HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI DÂN CHÚA
21-25/11/2010
“ CÙNG XÂY DỰNG NGÔI NHÀ CHUNG, NGÔI NHÀ GIÁO HỘI ”
Tạ ơn Chúa! Quả là niềm vui cho mọi thành phần Dân Chúa trong nước cũng như hải ngoại khi đọc lá thư Mục tử và báo cáo của TGP. HCM về đại hội Dân Chúa.
Để đại hội thực sự trở thành ngày hội lớn, ngày khai mở hồng ân, ngày mà mọi người cùng nhau bắt tay xây ngôi nhà chung như lời mời gọi của Đức Hồng Y TGMGP trong những ngày diễn ra đại hội và nối tiếp mãi về sau. Ngoài trách nhiệm của Hàng Giáo Sỹ, đây cũng là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chức vụ gì, ngành nghề cao hay thấp, giầu hay nghèo, già hay trẻ, tri thức hay thất học. Mọi người đều là những người thợ mà chính Đức Kitô gọi mời, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Với đôi dòng suy tư nhỏ bé, người viết cũng muốn gởi chút tâm tư, chút suy nghĩ hạn hẹp, về đề cương của HĐGMVN đề ra “ MẦU NHIỆM, HIỆP THÔNG, SỨ VỤ ” những mong được học hỏi, chỉ giáo của các bậc bề trên, của mọi người.
I. MẦU NHIỆM:
Như đã được giải thích, hướng dẫn trong giáo trình tìm hiểu và học hỏi Năm Thánh của HĐGMVN. Để sống thực sự trong mầu nhiệm thánh, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, điều quan trọng người Kitô hữu phải hiểu và sống Thánh Lễ hay nói đúng hơn là quy hướng về Bí Tích Thánh Thể. Đây là bí tích cao trọng nhất như giáo lý công giáo đã từng dạy.
Thánh lễ chính là bàn tiệc mà Đức Kitô đã thiết lập (x. Mt.26, 26-29). Qua đó, Ngài quy tụ mọi con cái Thiên Chúa lại, cùng với Ngài chia sẻ tấm bánh sự sống, tấm bánh yêu thương, phục vụ, tấm bánh của sự hiệp nhất, tấm bánh sẻ chia. Quan trọng nhất tấm bánh mỏng manh, dễ vỡ, dễ hòa tan đó chính thịt và máu của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Cộng đoàn tín hữu thời sơ khai đã cảm nhận được điều đó khi họ đồng tâm nhất trí cùng với nhau chuyên cân cầu nguyện và thực hiện nghi thức bẻ bánh (x.Cv.2,42-46).
Giáo Hội Việt Nam vào những thập niên mới hình thành, tuy bị cấm cách, truy lùng bách hại một cách gắt gao. Những bậc tiền bối từ Mục Tử tới đàn chiên vẫn cố gắng cử hành thánh lễ dù trong hoàn cảnh và điều kiện không thuận lợi như: Trong rừng sâu, dưới hầm hoặc những nơi kín đáo chật chội để tránh sự truy lùng, bắt bớ của quan quân thời bấy giờ.
Hiện nay nơi các giáo xứ, thánh lễ được tổ chức rất nhiều giờ trong ngày hầu giúp cho mọi người có khả năng tham dự, đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật, số lượng người tham dự rất đông, đủ mọi giới và mọi tầng lớp, về khách quan mà nói, đời sống đạo của người Việt Nam khá sầm uất, điều này nói lên hạt giống Tin Mừng của các vị Thừa Sai, các Thánh tử đạo Việt Nam đã gieo bằng sự hy sinh, và bằng chính những giọt máu đã và đang sinh sôi nảy nở theo chiều hướng lạc quan. Dẫu phải trải qua biết bao thăng trầm theo dòng xoay chuyển của lịch sử đất nước.
Số lượng người tham dự thánh lễ hiện nay, không ai phủ nhận. Còn về chất lượng khi tham dự thánh lễ thì sao? Rảo quanh một vòng và cùng tham dự thánh lễ nơi những thánh đường vào những ngày lễ trọng, ngày lễ Chúa nhật, điều ta dễ nhận và nghe thấy là âm thanh phát ra từ những chiếc điện thoại di động, kế tiếp là tiếng trả lời điện thoại; những tín hiệu, tiếng cười sau khi nhận và trả lời tin nhắn; còn nữa, những âm thanh rì rầm có khi lớn tiếng của những người chung quanh bàn chuyện riêng; những trang phục không mấy kín đáo của phái đẹp, những hình thức tỏ lộ tình cảm của các đôi tình nhân. Tham dự thánh lễ, nhưng lại ở cách một con đường mới tới nhà thờ, hoặc đứng ngoài hàng rào thánh đường; những âm thanh đều đều của những bậc cao niên nguyện kinh mân côi trong khi tham dự thánh lễ…..
