SỢ TIỀN???


Người ta vẫn thường nói với nhau: “Tiền là tiên là phật, tiền là sức bậc của tuổi già, tiền là cái đà của danh vọng, tiền là cái lọng che thân …” hay là “có tiền mua tiên cũng được!” để nói lên sức mạnh, sức hút của cuộc đời. “Tiền là bạc” bởi vì có khi nó là bạc thật để làm cho đời người ta sung sướng hơn nhưng có khi nó mang theo cái nghĩa “bạc” khác đó là chính vì đồng tiền mà người ta sống “bạc tình bạc nghĩa” với nhau khi trong túi đầy bạc tiền.

Qua mọi thời, qua bao thế hệ, đồng tiền chi phối đời sống con người một cách kinh khủng. Muốn làm gì thì cũng phải có tiền. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, đồng tiền không còn là sức hút của con người nữa trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Có khi con người nhìn thấy đồng tiền phải sợ vì không biết nó có làm lợi như mọi khi hay nó lại làm hại khi không làm ăn được.

Để nâng dậy đời sống kinh tế đang suy thoái, nhà nước đang “kích” nền kinh tế vực dậy với con số 1 tỷ USD vay từ nước ngoài. Thông tin từ VTV1 trong bản tin 19 g 00 ngày 12 tháng 1 cho biết: Hiện tại, có 1 tỷ USD trong tay nhưng hiện tại nhà nước đang hết sức lúng túng. Chẳng biết 1 tỷ USD này sẽ đầu tư vào đâu cả. Đầu tư vào chứng khoán và bất động sản cũng chẳng được vì một đống tiền đã đổ vào đấy đang kẹt cứng. Đầu tư vào nông nghiệp cũng chẳng đành vì con cá, hạt gạo cũng mang chung số phận bấp bênh của nền kinh tế khủng hoảng.

Tưởng chừng đầu tư vào chứng khoán sẽ mang lại một khoản lợi to lớn nên nhà nước và nhiều ngườ đổ xô nhau đi mua cổ phiếu, đổ xô nhau “bơm” tiền vào chứng khoán. Thế nhưng, thực tế cho thấy là càng càng đổ vào càng lún vì lẽ “sàn” chứng khoán nó không lên xuống nhịp nhàng nhưng nó cứ như nhảy theo vũ điệu “lambađa” vậy. Không biết hiện tại có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đang mang trong mình nỗi tiếc nuối ngậm ngùi khi chạy theo chứng khoáng.

Đến đất đai và bất động sản. Tưởng chừng như đầu tư vài lô đất để kiếm lời mà khỏi phải tốn mồ hôi sôi con mắt nên nhiều người cũng đã “chạy” đua để mua đất. Biết rằng đất dù nó không nói lên tiếng nói của nó nhưng nó cũng hái ra tiền. Thế nhưng nó cũng chỉ hái một cách chừng mực nào đó chứ đâu có đơn giản ngày một ngày hai giá lên cao ngất trời được. Vậy là các ngân hàng nhà nước cùng một số người lại tiếp tục ngậm đắng nuốt cay nhìn mảnh đất “vàng” nay trở vàng với màu vàng của cỏ dại.

Đất đai cùng với chứng khoán đã làm liêu xiêu nhiều người đến độ nhìn họ trong tình trạng dở khóc dở cười. Bán thì quá lỗ còn để lại thì phải trả lãi hàng tháng. Hết hẹn lại lên, cuối tháng lại chạy tiền để đóng tiền lời. Lãi mẹ đẻ lãi con đến một lúc nào đó đồng vốn ban đầu cũng trở thành tay trắng.

Qua cơn bão của chứng khoán và bất động sản ta mới thấy “lực hút” của đồng tiền là như thế nào.

Đồng tiền nó làm cho những người kinh doanh chứng khoán cũng như bất động sản điêu đứng và rồi nó cũng chẳng để cho người dân nghèo yên thân.

Nông dân nghèo đang thở vắn than dài khi nhìn con cá tra, con cá ba sa, con tôm của mình lững lờ trong hồ nước. Chúng mãi cứ đi đi lại lại trong hồ dù rằng đủ cân đủ ký vì giá của chúng “đụng sàn”. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu công sức đổ vào con cá, con tôm nay cũng chẳng còn.

Còn những người làm lúa thì cũng chẳng khá gì hơn. Cả năm trời nai lưng quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chẳng thu vào được bao nhiêu khi giá lúa còn trên dưới 3.000 đ/ký. Nông dân không được xuất khẩu gạo theo lệnh cấm. Đến nay, số gạo trong kho quá tải nên dắt díu nhau đóng ghe đóng đóng bị đem “bán đổ bán tháo” với giá 5.000 đồng / ký gạo.

Hài hước cho những lúc giá gạo cao ngất 20.000 đồng / ký phải chen chân xếp hàng mua từng bị 10 ký. Thuở đời nay vào Siêu Thị chỉ được mua mỗi người 10 ký! Bi thương cho 5.000 đồng / ký đóng cả xe tải đậu dọc trên các con đường quốc lộ rao bán khuyến mãi!

Cứ thử dạo một vòng từ Bắc chí Nam hay là từ miền Nam ra thăm Lăng Bác sẽ thấy cuộc sống của đại đa số người nghèo là như thế nào?

Theo thống kê, nông dân chiếm 75% dân số ấy vậy mà 1 tỷ USD hiện có người ta lại không “nỡ” đầu tư vào nông ngư nghiệp. Thật ra thì Ngân hàng Nhà nước cũng muốn đầu tư vào nông nghiệp vì tỷ lệ nông dân chiếm đại đa số nhưng chính người nông dân chẳng dám vay nữa. Bởi lẽ, càng vay càng nợ và càng chết.

Họ sợ đồng tiền đến độ không dám đến ngân hàng vay để mua phân bón, vật tư nuôi trồng thuỷ sản nữa vì không biết kết quả trồng trọt, chăn nuôi là như thế nào. Họ đành phải trả thêm 30.000 đồng / bao phân (Thời sự VTV1 tối 12 tháng 1 năm 2009) sau mùa vụ chứ chẳng dám vay ngân hàng. Phóng sự tối nay còn cho biết tâm sự của nhiều nông dân ở nhiều vùng trên đất nước nói lên nỗi lòng u ám của mình trước một nền kinh tế bất ổn. U ám, sợ hãi đến độ không dám trồng lúa nhiều vì có trồng nhiều đi chăng nữa cũng chẳng được là bao sau mùa vụ vì quá nhiều chi phí cho vật tư cộng thuế má.

Chưa bao giờ người nông dân lại “sợ tiền” như hiện nay.

Nói cho đúng, những người nông dân không sợ tiền nhưng họ cảm thấy sợ hãi, âu lo khi phải vay tiền của người khác để đầu tư vào công việc của họ. Họ sợ rằng đổ hết sức đầu tư nhưng cuối cùng vẫn hoàn tay trắng nên họ không dám đi vay tiền như trước nữa.

Cũng vui, có những lúc đồng tiền cần thật trong cuộc sống nhưng cũng có lúc nó lại trở thành vô nghĩa hay vô dụng như tình hình kinh tế hiện nay.

Nói vậy thôi, với những người nông dân nghèo, những người đơn sơ chân thật họ mới “sợ tiền” vì lẽ họ thấy họ không tìm được lối thoát sau khi có tiền. Những người nông dân đơn sơ chân thật cảm thấy rất sợ khi đầu tư vào mà không mang lại lợi ích nên họ không dám vay vốn. Còn với những người vô lương tâm, vô trách nhiệm thì chẳng bao giờ “sợ tiền” cả. Họ can đảm vay tiền tỷ để đầu tư nhưng xác suất thu lợi chẳng là bao nhưng họ cứ cố tình vay. Chỉ biết vay cho nhiều rồi tới đâu thì tới. Những người ấy họ vẫn cố gắng hết sức của họ để có tiền dù đồng tiền ấy chính là mồ hôi xương máu của đồng bào của họ. Những người vô trách nhiệm và vô lương họ bằng mọi thủ đoạn để lấy cho đầy túi của họ thì thôi.

Nực cười trên màn ảnh nhỏ tối nay: hình ảnh của những người tham nhũng, hối lộ bạc tỷ như đối lập với những người nghèo góp từng đồng để giúp cho các em nhỏ nghèo vùng núi thiếu thốn!

Đứng trước đồng tiền thì tiếng nói của lương tâm lại lên tiếng.

Những người nghèo nhưng đơn sơ, chân thật sẽ rất sợ tiền

Những người không còn lương tâm hay vô trách nhiệm sẽ vào vơ vét về cho đầy túi tham.

Chẳng biết đến lúc nào đời sống của đại đa số nông dân nghèo được bình ổn!

Chẳng biết đến lúc nào đồng tiền cho vay từ ngân sẽ không còn là nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh của những người nông dân nghèo nữa.


Anmai, CSsR


Những chuyến xe bão táp và những cái chết được báo trước


Năm hết, Tết đến!

Ai đi xa cũng nhớ về quê nhà nên rồi dù nghèo đến đâu đi chăng nữa họ cũng ráng “hồi hương” trong năm ba ngày nghỉ Tết. Vì như vậy, nên chẳng nói ra thì mọi người đều biết sức ép của phương tiện vận chuyển là như thế nào.

Với những người có tiền một chút đi tàu bay, xe lửa. Tàu bay, xe lửa vừa nhanh chóng vừa an toàn nhưng ngặt nỗi với đại đa số dân nghèo thì quả đó chỉ là niềm mơ nỗi ước mà thôi.

Những người có thu nhập khá, những người có đời sống cao một chút thì về quê trên những chiếc xe “Chất lượng cao”. Những người nghèo, những người có thu nhập thấp thì đành chấp nhận cái thân “bèo dạt mây trôi” ém mình trong những chiếc xe “bão táp”. Qua các phương tiện thông tin đại chúng người dân không khỏi rợn rùng khi thấy có những chiếc xe chở quá tải, quá hành khách đến độ không hiểu nỗi. Nếu như chiếc xe ấy không gây tai nạn giao thông để bị phát hiện thì chúng sẽ về đến bến thật an toàn nhờ chủ xe biết cách nộp “chi phí”.

Năm nào cũng như vậy, lối ra của việc về quê ăn Tết của những người nghèo vẫn còn lần mò trong đêm tối. Bên cạnh chuyện phải chấp nhận trả với giá vé cao hơn 60% hay thậm chí còn hơn thế nữa họ còn phải chấp nhận thân phận bấp bênh của những người đang đứng bên lề xã hội.

Đành biết rằng cần trang trài cho chuyến xe về vắng khách nhưng đâu đến nỗi phải phụ thu 60% như vậy? Thế nhưng tại sao nhà xe lại “vui vẻ” thu như vậy trong khi hành khách thì “méo mặt”. Vấn đề ở chỗ hết sức tế nhị mà chưa kịp nói ra thì ai cũng biết. Khoản thu thêm 60% hay thậm chí hơn nữa là để chi vào những “chi phí” trên đường. Thử hỏi những ai làm nghề xe khách đường dài sẽ có kinh nghiệm xương máu về những “chi phí” trên đường như vậy. Gọi “chi phí” rất đúng vì những khoản đó CHI rất ư là PHÍ nhưng phải chi chứ không chi thì đừng hòng xe có thể lăn bánh.

Ai đi đường dài từ Nam ra thăm Lăng Bác sẽ cảm thấu được những “chi phí” suốt con đường. Ngoài những trạm thu phí cố định trên đoạn đường vay vốn BOT hay là qua hầm của đèo Hải Vân, qua cầu … thì có những “trạm thu phí” di động làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. Hơn một lần, phóng viên Báo Tuổi Trẻ đã làm một phóng sự về một chiếc xe đi từ Nam ra Bắc phải mất hơn 2.000.000 đồng (hai trệu đồng) tiền “chi phí” đường bộ (dĩ nhiên là chưa tính tiền nhiên liệu).

Điều nghịch lý trên con đường dài nữa là có những đoạn đường rất đẹp, mới đổ nhựa nhưng tốc độ tối đa cho phép chỉ có 40 km/giờ, thậm chí có đoạn 30 km/giờ. Ở những đoạn đường khống chế tốc độ như vậy có rất nhiều “anh hùng núp”. Hễ bác tài nào “kìm lòng không đặng” chỉ cần nhích ga lên một chút là coi như bị “anh hùng núp” “bắn” chết ngay lập tức. Sau khi bị “bắn” thì không biết bao nhiêu “chi phí” sẽ phát sinh.

Tất cả những chi phí phát sinh đó đổ lên đầu nhà xe và cuối cùng không còn cách nào khác nhà xe phải đổ trên đầu đám dân đen. Nhiều khi nhà xe phải “cố gắng” nhồi nhét để có thêm chút thu nhập để tạm gọi là “lấy thu bù chi”. Biết đàng nào khi bị “anh hùng núp” gọi vào là phải “nộp” nên thôi đành “cắn răng chịu đựng” quá tải, quá hành khách.

Những người nghèo đành phải chấp nhận sự tủi nhục miễn sao về đến nhà trong dịp Tết là được rồi. