-
Moderator
K - Khiêm nhường, hành trang trong việc truyền giáo
KHIÊM NHƯỜNG
HÀNH TRANG TRONG CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO
Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta một hình ảnh hay nói đúng hơn một con người, rơi vào hoàn cảnh mà xã hội thời bấy giờ nhất là những người lãnh đạo tôn giáo coi là phường tội lỗi, là những người phản bội dân tộc, qua việc tiếp tay với ngoại bang hành nghề thu thuế. Thế nhưng, người được coi là tội lỗi, chẳng ra gì đó, lại được Đức Kitô khen qua cung cách và lời cầu nguyện của ông ta: “chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ”(Lc.18,13). Đó chính là sự khiêm nhường, trước mặt Thiên Chúa và trước sự khinh chê của người đời.
Qủa thật, trước mặt Thiên Chúa, nhân đức khiêm nhường là nhân đức Ngài quý trọng, yêu thương nhất, trong lời kinh Magnificat, Mẹ Maria đã xác tín điều đó: “ Người hạ bệ những ai quyền thế, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường ”(Lc.1,52). Có khiêm nhường ta mới nhìn thấy mình yếu đuối, mỏng dòn, đầy những lỗi lầm thiếu xót, trước Thiên Chúa và với nhau trong mối tương quan hằng ngày, giúp ta không phạm sai lầm khi lên án, chỉ trích người anh em cùng chung sống, làm việc với ta trong mọi hoàn cảnh, môi trường, điều đưa đến sự hiệp nhất và yêu thương và quan trọng khiêm nhường giúp ta trong nhiệm vụ và bổn phận giới thiệu Chúa cho mọi người một cách hữu hiệu.
Hai từ khiêm nhường tuy nhẹ nhàng, nhưng lại nặng tựa ngàn cân so với con người yếu đuối của ta, nhất là vào xã hội ngày hôm nay, một xã hội mà người ta coi trọng những hình thức bên ngoài như tiền, tài, danh vọng, chức quyền, một xã hội văn minh tột bậc, dễ dẫn con người vào những suy nghĩ đại loại như: Thiên Chúa đã thất bại và tệ hại nhất, là như Ngài đã chết…. Từ đó con người sống như không có Thiên Chúa, như lời nhận định của đức giáo hoàng Bênêdictô XVI vào ngày 13/10/2010. Ngài nói: “ Ngày nay chúng ta tất cả cũng gặp nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, xem ra Ngài quá xa vời cuộc sống thường ngày ”
Một khi con người đã xa rời Thiên Chúa, khước từ Thiên Chúa, tệ hại hơn là xem như Thiên Chúa vắng bóng nơi trần gian cũng như trong tâm thức của mỗi cá nhân, ngay cả ta là người Kitô hữu, thì con người không còn là một con người thực sự với những tánh bản thiện mà Thiên Chúa đã ban tặng. Khi tánh bản thiện nơi con người bị mai một và dần mất, thì con người hành xử với nhau thuần túy như những động vật biết đi, không hơn không kém. Từ đó hình thành nơi con người những vô tâm, vô tình, phi nhân bản, cao ngạo, tàn ác..…
Thiên Chúa là Đấng thánh và tuyệt đối thánh, Đấng tuyệt đối khiêm nhường, hơn nữa Thiên Chúa là mắt xích quan trọng luôn gắn liền với đời sống của từng cá nhân, qua Ngài, con người là những mắt xích nhỏ được gắn kết với nhau trong mối tương quan của hiệp nhất và yêu thương, của tha thứ và đồng cảm. Nếu không có Thiên Chúa trong đời sống, hoặc giả có Thiên Chúa nhưng chỉ trên danh nghĩa, giấy tờ thì sao ta có thể sống như Ngài mong ước, đặc biệt là nhân đức khiêm nhường. Để rồi đức khiêm nhường sẽ là hành trang cho ta trong sứ vụ truyền giáo.
Khi nói về khiêm nhường trong công việc giới thiệu Chúa cho mọi người, ta nhớ lại hình ảnh người cha chung của Giáo Hội toàn cầu, đó là đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII ( 25/11/1881-3/6/1963), ngày 28/10 tới đây kỷ niệm 52 năm, ngày ngài lên ngôi giáo hoàng 28/10/1958- 28/10/2010.
Đức chân phước giáo hoàng Gioan XX III sinh ngày 25/11/1881, lên ngôi kế nhiệm thánh Phêrô, cai quản, chăm sóc đàn chiên của Đức Kitô vào ngày 28/10/1958, ngày 29/1/1959 ngài đã khởi xướng công đồng Vaticanô II, ngài được Chúa gọi về với Chúa, ngày 3/6/1963, năm 2000 ngài được tôn phong lên hàng chân phước, dưới triều đại của dức giáo hoàng Gioan PhaolôII. Trong những ngày cuối đời, đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII đã viết trong nhật ký những dòng như sau: “ Ơn phước lớn lao tôi có được, đó là tôi được sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, giản dị và nghèo, nhưng kính sợ Thiên Chúa. Thời giờ của tôi ở trần gian này đang gần hết. Nhưng Đức Kitô vẫn sống và tiếp tục công trình của Người nơi Giáo hội.”
Đời sống của đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, đến độ, người thời đó đã gọi ngài là: “ Đức giáo hoàng Gioan nhân hậu ”; cha Cassalis đã viết về ngài: “ Chưa có ai trong chức vụ giáo chủ mà ung dung đến thế. Người ta yêu mến vị giáo chủ đã làm cho nội dung Tin Mừng của đạo, bấy lâu nay được bao bọc trong bầu khí tôn nghiêm đền thánh, bổng trở nên hồn nhiên và hiện thực. Vì xét cho cùng, đó cũng là cung cách của Đức Giêsu tìm đến với mọi người, Đức Giêsu của hoa đồng cỏ nội, của thiếu nhi và người nghèo, của Thập giá và Nước Trời...”; tác giả Robert T. Elson của tờ báo Life nổi tiếng thời đó đã viết về ngài như au: “ Đứng trước người, ai ai cũng cảm thông được nhân cách của người. Nhân cách đó là đức tính khiêm tốn và bao dung, phản ánh cả một nếp sinh hoạt nội tâm phong phú và sâu xa. Một ông lão mang một tình thương nhân loại, một tình thương thắm thiết, một vị Giáo hoàng có một tình phụ huynh nồng nàn mà ai nấy đều kính yêu khi được trò chuyện cùng người...”
Chúa nhật 30 TN, là ngày toàn Giáo Hội cầu nguyện và hướng về công việc truyền giáo, đức thánh cha Bênêdictô đã nhắc nhở và mời gọi mọi thành phần dân Chúa ý thức hơn trong công việc truyền giáo qua sứ điệp “Xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội là chìa khóa của việc truyền giáo ”, ủy ban loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam ta cũng mới kết thúc hội nghị về truyền giáo từ ngày 30/9 đến 2/10/2010 tại giáo phận Xuân Lộc.
Công việc truyền giáo là gì? Có phải chăng là ta giới thiệu Chúa cho mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa, qua cầu nguyện, lời nói và hành động, qua đời sống của ta mà danh Thiên Chúa được tỏ lộ. Kể cũng lạ…! Đáng lý ra Chúa phải được tỏ lộ qua những con người oai phong lẫm liệt, những con người thét ra lửa, tiền hô, hậu ủng, cờ xí, còi hụ, mỗi khi ra đường, chứ ai lại chọn những con người bé nhỏ hết hơi như ông Áp-ra-ham, ngọng ngịu như ông Môsê, nhỏ bé nhất nhà như vua Đa-vít, nghèo hèn như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, thánh Phêrô, một ngư phủ tầm thường, như một ông già Gioan XXIII đã 78 tuổi, hoặc giả như một Mẹ Têrêsa Callcutta….Hình như tất cả những hình ảnh và những con người nhỏ bé đó lại phản ảnh một Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại rất khiêm nhường. Điều mà sách huấn ca đã mô tả: “ Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao. Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường ” (Hc.3,20).
Vâng! Nếu trong cuộc sống ta thiếu đức khiêm nhường, thì cho dù ta có tài hùng biện, có bằng này cấp nọ, ta có làm mọi hình thức, thì mọi việc cũng xôi hỏng, bỏng không, điều tệ hại nhất là danh Chúa đã không được tỏ lộ, nhưng ngược lại bị lu mờ và bị biến dạng theo cách nhìn của những người chung quanh qua cách sống của ta. Vì sao? Xin thưa, nếu thiếu khiêm nhường, đồng nghĩa ta thiếu đức mến, không có đức mến thì theo ngôn ngữ của thánh Phaolô: “ Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì ” (1Cr.13,1-2).
Như người Pha-ri-sêu trong tình thuật Tin Mừng hôm nay, ông ta thiếu sự khiêm nhường trước Chúa và trước mọi người nhất là người thu thuế, thiếu đức khiêm nhường dẫn đến việc ông ta thiếu sự đồng cảm, nhìn người anh em của mình với ánh mắt khinh khi, lên án, điều dẫn đến lời cầu nguyện và những việc làm của ông trở nên vô nghĩa trước mắt Thiên Chúa, đây cũng là điều nhắc nhở ta trong từng ngày sống. Vì thế nhân đức khiêm nhường là nhân đức quan trọng, cũng có thể nói, khiêm nhường là hơi thở của người Kitô hữu, là hành trang trong công việc truyền giáo.
Là người Kitô hữu, ta trở thành chi thể trong thân thể của Đức Kitô, là con cái mà Giáo Hội là Mẹ, là anh em với nhau, hiệp cùng với toàn thể Giáo Hội, trong ngày cầu nguyện và hướng về công việc truyền giáo, ta mượn lời của vua thánh Đa-vít thân thưa cùng Chúa: “ Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui ”(Tv.131,1-2). Nhờ ơn Chúa giúp, ta chung tay góp sức với Giáo Hội trong nhiệm vụ loan báo tin Mừng, trong hoàn cảnh và điều kiện ta có thể, đây là trách nhiệm và bổn phận của người Kitô hữu giữa thời đại ngày hôm nay. Trong công việc truyền giáo ta xin Chúa giúp ta luôn nhớ lời giáo huấn của Ngài qua tác giả sách Huấn Ca: “ Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng ” (Hc.3,17).
Lời mời gọi của Đức Kitô vẫn vang vọng mãi trong ta qua thánh Phaolô: “ Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! ”(Rm.10, 14-15).
Lạy Chúa! Xin giúp con nhận ra công việc truyền giáo là ân sủng Chúa ban, là trách nhiệm và bổn phận của con trong cuộc đời Kitô hữu, xin ban cho con nhân đức khiêm nhường trong cuộc sống, vì đây là nhân đức hàng đầu, từ nhân đức klhiêm nhường con sẽ có được các nhân đức khác trong bổn phận làm con Chúa và là anh em với nhau. Đặc biệt trong bổn phận giới thiệu Chúa cho người anh em. Amen.
Sài Gòn ngày 21/10/2010
An-tôn Lương văn liêm
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules