TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

Dù xa xôi cách trở, người Việt Nam vẫn có lệ về với mái nhà chung gọi là “Từ đường” của Gia tộc trong những ngày giỗ, rồi cùng nhau viếng mộ, dâng hương, đọc kinh. Những năm gần đây, điều kiện phương tiện dễ dàng hơn một chút, con cháu ở xa lại kéo nhau về để viếng mộ Ông Bà Cha Mẹ và tham dự Thánh Lễ cầu cho các linh hồn tại nghĩa trang các Giáo xứ. Em tôi cũng thế, ở tận Tân Phú Đồng Nai vì “tha phương cầu thực”, nhưng vào ngày lễ các linh hồn ngày 2-11 năm nào cũng về với Cha Mẹ. Chị TM thì khác, hơn 25 năm rồi, vẫn thường ra đứng trước biển, và nhất là ra đứng trước biển từ sáng sớm ngày 2-11. Có lần chị nói, chị ước gì có một thánh lễ cầu cho các linh hồn được cử hành trên biển…Nghĩa trang, nơi nghìn thu vĩnh biệt của Cha, Mẹ, chồng chị và của nhiều người Việt Nam mình, là biển… Dù được an táng trên đất liền, trên rừng, dưới biển, và dù ở đất khách quê người hay nơi chôn nhau cắt rốn thì tương quan của người chết và sống, sống và chết vẫn luôn khắng khít bởi một sợi dây vô hình của niềm tin và tình yêu.

Việc tuyên xưng đức tin

Đối với các tín hữu công giáo, việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt là linh hồn những người thân yêu, trước tin là một việc đạo đức bắt nguồn từ Đức Tin: Tin vào sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin Thiên Chúa cho người đã chết được Phục sinh với Đức Kitô, tin xác loài người sẽ sống lại, tin ngày đoàn viên của con cái Thiên Chúa trong Nước của Ngài, trong đó có sự đoàn viên của các gia đình. Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì niềm tin của chúng ta đã trở nên vô ích”. Quả thật, ngay đối với một đức tin được cho là vụ lợi, cũng hiểu được điều nầy, vì tôi muốn “tin” là “được cho tôi”. Không ai muốn “tin” để rồi chịu “thiệt thòi” vì niềm tin của mình. Đức Kitô đã nói một cách dứt khoát: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Jn 6,40).

Tiến xa hơn trong Đức tin, là tin vào lòng Thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy bắt nguồn từ công trình sáng tạo,và không chấp nhận cho công trình ấy hư đi, lòng thương xót thực hiện công trình cứu rỗi. Với xác tín ấy, người tín hữu hân hoan vui sống trong tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa Cha, quan phòng và gìn giữ. Hơn thế nữa, một cách nào đó, khi cầu nguyện cho các linh hồn, không chỉ là một đức tin vụ lợi, mà các tín hữu còn xác tín niềm tín thác hoàn toàn vào lòng từ ái của Thiên Chúa Cha đối với con cái: “Như người Cha, xót thương con cái mình, Chúa xót thương đối với những kẻ kính sợ người. Vì người biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người vẫn nhớ chúng ta là cát bụi”. (Tv 102,13-14).

Từ xác tín ấy, lời cầu xin trở thành một tuyên xưng đức tin vững chắc về việc phục sinh của người thân yêu và niềm hy vọng đoàn viên của những người sẽ chết và sẽ sống lại trong nước Thiên Chúa.

Việc của chữ Hiếu, chữ Tình

Cầu nguyện cho các người thân đã qua đời cũng là việc làm của chữ Hiếu. Trước đây, lương dân Việt Nam cho rằng khi gia nhập đạo công giáo là người ta bỏ ông bỏ bà, bỏ tổ tiên; bây giờ thì khác nhiều rồi. Họ cũng đã thấy, không những không bỏ ông bỏ bà, mà người công giáo còn nhớ đến ông bà, cha mẹ, các người thân hầu như nhiều lần hơn họ. Câu kinh “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho ông bà cha mẹ cùng các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi; Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. A men” được đọc sau kinh ăn cơm, trong buổi kinh sáng tối, trong những buổi kinh cộng đoàn tại các gia đình, trong những giờ kiệu công khai, trong lễ gia tiên dịp cưới hỏi… Bàn thờ tưởng nhớ ông bà cha mẹ người có đạo cũng hương nhang đèn khói, và anh chị em bà con gia đình tập trung lại để đọc kinh cầu nguyện- chỉ trừ việc cúng kiếng có tính cách mê tín là không thực hiện. Có người lương tham dự thánh lễ và nghe rõ ràng mỗi thánh lễ đều có cầu nguyện cho những “người đã ra đi trước chúng con”. Hơn nữa, dịp lễ giỗ và tháng 11, việc người công giáo xin lễ cầu cho các linh hồn không còn là xa lạ đối với lương dân. Những việc làm ấy, vừa thể hiện tinh thần của điều răn thứ tư: Thảo kính Cha Mẹ, mà còn là một việc truyền giáo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam. Nhưng, đó mới chỉ là việc bên ngoài.

