Suy niệm Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A

DÁM TUYÊN XƯNG NIỀM TIN


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng


Một cô giáo chia sẻ như sau về một lớp học sinh chẳng dễ dạy lắm mà cô phải dạy:


Phải dạy một lớp chẳng dễ dạy
Lớp học ấy gồm 13 học sinh chừng 14 tuổi. Giáo viên nào tới đứng lớp cũng phải bực mình vì sự bướng bỉnh của học sinh. Một em, chẳng hạn, sẵn sàng làm hư bất cứ cái gì em đụng tới ở lớp tập vẽ mà tôi dạy, khi em không hài lòng về các bạn trong lớp hay về chính tôi là người đang đứng dạy. Một em khác hung hăng hết chỗ nói. Em này không chấp nhận bất cứ nhận xét nào về em. Em sẽ nổi sùng lên và từ chối làm bất cứ điều gì em không thích. Gương xấu của hai em đủ để biến hai giờ học vẽ mỗi tuần tôi dạy thành hội chợ! Bố mẹ các em chẳng quan tâm. Họ chờ trường học phải làm phép lạ để biến đổi các em. Thú thật mỗi lần bước vào lớp này, tôi thầm ước ao cho hai em ấy vắng mặt, nhưng chúng vẫn có đó!


Tuy nhiên mấy tháng rồi tôi nhận thấy có biến chuyển nơi một học sinh xem ra có ý phá để bị đuổi! Học sinh này thoạt tiên lấy làm lạ thấy tôi không những không nổi nóng mà còn nhìn em với một cái nhìn đầy tình thương. Xem ra em được cảnh tỉnh do thái độ bất ngờ của tôi. Ít phút sau, em đó đã đến bên tôi khi tôi đang chữa bản vẽ cho một học sinh khác trong lớp. Tôi biết em ham chơi bóng đá nên bắt đầu câu chuyện hướng tới thành công trong tương lai của em về bóng đá. Kể từ đó đã có một mối tương quan mới giữa tôi và em đó. Tôi nhận thấy chúng tôi đã tỏ ra tín nhiệm nhau hơn.


Một học sinh khác nữa của lớp này làm điều khiến tôi buồn không ít. Em dán bích chương để nói trắng ra rằng em khinh thường tôi! Tôi bị cám dỗ hết còn muốn dạy em nữa. Nhưng tôi lại nghe có tiếng nói trong lòng nhắc nhở tôi phải kiên nhẫn và phải tìm ra điều tích cực nơi em. Trước nghỉ hè tôi có viết cạc để chúc mỗi em một kỳ hè vui tươi. Em đã dán bích chương liền vo vún tấm cạc lại khin nhận được. Phản ứng của em làm tôi đau lòng nhưng tôi vẫn kiên nhẫn. Dù sao tôi đã thấy có biến chuyển nào đó nơi em nhờ sự hoà hoãn mà tôi kiên nhẫn tạo nên. Ðiều đã trở nên bình thường là em đến hỏi ý kiến tôi về điều này điều kia mà em muốn biết.


Dám tuyên xưng niềm tin giữa một thế giới tục hóa

Cách đây không lâu chính giáo viên chủ nhiệm lớp cũng bày tỏ nỗi thất vọng về đứa học trò khó dạy này. Thực ra tất cả các thày cô dạy em đều chung một nỗi thất vọng. Tôi được chuyên viên tâm lý hỏi cho biết động lực nào đã khiến tôi xử đối cách kiên nhẫn với em đó như hiện nay. Tôi buột miệng trả lời: "Chính là do niềm tin của tôi." Thế là niềm tin của tôi được đặt thành câu hỏi: "Vậy niềm tin ấy là gì nhỉ ?" Và tôi đã phải cắt nghĩa rõ hơn: "Tôi cũng như các bạn, nhiều lần tôi hầu như đã thất vọng. Nhưng chính trong những trường hợp như vậy tôi thấy có sức mạnh nào đó nơi tôi thúc đẩy tôi phải tin vào điều tích cực nơi mọi người dựa vào nguyên tắc này là nguyên tắc nổi bật trong trí tôi, đó là: "Tất cả những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta là anh em làm cho chính Ta." Chính Ðấng hiện diện nơi mỗi người có khả năng đổi mới mọi sự. "Ðiều gây ấn tượng đối với tôi là tôi thấy mọi người trong cuộc họp đều lắng nghe. Chính giáo viên chủ nhiệm nói: "Tôi hiểu điều chị vừa nói. Chính tôi cũng cố gắng sống theo nguyên tắc đó."


Thế là cuộc họp ngày hôm đó được đặt trong bầu khí mới. Người ta đưa ra những đường hướng tích cực mang lại can đảm và hy vọng. Tôi tin rằng từ nay những cuộc họp như vậy sẽ có hướng "tích cực" bởi lẽ chúng tôi đã bắt đầu sống nhiều hơn cho nhau.

Tin Mừng về Giáo Hội như ánh sáng muôn dân

Rõ ràng lời chia sẻ của cô giáo phải dạy một lớp học sinh chẳng dễ dạy nói trên chỉ ăn khít với ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay theo cách hiểu rộng rãi về Giáo Hội như ánh sáng muôn dân theo Công Ðồng Vatican 2. Nếu Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, là chiếu tỏa ánh sáng Ðức Kitô cho những người ở chung quanh, thì cả cách hành xử xem ra chỉ có tính nội bộ như ý chính của bài Tin Mừng hôm nay, cũng phải dạy các thành viên của mình biết hành xử một cách tốt đẹp đối với mọi người. Phương chi bài giảng về Giáo Hội bao gồm toàn chương 18 của Tin Mừng Matthêu, luôn cho thấy Ðức Giêsu đặc biệt lưu tâm đến chiên lạc (cc.12-14). Người còn bảo đảm rằng Người sẽ ở lại ở giữa hai ba tín hữu hiệp nhất với nhau nhân danh Người (cc.19-20). Xem ra đó là ơn Người muốn ban cho giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh khó dạy và cho cô giáo đã chia sẻ ở trên.


