-
Moderator
BỆNH NGUY HIỂM: MÙ QUÁNG
BỆNH NGUY HIỂM: MÙ QUÁNG
Năm nay tôi 80 tuổi. Nhìn lại Hội Thánh Việt Nam trong cuộc đời đã qua của tôi, tôi thấy Hội Thánh của tôi thực vất vả. Có thể ví cuộc đời ấy như một chuyến đi đầy trắc trở.
Nhưng những gian nan trắc trở đó đã được vượt qua. Hơn thế nữa, đức tin được tôi luyện đã đào tạo nên nhiều con người biết sống công bình bác ái. Nhờ đâu? Tất nhiên là nhờ ơn Chúa. Nhưng chắc chắn cũng nhờ nhiều tín hữu, nhất là nhiều vị lãnh đạo trong Hội Thánh Việt Nam đã biết khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa. Các vị đã cùng nhau tiến lên trong mọi chặng đường lịch sử khác nhau với tâm hồn sáng suốt.
Bây giờ, Đạo đang bước vào một giai đoạn mới của lịch sử: Giai đoạn hội nhập và cạnh tranh. Tôi vui, nhưng cũng lo. Với kinh nghiệm của một người, vừa già về tuổi đời, vừa già về tuổi mục vụ, tôi xin phép chia sẻ một nỗi lo như một cảnh báo. Đó là hãy coi chừng về một chứng bệnh nguy hiểm cho Đạo. Chứng bệnh này thường xuất hiện trong thời cạnh tranh giữa các giá trị.
Chứng bệnh đó là bệnh mù quáng.
Mù quáng trong sống đạo được Kinh Thánh đề cập đến nhiều cách. Ở đây tôi chỉ nêu lên bốn dạng mù quáng dễ gặp thấy.
1/ Mù quáng, vì không nhận ra cái chính, cái phụ
Chúa Giêsu có lúc đã đau buồn phải nói sự thực với các kinh sư và Pharisêu: "Khốn cho các ngươi, những kẻ dẫn đường mù quáng... Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề luật là công bình, lòng thương xót và sự thành tín... Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng. Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà" (Mt 23,23-24).
Những lời Chúa Giêsu phiền trách trên đây xem ra đang ứng nghiệm ở nơi này nơi nọ. Tình hình đạo ở những chỗ đó được tiếng là thêm mở mang, thêm hoạt động, thêm luật lệ. Nhưng lòng đạo thực ra chỉ được xây dựng bằng những giá trị phụ.Người ta gọi đạo kiểu đó là đạo hình thức, đạo gánh nặng, đạo bề ngoài, đạo phong trào. Nhưng không thiếu người tự mãn với lối sống đạo như thế. Chúa thì dứt khoát không hài lòng. Người gọi những người giữ đạo kiểu đó là mù quáng. Cái làm cho sự mù quáng đó thành nguy hiểm, đó là sự nó tạo nên một ảo tưởng sai lầm, đưa con người vào ẩn trú trong đó. Hơn nữa, nó càng nguy hiểm, khi lôi kéo, thậm chí ép buộc nhiều người khác đi vào não trạng sai lạc về đạo, bám vào một nếp sống đạo dễ dàng biến chất. Hy vọng cảnh đó sẽ không nhiều tại Việt Nam.
2/ Mù quáng, vì không nhận ra đoàn lũ quỷ dữ rình rập mình thường xuyên
Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô gởi các giáo đoàn, Ngài đã viết: "Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì quỷ dữ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5,8).[/I][/COLOR]
Danh từ quỷ dữ mà thánh Phêrô dùng ở đây không những chỉ đích danh các tướng quỷ và thuộc hạ ác ôn vô hình luôn rảo quanh chúng ta, mà cũng ám chỉ các lực lượng xấu hữu hình xung quanh ta. Đó là những thứ văn hoá đồi truỵ, những phong trào gây hận thù chia rẽ, những nhóm đầu tư đủ loại mưu mô quỷ quyệt, những lối sống kích thích huỷ hoại luân lý, những định kiến hẹp hòi, kiêu căng.