Việc quan trọng tự bên trong, là Ông Bà Cha Mẹ dù đã khuất đi, nhưng luôn là nơi gặp gỡ của anh chị em trong đại gia đình. Anh chị em, nhất là những người ở xa gia đình, xa quê hương, xa nửa vòng trái đất chẳng hạn không khỏi ngậm ngùi nhung nhớ và sống lại trong lòng họ một thuở “gia đình êm ấm bên Cha bên Mẹ” vào những ngày giỗ chạp ở Việt Nam. Tôi biết có người đã còn cùng tham dự giờ kinh cầu cho Cha Mẹ qua điện thoại, rồi khóc ngon khóc lành vì niềm thương kính Cha Mẹ. Chính vì thế, thiết tưởng, việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho Ông Bà Cha Mẹ không chỉ là việc của chữ Hiếu bên ngoài, mà còn là việc hoàn thiện tình huynh đệ huyết nhục chí cốt ở bên trong, để nâng đỡ nhau trong cuộc đời, trên con đường lữ hành tiến về ngày đoàn viên trên trời.

Mặt khác, việc tưởng nhớ cầu nguyện cho người bạn đời đã khuất, có sức làm cho người đã khuất luôn hiện diện trong gia đình, chi phối mọi sinh hoạt, và nhất là làm cho dây ràng buộc hôn nhân công giáo có lý do để duy trì bền vững cho đến ngày tái ngộ trên thiên quốc. Vẫn biết rằng, sẽ không tái ngộ trong tình trạng hôn nhân thế gian, nhưng họ đang giữ cho nhau chu toàn bổn phận đối với con cái của họ. Quả thực, đã có không ít người đang trong tình trạng “thủ tiết” thật thánh thiện, nhờ ơn Chúa qua việc trung thành với giao ước hôn nhân khi người bạn đời đã khuất. Họ không “một thân một mình” chu toàn bổn phận đối với con cái, vì, có thể nói, luôn có sự hiện diện của người bạn đời. Có những người còn được ơn hiến dâng đoạn đời còn lại cho công việc tông đồ, truyền giáo. Họ đang sống trong hân hoan vì người chết vẫn đang sống với họ và đợi chờ đoàn viên trên thiên quốc….

Như vậy, việc tưởng nhớ cầu nguyện cho người thân đã qua đời, là một việc đạo đức của niềm tin, của chữ hiếu và của cả chữ tình.

Việc của tình thương nhân loại

Có những người đang sống nhưng luôn nghĩ đến người đã chết, nhất là những người ở vào độ tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Họ có một tương quan rất gần với những người đã ra đi. Đi ra đường, họ nghĩ đến những người bị tai nạn còn để lại những dấu vẽ trên đường. Tắm biển, họ nhớ tới những người chết trên biển, những người vượt biên ra đi nghìn trùng thăm thẳm. Đang lúc tiệc tùng vui chơi họ nghĩ tới những người đã chết vì quá độ. Trong bửa cơm, họ nhớ những người không còn được sống nhờ lương thực hằng ngày. Đến bệnh viện, họ nhớ tới những người ra đi từ nhà xác, nhớ đến những em bé trong thùng rác. Ở nơi nào, họ cũng có thể nhớ tới các linh hồn kể cả các linh hồn mồ côi. Không chỉ nhớ tới mà còn cầu nguyện nữa. Nghe trống đánh đâu đó, hay nghe chuông nhà thờ buông rời từng tiếng một, họ dừng công việc lại ngay và cầu nguyện cho linh hồn mới qua đời. Gặp một đám tang, họ cầu nguyện cho linh hồn mới qua đời, bất kể là lương hay giáo. Đi ngang qua nghĩa trang, họ cầu nguyện cho các linh hồn….

