HAI NGƯỜI TRẺ, MỘT TẤM LÒNG


..."Phụng sự xã hội là cái tiền thuê nhà mà mỗi chúng ta phải trả khi ta ở tạm trên trái đất này".(Muhammad Ali)

Với sự bùng nổ của mạng lưới internet trong thập niên qua, không ít người trẻ đã thành công vượt bực trong kỹ nghệ tin học rồi làm giàu đến cả bạc triệu. Báo chí đã có nói ít nhiều tới họ, nhưng hôm nay tôi xin kể cùng bạn câu huyện lạ đời của Dylan Wilk, một thanh niên người Anh mới tròn 30 tuổi.

Cách đây 3 năm, Dylan đã trở thành triệu phú sau khi thiết lập một công ty bán game trên mạng. Lúc đó anh có tới 60 triệu Mỹ Kim, một tài sản biến anh thành người trẻ giàu có thứ 9 trên toàn cõi nước Anh.

Nhưng sau khi thành công tới tuyệt đỉnh, anh đã làm gì? Anh đã bỏ tất cả, bán hãng đi để dốc hết tâm sức mình vào một công cuộc chẳng đem lại cho anh một đồng xu nào hết: anh gia nhập một tổ chức thiện nguyện Công Giáo xây nhà cho người nghèo tại Philippin.

Hoài bão của anh là xây 70,000 căn nhà trong vòng 7 năm tới, những căn nhà xinh xắn trên những mảnh đất chỉ 20 thước vuông nhưng là giấc mơ tưởng như chẳng bao giờ đạt được của bao tầng lớp bần cùng trong xã hội.

Khi được hỏi động lực nào đã khiến anh từ bỏ sự nghiệp sáng chói của mình để chuốc lấy gian lao, anh nói: "Tôi bỗng dưng hiểu ra rằng hạnh phúc trên đời không đồng nghĩa với sự thụ hưởng. Người ta có thể thụ hưởng giàu sang nhưng trong lòng vẫn cảm thấy trống trải thiếu thốn. Ngay cả mẹ tôi lúc đó cũng tưởng rằng tôi đã nhẹ dạ đi theo một nhóm mê tín nào đó !"

Anh hồi tưởng lại ngày xưa anh học hành chẳng xuất sắc gì, và chỉ cách đây vài năm, khát vọng lớn nhất của anh là có một chiếc xe đua Ferrari đỏ thắm để đi tán gái và một chiếc BMW đáng giá 100,000 Mỹ Kim. Giấc mơ này không những anh đã thực hiện xong mà cũng đã từ bỏ từ đó. Anh nói: "Tôi đã bán quách nó đi vì với số tiền này tôi xây được tới 63 căn nhà nơi ngoại ô Manilla. Tôi nghĩ đây là món đầu tư đã đem lại cho tôi nhiều lợi nhuận nhất. Lợi nhuận đó là một cuộc sống mới cho 63 gia đình cùng hàng trăm đứa trẻ".

Thế anh có tiếc chiếc Ferrari của anh hay không? Anh lại cười: "Bây giờ tôi đi bộ. Tôi cũng không cần xe đẹp để tán gái nữa, vì nhờ làm thiện nguyện mà tôi đã gặp người con gái lý tưởng đã trở thành vợ tôi!"

Câu chuyện của Dylan Wilk đã làm tôi liên tưởng tới một người trẻ Việt Nam. Đó là Trịnh Hội, năm nay cũng mới 34 tuổi. Anh là một luật sư được đào tạo tại Úc và tại Đại Học danh tiếng Oxford bên Anh. Sau khi học xong, thay vì đeo đuổi một sự nghiệp đầy hứa hẹn thì anh cũng đã bỏ tất cả, đi qua Phi (vâng, cũng lại chính xứ Phi!) để sống bên cạnh đồng hương xấu số của anh, những người Việt tỵ nạn Cộng Sản.

Đây là những thuyền nhân trốn chế độ CS vào cuối thập niên 80 nay vẫn còn kẹt lại, sống vất vưởng vì không được nước nào nhìn nhận. Trịnh Hội đã đến với họ, chia sẻ cuộc sống tạm bợ thiếu thốn đủ mặt của họ từ vật chất tới tinh thần, với hoài bão là sẽ dùng khả năng biện hộ của mình để vận động cho họ được định cư tại một quốc gia tự do. Ngày nay sau 7 năm trời gian khổ, anh cảm thấy cuộc tranh đấu của anh sắp gặt được kết quả tốt đẹp.

Về động lực phụng sự của anh, Trịnh Hội trả lời hồn nhiên: "Người ta ra đường gặp gái, tôi ra đường gặp người tỵ nạn thì thương luôn!". Thế anh có thấy vất vả quá không? Anh trả lời: "Vất vả đâu thấm gì đồng bào của mình". Anh có tiếc đã bỏ mất tuổi thanh niên của mình hay không? "Thưa không, nhìn lại tôi cảm thấy rất vui chứ. Tôi mong rằng nhiều bạn trẻ ngày hôm nay cũng sẽ bước đi trên con đường như thế này".

Những lời nói thật giản dị nhưng đầy tự tin, cái tự tin của một người đang nói ra những điều hiển nhiên. Dylan Wilk, Trịnh Hội, hai người trẻ nhưng cùng một tấm lòng. Đối với hai anh chuyện phục vụ đồng loại tự nhiên như hơi thở.

Chẳng trách gì cách đây không lâu, nhà vô địch Muhammad Ali, người đã ngự trị trên môn quyền anh thế giới trong những năm 1960 và cũng là người có nhiều suy tư độc đáo, đã có nói rằng: "Phụng sự xã hội là cái tiền thuê nhà mà mỗi chúng ta phải trả khi ta ở tạm trên trái đất này".

Ks. Phan Văn Hưng