Trong cuộc sống thường nhật cả đạo lẫn đời, khi ta cần đến sự giúp đỡ, hoặc phải thăm viếng một ai trong mối tương quan hằng ngày. Nếu người đó là bậc bề trên, thường thì ta đến sớm hơn giờ hẹn; khi tiếp xúc, ta giãi bày một cách thành tâm, thực long; khi người đó lên tiếng, ta cố gắng lắng nghe; để không ảnh hưởng đến cuộc tiếp xúc, ta cắt nguồn điện thoại di động. Dù những điều đó, đôi khi người mà ta cần gặp, cần tiếp xúc họ không quan tâm, để tâm, ta vẫn cố gắng thực hiện để tỏ lòng tôn trọng, gây sự thiện cảm với người ta muốn gặp, cần sự giúp đỡ của họ và cũng một phần nào đem lại kết quả tốt đẹp cho điều ta mong đợi.
Thật là nghịch lý khi ta cần và đến với những người tuy hơn ta về mặt này, mặt nọ nhưng cũng chỉ là những con người bình thường như ta, theo phép lịch sự, ta tỏ thái độ tôn trọng, lắng nghe, mong đợi. Còn đến với thánh lễ, là ta đến để gặp gỡ Thiên Chúa, cùng với mọi người ta ngợi khen, chúc tụng; ta tạ ơn, tâm sự, giãi bày những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống với Ngài; từ nơi Thiên Chúa tất cả những gì ta cần Ngài đều đáp ứng. Công việc duy nhất của Ngài là đem niềm vui, hạnh phúc, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Nơi Thánh lễ Đức Kitô gọi mời mọi người để Ngài ban chính con người của Ngài, Ngài tự nguyện để trở thành người bạn tâm giao với nhân loại. Còn ta, ta đến với Ngài, qua thánh lễ với một thái độ như thế nào? Đó chính là điều mà bản thân người viết tự hỏi.
1. Tôi đi hiệp dâng thánh lễ hay đi xem lễ?
2. Tôi đi tham dự thánh lễ vì tôi thấy cần thiết cho đời sống nội tâm cũng như đời sống thường, hay tôi đi theo thói quen, đi vì luật buộc, hoặc vì cả nể người thân?
3. Khi đến tham dự thánh lễ, thời gian dài hay ngắn có là quan trọng đối với tôi?
4. Phần phụng vụ Lời Chúa, tôi có than phiền đại loại như Cha này giảng dài, ngắn và hay hoặc dở, rồi bằng cách này hay cách nọ tôi dèm pha chê trách?
5. Phần phụng vụ Thánh Thể. Tôi lên rước lễ theo nghi thức phụng tự hay tôi ao ước Chúa đến và ở trong tôi?
6. Giữa một xă hội nhiễu nhương, xuống cấp về lối sống đạo đức, công nghệ giả trí đa dạng và phong phú dẫn đến sự thờ ơ với thánh lễ của tầng lớp trẻ. Tôi có thực sự trở thành tấm gương, qua đó giúp, mời gọi giới trẻ đến với thánh lễ?
Thánh lễ là hình thức phụng tự cao quý nhất, quan trọng nhất trong đời sống của Giáo Hội nói chung và của người Kitô hữu nói riêng, qua thánh lễ nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên từng người. Nhờ đó ta mới có thể đi đến sự hiệp thông với Chúa và với nhau.
II. HIỆP THÔNG.
A. Lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô:
“ Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su ” (Pl.2, 1-5)
B. Giáo huấn của Giáo Hội
Cắm rễ sâu trong bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức và được thường xuyên nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, tất cả mọi tín hữu công giáo – giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – đều có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và hiệp nhất yêu thương nhau trong tình bác ái. Nhờ đó, Giáo Hội thực sự trở thành một Giáo Hội hiệp thông và tham gia.