Quả thật, sau phần một (Mt 18,1-14), phần hai của bài giảng về Giáo Hội (18,15-35) nêu những thái độ các thành viên của Giáo Hội cần có đối với các thành phần mắc lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu 15-17, tóm tắt những thủ tục nên theo. Ðiều cần nhắm qua các thủ tục đó (như đối thoại, thuyết phục nhờ các chứng nhân, thảo luận trước cộng đoàn) là để cộng đoàn Giáo Hội tránh bao nhiêu có thể, đừng để mất một ai phải ra khỏi cộng đoàn. Cả hình phạt tuyệt thông cũng là nhằm để đưa tội nhân trở về với cộng đoàn. Câu 17 chỉ có ý mô tả tình trạng người bị tuyệt thông không còn thông hiệp với Giáo Hội. Họ giống như người ngoại đạo hoặc như người thu thuế không còn thông hiệp với cộng đoàn Do Thái Giáo nữa. Câu 17 này không hàm ý một sự từ khước vì thái độ của Ðức Giêsu tỏ ra luôn chờ đón người thu thuế và về sau cả người ngoại đạo nữa, để họ gia nhập Nước Thiên Chúa (Mt 28,19).


Trong bối cảnh Ðức Giêsu đang nhắn nhủ một cộng đoàn bị xáo trộn do một số thành viên, câu 18 có lẽ chỉ về quyền khai trừ họ khi không giữ họ lại được. Nhưng đó là trường hợp cộng đoàn cần phải cùng nhau cầu nguyện. Chính nhờ hiệp nhất với nhau trong cầu nguyện (cc.19-20) mà cộng đoàn được an tâm vì có Ðức Giêsu hiện diện và hành động cho Nước của Thiên Chúa ngang qua Thánh Linh của Người.


Dĩ nhiên, những thủ tục nội bộ Giáo Hội (cc 15-17) chẳng nên được áp dụng bên ngoài Giáo Hội. Nhưng tinh thần đối thoại, tinh thần kiên trì đừng để mất một ai khi còn giữ họ lại được trong cộng đoàn, luôn có giá trị, cho dầu áp dụng với một lớp học sinh khó dạy.


Nhưng quan trọng hơn hết là sự hiện diện của Ðức Kitô phục sinh nơi mọi Kitô hữu. Chính sự hiện diện đó thôi thúc mọi Kitô hữu hành động để mở mang Nước Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh một mình giữa đám đông không chung một niềm tin với mình: "Chính anh em là muối ướp thế giới... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời." (Mt 5,13-16).


Chính sự hiện diện của Ðức Kitô nơi từng Kitô hữu thôi thúc họ làm vinh danh Thiên Chúa hơn bằng chính cuộc sống bản thân, thứ đến bằng cách hợp tác với mọi người, nhằm thăng tiến xã hội nhất là hợp tác với các Kitô hữu khác nhằm mục đích đó, như thấy trong sự hợp tác giữa giáo viên chủ nhiệm và cô giáo dạy vẽ.
Nhưng Ðức Kitô Phục Sinh hiện diện bằng cách nào?
Nhưng Ðức Kitô Phục Sinh hiện diện bằng cách nào ? Thưa bằng cách ban Thánh Linh của Người để giúp ta phân định điều tốt nên làm và điều xấu nên tránh.


Ta thấy sự can thiệp của Chúa Thánh Linh trong lời chia sẻ của cô giáo dạy vẽ. Cô bị cám dỗ hết còn muốn dạy em học sinh ngang tàng đến nỗi dán bích chương để nói cho mọi người biết em khinh cô giáo. Nhưng ngược với cám dỗ đó, là tiếng Chúa Thánh Linh nhắc nhở cô phải kiên nhẫn và phải tìm ra điều tích cực nơi đứa học trò xấc láo.


Trong một thế giới tục hoá như hiện nay, bình thường chẳng ai muốn đề cập tới niềm tin cá nhân về Thiên Chúa hiện diện làm gì, để phải mất công cắt nghĩa. Nhưng Thánh Linh đã thôi thúc giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh khó bảo, để giáo viên ấy làm chứng về niềm tin của mình, giúp cho cuộc họp các giáo viên hôm đó đạt được kết quả khả quan hướng tới tương lai.
Nơi hai Kitô hữu nói trên, ta thoáng thấy một chút nào về Giáo Hội là ánh sáng muôn dân.


Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn tâm đắc được gì về cô giáo dạy vẽ như lời cô chia sẻ: với em học sinh có ý phá để bị đuổi cô vẫn không nổi nóng mà còn nhìn em với một cái nhìn đầy tình thương? Với em học sinh dán bích chương cho biết em khinh thường cô giáo, thế mà cô vẫn hoà hoãn khiến em thay đổi thái độ? Cô giáo dám tuyên xưng về niềm tin của mình giữa thế giới tục hoá? Bạn có ý kiến khác?
2. Bạn tâm đắc được gì về bài Tin Mừng Mt 18,15-20?
3. Chính bạn kinh nghiệm gì về Chúa Thánh Linh giúp bạn phân định điều tốt nên làm và điều xấu nên tránh ?

Lm Augustine, S.J.