Bài học kiên nhẫn
Thứ Ba sau Chúa Nhật XVII Thường niên A
Lời Chúa: Mt 13,36-43
36Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ (Mt 13,43)
Suy niệm:
Ngày 13/5/1917 Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ dân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế, 80 năm trước đây, lắng nghe và tin những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Đó là bài học mà có lẽ Giáo hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pômpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm”. Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cải được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin Cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Đó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chờ đợi chúng con trở về. Chúa luôn kiên nhẫn với chúng con. Chúa hằng mong muốn chúng con sinh hoa trái trong sự hiệp thông với Chúa. Chúa luôn chậm bất bình và rất mực khoan nhân với những lỗi lầm của chúng con. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sự kiên nhẫn để chúng con nhẫn nại với những thiếu sót của anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ xét đoán anh em mình một cách khắt khe nhưng luôn tha thứ dịu hiền. Xin giúp chúng con luôn có cái nhìn lạc quan về anh em chúng con. Xin cho chúng con biết sống tha thứ, hiền từ như Chúa đã tha thứ cho chúng con.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con khỏi những thói đời tội lỗi như là gai góc đang quấn quanh cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con sống thanh thoát khỏi những ham muốn tầm thường nhưng luôn biết sống cao thượng, sống thanh sạch theo những đòi hỏi của Tin mừng của Chúa. Amen