Đây là một việc đạo đức phát xuất tự bên trong, tự niềm tin Kitô Giáo, còn là một nét văn hóa độc đáo của Kitô Giáo: Sống và Chết một tương quan nhân sinh kỳ diệu: những người sẽ chết cầu nguyện cho những người đã chết. Từ điểm văn hóa nầy, hình thành nhân cách một Tín Hữu Chúa Kitô luôn sống trong thế giới đại đồng của loài người sẽ chết, không phân biệt dân tộc, màu da, tôn giáo, chính kiến, giai cấp. Điểm văn hóa ấy, lại chính là Giáo Lý Chúa Kitô: sống trong tình yêu thương chan hòa, sống để chuẩn bị cho cái chết và sống lại của chính mình.

Việc chuẩn bị cho sự chết của chính mình.

Việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn cũng nhắc nhớ cho chúng ta về cái chết của chính mình và việc phải chuẩn bị cho cuộc vượt qua ấy một cách hoàn mỹ.

“Ai chưa qua chưa phải là người”

Tôi vẫn thích câu nầy trong bài nhạc đời “Thói Đời”. Và suy đi nghĩ lại, thấm thía lắm- cả hai mặt xã hội và tôn giáo. Không biết tác giả bài “Thói Đời” khi viết câu nầy, nhạc sĩ có suy tư hết chiều rộng chiều dài của nó không, có thể có, có thể không, nhưng dù sao, cũng đủ để những người nghe bài hát cảm nhận được một cuộc đời. Động từ “qua” trong câu thật tuyệt. Chỉ một động từ ấy đủ định nghĩa một cuộc đời: qua sinh, đến tử; qua lòng Mẹ, được là con; qua trườn, bò, đến ngồi; qua chập chững đến bước đi; qua trẻ đến già; qua đau khổ tới hạnh phúc, qua tủi nhục đến vinh quang; và qua sự chết mới đầy đủ một kiếp người. Và hơn thế nữa, đối với người công giáo: qua Đức Giêsu Kitô, đến Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói : “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Jn 14,6)

Những người đã chết là những người đã qua đúng một kiếp người. Họ đi về đâu? Hãy hỏi họ thì biết. Hỏi thì được, nhưng không thấy họ trả lời? Vâng họ rất im lặng, nhưng quả thật, họ đã nói tất cả: “Sự chết thì cố định, thì tương đồng, nhưng giờ chết thì bất ngờ, cách chết thì tương dị”- “Sống là chuẩn bị để chết” và “chết là về với Nguồn Cội”

Vâng, những người chưa qua trọn kiếp người bằng cái chết, có thể khó hiểu. Nhưng đối với Kitô hữu, thì hẳn phải biết, vì ngay tự danh xưng Kitô hữu cũng cho thấy họ phải kết hiệp với Đức Kitô để có được danh xưng nầy cách xứng đáng. Mà đã kết hiệp với Đức Kitô, là chắc chắn phải học bài học “chết”. Không chỉ xác nhận sự chết nằm ngay trong sự sống như nhịp chết giữa hai nhịp đập của trái tim, nhưng người Kitô hữu luôn chuẩn bị để tiến dần đến sự chết và vượt qua cái chết của đời mình bằng cách tập chết từng giây phút trong đời theo gương Đức Giêsu Kitô: chết ý riêng của mình, để ý của Thiên Chúa Cha được thực hiện, chết sự sống mình để người khác được sống, chết tự do mình để người khác được tự do… Vì thế, người tín hữu khi nhớ đến và cầu nguyện cho các linh hồn, cũng là lúc họ phải nghĩ đến cổ xe về vĩnh cửu đang chờ họ ở đâu đó, và họ phải chuẩn bị. Và khi đã được chuẩn bị bằng cách tập chết từng ngày với Đức Kitô, thì việc chia tay hay từ bỏ thế gian đối với họ không còn là một bận vướng đáng kể. Họ sẵn sàng về với nguồn cội là Thiên Chúa Cha, vì họ đã cùng vượt qua với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh hiển.

Lạy Chúa, tương lai tuyệt vời của các Kitô hữu chúng con là được cùng Đức Giêsu Kitô chết và sống lại vinh hiển, để được hạnh phúc đời đời trong lòng yêu thương của Ba ngôi Thiên Chúa. Nhưng chúng con, cũng như các linh hồn đã ra đi trước chúng con, là vật phàm hèn yếu đuối, xin lòng thương xót Chúa tha thứ muôn tội và ban ơn cứu rỗi. Chúng con kính tin vào lòng thương xót Chúa, và tín thác vào lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng đã đổ máu mình chuộc tội chúng con. A men.
Pm. Cao Huy Hoàng