MỘT CON NGƯỜI,
MỘT BÁC SĨ,
MỘT TÍN HỮU
Viết về Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn đối với tôi là một cuộc trở về, trở về với quá khứ của một con người cũng như trở về với chính mình. Một con người trước đây đầy quyền lực trong một xã hội quyền thế. Với chính mình vì phải làm một cuộc ngoảnh mặt với những biến cố ít nhiều đã gây nhức nhối một thời... để tìm về một cái gì sâu thẳm hơn còn dấu kín trong lòng người, để có thể vươn cao hơn cái tầm thường của bản tính nhân loại và qua đó khám phá được Chân Lý tiềm ẩn nơi họ. Chân Lý đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sâu thẳm của lòng người vì “con người là đường đi của Giáo Hội” mời gọi ta tôn trọng và yêu thương.
Cần nói thêm là những gì tôi viết ra đây phần rất lớn là do những lần tâm sự của hai Ông Bà. Có thể có những điều báo chí đã biết và viết về Bác Sĩ, nhưng những chia sẻ sau đây dành cho Hiệp Thông là hoàn toàn những chia sẻ thâm tình mà Bác Sĩ và Chị đã gởi gắm vào tôi “ước mong một ngày kia Soeur Quỳnh Giao có dịp viết về mình với những tâm tư thầm kín sâu thẳm nhất của tôi dành cho Soeur”. Giờ đây với Hiệp Thông, tôi lại có dịp viết về Bác Sĩ và Chị Yến.
I. CON NGƯỜI
Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn người gốc làng Nghĩa Đỏ, huyện Từ Liêm. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ngoại thành Hà Nội. Cha mẹ không có cơ may học hành, không thể hướng nghiệp gì cho chàng trai trẻ. Học hết phổ thông, anh Ngoạn nộp đơn xin vào Đại Học Y Hà Nội. Năm đó là năm 1955. Ngày nộp đơn, bạn bè cũng như cha vợ tương lai ngăn cản và nài xin con gái “cố gắng khuyên Ngoạn nên đổi nghề khác chứ làm nghề ấy khổ lắm!”. Nhưng sau lần đi khuyên ấy, người bị thuyết phục lại là con gái cụ, bởi “em yêu anh nên muốn điều anh muốn”. Nhắc lại chuyện xưa, Chị Yến cười nói: “Em nói, nhưng anh ấy có nghe đâu, lại còn bảo: ‘Em ủng hộ anh nhé!’ Nói sao đây, kệ anh!”
Tháng 2, 1962, tốt nghiệp y khoa, với lời thề Hippocrate, Bác Sĩ Ngoạn nắm tấm bằng trong tay và mới cưới vợ chưa đầy 1 tháng, sống với vợ vỏn vẹn chừng 10 ngày để biền biệt đi mãi, chàng Bác Sĩ trẻ 27 tuổi Trần Hữu Ngoạn lại làm cho ông cha vợ một phen ‘sốc’ lần nữa khi xung phong vào làm Bác sĩ ở khu điều trị phong Quỳnh Lập. Chị Yến tâm sự: “Lúc đó em được 18 tuổi. Để em khỏi bịn rịn khóc lóc, anh ấy chờ em đi dạy, viết lại mấy chữ đặt ở bàn nước rồi khoác balô lên đường. Em không hề được hưởng hạnh phúc lâu dài với anh. Đến giờ Soeur biết không gần hơn 35 năm chung sống, anh chỉ ở với em tổng cộng nhiều lắm hơn 18 tháng!”
Một điều thú vị mà có lẽ nhiều người không biết, Bác Sĩ Ngoạn là một người Hà Nội ham mê âm nhạc từ nhỏ. Khi chứng kiến niềm vui rạng rỡ của Bác Sĩ dịp đi Mỹ dự một Hội Nghị Phong quốc tế năm Bính Thìn, Bác Sĩ khoe một trong những “thắng lợi” của chuyến đi này: “Một bác sĩ Mỹ tặng toàn bộ tác phẩm của Beethoven trong cuốn băng có chất lượng thu thanh tuyệt hảo: về hưu sẽ thưởng thức cái thú nghe những băng nhạc ấy trên căn gác nhỏ thanh tịnh chứ!” Có lần, để tưởng nhớ 200 năm ngày sinh của Beethoven, Bác Sĩ đã vượt qua bom đạn trở về Hà Nội chỉ để mời bạn bè yêu thích nhạc đến nhà làm một cuộc kỷ niệm nho nhỏ về nhạc sĩ vĩ đại này. Tại Qui Hòa, Bác Sĩ có cho làm một khu du lịch với hình một chiếc đàn, được hỏi vì sao lấy chiếc đàn này Bác Sĩ: “Vì còn trẻ tôi đã chơi đàn này và nhạc sư của tôi là thầy Đỗ Tình”. Khi trốn vợ đi phục vụ trại phong, Bác Sĩ đã để lại cây đàn violon và niềm vui tinh thần vật chất để đến với người bệnh phong.
CON NGƯỜI Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn được mang nhiều tên khác nhau làm nên CON NGƯỜI được nhiều người qúy trọng và thương yêu: “Người Bác Sĩ ‘điên khùng’ và mặc cảm. Người Bác Sĩ thích dây dưa với hủi. Một người khùng đang yêu. Người của người bất hạnh. Người của lòng nhân ái. Người ‘xúc cảm với bệnh nhân phong’. Người ta chỉ ‘xúc cảm’ với cái đẹp, với nghệ thuật, với người đẹp! Một Nhà Khoa Học với tấm lòng nhân hậu. Vì sự nghiệp, Bác Sĩ là một trong số ít nhân viên không có gia đình ở gần. Hầu hết các Bác Sĩ trại là những nhân viên địa phương, có nhà trong thành phố; hết giờ làm việc thì về với gia đình. Cuộc đời Bác Sĩ, hơn 31 năm vào nghề cũng bằng từng ấy năm sống xa vợ con. Nhiều bạn bè khoa học có tầm cỡ cũng khuyên Bác Sĩ nên xin về với vợ con để họ bớt bị thiệt thòi, nhưng Bác Sĩ không nỡ bỏ bệnh nhân. Bác Sĩ kể: “Một lần mình được Bộ Trưởng Y Tế mời đến họp. Đã lâu không gặp ông Bộ Trưởng, nên khi gặp ông liền nói: Ah! Anh Ngoạn ơi ! Thường khi gặp ông lớn thì người ta xin 3 điều: một cho tăng lương, hai cho tăng chức, ba cho về ở gần gia đình. Anh nên xin một điều gì cho anh”. Bác Sĩ trả lời: “Lương đối với tôi tương đối đủ sống! Chức thì anh biết rồi đó, đối với tôi chỉ là một trò cướp giựt dơ bẩn. Còn về ở gần gia đình, thì người thầy thuốc ưu tiên là người của bệnh nhân”, và Bác Sĩ đã không xin gì.
Một sự kiện lớn khác minh họa cho con người không tham quyền hành mà chỉ chú tâm phục vụ người xấu số. Tháng 8 năm 1995, Liên Hiệp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn lãnh giải thưởng quốc Tế Ghandi. Bộ Trưởng Y Tế liền lệnh cho Bác Sĩ và các cơ quan nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi. Bác Sĩ Ngoạn trả lời trong một bức thư đề ngày 9 tháng 10 năm 1995: “Tôi công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân mình vì nhiều lý do cũng chưa phục vụ họ được nhiều lắm. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó được Bộ cho phép làm hồ sơ nhận giải thưởng thì tôi vô cùng sung sướng và thanh thản”. Sau đó qua các cơ quan y tế và Vụ Hợp Tác Quốc Tế, Bác Sĩ Bộ Trưởng gởi kèm ít chữ sau đây cho Bác Sĩ Ngoạn: “Rất thông cảm với sự khiêm tốn của anh. Đề nghị anh làm hồ sơ để nhận vì vinh dự của đất nước, ngành và cá nhân. Sau này anh dùng số tiền đó cho cá nhân hoặc cho sự nghiệp đều có lợi cả. Nên làm sớm cho kịp”. Với bức thư này, Bác Sĩ đã rất ưu tư, tìm đến gặp tôi mong được soi sáng. Tôi chân thành góp ý nên đi, để nhiều bệnh nhân được nhờ. Bác Sĩ bèn nổi nóng, cho tôi biết: “Quỳnh Giao có biết Bộ Trưởng nói gì với tôi không? Anh nhận đi, một phần dành cho anh và phần còn lại cho Bộ” (giải thưởng là 30.000 USD). Tôi buộc phải trả lời: “Người đáng nhận giải thưởng này nhất, là các Nữ Tu Phan Sinh và các bệnh nhân của họ”. Và Bác Sĩ đã không làm hồ sơ nhận giải thưởng trên. Nhiều nhà báo sau đó đến phóng vấn Bác Sĩ và muốn biết vì lý do gì mà Bác Sĩ không nhận. Bác Sĩ trả lời: “Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh những người tu hành của dòng tu này mới biết họ có một lẽ sống đặc biệt. Họ chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, tự nguyện làm những việc thiện một cách âm thầm để phục vụ những người bất hạnh. Họ không muốn những lời ca tụng. Cuộc sống của họ tuân theo một nguyên tắc thật đơn giản: “bàn tay trái không được biết việc làm của bàn tay phải và ngược lại”. Nhiều tấm gương của dòng tu này đã được nhiều bệnh nhân truyền tụng. Họ kể về soeur Charles Antoine, nguyên là giám đốc trại, có lần đến thăm nơi ăn ở của bệnh nhân, thấy một hố xí bị tắc mà không ai dám dọn, Bà liền thọc tay xuống và moi từ dưới lên những mảnh giẻ mà họ đã vô ý vứt xuống.
