-
Moderator
N - Những chuyến xe bão táp và những cái chết được báo trước
Những chuyến xe bão táp và những cái chết được báo trước
Năm hết, Tết đến!
Ai đi xa cũng nhớ về quê nhà nên rồi dù nghèo đến đâu đi chăng nữa họ cũng ráng “hồi hương” trong năm ba ngày nghỉ Tết. Vì như vậy, nên chẳng nói ra thì mọi người đều biết sức ép của phương tiện vận chuyển là như thế nào.
Với những người có tiền một chút đi tàu bay, xe lửa. Tàu bay, xe lửa vừa nhanh chóng vừa an toàn nhưng ngặt nỗi với đại đa số dân nghèo thì quả đó chỉ là niềm mơ nỗi ước mà thôi.
Những người có thu nhập khá, những người có đời sống cao một chút thì về quê trên những chiếc xe “Chất lượng cao”. Những người nghèo, những người có thu nhập thấp thì đành chấp nhận cái thân “bèo dạt mây trôi” ém mình trong những chiếc xe “bão táp”. Qua các phương tiện thông tin đại chúng người dân không khỏi rợn rùng khi thấy có những chiếc xe chở quá tải, quá hành khách đến độ không hiểu nỗi. Nếu như chiếc xe ấy không gây tai nạn giao thông để bị phát hiện thì chúng sẽ về đến bến thật an toàn nhờ chủ xe biết cách nộp “chi phí”.
Năm nào cũng như vậy, lối ra của việc về quê ăn Tết của những người nghèo vẫn còn lần mò trong đêm tối. Bên cạnh chuyện phải chấp nhận trả với giá vé cao hơn 60% hay thậm chí còn hơn thế nữa họ còn phải chấp nhận thân phận bấp bênh của những người đang đứng bên lề xã hội.
Đành biết rằng cần trang trài cho chuyến xe về vắng khách nhưng đâu đến nỗi phải phụ thu 60% như vậy? Thế nhưng tại sao nhà xe lại “vui vẻ” thu như vậy trong khi hành khách thì “méo mặt”. Vấn đề ở chỗ hết sức tế nhị mà chưa kịp nói ra thì ai cũng biết. Khoản thu thêm 60% hay thậm chí hơn nữa là để chi vào những “chi phí” trên đường. Thử hỏi những ai làm nghề xe khách đường dài sẽ có kinh nghiệm xương máu về những “chi phí” trên đường như vậy. Gọi “chi phí” rất đúng vì những khoản đó CHI rất ư là PHÍ nhưng phải chi chứ không chi thì đừng hòng xe có thể lăn bánh.
Ai đi đường dài từ Nam ra thăm Lăng Bác sẽ cảm thấu được những “chi phí” suốt con đường. Ngoài những trạm thu phí cố định trên đoạn đường vay vốn BOT hay là qua hầm của đèo Hải Vân, qua cầu … thì có những “trạm thu phí” di động làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. Hơn một lần, phóng viên Báo Tuổi Trẻ đã làm một phóng sự về một chiếc xe đi từ Nam ra Bắc phải mất hơn 2.000.000 đồng (hai trệu đồng) tiền “chi phí” đường bộ (dĩ nhiên là chưa tính tiền nhiên liệu).
Điều nghịch lý trên con đường dài nữa là có những đoạn đường rất đẹp, mới đổ nhựa nhưng tốc độ tối đa cho phép chỉ có 40 km/giờ, thậm chí có đoạn 30 km/giờ. Ở những đoạn đường khống chế tốc độ như vậy có rất nhiều “anh hùng núp”. Hễ bác tài nào “kìm lòng không đặng” chỉ cần nhích ga lên một chút là coi như bị “anh hùng núp” “bắn” chết ngay lập tức. Sau khi bị “bắn” thì không biết bao nhiêu “chi phí” sẽ phát sinh.
Tất cả những chi phí phát sinh đó đổ lên đầu nhà xe và cuối cùng không còn cách nào khác nhà xe phải đổ trên đầu đám dân đen. Nhiều khi nhà xe phải “cố gắng” nhồi nhét để có thêm chút thu nhập để tạm gọi là “lấy thu bù chi”. Biết đàng nào khi bị “anh hùng núp” gọi vào là phải “nộp” nên thôi đành “cắn răng chịu đựng” quá tải, quá hành khách.
Những người nghèo đành phải chấp nhận sự tủi nhục miễn sao về đến nhà trong dịp Tết là được rồi. Những người nghèo ấy thi thoảng lại gặp bọn bất lương chèo kéo lên những chiếc xe dù, sau đó trấn lột cho bằng hết hành lý tư trang của người nghèo và đuổi họ xuống vệ đường. Bao nhiêu cái nghịch lý, bao nhiêu điều tủi nhục cứ đổ lên đầu người nghèo khó tất bạt.
Những lúc ngồi trên xe tôi mới cảm nhận được những “hung thần trên đường phố” là gì. “Thời giờ là vàng bạc”, thế là sau khi vượt trạm của “anh hùng núp” là các bác tài cứ mặc sức mà đạp ga. Có những bác tài liều mạng đạp hết sức có thể đạp. Hỏi đâu ra mà không gây tai nạn? Những ngày này, có dịp ra các quốc lộ về các tỉnh, ta sẽ nhìn thấy những chuyến xe về tỉnh đầy ắp người và hàng hoá. Ngược lại, những chuyến xe từ các tỉnh về các thành phố lớn chạy một cách kinh khủng.
Năm nào cũng vậy, Tết chính là thời điểm mà những chuyến xe bão táp và những cái chết được báo trước luôn xảy ra.
Dù biết được nguyên nhân, dù biết được nghịch lý nhưng có lẽ người ta cứ lờ đi để kiếm được chút cơm gạo dăm ba ngày tết. Nhà xe kiếm theo phần của nhà xe, “anh hùng núp” kiếm theo kiểu của “anh hùng núp”. Tất cả những cái khổ, những cái tủi nhục cay đắng đều đổ dồn lên những con người nghèo khổ, tất bạt trong xã hội.
Chắc có lẽ Việt Nam đạt huy chương vàng về vận chuyển hành khách cũng như giao thông vận tại và có thể ghi vào sổ Guiness về thành tích to lớn của mình. Đất nước phát triển đến đâu không cần biết, nhìn vào đường sá, giao thông vận tải của nước đó sẽ biết thực hư như thế nào. Leo lên xe thì biết leo lên xe, còn khi nào đến đích thì mới biết đến chứ không thể nào lường trước được bởi ám ảnh của những chuyến xe bão táp và những con đường đầy những hiểm hoạ tai nạn.
Biết đến bao giờ xã hội mới có được cái Tết an toàn không tai nạn, không có xe bão táp?
Biết đến bao giờ số người chết do “hung thần đường phố” gây nên được kéo giảm?
Biết đến bao giờ người nghèo được ưu đãi đi trên những chiếc xe rộng rãi không nhồi nhét?
Anmai, CSsR
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules