Nhiều Cô Dâu Việt Chết Ở Xứ Người Nhưng Đều Bị Che Dấu
Friday, February 15, 2008
SÀI GÒN - Nhiều cô dâu Việt Nam chết ở nước ngoài mà nguyên nhân cái chết khá mờ ám. Tuy vậy, không có cuộc điều tra, không có sự tìm hiểu nào từ phía nhà cầm quyền Việt Nam để giúp gia đình các nạn nhân biết sự thật.
Ngày 14 Tháng Hai 2008, báo Thanh Niên, báo Người Lao Ðộng loan tin một cô dâu Việt Nam tên Trần Thanh Lan, 22 tuổi, đã tự tử chết tại Ðại Hàn chỉ mới sang đây được 25 ngày.
“Ngày 15 Tháng Hai, khi tìm hiểu thêm thông tin về cô dâu Việt Trần Thanh Lan, quê Cái Răng-TP. Cần Thơ nhảy lầu tự tử ở Hàn Quốc (báo Người Lao Ðộng cùng ngày đã phản ánh), chúng tôi phát hiện thêm nhiều cô dâu Việt khác đã chết nơi xứ người.” Báo Người Lao Ðộng ngày Thứ Sáu 15 Tháng Hai 2008 viết.
Bi kịch từ đám cưới không rước dâu
Tờ Người Lao Ðộng đi vào chi tiết như sau: Ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy-Hậu Giang đã xảy ra trường hợp một cô dâu Việt chết tại Ðài Loan không rõ nguyên nhân. Nạn nhân tên Ng. T. B. Tr., 21 tuổi, lớn lên trong một gia đình nông dân đông con nghèo khó nhưng lại rất xinh đẹp và ngoan hiền. Thông qua môi giới, một đám cưới tập thể được tổ chức khá đơn sơ ở Sài Gòn, có Tr. cùng nhiều cô dâu Việt khác. Chồng Tr. là một thanh niên Ðài Loan khoảng 29 tuổi, làm nhân viên kinh doanh ô tô tại Ðài Bắc.
Khoảng cuối năm 2005, Tr. xuất cảnh. Vì bên chồng viện lý do “kỵ tuổi”, lễ rước dâu đã không được tổ chức, Tr. phải tự khăn gói về nhà chồng. Sang Ðài Loan chưa được bao lâu, gia đình chồng lại viện lý do kỵ tuổi, làm ăn không được... nên bắt con trai ly dị vợ!
Rất may, tại Ðài Bắc, Tr. quen một chủ doanh nghiệp Ðài Loan rất rành tiếng Việt (có chi nhánh công ty ở Bình Dương). Bà này đã đồng ý nhận Tr. về làm công cho nhà mình và lo thủ tục pháp lý để cô ly dị chồng. Từ lúc đi làm, cách khoảng 3 tháng/lần, Tr. gửi tiền về cho gia đình, mỗi lần khoảng 300 USD. Thỉnh thoảng cô cũng gọi điện về nhà, bảo cuộc sống và công việc khá tốt. Nhưng chưa được bao lâu, vào khoảng Tháng Sáu 2007, gia đình đột ngột nhận được tin Tr. đã chết vì bệnh nặng.
Sau khi hay tin, gia đình đã lên Sài Gòn liên lạc nhiều cơ quan chức năng để được biết thêm thông tin, thủ tục nhận lại xác con gái. Nhờ sự giúp đỡ tích cực của một người quen, phía Ðài Loan đã chấp nhận để một người anh của Tr. sang làm thủ tục nhận xác cô. Khoảng hơn 20 ngày sau, anh này đã trở về cùng với hũ hài cốt em gái đã được hỏa táng.
Ðến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân cái chết của Tr. Song, sau khi Tr. qua đời, phía Ðài Loan đã chi trả cho gia đình cô một lần số tiền mặt 14,000 USD và hàng chục triệu đồng mà họ cho là tiền công của Tr. khi còn làm việc. Một số người thân của Tr. xác nhận, thật ra trước khi xuất cảnh, cô đã bị bệnh và từng đi chữa trị ở Sài Gòn. Vì vậy, họ chấp nhận lý giải này của phía Ðài Loan, dù rất đau lòng khi người thân đột ngột mất đi.
Thương lượng bồi thường để “im chuyện”
Một số người dân ở “xóm Ðài Loan” tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp-Hậu Giang cho biết: Năm 2007, một gia đình tại đây cũng đã có con tự tử chết ở Ðài Loan sau khi lấy chồng khoảng một năm. Phía nhà chồng ở Ðài Loan sau đó đã tự sang thương lượng, bồi thường trên 100 triệu đồng để mọi chuyện êm xuôi.
Tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy-Hậu Giang, cũng có cô H., lấy chồng rồi chết ở Ðài Loan năm 2006. Dù gia đình nạn nhân từ chối cung cấp thông tin, nhưng một số người hàng xóm của H. cho biết, chính chồng của H. đã làm cô bức xúc, ức chế dẫn đến việc cô tự tử. Sau đó, bên nhà chồng đã thương lượng bồi thường mấy trăm triệu đồng để phía gia đình cô dâu im chuyện.
Thảm kịch lấy chồng Hàn Quốc hay Ðài Loan của các cô gái quê nghèo khó Việt Nam được mô tả khá nhiều trên báo chí trong nước nhưng các vụ môi giới hôn nhân như vậy vẫn thấy xảy ra. (T.N.)