Hiệp thông, hiệp nhất. Đây chính là mối ưu tư hàng đầu của Đức Kitô, trtrên đường Ngài lên Giê-ru-sa-lem chịu tử nạn, Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các tông đồ và cho các thế hệ nối tiếp các Ngài “ Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta ” (Ga.17, 20-21).
Hiệp thông bằng đời sống cầu nguyện, bằng lời nói, hành động trong mối tương quan giữa chủ chăn và đàn chiên, nơi mái ấm gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội. Sự hiệp thông đó không chỉ dừng lại nơi mái nhà Giáo Hội, nhưng phải được lan tỏa đến tất cả mọi người không phân biệt lương giáo. Để sự hiệp thông được triển nở, thì những nhân đức không thể thiếu khi thực hiện sự hiệp thông:
1. ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG.
§ Khiêm nhường như Đức Kitô.
Lời mời gọi học khiêm nhường của Đức Kitô: “ Anh em hãy học cùng ta vì ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường ” (Mt.11,29).
Thánh Phaolô nói về sự khiêm nhường của Đức Kitô: “ Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ”(Pl.2 6-8)
§ Khiêm nhường trước Chúa.
Lời mời gọi của Thánh Phêrô: “ Anh em hãy khiêm hạ trước bàn tay uy quyền của Thiên Chúa ”(1Pr.5,6). Nhờ sự khiêm nhường trước Chúa giúp nhận ra cái mong manh, hữu hạn, những yếu đuối và lầm lỗi của loài thọ tạo.
§ Khiêm nhường như Mẹ Maria.
Lời xác tín của Mẹ Maria: “ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường ” (Lc.1,52)
Lời giới thiệu của Thánh sử Luca: “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói ” (Lc.1,38).
§ Khiêm nhường với nhau.
Lời giáo huấn của Đức Kitô: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em ” (Mt.20,26)
Lời nhắc nhở của Thánh Phêrô: “ Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường ” (1Pr.5,5), lời nhắc nhở của Thánh Phaolô: “ Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình ” (Pl.2,3).
Đức khiêm nhường đã gắn kết cuộc đời trần thế của Đức Kitô với Chúa Cha và với nhân loại, nhờ đức khiêm nhường, Mẹ Maria được Chúa yêu thương chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế và ban tràn đầy ân phúc, đức khiêm nhường sẽ gắn kết cuộc đời người Kitô hữu vào tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Mẹ Maria. Nhờ đó, ta mới có thể sống chan hòa với nhau, cùng nhau cộng tác trong mọi lãnh vực, trong đức khiêm nhường câu hỏi sẽ được đặt ra: “ Tôi đã làm được gì cho Giáo Hội? ” thay cho: “ Giáo Hội đã làm gì cho tôi? ”. Từ đó, bớt đi những lời chỉ trích, lên án Giáo hội bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng biết dùng khả năng hiện tại của mình cùng chung tay góp sức với Giáo Hội trong mọi lãnh vực. Ngoài nhân đức khiêm nhường thì đức bác ái cũng rất quan trọng và cần thiết trong đời sống hiệp thông.
2. ĐỨC BÁC ÁI.
§ Bác ái theo giáo huấn của Đức Kitô: “ Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương ”(Mt,5,7), hoặc “ Chính anh em hãy cho họ ăn ” (Mt.14,16).
§ Gương bác ái của Mẹ Maria:
Mẹ vội vã lên đường thăm viếng và phục vụ người chị họ (xLc.1,39-58), Mẹ qua tâm hạnh phúc của mọi người nơi tiệc cưới Ca-na (xGa.2,1-11); Mẹ an ủi, cùng cầu nguyện với các môn đệ của Chúa nơi nhà tiệc ly (Cv.1,12-14).
§ Gương bác ái của những người phụ nữ đi theo Đức Kitô trên bước đường rao giảng: “ Bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ ” (Lc.8,3).
§ Bác ái theo ngôn ngữ của thánh Phaolô: “ Lòng bác ái không được giả hình giả bộ ” (Rm.12,9), ngôn ngữ của thánh Giacôbê: “ Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử ” (Gc.2,13).
Đức bác ái là sứ điệp chính yếu trong Tin Mừng, là căn tính của người Kitô hữu; là những vật liệu quan trọng xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu trên Thiên Đàng; cũng như tái tạo và xây dựng ngôi nhà gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội; là dấu chỉ hiệp thông một cách trọn hảo; lời mời gọi, giới thiệu Chúa cho mọi người một cách hữu hiệu nhất. Lời giáo huấn của Đức Kitô vẫn còn vang mãi bên tai mỗi Kitô hữu: “ Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau ” (Ga.13,35), Thánh Phaolô đã khẳng định tầm quan trọng của đức bác ái: “ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến ” (1Cr.13,13). Đức khiêm nhường và bác ái chính là hành trang giúp ta bước vào đời sống sứ vụ.
