AI LÀ AI?

TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU

CHÚA NHẬT XXVI TN (Năm A)


Mt 21, 28 – 32

“Từ đầu cuộc đời tôi, anh tôi không chỉ là một người bạn đồng hành, mà còn là một người hướng đạo đáng tin cậy. Chúng tôi đã đi đến giai đoạn cuối cuộc đời, tuổi già. Những tháng ngày còn lại giảm đi từ từ, nhưng trong giai đoạn nấy cũng thế, anh tôi giúp cho tôi chấp nhận với tâm hồn thanh thản, khiêm nhường và dũng cảm gánh nặng mỗi ngày. Tôi biết ơn anh tôi”. Đó là những lời tốt đẹp nhất mà Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI nói về bào huynh của Người, Đức Ông Greorg Ratzinger (CNS 23.08). Gần như cùng lúc, báo chí đưa tin ba anh em người Mexico là Alberto, Jesus và Andres Garcia Gutierrez, đã được truyền chức linh mục cùng một ngày trong một buổi lễ lịch sử chưa từng có vào ngày 17.08. Ba anh đồng tế thánh lễ mở tay tại giáo xứ Thánh Sophia ở Tlaquepaque vào ngày 22.08 (CNA 19.08). Không còn gì nhiều để nói, ngoài sự ngưỡng mộ và ca ngợi những người con làm “mát mặt”, đem phúc đức cho gia đình và cho cha mẹ.

Thoạt nhìn,”Anh em nhà Karamazov” của F. Dostoievsky là cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình, về sự tan rã của "gia đình ngẫu hợp" tức là loại gia đình ở đó không có những mồi quan hệ trong sạch, vững chắc, không có nền móng đạo lý và chóng tan rã trong hoàn cảnh của một xã hội đang băng hoại, thối nát. Cơ sở cốt truyện của "Anh em nhà Karamazov" là một chuyện có thật mà tác giả nghe được trong thời gian đi tù khổ sai: Cùng bị giam ở nhà tù Omsk với Dostoievsky có một trung uý hồi hưu bị kết án hai mươi năm tù khổ sai về tội "giết cha". Kẻ sát nhân thực sự là em trai anh ta, vì gã muốn một mình thừa kế gia tài của bố. Anh ta thụ hình phạt được mười hai năm thì người em hối hận, ra tự thú và tự nguyện xin đi đày. Báo chí thế giới cuối tháng bảy vừa qua đăng tin hai anh em nhà Ambani ở Ấn Độ : Được tạp chí Forbes bình chọn và xếp hàng thứ sáu và thứ bảy trong danh sách những người giàu nhất thế giới, thừa kế các tập đoàn kinh doanh trị giá hàng chục tỷ đô-la, vậy mà do người cha qua đời năm 2002 không để lại di chúc, chỉ vì long tham vô độ mà không thể hoá giải mối bất đồng. Họ liên tục lớn tiếng cáo buộc nhau lường gạt, bất chấp lời can gián và trung gian hoà giải của bà mẹ đau khổ. Những cảnh anh chị em ruột thịt đem nhau ra toà, kể cả phạm tội ác, xảy ra hằng ngày ở Việt-Nam. Không còn gì để nói với những đứa con làm điếm nhục gia phong, gây đau khổ bất hạnh cho gia đình gia tộc.

AI LÀ AI là một trong hàng trăm “game show” lai căng đấy ắp trên các kênh truyền hình cả trung ương lẫn địa phương. Mục tiêu chính là thu hút quảng cáo để có nhiều tiền. AI LÀ AI có tên gốc Who is Who xuất xứ từ nước Anh từ năm 1991 và được phát ở Việt-Nam vào đầu năm 2006 . Sáu nhân vật đối diện với ba người chơi đặt câu hỏi, đề nghị làm những động tác và trình bày những kiến thức đa ngành, để cuối cùng đoán nghề nghiệp của từng người và của cả sáu người. Những tiêu chuẩn dựa vào các dáng vẻ bề ngoài và một số thao tác nghề nghiệp xem ra cũng không quá khó để giúp người chơi chỉ ra AI là AI. Và có lẽ do sự lập đi lập lại sáo mòn đó, mà những kỳ vọng ban đầu về tính hấp dẫn và cả tuổi thọ của “game show” nầy mau nhàm chán và chết yểu sau chưa đầy hai năm (09.01.2006 – 17.10.2007). Người xưa vẫn nói : tri nhân tri diện bất tri tâm! Thật là ảo tưởng khi nghĩ có thể mô tả nội tâm con người, hiểu được con người. “ Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt” (vẽ cọp, vẽ da cọp, không thể vẽ xương cốt). Nhìn mặt mà bắt hình dong, chỉ là một cách thế đắc nhân tâm, vì những thành kiến, định kiến, sẽ làm cho các nhận định sai lạc, nhất là trong một thế giới mà ngụy quân tử và những hạng người núp sau, ẩn dưới vỏ quyền lực để “cả vú lấp miệng em” và làm lạc hướng dư luận, cũng nhiều không kém - nếu không muốn nói là nhiều hơn - quân tử và ngừơi lương thiện. Chẳng vậy mà nhà hiền triết Diogènes đã thắp đuốc sáng, rảo khắp nơi ban ngày, để tìm…con người! Bá nhân bá tánh : Sự thay đổi nên tốt nên xấu là ở suy nghĩ và hành xử tự do của mỗi người, tuyệt nhiên không thể có một khuôn mẫu cố định nào được.

Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người bất kể sang hèn, người sống mẫu mực hoặc bê tha, tham lam, đều được gọi làm việc cho Vườn Nho - Nước Trời. Các thượng tế và kỳ mục Do Thái đã dùng những tiêu chuẩn không hề sai, tức là luật Môsê, nhưng họ quên rằng Luật Môsê chỉ giúp bản thân mỗi người nên hoàn thiện hơn, làm việc Vườn Nho tốt hơn, chứ không bao giờ là cái cân, cái thước, cái thưng, để cân-đong-đo-đếm tha nhân. Những cái đó giúp họ tự xác định và đánh gía mình, hầu sửa đổi, cải thiện, chứ không bao giờ là những dụng cụ đo lường, so sánh và kết luận về anh em, dù đó là hạng “thu thuế và gái điếm” vốn bị nhìn bằng nửa con mắt,một cách khinh bỉ. Nếu cứ cố tâm hành xử như thế, thì môt chút công đức có được do giữ luật Môsê, cũng biến mất, và khi đó, họ còn thua xa “gái điếm và thu thuế”. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá kéo dài gần một thập kỷ ở Trung Quốc từ 1967 đến 1976, Giang Thanh - thực chất là hành động được Mao Trạch Đông ngấm ngầm ủng hộ - đã giết hại hàng triệu người, đày đoạ hàng chục triệu trí thức, sát hại hàng ngàn sĩ quan tướng lãnh ưu tú và nhân vật chính trị “đồng chí” kỳ cựu từng gian khổ “vạn lý trường chinh” với Mao Trạch Đông, bằng việc “chụp mũ” những tội mà các nạn nhân ngay cả nằm mơ cũng không nghĩ tới, đến mức chính Mao Trạch Đông cũng ngán ngẫm và gọi bà vợ nầy của ông ta là “xí nghiệp chế tạo…mũ!”. “Mũ” là thứ mà những chế độ độc tài, những cá nhân tổ chức độc quyền phát ngôn và điều khiển các phương tiện truyền thông luôn biết khai thác tận cùng để chụp lên đầu những người khác quan điểm,chính kiến hoặc để bao che lấp liếm những lời nói và hành động sai lầm xấu xa của họ. “Mũ” là những thứ chúng ta dùng, để biện minh cho sự bất hiếu, hời hợt và vô ơn của chúng ta, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác,lên tiếng rất nhanh khi có lợi cho mình và cũng rất biết im lặng khi thấy không có lợi. Đó là chưa nói tới những hạng “ăn cháo đá bát”, hưởng biết bao ưu ái và ưu tiên trong đời mà có được vốn liếng tri thức, địa vị,danh vọng, nhưng lại dùng ngay những ”cái nhất” ấy để chỉ trích, chống đối Mẹ Giáo Hội và các Chủ Chăn, tuyên truyền làm lung lạc đức tin của anh em, mở lối cho Xatan và các thế lực xấu xa len lỏi phá hoại Gáio Hội. Từ “giáo gian” chưa đủ để “vẽ” tâm địa những người nầy.

Đúng vậy, lạy Chúa, vẽ hổ, vẽ voi cũng chỉ vẽ bên ngoài, huống chi là vẽ người. Nhưng nếu con vẽ chính mình, trước mặt Chúa, mà không tô cho mình những màu mè rực rỡ, những ánh vinh quang rạng ngời giả tạo tự phong, không dùng lưng và đầu cổ anh em để đứng lên, vươn cao , thì con sẽ vẽ chính xác được nội tâm của con và khi hoàn thành bức vẽ, con mới thấy mình đáng thương hại biết bao, méo mó và khiếm khuyết biết mấy, quả không bằng “gái điềm và thu thuế”, những kẻ không chỉ thấy mình thấp hèn bất xứng trước mặt Chúa, mà còn mặc cảm trước người thường, trước người “tử tế”, nói chi đến những ‘con cái’ thánh thiện hoặc cho mình là thánh thiện trong Giáo Hội. Kyrie, eleison: Vì thế mà họ đã hồi tâm, sửa đổi cuộc đời, làm theo những gì mà từ đầu cuộc sống họ đã “nói không”. Nơi họ, cuối cùng Chúa ở chổ nhất,cái “primacy of God” (vị trí ưu việt tối cao của Chúa) mà Đức Thánh Cha Biển- Đức vừa qua nhắc nhở Hội Dòng Biển- Đức . Christe, eleison: con “dạ vâng” quá dễ dàng, mau lẹ, nhưng kiêu căng, thiếu bác ái, vị kỷ, đã khiến con chóng quên lời hứa với Chúa. Nơi con, cuối cùng chẳng còn thấy bóng dáng Chúa.

Xin hãy dạy con: Trọn cuộc đời , câu hỏi phải luôn ghi trong tâm trí và trong con tim, để con soi xét và cáo mình - đấm ngực con, không đấm ngực anh em - và sửa sai hằng ngày, không phải “ai là ai”, mà “tôi là ai”!

CVK Nguyễn-Thế-Bài TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU 121

Giuse Nguyễn Thế Bài