Thơ Nguyễn Khuyến
Anh giả điếc
Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày",
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc (1)
Dạ lí phan viên, nhĩ tự hầu. (2)
Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.
(1)...(2) Khi mọi người nói chuyện và
cười cợt thì ngây ra như gỗ ,nhưng
đêm khuya leo trèo thì lanh lẹ như khỉ.
Ông Phỗng đá
Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?
Non nước đầy vơi có biết không.
Đại Lão
Năm nay tớ đã bảy mươi tư,
Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ.
Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu,
Khi buồn ngâm láo một câu thơ.
Bạn già lớp trước nay còn mấy ?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như. *
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Thử xem trời mãi thế này ư ?
* Chín chẳng như...Đời thường mười phần
không vừa ý mình đến 8,9 phần !
Đĩ cầu Nôm
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ?
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc (1)
Khá khen thay làm đĩ có tông (2)
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không.
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng.
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng.
Chém cha cái kiếp đào hồng,
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số.
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con Đĩ Cầu Nôm.
Cầu Nôm thuộc làng Đại Đồng ở Hải Hưng.
(1)Có lẽ ở đây nhà thơ nói đến Tư Hồng ,
một nhân vật lúc ấy làm đĩ lấy Tây.
(2) Có tông....có nòi.
Bạn đến chơi nhà
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Bồ tiên thi
Chú huyện Thanh Liêm khéo giở trò,
"Bồ tiên thi" lại lấy vần bồ. (1)
Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
Ngọng nghẹo văn chương giở giọng ngô.
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên là ý chú muốn vòi xu! (2)
Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc,
Không khéo mà roi nó phết cho.
(1) Bồ tiên...Cái roi bằng cỏ bồ mà Lưu Khoan ,
một ông quan đời Hán nổi tiếng nhân từ dùng
để đánh tội nhân. Dựa vào điển nầy ,tên tri huyện
đã mở cuộc thi thơ và ra đầu đề là "bồ tiên thi "
ngầm ý khoe mình là người biết thương dân.
(2) Tiên...nghĩa là cái roi ,đồng âm với chữ "tiên "
nghĩa là đồng xu.
Bóng đè cô đầu
Bóng người ta nghĩ bóng ta,
Bóng ta, ta nghĩ hoá ra bóng người.
Tỉnh tinh rồi mới nực cười.
Giấc hồ ai khéo vẽ vời cho nên ? (*)
Cô đào Sen là người Thi Liễu
Cớ làm sao õng ẹo với làng nho ?
Bóng đâu mà bóng đè cô,
Bỗng thấy sự nhỏ to thêm thắc mắc.
Cố hữu diệc vi thân ngoại vật, (1)
Khán lai đô thị mộng trung nhân (1)
Sực tỉnh ra nào biết chuyện xa gần,
Còn văng vẳng tiếng đàn lần tiếng trống.
Quân bất kiến (2)
Thiên thai động khẩu cần tương tống; (2)
Dẫu bóng ta, ta bóng có làm sao,
Thực người hay giấc chiêm bao ?
(*) Giấc hồ...giấc mộng
(1) Đại ý nói ở đời ,phàm những cái gì ta
có đều là vật ngoại thân cả ,và ngẫm nghỉ
người đời đều ở trong giấc mộng cả !
(2) Dẫn điển Lưu Thân và Nguyễn Triệu vào núi
Thiên Thai hái thuốc gặp và lấy tiên.Ở với nhau
được 6 tháng ,hai chàng nhớ nhà đòi về ,hai nàng tiên ân cần tiễn ra cửa động.
Cảm hứng
Ngày trước cũng lên lạy cửa trời, (1)
Lâu nay vắng vẻ bặt tăm hơi.
Nước non man mác về đâu tá ?
Bạn bè lơ thơ sót mấy người.
Đời loạn đi về như hạc độc, (2)
Tuổi già hình bóng tựa mây côi (3)
Đã hay nhờ được hao mòn lắm,
Một thí lòng son chửa rõ mười.(4)
(1)Nhà thơ lúc làm quan cũng đã
cùng với bạn vào chầu Vua ở triều đình
(2)Hạc độc...Con hạc một mình không có bạn
(3)Mây côi ...Đám mây lẽ loi
(4)Một thí....Một chút
Cáo quan về ở nhà
Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà,
Nghĩ ta, ta lại chỉ thương ta.
Bóng hiên thêm ngán hơi nồng nhỉ,
Ngọn gió không nhường tóc bạc a!
Thửa mạ rạch ròi chân xấu tốt, (1)
Đấu lương đo đắn tuổi non già.(2)
Khi buồn chén rượu say không biết,
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.
(1) Chân....tức chân ruộng
(2) Đong thóc thành sỏi
Chế ông đỗ Cự Lộc
Văn hay chữ tốt ra tuồng,
Văn dai như chão, chữ vuông như hòm.
Vẻ thầy như vẻ con tôm,
Vẻ tay ngoáy cám, vẻ mồm húp tương.
Vẻ lịch sự ai bằng thầy Cự Lộc,
Vẻ cô đầu nói móc có vài câu:
Anh chẳng sang, mà cũng chẳng giàu.
Hầu bao ních, rận bâu quanh chiếu;
Khăn nhuộm lờ lờ mùi nước điếu,
Nón sơn không méo cũng không tròn.
Quần vải thô, ngại giặt ngả màu son,
Giày cóc gặm, nhặt dây đàn khâu lấy.
Phong lưu ấy, mà tình tính ấy,
Đến cô đầu, vẫn thấy lả lơi bông,
Xinh thay diện mạo anh hùng!