay nối dài của cha sở trong xóm giáo mình: ai bệnh nặng, ai cần đưa Mình Thánh Chúa, ai cần xức dầu.v.v...thì chính vị này sẽ biết và báo cáo cho cha sở. Gia đình nào neo đơn cần giúp đỡ, trẻ em nào không thể đến trường vì gia đình nghèo.v.v...tất cả những việc đó cha sở làm gì biết được nếu không có “cánh tay nối dài” của mình báo lại sự việc !

Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng đã mấy ngày, bụng đói rồi, ai mách với Chúa Giê-su là “ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”(Ga 6, 9a) , đó không phải là các tông đồ đã báo cáo cho Ngài biết sao ? Và phép lạ bánh hóa nhiều nuôi hơn năm ngàn người ăn đã được thực hiện, người ta không những ăn no nê mà còn thu lại được mười hai thúng đầy.

Có một vài giáo xứ mà những “cánh tay nối dài” của cha sở không vươn đến được các khu xóm, bởi vì có một vài “cánh tay nối dài” chưa thực hiện được trách nhiệm và bổn phận của mình, họ coi việc được làm trong ban Hội Đồng Giáo Xứ là một giai cấp ăn trên ngồi trước các giáo dân khác, cho nên họ hành xử như là một cha phó của cha sở: chỉ tay năm ngón, cũng hạch sách giáo dân, cũng to tiếng nạt nộ người này người nọ, đôi lúc làm cho giáo dân cảm thấy bất mãn và không muốn đến nhà thờ vì có những “cánh tay nối dài” ấy. Đương nhiên cha sở biết rõ từng “cánh tay nối dài” của mình, và dùng tình yêu thương của một mục tử nhân hậu mà nhắc nhở để giúp họ thấy được việc mình đang làm là phục vụ chứ không phải được phục vụ...


C. TƯƠNG QUAN VỚI CÁC HỘI ĐOÀN.



Giáo xứ là một cộng đoàn được quy tụ để cùng nhau tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa ngay tại trần gian này, và đó chính là nét nổi bật của Giáo Hội Công Giáo, nói lên tinh thần hiệp nhất, tương thân tương ái để cùng nhau nên thánh. Do đó, chúng ta có thể định nghĩa rằng: Một giáo xứ lớn mạnh và phát triển là một giáo xứ có các hội đoàn, có các ban ngành đang hoạt động trong giáo xứ, mà cha sở chính là nhân tố quyết định để các hội đoàn sống động, các ban ngành hăng say làm việc tông đồ.

Tùy theo nhu cầu của giáo xứ mà cha sở thành lập các hội đoàn như:

- Thiếu Nhi Thánh Thể.

- Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae).

- Hội Con Đức Mẹ.

- Giới Mẹ Gia Đình, giới cha Gia Đình.

- Hướng đạo.

- Ca đoàn.

- Ban giúp lễ (lễ sinh).

- Ban xã hội.v.v...

Cha sở chính là vị tuyên úy cao nhất của các đoàn thể trong giáo xứ, và có cha phó hoặc các nữ tu cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ hướng dẫn các hội đoàn đi đúng mục đích của nó là: nên thánh, truyền giáo và trở nên mẫu mực cho mọi người.

Tương quan giữa cha sở và các hội đoàn trong giáo xứ là điều hết sức quan trọng, và bởi vì ngài là linh hướng của các hội đoàn, cho nên ngài có bổn phận nói “câu chuyện dưới cờ” cho họ, tức là ngài ban của ăn tinh thần cho nó được sống và hoạt động, do đó mà ngài có bổn phận phải nghiên cứu tôn chỉ và mục đích của các hội đoàn đã được thành lập trong giáo xứ, để không còn cảnh nói qua loa, lập lại, nói chung chung như có một vài cha sở đã làm, nghĩa là hội đoàn nào ngài cũng đều giáo huấn như nhau, mà không khơi dậy tinh thần tôn chỉ mục đích của hội đoàn ấy. Cho nên, chúng ta không lạ gì có những hội đoàn trong giáo xứ chỉ loe ngoe vài mạng, nguyên nhân sa sút thì có nhiều, nhưng nguyên nhân lớn nhất là họ không tìm thấy ân sủng của Thiên Chúa ban cho qua đoàn thể mà họ đang tham dự, bởi vì có lẽ cha sở ít quan tâm, ít gần gủi với họ, ít chia sẻ kinh nghiệm tu đức với họ chăng ?

Hội đoàn trong giáo xứ thì nhiều, nhưng nếu cha sở coi trọng hội đoàn này mà coi nhẹ đoàn thể khác, thì sự chia rẻ trong giáo xứ sẽ có cơ hội bùng phát, và các hội đoàn sẽ trở thành những phe nhóm nói xấu nhau, tranh giành ảnh hưởng trong giáo xứ mà quên mất mục đích của hội đoàn mình là phục vụ Thiên Chúa qua giáo xứ, quên mất bổn phận của mình là làm cho nhiều người được biết Chúa hơn qua đời sống cá nhân và của hội đoàn mình. Điều này càng không thể tránh được khi trình độ về giáo lý của giáo dân còn kém, về quan niệm nhận thức sống đạo của những người già và lớp người trẻ quá chênh lệch nhau, của những giáo dân cấp tiến và bảo thủ trong đời sống tôn giáo.

Bảo vệ sự hiệp nhất giữa các đoàn thể trong giáo xứ là trách nhiệm của cha sở với sự cộng tác của Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành, hoặc nói cách chính xác hơn: cha sở là người tạo nên sự đoàn kết các thành phần trong giáo xứ, bởi vì ngài là đầu nên ngài hướng dẫn, ngài là cha nên ngài là đầu nối hòa giải giữa con cái trong nhà với nhau, ngài là mục tử nên ngài đối xử bình đẳng với tất cả con chiên của mình mà không phân biệt chiên ghẻ hay chiên lành.

Các hội đoàn đều bình đẳng

Tất cả các đoàn thể được thành lập trong giáo xứ đều là vì ích lợi cho phần rỗi của giáo dân, đều thuộc về giáo xứ mà cha sở là người lãnh đạo cao nhất của hội đoàn, là người chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội về các hội đoàn trong giáo xứ của mình.

Có một vài giáo xứ mà cha sở coi trọng hội đoàn này, vì những thành viên trong hội đoàn ấy làm được nhiều việc cho giáo xứ và cho cha sở, như hội mẹ gia đình, hoặc hội Legio Mariae, và coi nhẹ đoàn thể kia vì họ chẳng làm gì to tát cho giáo xứ như ban giúp lễ, nhóm chia sẻ Lời Chúa. v.v...chính việc “kỳ thị” ấy của cha sở đã ươm mầm chia rẻ giữa các giáo dân trong giáo xứ của mình, và khiến cho uy tín của cha sở giảm xuống trong việc quản trị và giáo huấn giáo xứ của mình. Bởi vì cha sở là gia trưởng của đại gia đình giáo xứ, các đoàn thể là những phương tiện hữu ích, làm cho người tín hữu dễ dàng đạt đến sự thánh thiện khi tham gia sinh hoạt trong một hội đoàn, cho nên tính cách công bằng, vô tư và yêu thương của ngài, cần phải trãi dài trên tất cả các hội đoàn trong giáo xứ không phân biệt một đoàn thể nào.

Mỗi hội đoàn đều có tôn chỉ và mục đích của nó, cha sở -sau khi nghiên cứu- thì đặt một phần trách nhiệm của giáo xứ trên hội đoàn ấy, chẳng hạn như: trách nhiệm của hội đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể là giáo dục và hướng dẫn thiếu nhi trong giáo xứ; hội Con Đức Mẹ thì quy tụ các thiếu nữ trong giáo xứ lại với nhau để học hỏi giáo lý và phục vụ Chúa; hội các bà mẹ thì cổ võ nhau dạy dỗ con cái, noi gương Đức Mẹ Maria chăm lo cho gia đình. v.v... và đó chính là trách nhiệm xây dựng giáo xứ của hội đoàn, nhưng quan trọng hơn và trước hết là cha sở phải quan tâm và hướng dẫn mọi đoàn thể sống Lời Chúa, qua chính cuộc sống của mỗi thành viên trong các hội đoàn, để hội đoàn có sức sống vươn lên và tồn tại.

Đương nhiên, không buộc cha sở phải luôn tham dự các buổi họp nếu nội quy của hội đoàn không buộc phải có vị linh hướng tham dự, bởi vì có cha phó hoặc các nữ tu đảm nhiệm phần linh hướng thay mặt cha sở, nhưng chính ngài cần phải động viên, và, ít nữa mỗi tháng một lần đến tham dự với các đoàn thể, để khích lệ tinh thần của họ. Việc làm này làm cho các hội đoàn trong giáo xứ cảm thấy “an tâm” hơn, vì họ thấy cha sở luôn hiện diện với họ, bởi vì đứa con nào cũng cảm thấy an tâm khi có cha mẹ cùng đi với chúng nó, đàn chiên nào cũng cảm thấy an toàn khi có vị mục tử dẫn dắt luôn đi sát bên chúng nó.

Bình đẳng giữa các hội đoàn trong giáo xứ cũng là một sức mạnh tiềm tàng của giáo xứ, và nói lên được bản lĩnh lãnh đạo của cha sở, bởi vì thành công nhất của cha sở không phải là xây dựng nhà thờ, nhưng là xây dựng một giáo xứ hòa thuận, yêu thương và bình đẳng.

Lời kết

Mỗi thời mỗi khác, mỗi thời mỗi thay đổi, nhưng vai trò lãnh đạo và phục vụ của cha sở trong một giáo xứ thì không khác gì cả, có khác chăng là cha sở chỉ là người được sai đến với các giáo xứ, và sẽ thay đổi khi thời hạn phục vụ đã mãn, và giáo xứ thì vẫn luôn là giáo xứ của giáo dân, cho nên vai trò lãnh đạo của ngài luôn cần được sự hổ trợ của ơn Chúa Thánh Thần và sự giúp đỡ của các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ của ngài, mà cụ thể là các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành đoàn thể do ngài thành lập hoặc đã được thành lập từ trước.

Những tương quan nầy rất phức tạp, không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng là do quá trình phục vụ, xem xét, suy tư, bàn hỏi và cầu nguyện của cha sở cũng như sự hợp tác của giáo dân mà có.

Tương quan giữa cha sở với các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ, không phải là tương quan của một chủ nhân ông thích sai khiến hơn là làm việc, thích nóng nảy hơn là trầm tĩnh, thích được cung phụng hơn là phục vụ; cũng không phải là tương quan của một giám đốc thích hạch hỏi hơn là tìm hiểu cảm thông, thích la lối thóa mạ hơn là suy tư, thích đòi hỏi hơn là bắt tay làm việc, nhưng là một tương quan được đặt trên nền tảng yêu thương của Đức Ái, mà thánh Phao-lô tông đồ đã dạy qua thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-sô 4, 31-32:“Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại bỏ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” , chỉ có trong Đức Ái thì sự tương quan giữa cha sở và các thành phần giáo dân trong giáo xứ mới trọn vẹn, có ý nghĩa mà thôi.

Xã hội càng phát triển thì giáo dân sẽ như những cánh chim bay đi tìm cuộc sống mới, tìm kế sinh nhai nơi các công trường, công sở và giáo xứ sẽ có những đổi thay nhiều mặt, mà nét nổi bật nhất chính là sự tương quan giữa cha sở và giáo dân sẽ không còn mặn nồng như trước đây nữa, giáo dân đến nhà thờ sẽ ít hơn. Do đó mà cha sở phải luôn là người chủ động làm cho các tương quan này ngày càng củng cố hơn bằng cách chủ động cùng với Hội Đồng Giáo Xứ đi thăm viếng giáo dân, chủ động đưa ra những hoạt động tông đồ với sự cộng tác của các hội đoàn trong giáo xứ, để các thành phần giáo dân trong giáo xứ có cơ hội tham gia và càng cảm thấy yêu mến giáo xứ nhiều hơn...

Lời nguyện của cha sở:

Lạy Chúa Giê-su,

Đấng là mục tử nhân lành và hay thương xót,

Đấng rất khiêm nhường và rất yêu thương,

Chúa đã xuống thế làm người,

để nối lại tương quan giữa con người

với Thiên Chúa Cha,

đó là tương quan giữa cha và con

mà nguyên tổ chúng con đã đánh mất

trong vườn địa đàng.

Hôm nay,

Chúa đã chọn con làm mục tử của đàn chiên Chúa,

trong giáo xứ giữa những giáo dân,

để con trở nên chiếc cầu nối giữa những tương quan:

tương quan giữa Chúa với con người

tương quan giữa cha sở với giáo dân

tương quan giữa cha sở với các tu sĩ nam nữ

tương quan giữa giáo dân với nhau,

để tình thương của Chúa được hiện diện trong giáo xứ,

và triển nở trong tâm hồn các giáo dân.

Nhưng con tài hèn sức yếu, với nhiều khuyết điểm,

xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan

để con biết hướng dẫn đàn chiên.

Ban cho con ơn nhẫn nại

để con biết thông cảm và chờ đợi.

Ban cho con ơn vui vẻ

để con biết mĩm cười trước những chống đối.

Ban cho con ơn đạo đức

để con sống noi gương Chúa là vị mục tử nhân hậu.

Để con trở nên một cha sở khiêm tốn,

một mục tử hy sinh, và một người cha nhân hậu,

hết mình vì đàn chiên...

Amen.

Lễ thánh Phê-rô và Phaol-lô

29.6.2007


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.