II. SỰ NGHIỆP
1. Quỳnh Lập :
Quỳnh Lập là trại phong lớn nhất miền Bắc với 2.600 bệnh nhân sống trong những mái nhà tranh tre lụp xụp, nghèo nàn. Thời còn sinh viên, thực tập tại Quỳnh Lập, Bác Sĩ chia sẻ: “Có lẽ khơi nguồn tôi đến với các bệnh nhân phong là từ nỗi đau đớn tinh thần của họ, sự mặc cảm sâu sắc của họ trước sự kỳ thị ghê gớm của xã hội, và cả tấm lòng qúy người cách kỳ lạ của họ nữa đã khiến tôi phải suy tư rất nhiều”.
Bác Sĩ tiếp: “Ngày còn là sinh viên thực tập, tôi đã chứng kiến cảnh người đi khám bệnh, biết mình bị phong là về nhà tự tử. Ngay cả ngành Y cũng đã làm cho người ta sợ vì những quy định kỳ cục: thư từ của bệnh nhân gởi ra ngoài phải được đóng dấu: ‘đã hấp chín’; có nơi người bệnh chỉ được nói chuyện với người thân qua một lớp kính chắn. Nơi tôi làm việc (Quỳnh Lập) nhân viên y tế làm ở khu vực riêng cách bệnh nhân mấy cây số! Khắc phục một tâm lý sai lầm còn gay go hơn tìm ra cách chữa một căn bệnh. Việc làm đầu tiên của tôi để chống lại tâm lý ấy là tự động vào sống chung với bệnh nhân. Sau khi nhận trách nhiệm giám đốc tôi quyết định đưa khu làm việc vào sát khu bệnh; lấy một số bệnh nhân đã được khỏi làm nhân viên”.
Trở lại Quỳnh Lập với chức Giám Đốc, lần này không còn có thể trốn vợ như trước bởi đã 40 tuổi và là cha của ba con: hai trai một gái, sợ vợ ngăn cản, ông mặc cả rằng: “Cho anh đi 10 năm nữa, năm em 40 tuổi thì anh về Hà Nội”. Trở lại chỗ cũ, tất cả chỉ là tang hoang vì bom đạn đã tàn phá ngôi làng. Hơn 200 bệnh nhân chết, chỉ còn lại vài người trong túp lều tranh lụp xụp. Không nhà cửa, nhiều người tìm về các hang núi sống như người rừng. Tất cả phải làm lại. Vừa xây nhà, ông vừa phải đi đến từng hang núi tìm và đem bệnh nhân về.
Qua tiếp xúc với họ, Bác Sĩ hiểu thêm rằng người phong sống một cuộc đời đau đớn về thể xác và tinh thần, bị người đời và cả gia đình xa lánh. Những bệnh nhân khỏi bệnh nhưng không được xã hội đón nhận, Bác Sĩ bố trí việc làm cho họ và đấu tranh cho sự bình đẳng của họ.
2. Quy Hòa :
Có thể nói giờ đây không ai mà không biết đến tên tuổi của Bệnh Viện Hansen Quy Hòa, Quy Nhơn thuộc Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Được thành lập từ năm 1932, Quy Hòa càng ngày phát triển và nhiều bệnh nhân từ xa xin đến được chữa trị. Bệnh Viện cũng đã đón tiếp những nhà thơ, những ca sĩ, tu sĩ, được chọn làm nơi quay những chuyện films với những cảnh núi đồi biển cả hùng vĩ, thơ mộng. Mặc dù việc quản lý Bệnh viện gặp vô vàn khó khăn.
Chấp nhận làm giám đốc bệnh viện, Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn chấp nhận khoảng cách tình cảm giữa vợ chồng con cái, gia đình kéo dài thêm hàng ngàn cây số! Bác Sĩ không có ‘mộng ước làm quan’, một đời chỉ mong sao góp phần giảm bớt nỗi đau, đem lại hạnh phúc cho người bệnh và nghiên cứu thực hiện những công trình khoa học cùng với Viện Dịch Tễ Hà Nội nghiên cứu vi trùng qua kính hiển vi điện tử và hợp tác với các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ cùng nghiên cứu về bệnh phong.
Ngày nay với tiến bộ y học, người ta có thể chữa trị bệnh phong theo phương pháp đa hóa trị liệu, chứ không đơn thuần dùng DDS như trước đây. Ngay trong Quy Hoà, Bác Sĩ dành riêng một khu vực điều trị cho những người mắc bệnh mới vào, chữa cho khỏi rồi cho họ ra về với cộng đồng. Bác Sĩ thường đi Tây Nguyên giúp người bệnh có những kiến thức cần thiết để có khả năng phát hiện bệnh sớm.
Nhận làm giám đốc Quy Hòa từ năm 1985 đến 2001, Bác Sĩ muốn biến khu bờ biển tuyệt đẹp này thành khu du lịch. Ông nghĩ điều này sẽ giúp quan niệm của ông là xóa bỏ dần sự ngăn cách giữa người bệnh và xã hội, đồng thời nâng cao thu nhập cho nhân viên. Vì vậy phải làm lại con đường vào Quy Hòa lâu năm bị mưa lũ xói lở. Con đường dài 2.600m. Khi Bộ đồng ý đầu tư cho trại làm lại con đường đèo, nhiều chủ đầu tư đã đến xin ông cho họ làm theo hình thức khoán gọn công trình, trong đó ông được 12% giá trị công trình, (12% là món tiền không nhỏ). Cơ quan giao thông dự trù 700 triệu. Bác Sĩ Ngoạn nhờ người thiết kế và cho những người dân làng phong còn sức khoẻ thi công, vừa tạo việc làm, có thu nhập và quan trọng hơn, giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm. Cuối cùng chi phí chỉ lên 140 triệu! Không được ăn thì đạp đổ: đơn kiện ông bay đi khắp nơi, vu cáo là ông không trong sáng trong vấn đề tiền bạc, ăn chặn tiền từ thiện, tha hoá về tư tưởng... và một ngày kia, cũng chẵn 10 năm làm giám đốc, một lần nữa ông nhận quyết định thôi làm giám đốc “vì không đủ khả năng làm quản lý” và nhận nhiệm vụ mới: chuyên viên của Vụ Điều Trị kiêm tạp vụ.
Bác Sĩ đã nếm đủ vinh quang và cay đắng của cuộc đời, của một cơ chế bất công, dành giựt quyền hành. Hai lần làm Giám Đốc, hai lần bị cách chức không có lý do!
Giữa hai làn ‘bom đạn’, Bác Sĩ Ngoạn được gọi về Hà Nội làm ở khoa Da Liễu Bệnh Viện Bạch Mai vẫn là Bác Sĩ điều trị phong.
3. Biến cố 23 tháng 10 năm 1984 tại Phú Khánh
Đó là biến cố của lòng nhân ái, liên đới với bệnh nhân mà mình phục vụ đồng thời cũng là một biến cố khoa học dũng cảm của một con người yêu thương bệnh nhân thật sự: Vào ngày ấy Bác Sĩ Ngoạn có dịp ghé thăm bệnh Viện Da Liễu Nha Trang. Trong đó có vài giường chứa bệnh phong. Nhân viên y tế có thái độ kiêng kỵ, tách biệt rõ rệt với bệnh nhân, Bác Sĩ giải thích nhưng nhân viên không tin, ông bèn nói: “Các cô cậu có muốn tớ tiêm trực tiếp trực khuẩn Hansen vào mình tớ không?”; “Được vậy thì thuyết phục chúng em ngàn lần hơn các tài liệu y khoa”.
Cuộc thí nghiệm được bắt đầu với sự chứng kiến của các giới chức khoa học, Giám Đốc Viện Pasteur Nha Trang, Tiến Sĩ vi trùng học Nguyễn Thị Thế Trâm và nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện. Lúc đó có hai bệnh nhân phong, thể ác tính, 25 và 12 tuổi. Bác Sĩ Ngoạn đã lấy 200 milligramme u phong ở dái tai của người bệnh, được sự kiểm tra phân chất của các nhà khoa học chuyên môn có mặt. Mầm bệnh được lấy từ những vết lở loét trên cơ thể bệnh nhân. Bệnh phẩm, sau khi được nghiền nát, hòa với nước muối sinh lý, lọc lấy phần “tinh túy” và kiểm tra có đủ trực khuẩn có thể gây bệnh. Như vậy Bác Sĩ Ngoạn đã đưa vào cơ thể mình hàng tỷ trực khuẩn bằng nhiều đường: nhỏ vào mũi, uống và tiêm vào hai khủy tay và hai dái tai là những nơi trực khuẩn này dễ phát triển. Dám làm điều đó chỉ vì tin vào mình, tin vào kiến thức của nhân loại và đồng thời cũng chứng minh là bệnh phong không lây nhiễm và qua đó đánh tan mặc cảm cho bệnh nhân và xích xã hội lại gần hơn với họ. Với biến cố này Bác Sĩ Ngoạn đã chiếm lòng mọi người, đặc biệt các bệnh nhân.
4. Vụ Điều Trị của Bộ
Về đây Bác Sĩ vẫn tiếp tục nghiên cứu và giúp đỡ bệnh nhân qua những lần đi đây đó trên quê hương tìm thăm bệnh nhân và xem cách điều trị hữu hiệu hơn nữa.
III. VỚI NHỮNG GIÁ TRỊ PHÚC ÂM
1. Một lòng yêu thương người bệnh phong
Những điều đã nói trên chắc chắn đã cho thấy lòng tận tụy yêu thương bệnh nhân phong hiếm có nơi CON NGƯỜI này. Nhưng tôi cũng không thể bỏ qua một sự việc khác, mà đối với chúng ta là những Kitô hữu và Tu sĩ, chúng ta đã làm được chưa?
Trong cuộc đời bình thường, Bác Sĩ là một con người giản dị, lạc quan, rất biết cười và cười thoải mái, đặc biệt khi tôi chọc “quê”. Chị nhà cứ nói: “Sao anh Ngoạn khi nào mà có Soeur Giao chọc ghẹo thì anh cười thoải mái và cười “hết mình“. Một cô gái Hà Nội duyên dáng, dễ mến, là giáo viên cấp II, lấy một anh chàng Hà Thành như Bác Sĩ Ngoạn, mê nhạc, khôi hài, lạc quan, phúc hậu, là mẫu người mà vợ anh xưa kia hằng ao ước, mà bây giờ vẫn còn là thần tượng của chị... lại chấp nhận, vì người bệnh phong để sống xa vợ con suốt một quãng đời dài! Cuộc sống vợ chồng, được ở bên nhau là điều hết sức tự nhiên mà cũng khước từ cho tha nhân. Đến với thế giới bệnh phong để chữa bệnh cho những người hằng tuyệt vọng.
2. Một tấm lòng thẳng thắn tìm về chân lý
Vì tâm hồn trong sáng, nên khi gặp các nữ tu, Bác Sĩ qúy trọng và tín nhiệm “bởi họ sống trong sạch hết mình, không bon chen, lừa lọc... Tư tưởng vô thần và hữu thần ở đây không có nghĩa gì cả, cao nhất trong đạo lý làm người là yêu thương tận tụy đối với nhau”. Bác Sĩ trả lời khi bị vu khống là thiên về tôn giáo!
Trong xã hội hiện thời, khi cuộc sống không còn chuẩn mực thước đo, khi nghĩa cử tốt đẹp còn hiếm, khi tiền là tất cả và giả dối lan tràn khắp phố phường, ngành nghề, ở mọi cấp bậc, khi người ta bịa đặt xấu xa để vu cáo nhau, lại dễ làm người ta tin hơn là nói thật những điều tốt đẹp, tìm được một viên ngọc qúy thật là vất vả. Và Bác Sĩ Ngoạn là mẫu người của lòng trong sáng, thẳn thắng, không ham danh lợi. Một tấm lòng như thế chỉ có thể hướng về chân lý, chuẩn bị đón nhận hồng ân của Sự Thật, là Thiên Chúa.
3. Một con người liêm chính, khiêm tốn và khắc khổ
Mấy năm cuối cùng làm việc ở Vụ Điều Trị, ông sống lặng lẽ, hoàn thành công việc của một công chức liêm chính. Thời gian còn lại, ông cố gắng tập họp tư liệu để viết quyển: “Bệnh phong, lý thuyết và thực hành - Tóm Tắt” dày 600 trang được in tại nhà Xuất Bản Y Học.
Lần kia, trong một cuộc gặp mặt cuối năm giữa Bộ Trưởng Đỗ Nguyên Phương với anh em cơ quan Bộ, sau khi nhận bó hoa do công đoàn cơ quan tặng, Bộ Trưởng nói rằng, chính Bác Sĩ Ngoạn là người xứng đáng nhận bó hoa này. Lúc này nhiều người mới biết hai người cùng là bạn học ở Đại Học Y Hà Nội! Đó cũng là lần duy nhất ông được “vua biết mặt, chúa biết tên!” Vì nguyện vọng của ông sau khi nghỉ hưu là làm tình nguyện viên y tế để giúp đồng bào dân tộc ít người ở các vùng nghèo nàn lạc hậu còn nhiều khó khăn về y tế, nên Bộ Trưởng Bộ Y tế đã viết ngày 28 tháng 9 năm 1998:
“...Tôi thật sự rất cảm kích và hoan nghênh tinh thần xung phong tình nguyện của anh. Cá nhân tôi cũng như tập thể lãnh đạo Bộ Y Tế, luôn đánh giá cao công lao đóng góp của anh liên tục trong nhiều năm qua, cũng như hiện nay đối với sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung, đối với công tác phòng chống và thanh toán bệnh phong nói riêng là một nghĩa cử cao đẹp, là tấm gương rất đáng học tập”. Suốt cuộc đời, Bác Sĩ Ngoạn không hề nhận về cho mình một thành tích nào mà chỉ lẳng lặng đi tìm phục vụ người xấu số.
“Vị ẩn sĩ” liêm chính, khiêm tốn này cũng sống rất khắc khổ, ít nói. Ngồi trong xe đi công tác đây đó, đôi khi mở miệng chỉ để nói: “Ai cần mở cửa sổ thì cứ mở, tôi chịu lạnh quen rồi”. Hành lý đi đường của ông lẹp xẹp dù mới đi Mỹ đi Pháp về. Đôi dép thì mòn gót, te tua, ăn mặc đơn giản: có lẽ gia tài của ông không quá ba bộ áo quần. Được hỏi qua Mỹ hay Pháp có mua sắm gì cho mình không, Bác Sĩ trả lời: “Không, không sắm gì, chỉ xin được một lô quần áo cho khu điều trị. Mua cho vợ con vài món... Của ăn đường dài chỉ một ổ bánh mì khô, hoặc vài bánh biscuit!. Bác Sĩ nói: “Mình đã chuẩn bị sống thích nghi với hoàn cảnh khó khăn nhất. Mình có thể ăn thật ít, thật khổ, có khi nhịn cả ngày cũng được. Nếu bị bệnh thông thường mình không hề uống thuốc mà để bệnh tự hết. Mình không có nhu cầu gì lớn cho bản thân. Nếu không tập một sức đề kháng như vậy, không sống với bệnh nhân và đồng bào dân tộc được đâu”. Không hút thuốc, không rượu chè café, bia chỉ uống một lon khi cần. Nếp sống khắc khổ bản thân của ông, đã gặp nhiều điều không mấy dễ chịu trong công việc. Có những người không thích cách sống khổ hạnh, liêm khiết của ông; không thích ông có vẻ tán dương tinh thần làm việc tận tụy của các bà soeur “vì suốt đời cống hiến cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình”. Đó là tác phong và y đức của một người quả là hiếm có trong thời buổi này.
IV. CHẶNG DỪNG CHÂN
Tâm hồn màu mỡ ấy đã sẵn sàng để đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Sau đây tôi chỉ xin kể lại sự kiện Bác Sĩ Ngoạn chọn Chúa làm lẽ sống.
Tuy rất có nhiều cảm tình với các chị em Phan Sinh phục vụ tại Quy Hòa, nhưng Bác Sĩ chưa hề một lần nói lên ý nguyện “theo” Chúa của mình. Nghỉ hưu, Bác Sĩ vẫn tiếp tục đi đây đó giúp bệnh nhân phong và về lại sống với gia đình một nếp sống bình thường. Ba cháu, hai trai là Bác Sĩ với hai cô con dâu cũng là bác sĩ và một gái, Kế Toán. Thời gian gần đây, bị bệnh, Bác Sĩ thường xuyên ở nhà hơn. Được vợ chăm sóc chu đáo và tận tụy hết mình. Nhờ có công tác tại Hà Nội, tôi lui tới thăm Bác Sĩ, mang nặng trong tâm hồn một ước vọng dày vò: là làm sao cho Bác Sĩ Ngoạn phải nói lên lời ưng thuận “theo” Chúa, rõ ràng, dứt khoát. Trước đó tôi đã có vài giờ giáo lý cho Bác Sĩ và có dịp tặng ông video về Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Phanxicô Assisi. Bác Sĩ đã bị ấn tượng nhiều, suy tư nhiều và càng trầm lặng hơn. Sau đó vài tháng, ra Hà Nội đến thăm Bác Sĩ, tôi vui mừng nhận thấy ở vách tường đối diện với cửa đi vào nhà, một bức tranh vừa quen thuộc vừa lạ kỳ. Quen thuộc vì vị thánh trong bức tranh ví tựa như Chúa Giêsu quỳ gối trong Vườn Cây Dầu. Kỳ lạ vì hình tượng vẽ lại là hình tượng của Thánh Phanxicô. Sau đó được biết là chính Thánh Phanxicô, một bức tranh mà Bác Sĩ rất thích được ai đó tặng và nói là Thánh Phanxicô Nghèo Khó”. Mình khổ nhiều vì bức tranh này, chị Quỳnh Giao có biết không? Người ta cứ hỏi hình này là ai? Sao không treo hình Bác nơi chính của căn nhà?
Một tháng trước khi đi Anh Quốc, tôi tự vạch cho chính mình một kế hoạch là khi đi công tác Hà Nội tôi sẽ dành một tuần và liên tiếp đến dạy giáo lý mỗi ngày cho Bác Sĩ. Từ thứ hai đến thứ năm hay thứ sáu, tôi muốn Bác Sĩ sẽ nói lên lời ưng thuận công khai đó với tôi. Tôi cầu nguyện nhiều. Tôi vẫn hiểu một người tự trong thâm tâm muốn theo Chúa đã là người “Công Giáo”, là người “có đạo” rồi. Nhưng sao tôi vẫn mơ ước thấy Bác Sĩ đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy và mang tên Phanxicô. Mỗi lần bắt đầu giờ giáo lý, tôi thường hỏi han sức khoẻ và ngày sống của hai ông bà, sau đó là một giờ giáo lý. Bác Sĩ lắng nghe chăm chú, thỉnh thoảng hỏi đôi câu. Đến ngày thứ năm vẫn không thấy gì, thứ bảy tôi phải bay về TP.HCM. Sáng thứ sáu đó, tôi đến, lòng thổn thức âm thầm. Lần này, ngồi xuống, Bác Sĩ không để cho tôi nói trước, ông làm một mạch không ngừng, người vốn ít nói: “Tôi muốn được nhận lãnh Bí Tích Thanh Tẩy. Một ngày của Đức Mẹ. Sớm nhất v.v”. Tôi hỏi: “Vậy chị có chịu không?”; “Không chịu tôi cũng làm! Nhưng nhà tôi từ trước vẫn để tôi tự do trong việc này. Bà thì theo Phật rồi đó. Chúng tôi không vô thần đâu!” Sau khi kê ra danh sách các ngày lễ của Đức Mẹ, và được giải thích, Bác Sĩ và tôi ưng thuận chọn ngày 8.12.2003. Sau đó vì Bác Sĩ có chút vấn đề sức khoẻ nên chúng tôi dời lại vào ngày 1 tháng Giêng 2004, lễ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Bác Sĩ muốn làm tại Quy Hòa để “thanh tẩy những vết nhơ ô uế mà một số người đã gây ra trên đất thánh này..., và hôm đó tôi sẽ đứng ra công khai tuyên xưng đức tin của mình trước các thành phần của cơ quan và bệnh viện”. Đức TGM Hà Nội được hay biết, đề nghị để ngài chủ sự trao ban Bí Tích và chủ tọa Thánh Lễ. Năm đó là Năm Truyền Giáo. Bác Sĩ vui mừng ra mặt vì Ngài đã đến thăm Bác Sĩ hai lần, dịp Noel, Phục Sinh và còn chụp hình với Bác Sĩ, điều làm Bác Sĩ hãnh diện và khoe với mọi ngừơi.
Biến cố vĩ đại này mà mình đang sống và chứng kiến lúc bấy giờ có quá nhiều điều vui đến từ quá nhiều điểm mà lòng tôi ước mơ ôm ấp từ những tháng qua. Lẽ nào niềm vui lớn lao này mà Thiên Chúa trao ban, lại được hưởng dễ dàng như vậy mà không một chút hy sinh, không chút phó thác vào quyền năng của Ngài sao? Ngài mời gọi ai đấy phải dâng hiến, dâng hiến trong tin tưởng, trong âm thầm khiêm tốn như chính cuộc đời đã được sống và Ngài xin một không gian thoáng, rộng, để thể hiện Ý của Ngài theo cách thức riêng của mình? Cả hai, chúng tôi chờ ngày vui lớn của Đại Gia Đình Giáo Hội.
Một ngày nọ, chị Nguyễn Thị Triệu, cựu Giám Tỉnh của chúng tôi gọi tôi và thông báo cho biết là tôi phải ra Hà Nội ngay “vì chỉ có em mới ngăn được Bác Sĩ. Bác Sĩ không chịu nghe ai cả, chị Yến qùy lạy xin em đó!”. Thì ra có biến cố vì “ước muốn này”.
