(CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN, B)

(CHÚA LÀ ĐẤNG NHÂN HẬU VÀ HAY THA THỨ)


Trong Chúa Nhật này, các Bài Đọc nhấn mạnh về tình yêu hay tha thứ của Chúa đối với nhân loại. Trong Bài Đọc I (Isaia 43, 18-19, 21-22, 24-25) qua miệng Tiên Tri Isaia, Thiên Chúa nói đến tình yêu thương sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của con người và giúp họ canh tân cuộc sống. Trong bài Phúc Âm (Matco 2, 1-12) Chúa Giêsu nói với người bại liệt: “Tội con đã được tha!” cũng để nhấn mạnh lòng thương xót của Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi con người. Bài Đọc II (2 Corinto 1, 18-22), Thánh Phaolô nhấn mạnh đến bản tính Thiên Chúa là luôn luôn hằng hữu, duy nhất, không thay đổi “không vừa có lại vừa không!”

Chúa Nhật tuần trước, chúng ta suy niệm về định nghĩa của Thánh Gioan “Thiên Chúa là Tình Yêu.” (1 Gioan 4, 8). Tất cả là vì tình yêu. Tình Yêu tạo dựng và cứu chuộc. Chính vì Tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, cho làm chủ mọi loài. Cũng vì Tình yêu, Thiên Chúa đã xuống thế làm người, rao giảng tình yêu thương tha thứ và chấp nhận chết trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại.

Trong Bài Đọc I, Chúa bảo chúng ta hãy quên đi những lỗi lầm quá khứ, hãy làm mới lại cuộc đời, vì chính Chúa đã xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta, chính Chúa đã quên đi những lỗi lầm của chúng ta, dù trong quá khứ, đã nhiều lần chúng ta phạm tội xúc phạm nặng nề đến Chúa. Trong bài Phúc Âm, Chúa nói với người bất toại “tội con đã được tha,” vì theo quan niệm thời đó, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Nói như vậy, Chúa muốn chứng tỏ với những “luật sĩ” có mặt ở đó “ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội!” Chính Ngài đã chết để chuộc tội nhân loại. Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội và Người sẵn sàng tha tội khi người có tội đến để xin ơn tha thứ. Nói như vậy, Chúa Giêsu cũng muốn nói lên tình yêu của Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của con người khi họ biết cố gắng canh tân cuộc sống. Nếu đọc tiếp đoạn Phúc Âm này, chúng ta sẽ thấy Ngài nói nhấn mạnh hơn “Người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Con Người đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm người tội lỗi.” (Matco 2, 17). Các sách Tin Mừng ghi lại nhiều dụ ngôn Chúa Giêsu nói để tỏ ra tình Chúa thương xót những người tội lỗi và muốn cứu vớt họ; như dụ ngôn người chăn chiên đi tìm con chiên lạc và khi tìm được đã vui mừng vác lên vai để mang về đoàn (Luca 15, 4-7); như dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Luca 15, 11-13). Ngay trong Cựu Ước, qua các tiên tri, Thiên Chúa đã luôn tỏ tình thương xót, tha thứ cho các tội Dân Chúa vấp phạm, sau khi đã cảnh tỉnh và sửa phạt họ. Thánh Vịnh 203 là lời cầu xin và ca tụng tình Chúa hay thương xót và thứ tha “Chúa là Đấng nhân hậu, từ ái, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không xử với chúng ta như chúng ta đáng tội, và không phạt chúng ta theo tội lỗi của chúng ta…”

Noi gương lòng thương xót hay tha thứ của Chúa, chúng ta cũng hãy sẵn sàng quên đi và tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Các con hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ. Các con đừng xét đoán, thì các con sẽ không bị xét đoán. Các con hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ…” (Luca 6, 36-37). Chúa là Cha yêu thương, và trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin “Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Chúng ta thường cầu xin “Xin Chúa thương xót chúng con!” Vậy, chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có lòng thương xót, tha thứ cho mọi người, và giúp mọi người trở về với Chúa.

Với niềm tin tưởng nơi Chúa là Cha hay thương xót và thứ tha, và noi gương Chúa để chính chúng ta cũng sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người xúc phạm đến chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro trong tuần này. Trong suốt Mùa Chay Thánh, với lòng sám hối ăn năn, canh tân cuộc sống, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sâu xa hơn Tình Chúa Thương Xót qua các Bài Đọc trong suốt Mùa Chay, và chúng ta sẽ có can đảm để chết đi với tội lỗi, hòa giải với Chúa là Cha chúng ta, và hòa giải với nhau như những người anh chị em trong gia đình nhân loại, để chúng ta có thể sống lại thật với Chúa bằng cuộc sống mới trong Mùa Phục Sinh.


LM. Anphong Trần Đức Phương