-
Moderator
C - Chủ nhật 4 thường niên (C) Người băng qua giữa họ mà đi
NGƯỜI BĂNG GIỮA HỌ MÀ ĐI
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN – C
Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30
Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng hôm nay kể về phản ứng của những người Nadarét đối với Đức Giêsu và câu trả lời của Người đối với những phản ứng đó.
1. Phản ứng của cư dân Nadarét
“Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! "” (cc.21-23).
Phản ứng đầu tiên của cư dân Nadarét có hai khía cạnh. Một đàng, họ tán thành và thán phục những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Đàng khác, họ đặt vấn đề về Người: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”, tức là họ quy chiếu về quá khứ bình thường mà Người đã trải qua giữa họ, từ đó nghi ngờ về giá trị của những lời giảng dạy của Người. Làm sao một con người đã sống bao năm giữa chúng ta một cách bình thường như thế mà lại có thể là sứ giả của Thiên Chúa? Có thể tin anh ta được không? Thực ra, đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu phải đối diện với cách đặt vấn đề này. Sau này, người ta sẽ hỏi: người bị treo trên thập giá này mà có thể là Đấng Mêsia được ư? Và Hội Thánh và các nhà thừa sai, cho đến hôm nay, cũng vẫn thường xuyên phải đối diện với loại câu hỏi này.
Nhưng vấn đề thực ra không nằm ở phía Đức Giêsu hay Hội Thánh, mà nằm ở chỗ: một khi chấp nhận Đức Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa và là Mêsia, người ta bị buộc phải thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình về Thiên Chúa và chương trình của Thiên Chúa.
Đức Giêsu thấu biết lòng dạ người ta. Người còn đi xa hơn những gì cư dân Nadarét đã nói. Người biết rằng họ còn muốn ấn định điều kiện cho Người. Vì thế Người bảo họ: “"Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”. Cho đến bây giờ, Đức Giêsu chưa thực hiện các điềm thiêng dấu lạ nào ở Nadarét, ngoài việc giảng dạy và công bố Tin Mừng. Những cư dân Nadarét muốn Đức Giêsu thực hiện những việc lạ lùng tại Nadarét như Người đã thực hiện tại Caphácnaum. Họ không muốn nghe lời công bố Tin Mừng của Đấng mà Thiên Chúa sai đến; họ muốn ra điều kiện và ấn định những gì Người phải làm. Thay vì khiêm tốn đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa, họ đòi là những người có quyền quyết định điều gì Thiên Chúa và sứ giả của Người phải thực hiện nếu muốn họ chấp nhận sứ điệp đó.
2. Câu trả lời của Đức Giêsu
a. Đức Giêsu từ chối làm phép lạ
Trong Mc 6,1-6 Đức Giêsu muốn làm phép lạ tại Nadarét nhưng không thể, vì người ta thiếu lòng tin. Trong Lc thì khác. Cư dân Nadarét muốn Đức Giêsu làm phép lạ, Đức Giêsu từ chối. Tại sao? Có hai cách giải thích được đề nghị:
- Sở dĩ Người không làm phép lạ theo yêu cầu của họ là vì Người sợ rằng cơn khát phép lạ sẽ làm cho người ta không nhìn ra được điều cốt yếu nằm trong lời cứu độ đã được công bố. Thực ra, cách giải thích này không hoà hợp lắm với ngữ cảnh đi trước và đi sau.
- Sở dĩ Người không làm phép lạ là vì Người không chấp nhận tham vọng của cư dân Nadarét muốn chiếm Người làm của riêng cho họ, muốn giới hạn Người vào xứ sở riêng của mình mà thôi. Cách giải thích này xem ra hữu lý hơn.
b. “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (c.24)
Đó là câu trả lời hiển ngôn của Đức Giêsu cho cư dân Nadarét. Thực ra, có hai cách hiểu câu này.
- Cách thứ nhất: từ đêktôs hiểu theo nghĩa “ân huệ”, “ưu đãi”, và câu văn sẽ được dịch là “Không một ngôn sứ nào được phép ưu đãi quê hương mình”. Theo cách hiểu này, một số nhà nghiên cứu cho rằng Luca có ý khẳng định rằng sẽ là không phù hợp ý muốn của Thiên Chúa nếu ngôn sứ giới hạn hoạt động của mình tại quê hương xứ sở mình mà thôi. Ngôn sứ được kêu gọi không ở lại trong nhà mình. Đức Giêsu đã trả lời như thế cho sự ích kỷ của cư dân Nadarét muốn giữ riêng Người cho mình. Vậy, theo cách hiểu này, câu 24 không ám chỉ sự thất bại của lời rao giảng, mà nhấn mạnh tính khẩn thiết và phổ quát của sứ điệp cứu độ theo ý muốn của Thiên Chúa.
- Cách thứ hai: tính từ đêktôs (do bởi ‘đêkhômai’ = đón nhận, chấp nhận) có nghĩa là “được chấp nhận”, và câu văn được dịch là “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Vậy nếu cư dân Nadarét có từ chối Đức Giêsu, thì điều đó không làm giảm tư cách và giá trị ngôn sứ của Người, trái lại còn củng cố giá trị ấy. Sự kiện Đức Giêsu là ngôn sứ thật không tuỳ thuộc vào sự chuẩn nhận của cư dân Nadarét, và Người không buộc phải chứng tỏ tư cách ngôn sứ của mình bằng cách làm vừa lòng họ và thoả mãn tham vọng của họ.
Dù hiểu theo cách nào thì điều quan trọng vẫn là có một sự từ chối đối với cư dân Nadarét.
Tiếp đó, Đức Giêsu đề cập một cách tường minh đến các ngôn sứ Êlia và Êlisa, hai vị ngôn sứ lớn của Israel. "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi" (cc.25-27). Tuỳ theo cách hiểu c.24 mà người ta sẽ có thể hiểu cc.25-27 này theo những cách khác nhau. Nhưng dù theo cách nào, thì vẫn phải công nhận rằng Đức Giêsu muốn nói hai điều qua các ví dụ Êlia và Êlisa:
(1) Người không chấp nhận tham vọng và ý muốn chi phối của bất cứ ai, ngay cả những người đồng hương với Người. Người chỉ quy phục một mình Thiên Chúa và chỉ thực hiện công việc của mình như Thiên Chúa muốn mà thôi. Suốt cuộc đời, Người sẽ sống điều này một cách hết sức nghiêm túc.
(2) Dù Thiên Chúa đã sai Người đến với dân Israel trước hết, nhưng chân trời sứ vụ của Người là phổ quát và không hề có sự loại trừ nào đối với dân ngoại.
Hai điều đó diễn tả trước hết ý tưởng của tác giả Luca về sứ vụ của Đức Giêsu và của Hội Thánh. Gắn hai ví dụ ngôn sứ Êlia và ngôn sứ Êlisa vào trình thuật Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai tại Nadarét, Thánh Luca có ý giải thích ý tưởng đó của mình: bởi chương trình của chính Thiên Chúa, Đức Giêsu không thể thực hiện hoạt động của mình theo ý muốn của bất cứ ai và không thể giới hạn hoạt động đó vào Nadarét mà thôi, nhưng phải mở rộng khắp xứ Palestina. Tương tự như thế, Hội Thánh cũng không được phép để cho mình bị chi phối bởi bất cứ ai ngoài một mình Thiên Chúa, và không được giới hạn hoạt động thừa sai của mình trong một lãnh thổ hay lãnh vực nào, mà phải mở rộng ra cho muôn dân (x. Cv 13-15). Theo viễn tượng này, thái độ và cách hành xử của Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ ba đã trở nên mẫu mực và nền tảng cho thái độ và cách hành xử của Hội Thánh trong sách Cv.
3. Kết cục
“Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (cc.28-30).
Phản ứng của cư dân Nadarét ở đây thực chất là phản ứng của dân Do Thái đối với toàn bộ sứ điệp mà Đức Giêsu công bố cho đến khi Người bị treo trên thập giá, và cũng là phản ứng của họ đối với Hội Thánh, nhất là khi Hội Thánh hướng về thế giới không Do Thái. Sự giận dữ của cư dân Nadarét không bắt nguồn từ sự kiện Đức Giêsu từ chối làm phép lạ, mà là từ chỗ Đức Giêsu khẳng định ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Và điều đó cũng xảy ra với Hội Thánh sau này.
Nhưng Đức Giêsu sẽ vẫn tiếp tục con đường của mình, theo ý Thiên Chúa. “Người băng qua giữa họ mà đi” (c.30).
Lm Nguyễn Thể Hiện dcct
Last edited by Dan Lee; 02-02-2010 at 11:38 PM.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules