SỐNG CHUNG CHẠ THIỆT HẠI NHIỀU HƠN LY DỊ
Trong khi nhiều cuộc nghiên cứu từ lâu đã cho thấy các hậu quả xấu nơi con cái của cha mẹ ly dị so với gia đình có cả hai cha mẹ, một cuộc nghiên cứu mới đây khẳng định rằng trẻ em sinh bởi cha mẹ sống chung chạ thì còn tệ hơn các trẻ em từ những gia đình ly dị.
Mặc dù tỉ lệ ly dị xuống thấp, “về trẻ em trên toàn quốc nói chung, sự bất ổn gia đình tiếp tục gia tăng, chính yếu là vì trên 40 phần trăm trẻ em Hoa Kỳ hiện thời sống trong một gia đình chung chạ”, theo cuộc nghiên cứu, “Why Marriage Matters” (tại sao hôn nhân quan trọng), được công bố ngày 16 tháng Tám, 2011 bởi Center for American Families (trung tâm gia đình Hoa Kỳ) tại Institute for American Values and National Marriage Project (viện nghiên cứu giá trị người Hoa Kỳ và hôn nhân toàn quốc), có cơ sở tại Đại Học Virginia.
Bản báo cáo viết, “Khi hôn nhân ngày càng ít liên hệ đến sự sinh con cái, các em dễ rơi vào sự tương quan với những người mà họ vào và ra khỏi cuộc đời các em cách thường xuyên. Hiện thời, gần 24 phần trăm trẻ em trên toàn quốc được sinh ra bởi cha mẹ sống chung chạ, điều đó có nghĩa số trẻ em hiện được sinh bởi cha mẹ chung chạ thì nhiều hơn bởi người mẹ cô độc.”
Cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng trẻ em sinh bởi cha mẹ chung chạ sẽ chứng kiến sự đổ vỡ của cha mẹ nhiều hơn so với trẻ em có cha mẹ kết hôn – 170 phần trăm trong gia đình không kết hôn có con cho đến 12 tuổi.
Theo cuộc nghiên cứu này, sự chung chạ không chỉ bất ổn định nhưng còn nguy hiểm hơn cho trẻ em. Số thống kê của liên bang cho thấy các trẻ em này thì bị lạm dụng gấp ba lần nhiều hơn về thể xác, tình dục và cảm xúc trong các gia đình chung chạ, so với các em trong gia đình có cha mẹ kết hôn, vững bền. Các em này hiển nhiên còn dễ phạm pháp, lạm dụng ma quý và bỏ học.
“Nếu mẹ sống với bạn trai, các em có thể ít tin tưởng, ít ổn định cảm xúc trong sự tương giao, ít chung thuỷ về tình dục,” nhà nghiên cứu W. Bradford Wilcox của Đại Học Virginia và là tác giả chính của bài báo cáo này nói như thế.
Ông nói thêm, “Và tất cả những đặc tính này trong một sự tương giao, mà nó không tốt, dường như thấm vào đời sống các em. Nếu bố mẹ sống chung chạ, điều đó sẽ làm hao mòn cảm nhận an toàn trong chính đời sống các em.”
Ông Wilcox, người trình bầy một số những điều được tìm thấy trong bản báo cáo vào hôm 20 tháng Tám tại đại hội của American Sociological Association (xã hội học Hoa Kỳ) tại Denver, nói với Catholic News Service (CNS) rằng tỉ lệ sống chung chạ đang gia tăng.
Ông nói, “Phải, người ta nhìn thấy sự ly dị trong chính gia đình mình và hoặc trong gia đình bạn hữu, và điều đó làm cho họ sợ kết hôn. Nhưng tôi cũng nghĩ đến một số người đã phản ứng với sự ly dị của cha mẹ bằng sự quyết tâm kết hôn. Với những ai kết hôn ngày nay, họ phải cố gắng nhiều hơn là hôn nhân của cha mẹ họ.”
Sheila Garcia, phó giám đốc của Secretariat for Laity, Marriage, Family Life and Youth (văn phòng giáo dân, hôn nhân, đời sống gia đình và giới trẻ) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói rằng bà nghi ngờ về việc sống chung chạ là “một giải pháp thay thế cho hôn nhân. Con người ngày nay có khuynh hướng rất tính toán cá nhân và họ chỉ nhìn thấy những gì có lợi cho họ,” bà Garcia nói. “Họ bước vào sự chung sống dựa trên những gì làm cho họ sung sướng, chứ họ không nghĩ đến những gì tốt cho con cái.”
Bà Garcia kể ra những ưu tư. Bà nói với CNS, “Trong một vài năm gần đây, chúng tôi nhận thấy có khoảng cách hôn nhân, điều đó có nghĩa những người có giáo dục và thịnh vượng hơn thường kết hôn nhiều hơn so với những người không có những thuận lợi đó. Những người được coi là giới lao động thường ít kết hôn. Có những lợi ích về kinh tế đối với hôn nhân. Và khi hôn nhân không được coi là có giá trị trong giới lao động như trước đây, đó là một vấn đề. Hôn nhân là một thể chế xây dựng sự thịnh vượng.”
Bản báo cáo “Why Marriage Matters” đồng ý, “Hôn nhân là một lợi ích quan trọng cho công cộng, nó có liên can đến một chuỗi lợi ích về kinh tế, y tế, giáo dục và an ninh mà sẽ giúp chính quyền địa phương, liên bang phục vụ công ích. Những ích lợi của hôn nhân trải dài đến các cộng đồng người nghèo, lao động và thiểu số, bất kể sự kiện là hôn nhân đã suy yếu trong những cộng đồng này từ bốn thập niên qua.”
Đức Ông Labib Kobti, cha sở của giáo xứ T. Thomas More ở San Francisco, rất tin tưởng vào bí tích hôn nhân. Cha nói, “Thánh quan thầy của chúng tôi từng chết vì bảo vệ hôn nhân.” Thánh Thomas More bị chém đầu năm 1535 vì chống đối sự ly dị của vua Henry VIII và thánh nhân không chịu khước từ thẩm quyền của đức giáo hoàng.
Vị linh mục ở San Francisco đang hoạch định lễ cưới vào ngày Lao Động, 5 tháng Chín, cho 30 cặp là những người chỉ kết hôn theo dân sự. Nhưng Đức Ông Kobti cũng lắng nghe những người Công Giáo đang sống chung chạ. “Trong toà giải tội, họ nói với tôi về điều đó và tôi nói với họ, ‘Hãy kết hôn đi, để tôi giúp bạn. Chúng tôi không đòi tiền. Chúng tôi chỉ muốn giúp bạn. Bạn nói rằng điều này bình thường, điều đó không đúng… và bạn muốn điều gì đó tốt hơn.”
Ngoài toà giải tội, cha nói với CNS, “họ đến với tôi khi gặp khó khăn. Bây giờ chúng tôi đang có tổ chức gì đó, tỉ như Marriage Encounters, để gặp gỡ hàng tháng với các đôi này và nói về hôn nhân cho cả nhóm, về những khó khăn trong đời sống và chúng tôi cố giúp họ về tinh thần.”
Hội Thánh dậy rằng sinh hoạt tình dục ngoài hôn nhân thì có tội. Nếu một vợ chồng sống chung chạ tìm cách kết hôn trong Giáo Hội, nhiều chính sách của giáo phận về chuẩn bị hôn nhân yêu cầu đôi đó phải sống xa nhau cho đến khi đám cưới.
Số thống kê trong trang web của Secretariat for Laity, Marriage, Family Life and Youth của các giám mục Hoa Kỳ nói rằng, “gần một nửa số vợ chồng đến với chương trình chuẩn bị hôn nhân của Công Giáo là những người sống chung chạ.” Trang này cũng nhận xét rằng Danh Mục Công Giáo cho biết trong năm 1974 có 406,908 đôi vợ chồng kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo; trong năm 2011, danh mục này cho biết chỉ có 170,172 đôi vợ chồng làm đám cưới trong nhà thờ.
Theo cuộc nghiên cứu “Why Marriage Matters”, “Tách biệt khỏi những quy tắc của hôn nhân vững bền thì không nhất thiết thiệt hại đến những người bị ảnh hưởng. Trong khi việc sống chung chạ có liên hệ đến những nguy cơ ngày càng gia tăng về tâm lý và vấn nạn xã hội cho trẻ em, điều này không có nghĩa bất cứ trẻ em nào sống trong gia đình chung chạ thì đều bị thiệt hại,” bản báo cáo viết như thế.
“Thí dụ, một cuộc nghiên cứu các em trên toàn quốc từ 6 đến 11 tuổi tìm thấy rằng chỉ có 16 phần trăm các em trong gia đình chung chạ thì có khó khăn về cảm xúc. Tuy vậy, tỉ lệ này rất cao hơn tỉ lệ các em sống trong gia đình có cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi, là 4 phần trăm.”
Bản báo cáo viết, tuy nhiên, “gia đình cha mẹ ruột có kết hôn, vững bền vẫn là tiêu chuẩn vàng cho đời sống gia đình ở Hoa Kỳ. Các em hầu như phát triển tốt đẹp về kinh tế, xã hội, và tâm lý trong hình thức gia đình này.”
Mark Pattison - Catholic News Service
Pt Giuse TV Nhật lược dịch
http://ncronline.org/news/study-find...ildren-divorce