-
Moderator
S - Sư tử cái
“Sư tử cái”
Kraisintu giúp trẻ em bị sốt rét ở châu Phi
Krisana Kraisintu đã không ngừng tìm cách đưa thuốc chữa bệnh AIDS và sốt rét đến với những người cần thuốc nhất. Dân châu Phi yêu quý bà vì bà nhiệt tâm và luôn nghiêm nghị.
Tại Tanzania, người ta gọi bà là Simba Jike - tiếng Swahili là “sư tử cái”. Kata Data Alhousseini Maiga, viên chức Chính phủ Mali, rất cảm kích sự quan tâm của Kraisintu dành cho nhân dân Mali. Ông nói với bà: “Những người như bà sẽ lên thiên đàng”.
Trên đường đến một trại mồ côi ở Đông Nam Thái Lan, nơi có đa số trẻ em bị HIV dương tính, Krisana Kraisintu rất bồn chồn. Bà muốn đãi bọn trẻ ăn bánh, nhưng từ khi rời Bangkok, bà vẫn không thấy tiệm bánh nào. Bất ngờ có một siêu thị bán loại bánh bột nhồi có màu sắc và ngọt, bọn trẻ rất thích, Kraisintu vội vào mua bốn hộp lớn.
Từ vị nữ lương y của Thái Lan
Đến trại mồ côi, Kraisintu đặt các hộp bánh lên bàn và nhìn lũ trẻ ùa vào phòng. Kraisintu xoa đầu một bé gái tên Nuj, bị bỏ trước cô nhi viện lúc còn nhỏ. Nuj bị HIV dương tính và tổn thương não, hiện nay em khoảng 10 tuổi.
Đến đây thật tốt đối với Kraisintu. Thuốc mà bà phát triển có thể góp phần giúp các em kéo dài sự sống. Nhưng mỗi lần đến thăm cô nhi viện là mỗi lần khơi lại nỗi đau về cái giá mà Thái Lan phải trả vì đã không cho phổ biến sớm thuốc điều trị bệnh AIDS giá rẻ, chỉ mới cho phổ biến năm năm qua!
Mặc dù các công ty dược phẩm quốc tế bắt đầu chế tạo các thuốc điều trị AIDS hiệu quả từ thập niên 1990, thuốc vẫn quá mắc nên Thái Lan không thể cung cấp cho các bệnh nhân nghèo. Chỉ có người giàu mới có thể mua thuốc. Có lẽ đó là lý do hơn 450.000 người Thái đã chết vì bệnh AIDS.
Năm 2002, nhờ sự can thiệp của Krisana Kraisintu, Thái Lan bắt đầu sản xuất hàng loạt thuốc điều trị AIDS với giá rẻ. Tỉ lệ tử vong đã giảm. Ngày nay, Thái Lan là một trong các nước có chương trình điều trị AIDS rộng rãi tốt nhất trong các nước đang phát triển, có số bệnh nhân nghèo nhiều nhất được cấp thuốc miễn phí.
Không chỉ người Thái chịu ơn của Kraisintu, thuốc của bà còn được dùng để điều trị cho bệnh nhân nghèo ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Bà cũng dành năm năm qua để giúp đỡ châu Phi chống lại bệnh AIDS và cả bệnh sốt rét. Cựu nghị sĩ Thái Lan Jon Ungpakorn nói: “Krisana Kraisintu là người nhân đạo đã dùng kỹ năng của mình để phục vụ người nghèo toàn cầu”.
Bà yêu nghệ thuật chứ không định làm nghề thuốc. Ông của bà làm nghề thuốc gia truyền, cha là bác sĩ và mẹ là y tá, gia đình chỉ muốn bà học ngành y. Hồi nhỏ, bà ảnh hưởng nhiều từ bà nội - một ni cô. Bà nói: “Bà tôi thường bảo nếu tôi có dịp làm việc thiện thì nên làm”. Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Anh, bà về quê ở Thái Lan năm 1981. Bà dạy hóa dược ba năm, rồi gia nhập GPO (Government Pharmaceutical Organization). Năm 1989, lúc 37 tuổi, bà được chọn làm trưởng Viện Phát triển và nghiên cứu sáng tạo mới.
Năm 1992, mức lây nhiễm AIDS mau chóng ở Thái Lan, Kraisintu quyết định bào chế thuốc chữa AIDS có tên là ARV (antiretroviral).
Năm 1995, bà sản xuất những viên nang zivoduline đầu tiên, với giá chỉ bằng 1/5 giá thuốc gốc. Đó là những viên ARV đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Lúc đó, Chính phủ Thái Lan bắt đầu chương trình điều trị bệnh AIDS. Dù thuốc đến tay nhiều người hơn, chính phủ vẫn không chú ý đến thuốc của bà. Kraisintu vẫn không nản. Bà càng sản xuất nhiều thuốc, rồi nói với các nhà báo rằng chính phủ nhiều lần mua thuốc chính hiệu cao giá gấp mấy lần so với thuốc của bà. Cuối cùng, báo chí gây áp lực để chính phủ đồng ý mua thuốc của bà.
Kế hoạch sản xuất ARV đại trà chỉ bắt đầu sau khi chính phủ kiểm tra vào năm 2000 thấy thuốc của bà là một “mối lợi”. Hơn 3/4 trong số 100.000 bệnh nhân AIDS được điều trị ở Thái Lan bằng thuốc của Kraisintu.
Đến nữ thánh của châu Phi
Cuối năm 2002, bà nhận điện thoại của một nhà máy ở Cộng hòa dân chủ Congo. Nhiều nhân viên của họ chết vì AIDS. Bà đồng ý hỗ trợ. Từ đó bà dành nhiều thời gian ở châu Phi. Với sự giúp đỡ của bà, Tanzania bắt đầu sản xuất thuốc sốt rét từ tháng 9-2003. Thuốc ARV cũng đã được sản xuất ở Congo. Bà còn giúp Tanzania sản xuất thuốc ARV và huấn nghiệp cho các nhân viên của bệnh viện ở bốn nước Tây Phi về cách chữa sốt rét cho trẻ.
Năm 2002, Kraisintu ra khỏi GPO và trở thành nhà tư vấn độc lập. Bà xuất thân từ một gia đình giàu có, một người anh họ của bà là chủ năm khách sạn 5 sao ở Phuket nên bà không phải trả tiền khách sạn, đôi khi bà vẫn tự thanh toán chi phí cho mình.
Mặc dù có điều kiện sống tiện nghi nhưng bà vẫn sống ở căn hộ nhỏ tại Bangkok và chạy chiếc Honda cũ. Bà rất thích ăn đu đủ trồng trong nhà kính ở Hà Lan. Bà nói: “Đu đủ đó ngon ngọt hơn đu đủ Thái”.
Tháng 2-2011, Kraisintu mừng sinh nhật thứ 59, nhưng bà vẫn khỏe mạnh và làm việc không biết mệt mỏi. Bà mới mở một nhà máy bào chế thuốc ở Mali. Gaussau Traore, trưởng ban kiểm tra chất lượng của nhà máy, phát biểu: “Với chúng tôi, bà như là Chúa vậy. Bà đã làm cho chúng tôi cảm thấy mình là những con người có đủ năng lực làm việc”.
Quả thật, bà xứng đáng được tôn vinh như vậy!
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Reader’s Digest)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules