BÌNH AN CỦA CHÚA

Cv 5, 12-16; Kh 1, 9-11a.12.13.17-18; Ga 20, 19-31

Làm sao có thể an tâm, làm sao có thể bình anh được khi mà người mà mình đặt trọn niềm tin, cùng đích của đời mình bị giết. Tất cả niềm hy vọng đã vụt biến mất sau ngày Chúa chịu chết. Nếu như Chúa không phục sinh như lời Chúa hứa thì lòng tin của những ai đã đặt vào Chúa xem chừng ra vô ích, xem chừng ra như trống rỗng.

Như lời đã hứa, Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay thuật lại cho ta trong vòng tám ngày, Chúa Giêsu đã hiện ra hai lần. Theo lẽ thường, chúng ta hay chú ý đến lần hiện ra thứ hai hơn lần thứ nhất bởi lẽ hình như lần thứ hai Chúa Giêsu hiện ra “dành riêng” cho Tôma thì phải. Vì lẽ, lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra không có Tôma và phản ứng của Tôma hết sức bộc trực và thẳng thắng. Tôma đã nói thẳng với các môn đệ khác là ông phải sờ, phải chạm vào Thầy thì ông mới tin. Thái độ đòi phải sờ, phải chạm ấy tự nhiên diễn tả lên hình ảnh của một người yếu tin. Đòi hỏi ấy bộc lộ lên thái độ thiếu lòng tin hay kém lòng tin của Tôma cũng như chúng ta. Vì kém tin nên mới xảy ra cái chuyện bất an trong lòng của con người.

Chắc chúng ta còn nhớ sau biến cố Chúa Giêsu chịu chết thì các môn đệ tản mác mỗi người mỗi nơi, mỗi người một ngã. Vì tản mác nên đâu có cơ hội ngày nào cũng quy tụ. Bên cạnh việc sợ sệt do liên luỵ đến Chúa Giêsu còn công việc đời sống hàng ngày của các môn đệ nên họ khó có cơ hội gặp chung. Họ tập trung lại với nhau trong buổi họp mặt hàng tuần của họ. Việc Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần có đông đủ như thế như muốn nói lên rằng việc Chúa phục sinh hiện đến trong cuộc gặp mặt của tập thể, của cộng đoàn, của Hội Thánh.

Chắc chắn một điều ai cũng đã biết đó là Hội Thánh tiên khởi bị bách hại một cách hết sức dã man. Lúc thánh Gioan viết trình thuật trên cũng là thời gian Giáo hội gặp sợ hãi vì bách hại. Các môn đệ của Chúa Giêsu có thói quen tụ họp nay ở nhà này, mai ở nhà khác…Họ tiếp đón nhau, cùng nhau kiểm điểm : Có bao nhiêu cuộc rút lui, có bao nhiêu người bỏ đức tin, bỏ nhóm... Họ cũng sợ hãi... Họ đóng cửa, cài then.

Chúa Giêsu đã vượt qua những cản trở của vật chất, của không gian và của thời gian để đến với các môn đệ, đến với con người. Chúa Giêsu muốn giải phóng và Phục sinh chúng ta khỏi tình trạng bế tắc, khỏi tình trạng sợ hãi, khỏi tình trạng đóng cửa cài then, khỏi tình trạng "chết chóc". Đó có thể là sự kiêu ngạo, đó có thể là sự ích kỷ, thử thách về sức khỏe, những điều gây khổ đau và tuyệt vọng, khó khăn về gia đình, nghề nghiệp...

Khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu nói : "Chúc anh em được bình an !”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Chúc anh em được bình an".

Chúa Giêsu biết điều quan trọng, Chúa Giêsu biết điều mà con người cần đó chính là sự bình an trong tâm hồn, bình an của Chúa. Vật chất, tiền tài, danh vọng có chăng nó chỉ thoả mãn cái dục vọng của con người chứ nó không giải quyết được sự bình an trong tâm hồn con người. Có bình an là có tất cả.

Ngày Chúa cất tiếng khóc chào đời cũng chính là ngày mà thế giới được bình an. Ngày Chúa ra đi khỏi cái cõi tạm này cũng chính là ngày Chúa ban bình an cho nhân loại.

Vinh danh Thiên Chúa trên Trời – Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Khi Chúa xuống thế làm người Chúa muốn ban bình an cho nhân loại. Lời ban bình an ấy vẫn được mời gọi trong các Thánh Lễ long trọng từ chủ tế : Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm !

Thiên Chúa đến thế gian và Ngài mong mỏi mang bình an cho con người nhưng con người hình như có vẻ không muốn nhận cái bình an ấy, con người đã khước từ Thiên Chúa. Nếu như có Chúa trong cuộc đời ắt hẳn cuộc đời của họ sẽ thật sự bình an.

Kinh nghiệm hết sức thực tế, hết sức rõ ràng nơi cuộc đời của các môn đệ. Các môn đệ có lẽ là người bất an nhất vì đã đặt trọn niềm tin vào Thầy mình nhưng Thầy mình lại chết. Thế nhưng sau khi đón nhận được bình an từ Chúa Phục Sinh thì các môn đệ lại lên đường, lại mang bình an đến cho người khác. Từ khi có bình anh của Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã lên đường, đã minh chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh và làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trích sách Công Vụ Tông Đồ mà chúng ta vừa nghe đã minh chứng điều ấy nơi các tông đồ : Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành. Tất cả những ai đến với các môn đệ thì nhận được bình an của Chúa Phục Sinh nhờ quyền năng của Chúa Phục Sinh ở trên các Ngài.

Buổi họp mừng vào mỗi Chúa nhật, Chúa Giêsu lại chúc bình an cho ta qua tiếng nói của linh mục : "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em". Và Công đồng Vatican II lập lại nghi thức "chào chúc bình an" của truyền thống xa xưa : các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô. Bắt tay, ôm hôn, mỉn cười với nhau, trong khi miệng trao đổi : "Bình an của Đức Kitô !". Đó không phải là cử chỉ tầm thường nhưng là thái độ "trở nên Đức Kitô” đối với người bên cạnh …" Khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.

Chuyện hết sức nghịch lý của con người đó là con người chỉ mong mình được bình an còn người khác thì mặc kệ. Và vì thế, sự bất an nó cứ ở mãi trong con người.

Nhớ đến hình ảnh của các em nhỏ trong trường nơi kẻ mọn đang phụ trách hết sức buồn cười. Các em vẫn biết rằng nếu các em vi phạm kỷ luật thì sẽ bị “cảnh sát trưởng” khiển trách và sẽ xử lý. Biết là vậy nhưng cái yếu đuối, nhưng sự mỏng manh của con người đã làm cho các em cứ vi phạm kỷ luật. Một lần nọ, mấy đứa nghịch với nhau bày nhau chơi cái trò bắn bì nhau. Bên này bắn bên kia, hai bên bắn qua bắn lại. Bên thua qua méc “cảnh sát trưởng”. Cũng giận lắm nhưng chỉ biết làm hoà các em chứ làm sao bây giờ. Mới đây, mấy đứa con gái cấp II không biết giận bạn như thế nào đó bèn nghịch đến độ giấu dép của con trai. Thế là con trai lại qua méc “cảnh sát trưởng”. Cũng qua để tìm cách dung hoà cho đôi bên. Hình ảnh, những cách nghịch của mấy đứa nhỏ làm cho kẻ mọn này liên tưởng đến ngay bản thân mình. Ngày còn bé mình cũng nghịch như thế chứ có hơn gì bọn chúng đâu. Mỗi lần, em nào được “cảnh sát trưởng” gọi tên thì mặt mày tái méc vì biết là bị rầy. Khi ấy, hình như lòng của các em bất an nên thái độ, nên nét mặt, nên cử chỉ của các em khác bình thường. Biết là khi làm như thế cho bạn thế nào mình cũng bị phát hiện và bị gặp “cảnh sát trưởng” nhưng sau những lần ấy lại cứ tiếp tục tìm cách chọc bạn cho vui !

Sau những lần “trục trặt” ấy, kẻ mọn ngẫm nghĩ cũng vui đấy chứ ! Chúng biết rằng chúng cần có sự bình an trong lòng và cũng chẳng hề mong sự hiện diện của “cảnh sát trưởng” để rầy la chúng nhưng nó cứ làm sao ấy. Sự giằng co trong lòng con người về sự bình an hết sức mãnh liệt.

Đời thường của mỗi người chúng ta cũng thế. Sự bình an ấy luôn luôn giằng co. Chẳng ai muốn mình làm tổn hại, làm phiền đến người khác nhưng rồi mình cứ nói hành nói xấu, làm tổn thương người khác. Khi nói, khi làm thì hình như là vui vẻ lắm nhưng khi làm xong thì lại bất an. Sợ đến một lúc nào đó người ta phát hiện người ta sẽ “xử” mình nên cũng âu lo lắm !

Điều hết sức buồn cười đó là sự bất an thường do tự chính con người gây ra. Thiên Chúa muốn ban bình an còn con người gây sự bất an. Sự dữ, sự bất an do chính con người tự tạo cho nhau, do chính con người đã không mở lòng ra đón Chúa Phục Sinh vào lòng mình thật.

Chúa Giêsu đã phục sinh, Chúa Giêsu đã ban bình an cho những ai thiện tâm. Chuyện quan trọng là con người có mở lòng ra để đón nhận sự bình an của Chúa hay không mà thôi. Khi có sự bình an của Thiên Chúa thật sự thì chắc chắn người nhận cũng sẽ lại mang bình an đến cho anh chị em đồng loại, cho những người mà mình gặp gỡ.


Anmai, CSsR