Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: 28.12.08

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!


(dẫn từ thơ Xuân Diệu)

Lc 2: 22-40

Nhà thơ nay đà biết nói: ông cần tin. Và, ông cũng khao khát được nhầm lẫn, có ảo tưởng. Rất thâm trầm. Nhầm lẫn – ảo tưởng - thâm trầm, thế mà ông vẫn cần đến niềm tin. Dám hỏi nhà thơ, ông nay có tin, như tin vào tình yêu của Đức Chúa. Tin rất nhiều, hơn tình của đôi ta. Rất uyên ương. Không oan trái. Như trình thuật nay diễn giải.

Trình thuật hôm nay, diễn giải là diễn nghĩa và giải thích về thánh gia. Gia đình của Chúa tuy rất thánh nhưng vẫn giống mọi gia đình. Tức, có thăng có trầm. Có lúc vui buồn, nhiều trầm lắng. Lắm ưu tư. Ưu tư nhất, là khi Mẹ chứng kiến nỗi chết nhục hình của Con Mình, trên thập giá. Ưu tư không kém, như thánh cả Giu-se âm thầm suy tư về ý định của Thiên Chúa.

Là thành viên của Thánh Gia, Mẹ và thánh cả Giu-se cũng đã hốt hoảng khi Con của Mẹ “biến mất” nơi Đền thánh, những 3 ngày. Sau buổi ấy, Con của Mẹ, nay thuộc về gia đình mới. Gia đình thế giới. Chí ít, của những người quyết noi theo phương cách Ngài hằng chỉ dẫn. Ngài chỉ dẫn bằng dụ ngôn, truyện kể. Bằng diễn giải, nhủ khuyên khi Ngài quả quyết: là mẹ và là anh chị, chỉ những người biết lắng nghe và làm theo ý của Cha. Là, những người trong đó, có cả Mẹ. Bởi, không ai nghe và giữ Lời Chúa, cho bằng Mẹ.

Trình thuật hôm nay, đích thực kể về việc dâng tiến Chúa nơi Đền thánh. Là người con lớn trong gia đình, Đức Giê-su cũng phải thi hành luật lệ của người Do Thái, tức: dâng tiến chính mình Ngài cho Đền Thờ. Cho Cha Ngài. Điều này, để biết rằng: cả cuộc đời Ngài còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Rằng, Thiên Chúa là Đức Chúa của mọi cuộc sống. Mọi sinh vật, trong cõi đời. Người thiếu niên Giê-su, một khi thuộc về Thiên Chúa, lẽ đáng cũng phải theo nghi tiết mang tiền vàng, dâng Chúa Cha, nơi Đền thánh.

Và lần này, thiếu niên Giê-su lên Đền, lại được gặp các đấng thánh như cụ Simêôn và Anna đón tiếp vồn vã, thân mật. Và cụ ông Simêôn, tràn đầy Thánh Thần Chúa, giữ lời hứa ban xưa, nên đã nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo như lời Ngài hứa, xin để tôi tớ Chúa được ra đi trong an bình. Vì chính mắt con nay được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đây chính là nguồn sáng soi dọi cho dân ngoại. Ngài là vinh quang của Ít-ra-en con Dân Ngài." (Lc 2: 29-32)

Nhưng sự thật, thì tất cả đều đã không là ánh sáng. Bởi, người thiếu niên đây sẽ “là duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống, hay trỗi dậy. Như thế, có nghĩa: Đức Chúa là cội nguồn của sự sống. Ngài chính là ơn cứu thoát cho muôn dân. Đồng thời, Ngài lại là cớ vấp phạm cho những người tự khiến mình đui mù, bằng những cản ngăn con đường Ngài đưa dẫn mọi người đến sự thật. Đến, tình yêu thương. Như cụ ông Simêôn, từng nói trước.

Với ngôn sứ Anna cũng thế. Nhìn thiếu niên Giê-su, oai phong dũng mãnh, bà cũng nói về Ngài thay cho hết mọi người lâu nay từng mong chờ ngày Ngài “giải cứu Giê-ru-sa-lem”. Có nhà thần học tu đức nọ, từng nói về cách thức thánh Luca viết sử, như sau: “Thánh sử Luca, qua sắp xếp bố cục trình thuật Kinh Thánh, để nói lên rằng: cả nam lễn nữ, ta đều có thể đứng thẳng người lên và đến gần bên Thiên Chúa. Là nam hay nữ, ta vẫn ngang đồng hưởng vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi cả hai, ta đều được phú ban, cùng một ân huệ. Nhận lãnh cùng một trọng trách.”

Trong bầu khí đầy tràn tình thương yêu và niềm hy vọng, thân phụ và thân mẫu Đức Chúa thời niên thiếu, đã về lại Nadarét với Con của Mẹ. Ở nơi đó, Ngài lớn lên trong khôn ngoan và tràn đầy ân sủng cùng tình thương yêu của Chúa Cha. Ở nơi Ngài, nền tảng vững bền cho công việc mai sau, được dựng xây. Điều này, chứng tỏ cho ta thấy: trải bao năm tháng, Đức Giê-su đã trưởng thành trong cung lòng đầy tình thương của thân phụ và thân mẫu, dẫu người phàm.

