SỰ CHẾT – MỘT DẤU HỎI






Đứng trước cái chết của một người thân, người ta thường ít đặt câu hỏi: tại sao phải chết? mà thường hỏi: không biết bây giờ người thân ra sao, đang ở đâu? Một câu hỏi về số phận con người sau khi chết chứ không phải là câu hỏi về nguyên nhân của cái chết. Vì việc phải chết là điều quá nhiển hiên và lý do cũng dễ thấy: bệnh tật già cả, tai nạn ….

Một dấu hỏi được đặt ra sau sự chết của con người sẽ không ai có thể trả lời chính xác hoàn toàn được. Dấu hỏi được đặt ra để gợi ý cho một sự suy tư về định mệnh, số phận của con người sau khi chết không thuộc quyền chúng ta. Chúng ta chỉ biết được nguyên nhân của sự chết vì chúng ta đang sống. Nhưng sau khi chết sẽ ra sao thì không ai dám khẳng định chính xác dù có hiểu biết rõ về mạc khải Thiên Chúa.

Đôi khi người ta dám tin tưởng rằng người thân của mình sẽ được ở đâu trong thế giới bên kia dựa vào sự suy đoán qua cuộc sống hiện tại ở trần gian, nhưng sự tin tưởng ấy chỉ là một điều để khích lệ chúng ta vững tin mà cầu nguyện thêm. Thế nên một người thánh thiện mấy đi nữa sau khi chết người ta cũng phải dâng lời cầu nguyện cho họ, có khi phải cầu nguyện nhiều hơn nữa do tác động của đức tin. Như vậy thế giới bên kia như thế nào không ai biết được. Chính Thiên Chúa không cho chúng ta biết trước những thực tại ấy, để con người sống trong hy vọng mà cố gắng mỗi ngày một hơn. Và một sự thu hút rất tự nhiên trong những giây phút hấp hối người ta mong sớm được chết, ít người ước ao sống thêm.

Một người thân qua đời nằm đó còn đặt ra một dấu hỏi về sự bất lực của con người. Sự bất lực này không chỉ là sự bất lực về một sự sống của người thân yêu bị chấm dứt dù đã trăm phương nghìn cách chữa trị, nhưng còn là sự bất lực vì ta không thể cùng đi vào thế giới của người chết được. Chúng ta chỉ biết đứng đấy mà nhìn và thinh lặng. Chúng ta ngậm ngùi và tiếc xót vì giữa ta và người chết không cùng được hiện hữu với thời gian và mọi sự trên đời này nữa chẳng qua là do chúng ta không hiểu về thế giới của người chết đang được sống trong đó. Dấu hỏi này tồn tại mãi trong cuộc đời của người có người thân qua đời. Dường như chúng ta muốn nếm cảm cái cõi của người chết trong cái suy tư của mình nhưng luôn luôn bị khựng lại bởi sự giới hạn của ta là kẻ còn đang sống, đang mang nhiều mối liên hệ với các thực tại trần gian.

Cõi vô hình dứt khoát phải dành cho kẻ chết, vì họ được thanh thản hơn không bị ràng buộc bởi các yếu tố vật chất nào, như muốn đặt ra câu hỏi: tại sao cõi vô hình có một sức mạnh ghê gớm nhưng lại chứa đụng toàn kẻ chết là kẻ bất lực?! Đó là chính việc không còn liên hệ, không còn bị những yếu tố vật chất trần gian níu kéo nữa đã làm nên một sức mạnh phi thường, cho nên ngược lại trong cõi vô hình không “chấp chứa” những kẻ đang sống! Câu hỏi này là một đề tài suy tư cho nhiều người đang quan tâm về sự sống đời sau. “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”có nghĩa là sự sống sau khi chết có ý nghĩa hơn và cần được kéo dài hơn vì niềm vui muôn đời trong cõi vô hình không thể diễn tả được. Dĩ nhiên ở đây không bàn về tình trạng mỗi người sau khi chết liên quan đến vấn đề thưởng phạt theo niềm tin Kitô giáo.

Sự chết có ý nghĩa thực sự khi đặt ra cho con người một dấu hỏi.Vấn đề càng lớn thì dấu hỏi càng khó. Vấn đề càng khó thì dấu hỏi càng nhiều, mục đích là gợi lên những suy tư đúng đắn nhất nhằm thỏa mãn lập trường của ta.


Cuộc sống con người mãi mãi là một nỗi khát vọng không bao giờ được lấp đầy nếu như cứ bám mãi vào trần gian này, nên cần phải thoát ra khỏi trần gian ấy bằng cái chết để thỏa mãn nỗi khát vọng được sống, vì thế giới bên kia là thế giới sự sống khác thuộc lãnh vực tinh thần, linh hồn; mà chỉ có sống trong thế giới này người ta mới được thỏa mãn. Thế nên nếu có khát vọng thì cần phải chết đi để nhập vào thế giới tinh thần. Song vẫn là một dấu hỏi trong cuộc sống hiện tại khi phải đối diện với cái chết. Cảm nghiệm được điều đó để chúng ta chuẩn bị những gì cho dấu hỏi được sự chết đặt ra cho mình. Chính dấu hỏi không có câu trả lời chín xác 100% mới là cái gì đánh động chúng ta nhất, mới làm cho người ta phải run sợ khi nghĩ đến giờ phút kết thúc cuộc đời của mình.





Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn