Thời gian đang qua đi.


“Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy” (Jona 3, 4)
“Tôi nói cùng anh em điều này là: thời gian vắn vỏi” (1Cor 7,29)



Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15)

Ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cùng đưa chúng ta đến một ý thức sâu sắc về chiếc thoi đưa của thời gian trong cuộc lữ hành dương thế, và việc phải làm ngay, không thể chần chừ, không thể do dự.

Lời cảnh tỉnh của tiên tri Jona làm cho dân chúng phải “ăn chay, mặc áo nhặm, và bỏ đời sống xấu xa” cũng chứng tỏ một sự thuyết phục rất đáng kể của người loan tin. Nhưng việc thay đổi cách sống ấy, có thể vì họ sợ bị trừng phạt, vì ích lợi phần xác cho mình, hơn là vì một lý do nào khác.

Nhưng tích cực hơn, Thánh Phaolô khuyên dạy Giáo đoàn Corinto không chỉ biết rằng thời gian ngắn ngủi, mà còn phải biết chuẩn bị cho một cuộc sống mới, bằng cách nhìn nhận tất cả những thực tại trần gian có như không có, để chuẩn bị cho một cuộc sống giá trị hơn,vĩnh cửu hơn, “vì chưng, bộ mặt thế gian nầy đang qua đi”(1Cor 7,31).

Với Chúa Giêsu, còn cụ thể hơn nữa, rằng “anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Đây là thông điệp đầu tiên của Con Thiên Chúa gởi đến thế giới, không chỉ sám hối, mà còn phảit tin vào Tin Mừng. Rất tích cực cho mỗi con người trên trần gian nếu muốn tha thiết với cuộc sinh tồn.

Ngài đã mở ra, cách nào đó, cho trần gian hiểu được có một cuộc sống mới, không phải cuộc sống nầy, có một thời gian mới, không phải thời gian nầy, có một cùng đích mới, không phải sự tàn vong vô nghĩa của một đời người vô nghĩa. Viễn tượng ấy chính là Tin Mừng, chính là Đức Giêsu Kitô. Không chỉ sám hối mà còn tin vào Đức Kitô. Vì thời gian đã đến hẹn chính Thiên Chúa Cha phải sai Con Một Người đến trong trần gian để thu hồi con dân Ngài về trong Nước Thiên Chúa, qua Đức Kitô.

Vì thế, việc Chúa Giêsu chọn những người đầu tiên cộng tác với Ngài, chắc chắn, không thể không chia sẻ với sứ vụ đặc biệt của Ngài là cùng kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Thiết tưởng, vì sự liên kết các bài đọc Lời Chúa hôm nay, có thể nói, ý hướng của Mẹ Giáo Hội không cố tình nhắm đến tiêu chuẩn người được chọn làm môn đệ Chúa, nhưng là nhắm đến việc phải cộngt ác với Chúa Giêsu loan truyền thông điệp đầu tiên rất quan trọng là “Thời giờ đã mãn. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ở Việt Nam, Chúa nhật 3 thường niên thường đúng vào dịp giáp tết, là một cơ hội quí cho mọi người để tâm suy gẫm. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rất rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi. Con người sống trong thời gian, thiết tưởng mỗi ngày cũng phải mỗi tiến đến cái mới toàn mỹ, thì ngược lại, vẫn ậm ì trong cái củ rích của một mớ suy tư tự phụ không tiến bộ nỗi.

Nếu đành phải hy sinh lặt những chiếc lá cũ rích, vàng úa trên cành mai, cho cây mai đâm chồi nẩy lộc, đươm búp đươm hoa, thì tại sao ta không can đảm mà bỏ đi những thói hư đời như những nếp nhăn hằn sâu trong trí não, bỏ những lối sống xấu xa, những ý nghĩ thấp hèn ta vẫn mang theo bên mình từ năm nầy qua năm khác, để trổ sinh trong ta những lộc mầm mới của chân, thiện, mỹ, của thánh đức tinh tuyền? Con người chỉ biết mình già đi theo năm tháng, theo thời gian, mà không thấy mình đang trẻ ra, đang dâng tràn sức xuân mãnh liệt, chỉ vì chưa sám hối và chưa thực sự tin vào Tin Mừng.