Và những gì là sự thật về Đức Giê-su, cũng là sự thật cho chúng ta. Nghĩa là, môi trường sống có gia đình yêu thương trân trọng, vẫn là môi trường quan yếu cho cuộc sống. Nhiều người có cảm tưởng, là: nhiều nơi trên thế giới, tại các nước được gọi là “đã phát triển”, đời sống gia đình đang ở vào tình cảnh khốn khó, có vấn đề. Nhưng ngược lại, những ai thường xuyên tiếp cận với giới trẻ hôm nay, đều thấy được tình hình của nhiều người trẻ, vẫn tương quan tốt, với gia đình.

Vấn đề là, các bậc cha mẹ nào kỳ vọng rằng con cái mình, chúng biết kính trọng, có hiếu đễ, dễ vâng lời cha mẹ, mà lại chẳng cần đòi hỏi gì nhiều về các xử sự của chúng, cho đúng cách? Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày hôm nay lập ra các tiêu chuẩn gấp đôi, hy vọng rằng ít ra con cái mình cần thực thi chỉ một thôi, cũng mãn nguyện. Thế nhưng, thực tế cuộc sống hôm nay, đòi hỏi nhiều nơi cha mẹ biết kềm chế rất nhiều, mới mong tạo gương mẫu cho các con. Kềm chế cãi vã, và tranh luận. Kềm chế, trong việc bỏ quá nhiều thì giờ để làm ăn thay vì gần gũi với con cái. Đôi khi, còn phải biết hy sinh thì giờ và tiền bạc, cố lắng nghe lập trường và ý kiến của con mình.

Một số người cha trong gia đình, còn có kinh nghiệm thương đau, như một ông bố vẫn muốn giáo dục con trai mình, cho nên người. Nhưng hễ ông bước vào phòng để nói chuyện với con, thì con ông lại bỏ đi chỗ khác, để khỏi nghe. Đến độ, bạn bè khuyên ông: hãy tìm cách cảm thông với ước muốn của con mình, hơn là bắt con mình làm theo ý muốn của riêng ông.

Ông bố cứ bảo: “Tôi cảm thông với tính tình của con tôi, lắm đấy chứ. Nhưng vấn đề ở đây, là: phận làm con, là phải biết tôn kính cha mẹ, biết trân trọng những gì chúng tôi làm cho chúng.” Bạn bè đành đề nghị một phương án khác: “Nếu con ông không cởi mở/dễ bảo, thì hãy cứ cho đi là ông chưa cảm thông với con cái và có lẽ chưa bao giờ ông biết cảm thông, và cũng chưa từng muốn thử , và dự định sẽ thử. Nếu thế, hãy tìm cách, một lần nữa, biết cảm thông với chúng.” Nghe điều đó, người cha nọ, đã làm thử. Ông chịu khó lắng nghe con mình, một cách vô điều kiện. Thế rồi, cả hai cha con đã học hỏi lẫn nhau. Học nhiều bài học, hơn trước.

Cuối cùng thì, cấu trúc gia đình của tín hữu Đức Kitô phải được thiết lập theo ánh sáng Tin Mừng, như một thị kiến của cuộc sống. Thế giới hôm nay, có quá nhiều áp lực từ xã hội. Đôi khi, ta cũng quá đeo bám vào truyền thống cứng ngắc, của người xưa. Có lẽ, cả Hội thánh nói chung, chứ không là từng gia đình riêng lẻ, cũng nên giải quyết vấn đề thông cảm không chỉ giữa các thế hệ thành viên trong gia đình mà thôi; mà là, cho toàn thể xã hội nữa.

Chẳng cần phải tranh cãi, phẩm chất của bất cứ xã hội nào cũng tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống gia đình. Xã hội hiện hữu vì gia đình. Gia đình cũng hiện hữu vì và cho xã hội. Trừ phi tương quan của hai phần này liên đới phụ thuộc vào nhau đều được biết đến, còn không thì thị kiến của Vương quốc Nước Trời, sẽ lại trở nên ngang trái, đối nghịch.

Cảm nghiệm điều đó, ta quyết duy trì niềm tin yêu, hăng say mà vui hát; hát rằng:

“Cùng đi lay Trường Sơn

Cùng đi xoay Hoành Sơn

Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm

Vượt khơi ra đảo xa,

Lướt ngàn nước sang nhà

Ta đắp bồi cho Mẹ Cha.”
(Nguyễn Đức Quang – Về Với Mẹ Cha)

Cùng đi, đi để về với Mẹ, với Cha. Với gia đình, có Chúa Cha. Cũng vẫn là, lý tưởng của mọi người con. Con trong gia đình. Con Chúa. Con của Mẹ Hiền, có thánh gia. Chẳng cần “trông đợi”, chẳng mơ về “những ảo tưởng thâm trầm”, của cuộc sống.


Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch