TIẾNG GỌI CỦA CẢNH NGHÈO



Cảnh nghèo là một thời sự nhức nhối. Mấy tháng qua, nó trở nên nóng bỏng. Hiện nay, nó gây rất nhiều lo âu.
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc đến thời sự này như một thao thức sống đạo.

1. Một thoáng nhìn về cái nghèo hiện nay

Cái nghèo đang chia rẽ các nước khác nhau, đang chia rẽ các tầng lớp khác nhau trong cùng một nước, đang chia rẽ các thành phần khác nhau trong một gia đình.

Cái nghèo là một khối lớn trong xã hội, nhưng khối lớn này thường ẩn hiện. Phần ẩn giấu thường nghiêm trọng hơn phần hiện hình.

a. Có những cái nghèo bền vững : Đó là những người sinh ra đã nghèo. Từ thuở nọ đến thuở kia, cái nghèo đã là số phận của đời tổ tiên, đời ông bà, đời cha mẹ. Nghèo là quê hương tất nhiên của đời con cháu.

Có những cái nghèo mới phát sinh. Đó là những người sinh ra khá giả, bây giờ trở nên nghèo. Hiện tượng trở nên nghèo thường được che giấu. Có những người trở nên nghèo trầm trọng, nhưng vẫn cố giữ sĩ diện bề ngoài như không có gì xảy ra. Đang khi đó, họ đã thực sự từ tình trạng khá giả đủ ăn rơi xuống cảnh nghèo thê thảm. Nợ nần chồng chất. Thiếu thốn nhiều mặt. Sợ mất tiếng, nhiều người trong họ tự lo lấy cho mình, dù bằng những cách không tốt.

Có những người bị đe dọa trở nên nghèo. Thực sự, họ chưa đến nỗi nghèo. Nhưng cái nghèo đang rình rập họ. Nguyên do chính là cuộc sống mong manh. Hôm nay kiếm được tiền. Vài ngày sau, kiếm được một việc làm tạm thời. Thỉnh thoảng kiếm thêm được chiếc áo mới, đồ dùng mới. Các thứ đó không đến cùng lúc. Và khi đến cũng chỉ chút ít thôi. Cuộc sống mong manh. Hạnh phúc tạm bợ. Mong manh này cộng thêm mong manh kia, hoặc mong manh này đẻ ra mong manh nọ, đó là một lộ trình dẫn tới cảnh nghèo.

b. Những loại tuổi khác nhau gặp những nguy cơ khác nhau khiến phải nghèo. Dễ nhận thấy nhất là tuổi nhỏ và tuổi già.

Nếu không được ở trong môi trường xã hội và gia đình khá giả, những trẻ em và những người già sẽ mãi mãi ở trong cảnh nghèo. Thanh niên nghèo còn khả năng xoay xở. Còn trẻ em nghèo và người già nghèo thì hầu như vô phương. Họ hầu như không có lựa chọn nào. Nhầt là khi người già lại cô đơn, thì cảnh nghèo là một thảm họa rât đau thương. Họ như bị lọai trừ.

d. Cảnh nghèo dễ nhận thấy ở vùng quê nông thôn hơn ở vùng thành thị.

Người nông dân ít có trình độ bắt kịp nhịp đi của những bước tiến kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Người nông thôn dễ phải hứng chịu những hậu quả của bão giá, lụt lội, hạn hán, mất mùa, tăng giá.

Người nông thôn thường chỉ dám nuôi những giấc mơ nhỏ về hạnh phúc nhỏ. Ngay cạnh tranh về lý tưởng sống, họ cũng thường đứng sau những người thành thị.

2. Trước những diễn biến phức tạp của cảnh nghèo.

Trong cảnh nghèo, rất nhiều người đã sống cao thượng, đạo đức.

Nhưng, không vì thế mà cảnh nghèo không có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Nó ảnh hưởng đến việc học hành, giáo dục của con em.

No gây hại nhiều đến sức khỏe. Biết bao thứ bệnh đã chỉ thấy phát triển trong cảnh nghèo.

Nó cũng là môi trường thuận tiện cho nhiều thứ tệ nạn nguy hiểm.

Nó dễ tạo nên những cái nhìn xa cách, thậm chí bất mãn với những tầng lớp được ưu đãi, kể cả trong Hội Thánh.

Và còn nhiều diễn biến xấu khác.

Trước những diễn biến phức tạp của cảnh nghèo, Giáo hội địa phương vẫn quan tâm đến vấn đề người nghèo.

Có nơi, sự quan tâm ấy được thể hiện như một sinh hoạt phụ.

Có nơi, quan tâm đó được thực hiện như một sinh hoạt chính. Ưu tiên là phục vụ người nghèo. Trước hết là làm chứng cho Chúa bằng việc làm cho đời sống dân nghèo được mỗi ngày mỗi tốt hơn

Không thiếu nơi hiện nay, người ta thấy : Làm việc cho người nghèo, làm việc với người nghèo, lựa chọn đó được coi là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ.

Đó là tiếp nối việc khai mạc giai đoạn loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà thánh Luca đã thuật lại :

“Đức Giêsu đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng :

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
và Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù được biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho kẻ bị áp bức.
Công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.


Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe’ ( Lc 4, 16-21).


Với lời Chúa Giêsu quả quyết trên đây, Người cho mọi người thấy : Việc khởi sự việc rao giảng của Người là đem Tin Mừng đến cho những người nghèo.

Chúa Giêsu cũng đã xác định điều đó, khi trả lời cho những đầy tớ thánh Gioan Baotixita : ‘Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. Đức Giêsu trả lời : các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sach, người điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 3- 6).

Bên cạnh đường hướng mục vụ trên đây, chẳng may đang xuất hiện những đường hướng khác, đẩy Tin Mừng cho người nghèo xuống hàng thứ yếu. Tôi thực sự lo cho diễn biến nguy hiểm đó.

Cảnh nghèo vẫn là một tiếng gọi tha thiết gởi tới các lương tâm những người rao giảng đức tin tại Việt Nam hôm nay. Xin mau đáp ứng kẻo sẽ quá chậm.


ĐGM GB .Bùi Tuần