Ngày tam nương là ngày gì?


Ngày tam nương (tam nương nhật ) theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc là những ngày rất xấu. Do đó, mỗi khi khởi sự làm một việc quan trọng (như khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà, v.v...) để khỏi chuốc lấy thất bại, phải tránh khởi sự vào các ngày tam nương, gồm ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 trong mỗi tháng Âm lịch.

Tam nương là “ba người đàn bà”. Theo dân gian Trung Quốc, tam nương gồm ba nàng Muội Hỉ , Đát Kỷ , và Bao Tự . Hầu hết sách sử Trung Quốc đều kết tội ba giai nhân tuyệt sắc này là nguyên nhân làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương, Tây Chu trước Công nguyên (TCN). Các sử gia đều phỏng chừng ba sự kiện “tan nhà đổ nước” này lần lượt xảy ra trong các năm như sau:

1. Muội Hỉ mê hoặc vua Kiệt (tức Lý Quý , cai trị? - 1600 TCN), làm sụp đổ nhà Hạ (khoảng 2100 TCN - 1600 TCN).

2. Đát Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ) mê hoặc vua Trụ (tức Đế Tân , cai trị khoảng 1154 TCN - 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương (khoảng 1600 TCN - 1066 TCN). Huyền thoại đề quyết nàng Đát Kỷ là con cáo cái thành tinh (hồ ly tinh), có phép hóa ra mỹ nhân.

3. Bao Tự (?-771 TCN) mê hoặc vua U (tức Cơ Cung Niết , cai trị 781 TCN – 771 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu (khoảng 1066 TCN - 771 TCN).

Vua U chưa bao giờ thấy Bao Tự cười, ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng. Nàng thích nghe tiếng lụa bị xé, vua U cho xé lụa ngày đêm để nàng vui, thậm chí còn cho đốt lửa trên các hỏa đài để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (vua U). Bao Tự đứng trên lầu cao, nhìn cảnh chư hầu mắc lỡm, cười ngặt nghẽo. Hậu quả, khi bị quân Khuyển Nhung vây khốn nguy ngập, vua U cho đốt lửa trên hỏa đài thì các chư hầu không thèm về cứu vì đinh ninh đó là trò lừa bịp cốt làm vui lòng người đẹp.

Theo dân gian Trung Quốc, ngày tam nương là ngày ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung của ba ông vua bị mang tiếng là rất hiếu sắc, tham dâm, bạo ngược vô đạo nói trên. Nhưng vì sao chỉ có ba nàng mà lại kể ra sáu ngày nhập cung? Ngày nào liên quan tới nàng nào? Xưa nay chẳng thấy ai giải thích!

Dù hoang đường nhưng tín ngưỡng dân gian lâu đời này đã truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam, ảnh hưởng tới không ít quần chúng xưa nay. Thiếu cơ sở khoa học, thiếu bằng chứng xác thực nhưng thói thường vẫn cho rằng “có kiêng có lành”!

Lê Anh Minh