Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm A ( Mt. 22: 15-21)

SONG TỊCH


Ngày nay người ta thường dùng câu nói của Chúa Giêsu “ Của Xêda, trả cho Xêda” để xác định sở hữu của ai thì trả cho người đó. Trong trường hợp nào Chúa Giêsu đã nói câu nói để đời: “Cái gì của Xêda, thì hãy trả cho Xêda, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”?

Những biệt phái thuộc hai nhóm đối nghịch nhau: nhóm thứ nhất là những người Pharisiêu chỉ muốn bênh vực truyền thống sống đạo theo tổ tiên, nhưng về phương diện chính trị lại không chấp nhận sự hiện diện của người Rôma đang nắm quyền cai trị vùng đất Palestine dưới quyền của vua Hêrôđê do hoàng đế Rôma bổ nhiệm; nhóm thứ hai là những người theo và cộng tác với Hêrôđê, một vị vua không phải là người Do thái, nhưng là người Indumea. Nhưng để chống lại Chúa Giêsu, họ đã liên kết với nhau để tìm cách gài bẫy Ngài. Câu hỏi “ có được phép nộp thuế cho Xêda hay không” của họ đặt ra là chỉ để buộc Ngài trả lời có hay không. Trả lời thế nào thì họ cũng có cớ để buộc tội Ngài: Nếu bảo “phải nộp thuế”, thì Ngài sẽ bị nhóm thứ nhất kêu gọi dân chúng tố cáo Ngài là đi với ngoại bang, chống lại tổ tiên; nếu bảo “ không phải nộp thuế” thì nhóm theo Hêrôđê sẽ bắt Ngài vì tội xách động quần chúng không nộp thuế:

“Cái gì của Xêda thì hãy trả cho Xêda”. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu đã khiến cho họ không tìm ra đâu chứng cớ để kết án Ngài, đồng thời Ngài cũng xác quyết thêm một điều mới mẻ: “ Cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Nội dung mà những người Pharisiêu đặt ra để gài bẫy Chúa Giêsu là nộp thuế; Chúa đã không trả lời trực tiếp là phải nộp thuế hay không phải nộp thuế; nhưng Ngài lại trả lời bao quát hơn “ cái gì của Xêda”, “ cái gì của Thiên Chúa”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu không có gì mâu thuẫn giữa hai lãnh vực đạo và đời, giữa tôn giáo và chính trị. Chúa không xúi giục họ đừng nộp thuế; trái lại Ngài đã bảo họ: Hãy trả cho Xêda những gì của Xêda, cũng như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã viết: “ Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính”.

Câu trả lời của Chúa cũng giúp chúng ta phân định đâu là của cải thiêng liêng và đâu là của cải vật chất giữa thế gian và Thiên Chúa; đồng thời Chúa cũng muốn làm rõ ý nghĩa giữa quyền lực và thế giới vật chất với quyền lực và thế giới thần linh.

Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma: “ Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiếp lập”. Nhưng phục tùng thế nào được khi có những “ Xêda” độc đoán, độc tài, khát máu giết hại dân lành! Phục tùng thế nào được khi có những “Xêda” ủng hộ phá thai, cướp mất tự do, đánh mất nhân quyền!...

Mỗi người Kitô hữu đang sống trong thế giới hiện tại đều phải đương đầu với những quyết định khó khăn khi phải sống với những “ Xêda” thiếu lương tâm hay lương tâm chai lì trước những khổ đau của đồng loại, chống lại Thiên Chúa… Có được mấy “ Xêda” như Gandhi: “ Tôi làm chính trị, vì tôi không thể tách biệt cuộc sống ra khỏi đức tin. Bởi vì tôi tin tưởng vào Thiên Chúa, nên tôi phải tham gia vào chính trị. Chính trị là cách phục vụ của tôi đối với Thiên Chúa”.

Chúng ta là những công dân kép: công dân trần thế và công dân Nước trời. Ngoài trách nhiệm và nghiã vụ của một công dân trần thế phải trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda, người Kitô hữu chúng ta còn có trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân Nước Trời phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, như lời Thiên Chúa phán cùng Cyrô trong sách tiên tri Isaia: “ Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa và chẳng có chúa nào khác”.
Là một người dân có hai quốc tịch, chúng ta phải biết phân định quốc tịch nào bền lâu, cần giữ; quốc tịch nào tạm thời chóng qua, thế quyền hay thần quyền, Thiên Chúa hay con người! Thế gian bất toàn, hữu hạn. Thiên Chúa toàn năng vô hạn. Không thể lấy cái bất toàn hữu hạn của trần gian ghép vào cái toàn năng vô hạn của Thiên Chúa. Cái phải trả cho Thiên Chúa cần thiết và quan trọng hơn cái phải trả cho Xêda.

Những gì chúng ta phải trả cho Xêda là thuế thu nhập, thuế nhà đất…, là những gì thuộc về trần gian, là bạc tiền, danh lợi, là phục tùng người trần thế, là tôn sùng ngẫu tượng…

Những gì thuộc về Thiên Chúa mà một công dân Nước trời chúng ta phải trả cho Thiên Chúa là vũ trụ bao la, là trời cao biển rộng, là sự sống của con người, là lòng yêu thương không bờ bến, là ơn cứu độ khỏi diệt vong, là sự quan phòng không ngơi nghỉ…Và những gì chúng ta phải trả cho Thiên Chúa nữa là lương tâm, công bằng, bác ái, yêu thương đồng loại, là bảo vệ mạng sống con người, là tự do bình đẳng, là bổn phận, trách nhiệm của một con dân Thiên Chúa, là thực thi những giáo huấn Nước Trời…
Một Kitô hữu chu toàn đầy đủ trách nhiệm và bổn phận là một công dân tốt trong đất nước mình, đồng thời cũng là một công dân tốt của Nước Trời, sống trung thành với Thiên Chúa và tôn thờ duy nhất một mình Ngài mà thôi.

Những gì thuộc về Xêda: Nợ của Xêda, nợ đời thì nhắm mắt xuôi tay là chúng ta đã trả hết. Nhưng còn những gì thuộc về Thiên Chúa thì sao? “ Nợ Trời nhắm mắt vẫn còn mang theo”. Xin được kết thúc bài chia sẽ hôm nay bằng một bài thơ “ Trả nợ Chúa” sau đây:

Con đây nợ Chúa thật nhiều
Bao giờ trả hết những điều Chúa ban!
Nợ ơn cứu chuộc trần gian
Nợ bao ân huệ chứa chan cuộc đời
Nợ lòng thương xót không vơi
Nợ cây Thập giá vì đời hy sinh
Ghé vai gánh vác tội tình
Can vê chiều tím một mình cô đơn…
Con đây bạc nghĩa, vô ơn
Yêu thương Cha vẫn đợi chờ, thứ tha
Cúi đầu tạ tội cùng Cha
Nợ Cha con biết ngày nào trả xong!


Lm. Trịnh Ngọc Danh