Hiệp nhất


Có người lầm tưởng đền thánh Phêrô là trung tâm điểm của Kitô giáo. Theo truyền thống và lịch sử thì danh dự này thuộc về thánh đường Gioan Lateran, nhà thờ chính toà Roma. Vương Cung Thánh Đường Lateran do Constantine, vua Công Giáo đầu tiên, xây đầu thế kỉ thứ Tư, được coi là đền thánh Mẹ Giáo Hội hoàn vũ. Mừng kính đền thánh Lateran hàng năm nhắc nhớ Kitô hữu tinh thần hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo Hội, dù người đó sống ở chân trời góc biển nào cũng có thể hợp thông qua ngày lễ kính truyền thống này. Lateran thành Đền Thánh hoàn vũ vì là nhà thờ chính tòa do giám mục Roma coi sóc, đấng kế vị thánh Phêrô, Tông Đồ.



Hiệp thông với Giáo Hội trung ương qua hiệp thông với giáo hội địa phương. Mỗi giáo phận có nhà thờ chính toà riêng, dưới sự coi sóc của giám mục địa phương. Giám mục là người kế vị các thánh Tông Đồ kiện toàn công việc Chúa trao: Bảo vệ Giáo Hội, đóng vai trò giảng dậy, giáo huấn và làm chứng cho Tin Mừng. Nhà thờ chính tòa địa phương là nhà thờ mẹ và các xứ đạo hiệp thông với giám mục giáo phận. Nhà thờ chính toà địa phận hiệp thông với Thánh Đường Lateran hoàn vũ.

Thánh địa

Toà nhà xây bằng đất đá tự nó không linh thánh. Nó là công trình kiến tạo của bàn tay, khối óc con người. Toà nhà này trở thành linh thánh không phải vì kiến trúc hài hoà, đẹp đẽ; cũng không phải được trang trí lộng lẫy bằng cẩm thạch, bạc vàng với hình ảnh Chúa và các thánh, công trình của các hoạ sĩ, điêu khắc gia lừng danh trong lịch sử, cũng không phải do tính lịch sử cổ truyền tôn giáo hay sắc dân. Toà nhà trở thành linh thánh vì


  • Thiên Chúa là Đấng Thánh muốn ngự trong toà nhà đó.
  • Dân Chúa tụ họp để cầu nguyện.




Chính điểm– Chúa muốn và dân Chúa tụ họp- biến công trình kiến tạo do tay người làm ra trở nên linh thánh, biến thành Nhà Chúa. Nơi đâu dân Chúa tụ họp cầu nguyện thì Chúa ở giữa họ. Nơi đâu có Chúa nơi đó trở thành nơi thánh. Thánh đường là đất thánh là do ơn Chúa ban, do Chúa muốn ngự giữa dân Ngài nên nơi đó trở thành nơi thánh. Chúa là đấng duy nhất biến một nơi tầm thường thành nơi thánh. Chúa là đấng duy nhất biến con người chúng ta thành thánh qua bí tích thanh tẩy. Làm sao Thiên Chúa có thể làm ngơ để đền thờ Thánh Thần Chúa ra dơ bẩn và hình ảnh Chúa phai nhoà do ảnh hưởng của tội.

Ngay từ ban đầu mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ngay lúc sáng tạo Chúa muốn chúng ta được tái tạo theo hình ảnh Chúa. Ý định tạo dựng con người sống đời sống thánh thiện là ý định nguyên thủy của Chúa. Tội lỗi phá hủy đền thờ và hình ảnh Chúa. Bí tích ThánhTẩy mang ơn thánh hoá đền thờ Thánh Thần Chúa và làm trong sáng hình ảnh Chúa trong ta. Chúng ta trở nên trọn lành, lành thánh không phải do sức riêng, tài trí riêng, việc đạo đức riêng mà chính là đặc ân Thiên Chúa ban.

Cao ngạo

Con người không có khả năng làm cho mình nên thánh hoặc biến nơi nào đó thành nơi thánh. Mọi cố gắng biến vùng đất lớn nhỏ nào đó thành đất

thánh đều mang ý nghĩa trần tục, trái nghĩa thần thiêng trong Thiên Chúa Giáo. Tự kiêu, cậy vào tiền tài thế lực ép người khác thuần phục nơi mình muốn là nơi thánh tự nó đã nói lên ý tưởng phạm thánh rồi. Hành động này không thể là hành động thánh. Không đến từ Đấng Thánh hẳn đến từ ma quỷ.

Phụng tự

Thánh đường, nhà Chúa, còn là nơi con cái Chúa tụ họp cùng dâng lời cảm tạ tình yêu Chúa, cùng cao rao Danh Chúa, thổ lộ tâm sự cùng Chúa và dâng lời cầu nguyện cho chính mình và cho các anh chị em Kitô hữu khác. Phụng tự trong Giáo Hội, ngoài tập tục địa phương, phần chính trong phụng tự thể hiện tính chất hoàn vũ. Tập tục địa phương thêm vào để làm cho việc phụng tự vốn đã phong phú được trở nên phong phú hơn, đồng thời biểu lộ tính đa dạng trong phụng vụ.

Phần thêm vào này được khuyến khích nếu việc thêm đó nói lên tính chất hoàn vũ và tinh thần hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu. Mục đích chính không phải đề cao dân tộc tính. Mục đích chính làm cho việc ca tụng, thờ phượng Chúa trở nên sốt sắng, thánh thiện, đi sâu vào lòng người qua đó biến đổi, thanh tẩy, thánh hoá cuộc sống của người Kitô hữu để họ sẵn sàng chia sẻ tình yêu Chúa cho anh chị em khác, sống làm nhân chứng Tin Mừng cho mọi người.

Sai đi

Chính vì thế mà lời sai đi cuối lễ đóng vai trò quan trọng trong sứ mạng chứng nhân Tin Mừng.

Lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an để yêu thương và phụng sự Chúa.

Lễ xong mang ý nghĩa phần phụng thờ, học hỏi Lời Chúa tạm xong. Kế tiếp là phần thực hành sống Lời Chúa. Anh em được sai đi để yêu và phụng sự Chúa. Ra đi làm chứng nhân Tin Mừng, mang tin yêu cho đời. Anh em cần bình an vì khi anh em làm chứng nhân sẽ gặp khó khăn, chống đối tứ phía. Phá đền thờ Chúa Thánh Thần và làm dơ hình ảnh Chúa trong anh em là mục đích tối hậu của ma quỉ. Chúng trực tiếp cám dỗ hay ném đá dấu tay, mượn người khác phủ dụ anh em vào con đường sai trái.

Lời Chúa và các Bí Tích thánh ban sức mạnh, ân sủng giúp anh em thừa sức bảo vệ đền thờ và hình ảnh Chúa trong anh em.


Lm Vũ đình Tường