III. SỨ VỤ.
A. Lệnh truyền của Đức Kitô:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em ” (Mt.28,19).
B. Lời nhắn nhủ của thánh Phaolô:
“ Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? ” (Rm.10,14).
C. Lời giáo huấn của Giáo Hội:
Mọi tín hữu công giáo đều được kêu gọi và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sứ vụ này cần được thực hiện ở cả ba mức độ. Thứ nhất là đón nhận và để cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống của mình, do đó phải thường xuyên hoán cải và trở về với Tin Mừng. Thứ hai là đem Tin Mừng đến cho người khác qua lời rao giảng cũng như qua đời sống làm chứng cho Tin Mừng. Thứ ba là đem những giá trị của Tin Mừng (chân lý, tình yêu, công lý, hòa bình) thấm nhập và biến đổi mọi lãnh vực trong đời sống con người.
Đời sống sứ vụ của người Kitô, nói rõ hơn là sứ vụ loan báo Tin Mừng, đây là ân sủng lớn Thiên Chúa ban tặng, Thánh Phê rô đã nhắc lại lời hứa ban ân sủng qua Tiên tri Giôen sau ngày lễ ngũ tuần: “ Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ ” (Cv.2,17), ân sủng đó là những nén bạc Thiên Chúa trao vào trong tay mỗi người, Ngài luôn mong ước những nén bạc đó được sinh lợi. Cuối cùng là mệnh lệnh, lời mời gọi tha thiết của Đức Kitô, mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội.
Sống giữa thời đại hôm nay, thời đại mà nhân loại dần xa rời Thiên Chúa, khước từ Thiên Chúa, nhân loại chuộng và đi theo “ Nền văn minh của sự chết ”, sống và đi tìm văn hóa “ Thành công ”, dần quên đi văn hóa “ Nhân bản ”. Chính lối sống chạy theo văn hóa “ Thành công ”, bằng mọi cách và mọi giá những mong đạt được những thành công trên và trong mọi lãnh vực. Lối sống đó đã đưa đến một xã hội xáo trộn, hỗn độn, người nghèo bị bóc lột và bị bỏ rơi, tầng lớp thanh thiếu niên rơi vào trạng thái mất định hướng, thiếu cân bằng trong mọi lãnh vực…. Điều đáng báo động hiện nay, ngay cả những người đã mang dòng máu Kitô hữu, nhưng thiếu sự chuyên cần học hỏi Lời Chúa, thờ ơ trong đời sống cầu nguyện cũng bị rơi vào lối sống đó.
Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội trong đời sống sứ vụ loan báo Tin Mừng là bổn phận và là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu, bằng đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa nơi bí tích Thánh Thể, qua đời sống chuyên cần học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, nhất là sống bác ái yêu thương và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Có như thế thì hồng ân Năm Thánh mới thực sự ở trong và hoạt động trong mỗi người, và công việc chung tay góp sức xây dựng ngôi nhà chung, ngôi nhà gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, mới thực sự có hiệu quả và bền vững.
Để kết người viết xin mượn câu ca dao: “ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao ”. Qua đó cũng mạo muội mời gọi cùng hiệp lòng nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng khởi nguồn hiệp nhất và yêu thương, Đấng kiến tạo “ Mầu Nhiệm, Hiệp Thông, Sứ Vụ ”, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu La Vang, Thánh Cả Giuse và các Thánh tử đạo Việt Nam luôn tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên toàn Giáo Hội. Nhờ ân sủng và bình an của Ba Ngôi Thiên Chúa, tất cả mọi thành phần dân Chúa từ hàng giáo sỹ tới giáo dân chung tay góp sức giúp nhau tở thành những người thợ lành nghề trong cách đồng truyền giáo cũng như những người thợ kiến tạo sự bình an, hạnh phúc, cùng nhau tái tạo và xây dựng ngôi nhà chung, ngôi nhà Giáo Hội.
Xin Kính Chúc Quý Vị Đại Biểu và toàn Đại Hội Dân Chúa được thành công tốt đẹp và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.
Sài Gòn ngày 21/9/2010
An-tôn Lương văn Liêm