Ở một số gia đình Việt Nam vẫn có thông lệ đón giao thừa thật sốt sắng. Gia trưởng thắp đèn bàn thờ lên, rồi cả nhà đọc kinh giao thừa. Mở đầu là kinh Đức Chúa Thánh Thần, kinh tin cậy mến, rồi nghe một đoạn Tin Mừng. Gia trưởng và các thành viên gia đình lần lượt tạ lỗi với Chúa vì những tội lỗi trong năm qua, tạ ơn Chúa những ơn lành Chúa ban, và xin ơn cần thiết cho năm mới. Sau đó, cả nhà ngồi lại với nhau, nghe ông bà, cha mẹ điểm qua những thành tích đã đạt được, những cái chưa được, cả đời sống vật chất lẫn đời sống tâm linh của các thành viên gia đình, nhất là việc giữ lề luật Chúa và Giáo hội. Rồi cháu con mừng tuổi ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu, và cuối cùng là, cả nhà ăn uống một chút gì với nhau thật êm vui đầm ấm.

Thiết tưởng, trong năm thánh giáo dục gia đình Việt Nam này, cũng cần tái lập lại một truyền thống đọc kinh giao thừa để cùng nhau lặt bỏ những nếp sống cũ của những thói hư tật xấu, và cùng nhau quyết tâm đổi mới cách sống tốt đẹp theo Tin Mừng. Bầu khí thiêng liêng của phút giây giao thừa năm cũ và năm mới, sẽ là khởi điểm cho những buổi kinh tối ở các gia đình để tiến đưa một ngày cũ lỗi lầm đi qua mà đón nhận hồng ân cho một ngày mới đến.

Thời gian đang qua đi.

Phải can đảm nhìn thẳng vào lòng mình để thấy bao nhiêu xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân. Những xúc phạm thầm kín trong lòng, cũng như trong lời nói, hành động, những thiếu sót trong bổn phận đối với Chúa, với gia đình và với tha nhân.
Và còn nhiều lỗi lầm nữa: lỗi vì lầm tưởng mình không có lỗi, lỗi vì tự cho mình luôn luôn là đúng theo cách chủ quan, lỗi vì cố tình che dấu những hành vi ám muội, lỗi vì buông bỏ chính mình, chính bổn phận của mình mà chạy theo bao điều hư ảo, lỗi vì tránh né những sự thật phủ phàng có thể gây mất uy tín, lỗi vì không biết quí thời gian Chúa ban để thời gian trôi đi lãng phí, vô bổ, mà còn dùng thời gian cho những ý định mất lòng Chúa, và còn muôn lỗi lầm khác.
Và hãy thật lòng ăn năn sám hối và quyết tâm canh tân đổi đời để xin Chúa thứ tha.

Thời gian thật quí. Thời gian là hồng ân.

Sống trong thời gian là phải luôn đổi mới. Và đổi mới theo tinh thần của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô làm cho đời người luôn trẻ ra, luôn thanh thản phấn chấn tâm hồn. Vì chính Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, Chúa Thời gian đang ngự trị trong con người hữu hạn để biến đổi cái hữu hạn ấy thành cái vô cùng, biến cái thời gian mùa xuân ngắn ngủi kia, thành mùa xuân vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sám hối mỗi ngày. Việc sám hối bao gồm biết mình có tội, có lỗi, và dứt khoát với tội lỗi, để nhờ lời vàng của Tin Mừng, dẫn dắt chúng con vào cõi trường sinh. A men.


Pm. Cao Huy Hoàng