[SIZE="3""] Tình Yêu Vị Tha[/SIZE]



Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết


Bốn câu thơ trên của Xuân Diệu thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nó diễn tả tâm trạng của một thứ tình yêu trong nhân loại. Nhưng nếu chúng ta đọc những câu thơ này bằng nhãn quan Kitô giáo, ta sẽ thấy phảng phất trong đó hình ảnh một Thiên Chúa đầy lòng vị tha, từng bị con người "phụ rẫy", nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương họ bằng tình yêu nhưng không.. Chúa không chỉ cho “rất nhiều”, mà còn trao hiến cả toàn thể con người lẫn mạng sống của Ngài cho chúng ta và vì chúng ta, nhưng lại chẳng đòi hỏi gì từ phía con người ngoài tình yêu mến, Ngài mong muốn chúng ta trải ra và cũng dâng hiến cho nhau.giống như Ngài.

Thiên Chúa bỏ qua lỗi lầm của Đa-vít. Chúa Giêsu cũng đã tha tội cho một người phụ nữ. Nhưng con người hình như vẫn không chịu nhận ra lòng nhân từ vị tha của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu, nên họ vẫn tiếp tục bước đi trong u mê tăm tối. Dục vọng cá nhân đã cuốn hút con người vào vòng quay của nó, khiến người ta sẵn sàng trà đạp lên nhau mà sống, dùng mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của mình.

Bài đọc 1 trích sách Samuel nhắc lại chuyện vua Đavit. Ông là vị hoàng đế được con cái Israel yêu quý. Thế nhưng, vào buổi chiều nọ, khi Đa-vít dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng. Ông thấy một phụ nữ đang tắm, dáng vẻ rất xinh đẹp. Ông sai người đi hỏi tung tích, mời nàng ấy đến và rồi nàng có thai. Chẳng may nàng đã có chồng, và ông đang ở ngoài mặt trận. Đa-vít cho người đi, liệu cách giết người chồng xấu số kia và Đa-vít cưới người phụ nữ ấy.

Thiên Chúa sai tiên tri Nathan đến gặp Đa-vit, và gợi cho Đa-vit những tội ông vừa phạm thật là nặng nề. Chúa đã xử với ông thật đại lượng, Người tuyển chọn và đặt ông làm vua, ban cho ông mọi sự…Thế mà ông đã khinh Lời Chúa, dám làm sự dữ trước mắt Người, đã cướp vợ người khác lại còn dùng gươm đâm chết chồng người ta.

Đa-vit thấy lỗi của mình, ông đã phạm những tội tày đình. Có lẽ lúc đó ông đã suy nghĩ không kỹ. Nhưng bây giờ được Người của Thiên Chúa mở mắt cho, ông cúi đầu thú nhận: ”Tôi đã phạm tội nghịch với Thiên Chúa”.

Không phải ai cũng biết mau mắn nhận lỗi như Đa-vit. Càng không có nhà vua nào có thể khiêm nhường đến như vậy. Lòng thành nhận biết tội lỗi của Đa-vit quả thật đã chạm được vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên có thể nói, Đa-vit vẫn chưa được phúc như người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin mừng Lc 7, 36 – 50 của Chúa nhật XI thường niên. Chị đã vượt qua dư luận và những cái nhìn xét đoán của người khác để đến đứng đàng sau Chúa Giêsu. Chị khóc lóc nức nở, biểu lộ tâm hồn ăn năn hối lỗi – chị lấy tóc mình mà lau chân Chúa, chị còn hôn chân Người một cách tha thiết. Chị đổ cả dầu thơm lên chân Chúa. Chị đã có lòng mến nhiều. Nó xuất phát từ một niềm tin, tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thánh, có thể làm cho mình khỏi tội. Chị xứng đáng được đón nhận lòng bao dung của Thiên Chúa, nên Đức Giêsu nói với người phụ nữ: ”Tội của chị đã được tha”. Chắc chắn người phụ nữ này có niềm vui và hạnh phúc hơn Đa-vít, vì chị được gặp gỡ chính Chúa Giêsu. Người hiền từ, thông cảm và bênh vực kẻ tội lỗi.

Kết thúc bài Tin mừng này, thánh Luca cho biết, có nhiều phụ nữ được chữa khỏi quỷ ám đã đi theo Chúa và phục vụ Người. Khi viết như vậy, Thánh nhân như muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay, nhờ Bí tích Thanh Tẩy mà ta được ơn tha tội, cũng hãy mau mắn đứng lên theo chân Chúa Giêsu phục vụ Người. Phục vụ Chúa có nghĩa là phục vụ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội, bằng thái độ cư xử bác ái yêu thương, đầy lòng vị tha đối với nhau.


Phanxicô Xaviê