Không hiểu làm sao “người khác” biết rõ chuyện này để người con gái sau thời gian nghỉ phép vì sanh nở, đi làm lại thì bác sĩ giám đốc “đề nghị cho nghỉ tiếp, cứ nghỉ dài dài”. Sau nhiều lần trao đổi, cô ta được hỏi “bố sắp theo đạo phải không?”. Người con cả là bác sĩ, trước đây được du học tại Mỹ chăm lo học hành nên lần này được đi tiếp để trình luận án cũng gặp khó khăn rằng: “Gia đình cháu có bác sĩ nhiều mà chưa ai đóng góp gì cho đất nước” và nhiều chuyện khác...
Phần Bác Sĩ Ngoạn vẫn một mực giữ ý định không thay đổi. Bạn bè, Linh mục, các Soeurs góp ý nên nhường bước để vợ con không bị gì. ĐTGM/HN cũng khuyên lơn, nhưng Bác Sĩ nghĩ “tôi không có gì để mất. Tôi chỉ được thêm thôi!...” Chị Yến thì lạy lục xin tôi góp ý với Bác Sĩ, - dù tôi cũng đã phải buộc lòng đi ngược lại với ước nguyện ban đầu của mình - Bác Sĩ trầm ngâm một hồi và nói: “Soeur đề nghị làm tại cộng đoàn của Soeur ở Nam Định, như thế có vẻ lén lút, mà đây không có gì phải lén lút cả!” Chị Yến lại nài nỉ thảm thương với tôi: “Một đời em đã làm theo ý chồng. Em và con đã không sợ gì cả để cho anh đi con đường đúng đắn của anh. Nhưng giờ đây đụng đến tương lai con cái, em xin chị nói với anh. Mai này êm xuôi, anh sẽ thể hiện ý nguyện của anh và lòng em vẫn hoàn toàn toại nguyện”. Bác Sĩ đã miễn cưỡng chấp nhận lùi lại ngày trọng đại đó.
Và tôi đã từ giã Bác Sĩ và gia đình, tạm vắng trong một thời gian xa quê hương. Từ xa, tôi nhận được tin, ngày kia, Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn đã nhận lãnh Bí Tích Thanh Tẩy từ một người âm thầm trao ban hồng ân lớn lao là được làm Con Thiên Chúa và Giáo Hội. Buồn hay vui lúc đó? Tôi chỉ biết là mình cảm thấy rất tiếc vì lời tuyên xưng ngôn sứ bị chặn đứng bởi sự hời hợt vội vã của một hình thức bên ngoài mà ta thường quá lưu tâm thay vì đi sâu vào chiều kích ngôn sứ và có tính Giáo Hội của một Bí Tích như Bí Tích Thanh Tẩy: tuyên xưng đức tin của một người vào một Con Người, nói lên cho mọi người biết mình chọn Con Người ấy vì mình tin tưởng phó thác đời mình cho Người đó. Và việc làm này được Giáo Hội chứng giám, phê chuẩn và chấp nhận. Còn niềm vui nào hơn niềm vui được làm Con Thiên Chúa và được Giáo Hội nuôi dưỡng, đón nhận. Và vì vậy, sự kiện này đáng ra phải được công khai và công nhận.
Giờ đây, với cuộc sống bệnh tật, có thời gian gẫm suy và lặng tĩnh bên cạnh người vợ tuyệt vời, kiên nhẫn và yêu thương chăm sóc, Bác Sĩ Ngoạn cảm thấy tâm hồn thanh thản nhiều lắm, vẫn còn cười đùa mỗi khi tôi đến, nhưng “vẫn tiếc nuối cái gì đó làm lòng chưa hoàn toàn được toại nguyện”. “Cái gì đó” phải chăng là vai trò Ngôn Sứ mà mỗi người tín hữu có nhiệm vụ thể hiện?
Khi còn trò chuyện được, tôi có lần hỏi Bác Sĩ, nếu muốn truyền đạt điều gì đó thiết yếu mà Bác Sĩ tâm niệm nhất, thì Bác Sĩ sẽ nói điều gì? Ông trả lời: “Hãy đến với những người không ai đến, hãy cho những người không ai cho. Hình như đó là một câu trong Kinh Thánh”.
Một cuộc đời dầy đặc yêu thương, nghiêm khắc với chính mình và biết cười tươi, hoàn toàn thoải mái với những câu nghịch ngợm khôi hài của người khác, đặc biệt khi bị chọc quê. Một cuộc đời cho đi mà không tính toán, không tìm lợi danh. Hình như đó là cuộc sống mà Thầy Chí Thánh ước muốn cho môn đệ mình
Trần Thị Quỳnh Giao - FMM