Địa Tạng Vương Bồ Tát (Ksitigartha, Kshigarbha)

Địa Tạng Vương Bồ Tát, một đức Bồ Tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Ngài là giáo chủ của cõi U Minh. Địa: đất. Tạng: trùm chứa

Bồ Tát có lập đại nguyện tế độ tất cả chúng sinh cũng như đất chở muôn sự muôn vật nên gọi là Địa.

Tuy ngài hiện thân ở Hằng Hà sa số thế giới, độ vô số chúng sinh, mà không một thế giới nào, một chúng sinh nào ra ngoài tự tâm của ngài nên gọi là Tạng.

Trong khi phát tâm ngài có nguyện rằng: "Địa Ngục mà còn chúng sinh thì ngài chẳng thành Phật". Vậy nên ngài hóa thân trong Lục Đạo mà độ chúng sinh:

- Diệm Ma Sứ Giả mà hóa độ ở Địa Ngục
- Trì Bảo Sứ Giả mà hóa độ loài ngạ quỷ
- Đại Lực Sứ Giả mà hóa độ loài súc sinh
- Đại Từ Thiên Nữ mà hóa độ loài A-tu-la
- Bảo Tạng Thiên Nữ mà hóa độ loài người
- Nhiếp Thiên Sứ Giả mà hóa độ cõi trời

Chịu lời phú chúc của đức Phật Thích Ca, mỗi ngày, mỗi buổi sáng ngài nhập định đặng quan sát các cơ cảm trong Thập Phương thế giới mà giác độ chúng sinh. 1,500 năm sau khi đức Thích Ca diệt độ, năm thứ tư hiệu Vĩnh Huy, Địa Tạng Vương Bồ Tát có giáng sinh ở nước Tân La, trong nhà họ Kim, lấy tên là Kim Kiều Giác. Hai mươi bốn tuổi, nhập định 75 năm, đến năm 99 tuổi thì tịch.

Trong kinh Địa Tạng, ngài Kiên lao địa thần có nói rằng: Hễ ai làm miếu, cất khánh, tô vẽ hình ngài Địa Tạng và cúng dường lễ bái ngài thì được mười điều lợi ích dưới đây:

- Đất cát chỗ mình ở trở nên thạnh mậu
- Nhà cửa bình yên
- Người thác được sinh lên cõi trời
- Người hiện còn thêm tuổi thọ
- Cầu gì cũng được toại ý
- Không có tai nạn nước lửa
- Mọi sự hư hao đều được trừ hết
- Các điềm dữ trong lúc chiêm bao đều dứt
- Những khi ra vô đều có thần ủng hộ
- Gặp nhiều nhân duyên thánh đạo


Trích theo:
Đoàn Trung Còn. "Từ Điển Phật Giáo"