CHÚA NHẬT 3 Thường niên B (Gn 3, 1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20)

Mau qua chóng tàn


Tác giả Thánh Vịnh 39 thỏ thẻ với Chúa những lời nguyện sau đây:

"Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng." (Tv 39, 5-7)


Mới nghe qua ta thấy Thánh Vịnh này sao đượm một chất buồn: đời của con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu mà thôi ! Buồn có buồn thật nhưng đó chính là thực tế, là sự bi đát, là sự mong manh của phận người. Đã sinh ra, đã cất tiếng khóc chào đời thì ắt hẳn đến một ngày nào đó cũng phải ra đi để về với Cội Nguồn.

Bài hát Khúc Thuỵ Du cũng nhắc nhớ ta về phận con người:

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi !


Có nghịch lý chăng khi cuộc đời đang phơi phới dệt không biết bao nhiêu là mộng vàng lại đi nói đến cái chết, nói đến cái thời cùng tận. Thoạt tiên xem ra thì nghịch lý nhưng nhìn vào thực tế của cuộc đời chẳng nghịch lý chút nào cả. Không nghịch lý vì lẽ đó là định luật tự nhiên của con người. Có sinh ắt có tử chứ có ai sống mãi trên cuộc đời này chăng ?

Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao con người sống chỉ có thế thôi, nghĩa là họ muốn kéo dài thêm tuổi thọ. Cũng tốt thôi, chẳng ai không mong mình sống thọ cả nhưng nhìn vào thực tế tuổi hưu là 60 hay 65 gì đó tuỳ người là nam hay nữ. Chúng ta thấy đó, ở cái tuổi 70, 80 có làm gì được nữa hay chăng ? Khi nói về vấn đề tuổi thọ, người ta lại đặt vấn đề về chuyện người già nhiều quá bỗng nhiên trở nên gánh nặng cho xã hội !?!?!

Kết cục con người rồi cũng phải chết nhưng quan trọng chết cách nào và biết khi nào mình chết.

Chẳng ai có thể biết được mình chết cả. Nếu biết trước thì đâu có gì để mà nói vì lẽ mạng sống con người tuỳ thuộc vào Thiên Chúa.

Với con mắt của người đời, đau khổ khi con người vướng vào bệnh ung thư, bệnh nan y nhưng thật sự ra những ngày nằm trên giường bệnh cũng là thời gian, cũng là cơ hội để con người nhìn lại những lầm lỗi, những yếu đuối của mình để ăn năn sám hối. Cứ tưởng những người đó là sấu số hay kém số nhưng những người đó có cơ may để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời của mình.

Dân thành Ninivê thời ngôn sứ Giôna với cái nhìn của người đời thì thật kinh khủng vì được báo trước cái chết 40 ngày nhưng thật sự 40 ngày đó với Ninivê quả thật là có ý nghĩa. Thiên Chúa nói rằng nếu trong 40 ngày đó chịu sám hối thì dân thành Ninivê sẽ không giáng hoạ bởi Thiên Chúa nữa. Hạnh phúc thay khi được báo trước cái chết để chuẩn bị tâm hồn.

Lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong thư thứ nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô cũng chính là lời mà Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”. (1 Cr 7, 29-31).

Đúng như vậy thì thời gian đối với mỗi người chúng ta cũng đang qua đi. Mỗi một lần mừng sinh nhật hay mừng năm mới gọi là mừng nhưng với tôi thì “buồn”. “Buồn” vì lẽ qua một năm, thêm một tuổi cũng chính là thời gian mà mình phải về trình diện trước mặt Thiên Chúa nó gần hơn một chút. Thi thoảng nhìn lại tuổi của mấy đứa cháu ở nhà tôi lại thấy giật mình vì mình quá “già”. Mới ngày nào đó mà đứa cháu mà mình từng ẵm, từng tung cho cháu đụng cái trần nhà thì nay chúng nặng gần bằng số ký của mình. Thời gian cứ qua đi và nó chẳng chờ đợi một ai cả. Một ngày qua đi là một ngày mà mình gần Chúa hơn, một ngày mà mình phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa mọi hành vi của mình.

Thánh Phaolô thật tâm lý khi khuyên chúng ta: những người có vợ sống như không có, khóc làm như không khóc, vui làm như không vui, sắm như không sắm … Ngài có ý mời gọi chúng ta hãy dùng những thực tại của trần gian này như là chuyện bình thường, chuyện quan trọng là chúng ta phải thanh thản trước mặt Thiên Chúa với tất cả những gì bám víu của chúng ta trong trần gian này. Ngài không bảo người có vợ phải bỏ vợ, người vui phải khóc, người có của cải trần gian phải bỏ đi hết nhưng ngài bảo mỗi người chúng ta hãy thanh thản trước những gì gọi là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Cũng đúng thôi, dẫu là vợ nhưng khi chết chúng ta có mang theo được chăng ? Dẫu là cái nhà lầu 5 tầng ở mặt tiền đàng hoàng nhưng khi nhắm mắt xuôi tay mang theo được gì ? Dẫu là chiếc xe con đời mới cáu cạnh mới sắm trong thùng đấy nhưng mà có mang theo được về bên kia thế giới hay không mới là chuyện quan trọng.

Thật sự, tất cả danh vọng, quyền cao chức trọng đều mong manh và mau qua chóng tàn khi ta nhắm mắt lìa đời.

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta tất cả mọi chuyện đều mau qua chóng tàn. Ngôn sứ Isaia nói thế, thánh Phaolô nói thế và Chúa Giêsu cũng nói như vậy trong cái ngày khởi đầu việc rao giảng Tin mừng của Ngài. Mở đầu cho lời rao giảng là lời mời gọi sám hối phải chăng là lời đùa cợt hay hù doạ ? Chẳng đùa cợt mà cũng chẳng hù doạ vì đó là sự thật.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin mừng vì Nước Trời đã đến gần. Nước Trời thật sự đã đến, đang đến rồi. Nước Trời cũng sẽ đến với từng người một trên chúng ta. Chúa Giêsu hơn một lần nói với các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta: “anh em hãy đứng vững trước mặt Con Người !”.

Làm sao để đứng vững trước mặt Con Người như Chúa nói ? Để có thể đứng vững trước mặt Con Người phải chăng như là lời Thánh Phaolô mời gọi chúng ta là chúng ta hãy nhìn vào sự thật là bộ mặt thế gian này sẽ qua đi, chỉ có mình Chúa mới là cùng đích, là căn cốt của cuộc đời chúng ta.

Chuyện quan trọng không phải là chuyện sống được bao nhiêu năm trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là sống bao nhiêu năm ấy như thế nào.

Chuyện quan trọng không phải là làm được bao nhiêu việc lành phúc đức nhưng là sống tình yêu với Chúa và với anh chị em đồng loại như thế nào. Không phải căn cốt là làm phúc làm đức nhưng phải sống cái phúc cái đức ấy trong đời thường.

Chuyện quan trọng không phải là được ngụ trong căn nhà cao cửa rộng ở cuộc đời tạm bợ mau qua chóng tàn này nhưng quan trọng là làm sao có một túp lều be bé con con trong mảnh đất Thiên Đàng.

Chuyện quan trọng không phải là thành công trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là được cứu độ hay hư mất mà thôi.

Muốn được hưởng ơn cứu độ, muốn được bình an thật trong tâm hồn không còn cách nào khác là ta phải bám vào Chúa chứ đừng bám vào của cải trần gian mau qua chóng tàn này. Chúng ta đã có thừa kinh nghiệm để nhìn vào những đấng những bậc xung quanh chúng ta. Tất cả những đấng những bậc anh hùng nay đâu rồi ? Tất cả những người quyền quý cao sang nay còn đâu khi phải đón nhận cái chết đang rình rập mình.

Nhớ lại một câu chuyện đơn sơ của một vị thiền sư bên Trung Quốc. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có chiếc quan tài con. Mọi người vào thấy là lạ và thắc mắc tại sao có chiếc quan tài ấy. Thiền sư nói rằng sở dĩ tôi để như thế để tất cả mọi việc trước khi tôi quyết định tôi đều nhìn đến chiếc quan tài này. Một ngày nào đó tôi sẽ vào đó và nằm trong đó để rồi tất cả các quyết định của tôi đều dựa vào cùng đích của cuộc đời tôi.

Tư tưởng, hành động đơn sơ của vị thiền sư ấy thật dễ thương vì lẽ hành vi, tư tưởng ấy cũng như muốn nói với mỗi người chúng ta về sứ điệp của Chúa Giêsu ngày hôm nay là phải sám hối vì Nước Trời đã gần bên. Lời mời gọi của Chúa vẫn văng vẳng bên tai chúng ta nhưng đôi khi mãi mê với những thế sự thăng trầm để rồi chúng ta không còn nhớ đến cùng đích của cuộc đời chúng ta nữa.

Nguyện xin Chúa đến và ở lại với chúng ta và xin Chúa giúp cũng như nhắc nhở chúng ta về ngày cùng tận của chúng ta ở gần bên để chúng ta cũng sám hối như dân thành Ninivê xưa sám hối trước lời cảnh báo của ngôn sứ Giôna vậy.


Anmai, CSsR