Thánh tông đồ Phêrô nói rõ với tín hữu là chỉ với tiết độ và tỉnh thức, người ta mới nhận diện được mặt thực của quỷ dữ và mới đối phó được với chúng một cách có hiệu quả. Nhưng thực tế nhiều nơi cho thấy sự tiết độ và tỉnh thức có vẻ như đang bị lơ là. Do đó mà không ít người trở nên dần dần mù quáng. Họ không những không nhận ra đoàn lũ các loại quỷ dữ đang hoạt động ráo riết xung quanh mình, mà còn nhởn nhơ hoà nhập và tích cực cộng tác vào những cái xấu của chúng.
3/ Mù quáng, vì không biết nhận xét thời đại mình sống
Chúa Giêsu có lần đã cảnh báo nặng lời: "Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc trời đất thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? Sao các ngươi không tự mình xét xem cái gì là phải" (Lc 12,56-57).Lời Chúa phán trên đây, nếu áp dụng vào nhiều người có đạo thời nay, thì thiết tưởng không sai. Bởi vì theo các nơi hành hương và huấn giáo, thì thời nay có hai việc Chúa muốn ta làm:
Việc thứ nhất là sám hối, đền tội, đổi mới bản thân ta.
Việc thứ hai là tin vào Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót và hãy đến với Người bằng những việc ta xót thương người khác, như Chúa thương xót ta.
Thế nhưng, cách sống của bao người tín hữu hôm nay tỏ ra mình chưa nhìn thấy rõ bao con đường Chúa đang đợi họ trong thời đại này.
4/ Mù quáng, vì không nhận ra Chúa đến và ở giữa lịch sử nhân loại
Phúc Âm thánh Gioan viết: "Ngôi Lời ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón Người" (Ga 1,10-11).
Đọc mấy dòng trên, chúng ta cảm thấy buồn. Người nhà của Chúa là chính những người công giáo chúng ta. Nhưng biết đâu biết bao lần Chúa đến với ta, mà ta không đón nhận Người. Người đến qua Kinh Thánh, qua các bí tích, qua Hội Thánh. Ngoài ra, Người cũng đến qua nhiều ngả khác, như qua các biến cố lịch sử, qua các thành công và thất bại của ta, qua các nền văn hoá chất lượng, qua các sách báo và gương sáng nhắc nhở của cá nhân và tập thể, trong và ngoài Đạo ta.
Nhưng, chúng ta nhiều khi tự mãn, không nhìn và không muốn nhìn, cho nên kể như tự mình trở nên mù quáng. Mọi thứ mù quáng đều đáng tiếc. Nhưng mù quáng không nhìn nhận Chúa đến với ta, đó quả là một tai hoạ kinh khủng.
Kinh nghiệm tại nhiều nơi cho thấy: Đạo Chúa thời khó thì chất lượng phát triển. Đạo Chúa thời dễ thì chất lượng suy thoái.
Chúng ta cũng nên nhìn sự phát triển của các tôn giáo bạn hiện nay trong nước ta và tại các nước xung quanh, nói chung là tại Á châu. Tại nhiều nước Á châu, văn hoá dân tộc là văn hoá một tôn giáo nào đó phủ kín khắp nước. Tất nhiên văn hoá đó và tôn giáo đó không phải là công giáo.
Ai trong chúng ta cũng có nhiều giới hạn. Nên chúng ta rất cần cầu nguyện.
Thiết tưởng vấn đề này nên được nhận thức sớm, với những nghiên cứu mới, sáng kiến mới, dấn thân mới. Kẻo sẽ quá muộn. Vì lịch sử đất nước, khu vực và thế giới, đang chuyển biến rất mau, với những bất ngờ dễ sợ.
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules