-
Moderator
M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (72)
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (72)
711. Cuộc khẩu chiến về Lời Chúa trong Thánh Kinh
Đây là một cuộc khẩu chiến về Lời Chúa trong Thánh Kinh, xảy ra tại sa mạc giữa Chúa Giêsu và ma quỷ.
Hai bên đều trưng Lời Chúa: ma quỷ trưng Thánh vịnh 91,.... Chúa Giêsu trưng Đệ Nhị Luật,...
Hai bên đều tìm cách cắt nghĩa Lời Chúa theo ý mình và muổn thực hiện Lời Chúa theo ý mình. Nhưng ý của ma quỷ là ý kiêu ngạo, ý huyênh hoang. Còn ý của Chúa Giêsu là ý khiêm nhượng.
Kiêu ngạo khi nghe Lời Chúa, chúng ta thuộc thành phần ma quỷ, thành phần của những kẻ lạc đạo, rối đạo, chống đạo.
Khi nghe Lời Chúa với lòng khiêm nhượng, chúng ta mới thật sự là những môn đệ của Chúa.
712. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ đem lại niềm an ủi cho chúng ta.
Chúng ta là cái đích để cho ma quỷ cám dỗ.
Bị đuổi ra khỏi thiên đàng, các thần dữ, tức là ma quỷ, rất căm thù Thiên Chúa, nhưng không thể nào làm gì được, nên chúng chĩa tất cả khí giới hận thù ghen ghét điên loạn của chúng vào loài người chúng ta. Lý do là vì ma quỷ biết loài người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, và sau nầy, sẽ được Ngài cho về thiên đàng chiếm chỗ của chúng.
Ma quỷ cám dỗ loài người chúng ta trong mọi sự, trong mọi nơi, trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Chúa Giêsu là Đấng vô cùng thánh thiện, vô cùng đáng yêu, vô tội mọi đàng, thế mà vẫn phải chịu ê chề cám dỗ. Bởi thế, khi thấy Chúa Giêsu cũng chịu cám dỗ như chúng ta, chúng ta cảm thấy mình được an ủi lớn lao.
713. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ làm cho chúng ta yêu mến Ngài hơn.
Chúa Giêsu biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, nên trái tim Ngài luôn luôn mở rộng để yêu thương và tha thứ mọi khuyết điểm, mọi lỡ lầm, mọi tội lỗi của chúng ta. Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu chịu cám dỗ, chúng ta có thiện cảm với Ngài, chúng ta thấy lòng mình muốn yêu mến Ngài hơn.
714. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng vào Ngài.
Vì thấy Chúa Giêsu cũng đả trải qua nhiều cơn cám dỗ thử thách, nên chúng ta tin tưởng rằng Ngài có thể cứu giúp chúng ta trong những lúc chúng ta bị cám dỗ thử thách: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18).
Ai đã từng chịu đau khổ, mới yêu thương những người khổ đau.
Ai đã từng nếm những cảnh khổ cực, mới yêu thương những người cực khổ.
715. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ có thể đem lại phần thưởng cho chúng ta.
Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ, bị đau khổ - và Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị như vậy trong Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế - là một điều lợi cho chúng ta vì chúng ta được Ngài thưởng khi thấy chúng ta vẫn theo Ngài trong khi Ngài bị thử thách như vậy trong Giáo Hội: “Còn các con, các con vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho các con, như Cha Thầy đã trao cho Thầy.” (Lc 22,28-29)
716. Hãy làm việc để khỏi lo lắng buồn phiền!
... Khi tôi (Tromper Longmay) trở lại Nữu Ước, cái gì cũng làm cho tôi lo: lo về số trái cây mua ở Ý, mua ở Hawai, và trăm ngàn thứ nữa.
Tôi nhăn nhó, càu nhàu, mất ngủ, và... tôi muốn loạn óc.
Trong khi thất vọng, tôi quyết định một lối sống mới, nhờ đó mà ngủ được và hết lo.
Tôi kiếm việc làm. Tôi cặm cụi vào những việc nào choán hết tâm trí tôi, đến nỗi tôi không còn thời giờ lo buồn nữa.
Trước kia, tôi làm việc bảy giờ một ngày. Bây giờ, một ngày, tôi làm 15,16 giờ. Tôi nhận những phận sự, trách nhiệm mới. Nửa đêm về nhà, tôi mệt mỏi đến nỗi vừa lăn xuống giường được vài giây, đã thiếp đi rồi.
Tôi theo đúng chương trình nầy trong khoảng ba tháng, thành thử tôi đã bỏ được tật hay lo. Sau đó, trở lại làm việc bảy tám giờ như đời sống cũ.
Chuyện đó xảy ra 18 năm trước. Từ đó đến nay, không bao giờ tôi lo lắng hoặc mất ngủ nữa.
Ông Bernard Shaw có lý. Ông tóm tắt hết những điều đó trong câu nầy:
- “Có muốn khốn khổ thì cứ phí công tự hỏi xem mình sướng hay khổ.”
Vậy bạn đừng bao giờ phí công nghĩ đến điều đó nhé!
Xăn tay lên và làm việc. Máu bạn sẽ lưu thông, óc bạn sẽ hoạt động, và chẳng lâu đâu, sự dồi dào của nhựa sống chạy khắp cơ thể bạn, sẽ đuổi ưu phiền ra khỏi đầu óc bạn ngay.
