Phép Rửa Của Tình Yêu


Phép Rửa là bí tích cần thiết nhất cho những ai được mời gọi bước vào đời sống Kitô hữu, vì nó như cửa ngõ của các bí tích khác. Tính cách cần thiết ở đây không chỉ biểu lộ như một “nghi lễ gia nhập”, mà còn hơn thế nữa, Phép Rửa là bí tích có giá trị tái sinh đối tượng lãnh nhận từ con người cũ chỉ biết sống cho riêng mình, trở nên thụ tạo mới sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

1. Từ sự kiện phép rửa Gio-an

Những người đương thời đến lãnh nhận phép rửa của Gio-an chưa ý thức đủ và rất mơ hồ về thân thế và sứ mạng của ông trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do vậy, trong tâm trạng mong đợi Đấng Cứu Thế, họ đã phân vân tự hỏi “biết đâu ông Gioan lại chẳng phải là Đấng Mêsia !” (Lc 3, 15). Như thế, việc họ đón nhận phép rửa của Gio-an nằm trong tâm lý nghi ngờ và chưa xác tín đủ về tích chất “mở đường” của phép rửa này.

Câu trả lời của Gio-an đã khai mở cho họ phần nào: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3, 16).

Tuy nhiên, những người này vẫn phải chấp nhận một thực tại hữu hạn trong phép rửa của Gio-an khi mà “giờ của Thiên Chúa chưa đến” đối với họ. Phép rửa này chỉ có tác dụng “nói thay” họ về lòng sám hối, mà có khi lại rất chiếu lệ. Lý do đơn giản vì đó chỉ là phép rửa do một con người – Gio- an. Bởi đó, nó không thể có được thần lực cải hoá con người đang trong cảnh nộ lệ bóng đêm tội lỗi và sự chết, có thể bước sang thế giới của sự sống tình yêu.

Và trong bối cảnh ấy, Đức Kitô đã xuất hiện. Chính “Đấng quyền thế hơn tôi” mà Gio-an báo trước lại đến xin ông lãnh phép rửa “bằng nước” dưới dòng sông Gio-đan. Dù đoàn lũ không nhận ra Ngài, nhưng chính trong thân phận phàm nhân ngụp lặn trong dòng nước tự nhiên ấy, Đức Kitô đã mách bảo cho toàn thể nhân loại một cuộc Thanh Tẩy mới “bằng Thánh Thần và bằng lửa”. Và lời tiên báo của Gio-an đã được chứng nghiệm.

2. Đến Phép Rửa của Đức Kitô

Phép Rửa của Đức Kitô là một bước chuyển đặc biệt từ giai đoạn Cựu ước sang Tân Ước. Đó không còn là nghi thức do bởi con người, mà nó là hệ quả của cuộc gặp gỡ thần linh, mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Nhân loại không có quyền đòi hỏi nơi Thiên Chúa một tác động biến đổi, nhưng chính Thiên Chúa đã chủ động mời gọi và dẫn con người vào cuộc thanh tẩy mới, mà đỉnh cao là thập giá Đức Kitô.

“Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện” (Tt 3, 4-5).

Đức Giêsu lãnh phép rửa của Gio-an không chỉ là một biểu tượng về sự hạ mình của Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa, mà nó còn toát lộ vẻ đẹp kỳ diệu của cuộc thanh tẩy mới được khởi đi từ đây, do chính “Con Chiên vô tỳ vết” đảm nhận. Nhờ tác động của Thánh Linh, Đức Kitô trở nên nguồn mạch ân sủng cho nhân loại trong cuộc tái sinh toàn diện con người cũ, hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa nhờ tình yêu cứu độ.

Đức Kitô đã tắm mình trong sự khiêm hạ thẳm sâu khi Ngài chấp nhận làm một con người với những yếu đuối bất toàn ngoại trừ tội lỗi. Và con người toàn thiện của Ngài đã mang lấy tội lỗi của cả nhân loại để thanh tẩy trong dòng máu yêu thương bất tận trên Thập giá.

3. Những dấu chỉ trong cuộc sống

Cả phép rửa của Gio-an và Phép Rửa của Đức Kitô đều biểu hiện thông qua những dấu chỉ. Điểm trội vượt trong Phép Rửa Mới chính là các dấu chỉ được hội tụ nơi hành trình thập giá của Đức Kitô, mà đỉnh cao là cái chết và cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người.

Được tái sinh nhờ Phép Rửa của Đức Kitô, người Kitô hữu hôm nay có bổn phận và được mời gọi trở nên chứng nhân sống động về các dấu chỉ đã được nhận lãnh. Đây là cuộc hoán cải liên tục và biến đổi tận căn, nhờ sức mạnh Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến đấu với các đam mê dục vọng, có nguy cơ làm hoen nhơ tấm áo trắng tinh tuyền mà ta đã vinh dự mặc lấy trong ngày chịu Phép Rửa.

Những dấu chỉ mà qua đó người ta có thể nhận ra dấu ấn của quá trình thanh tẩy nội tâm nơi chúng ta chính là thái độ khiêm hạ trong tương quan với Thiên Chúa và anh em. Đây là một tiến trình đầy khó khăn, hệ tại ở việc ta có nghiệm thấu được sự phụ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào hồng ân mà Thập giá Đức Kitô mang lại.

Phép Rửa của Đức Kitô được biểu hiện qua dấu chỉ của sự tận hiến tột cùng nơi Ngôi Hai Thiên Chúa. Bản thân người lãnh nhận Phép Rửa cũng phải trở nên dấu chỉ của tình yêu Thập giá nhờ được thông dự vào chính thần tính và sự sống mới nơi Đức Kitô.

Các dấu chỉ này chỉ thực sự ngời sáng và tiếp tục lan toả, biến đổi và góp phần tái sinh những tâm hồn khác nhờ nỗ lực hoán cải và sống cho tình yêu Thập giá của mỗi chúng ta; như lời Thư Titô: “ Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2, 14).


J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Đại Chủng viện Vinh – Thanh)