Kiếm việc ra làm! Đừng ngồi không! Đó là phương thức rẻ nhất ở đời – mà cũng thần hiệu nhất nữa.
Vậy muốn trừ tật lo lắng, xin bạn theo nguyên tắc thứ nhất nầy: “Đừng ngồi không. Hễ lo lắng thì hãy cặm cụi làm việc đi, để khỏi bị chết vì thất vọng.” (Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống)
717. Thất bại? Hãy thử làm lại một lần nữa!
Những người thành công biết rằng không có điều gì xảy ra chính xác như kế hoạch. Bất kể bạn làm việc vất vả hay chăm chỉ như thế nào, sớm hay muộn, bạn cũng phải đối diện với thực tế là có ngày bạn sẽ thất bại.
Không phải lúc nào bạn cũng ký được một hợp đồng. Không phải trò chơi nào, bạn cũng thắng. Không phải lúc nào bạn cũng có được cái mình muốn.
Trên đường đời, khi đối mặt với hiểm nguy và thử thách, bạn có thể mắc sai lầm. Thậm chí, bạn có thể thất bại một, hai lần gì đó. Nhưng bạn không nên đắm chìm trong nỗi luyến tiếc.
Bạn cũng đừng tìm ai để gục đầu lên vai họ mà khóc. Mà ngược lại, bạn phải chấp nhận sự thất bại đó.
Hãy xét xem đã có những gì xảy ra. Hay bạn có thể làm được gì khác trong lần tới.
Hãy thử làm lại một lần nữa! (Vì Sao Bạn Vẫn Chưa Thành Công?)
718. Muốn thành công, phải biết mạo hiểm.
Nếu bạn lúc nào cũng sợ hải và chọn lấy cho mình phương án an toàn nhất, thì bạn khó có thể mang lại cho mình những cơ hội mới mẻ để khám phá con đường thành công của chính mình.
Để phát huy hết tiềm lực của bản thân, bạn phải có được một thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình, một khi bạn đã quyết tâm dấn thân vào mạo hiểm.
Bạn có thể giảm thiểu mức độ rủi ro xuống bằng cách tuân theo 3 bước sau đây: chuẩn bị kỹ càng / lên kế hoạch chi tiết / và tin tưởng vào quyết định của mình.
Việc cân nhắc, suy nghĩ thận trọng thấu đáo, có niềm tin vào chính mình, làm việc một cách khoa học, cộng với một chút ít máu mạo hiểm, đồng nghĩa với việc bạn đang đặt những viên đá kiên cố, vững chắc, xếp chồng lên nhau, nâng từng bước bạn vươn tới thành công.
Khi nắm lấy một cơ hội, khả năng xấu nhất có thể xảy ra, là thất bại. Tuy nhiên, đôi khi thất bại lại mở ra cho ta một cơ hội mới, và như thế, có nghĩa là bạn đã tạo cho mình một khả năng thành công khác.
Nếu không dám đi bước đi đầu tiên mạo hiểm ấy, bạn sẽ không bao giờ biết được chuyện gì có thể sẽ xảy ra! (Thay Thái Độ - Đổi Cuộc Đời)
719. Kiên trì đòi nổ lực hết mình.
Frank Tyger nhận xét:
- “Mọi chiến thắng đều đòi hỏi rất nhiều cố gắng.”
Nhưng kiên trì có nghĩa hơn việc cố gắng. Nó cũng có nghĩa hơn sự chăm chỉ.
Kiên trì là một sự đầu tư. Nó buộc bản thân phải đầu tư cảm xúc, trí tuệ, thể lực và tinh thần vào một ý tưởng hoặc nhiệm vụ cho đến khi chúng được hoàn tất.
Kiên trì đòi hỏi rất nhiều, và kết quả là: mọi thứ bạn cho đi, là sự đầu tư vào chính bạn. (Tài Năng Thôi – Chưa Đủ)
720. Vì chưa thực sự tìm hiểu nhau, nên cứ ác cảm với nhau hoài.
Có một bài thơ tứ tuyệt viết trên tường Đại Học Oxford rằng:
“Đốc tờ Fell, tôi chẳng quý ông!
Đừng hỏi tại sao, không nói được!
Có một điều nầy rất thật mà thôi:
Đốc tờ Fell, tôi chẳng quý ông!”
Bài thơ thật tế nhị: tác giả không thích bác sĩ Fell và không biết tại sao như vậy. Chỉ biết là mình không thích ông ta, thế thôi.
Quả là một sự ác cảm, khó hiểu vì bác sĩ Fell là một người tốt, rất tốt là khác.
Có lẽ tác giả tiếp xúc và tìm hiểu bác sĩ nhiều hơn, thì hẳn phải có cảm tình với ông nầy. Nhưng sự thật là bác sĩ nầy chưa bao giờ tiếp xúc với tác giả bài thơ đó cả.
Suy rộng thì ở đời, tại vì ta thiếu sự tiếp xúc, thông cảm lẫn nhau, chưa thực sự tìm hiểu nhau, nên cứ ác cảm với nhau hoài. (Tư Tưởng Tích Cực - Một Sức Mạnh Diệu Kỳ)
LM Nguyễn Vinh Gioang
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules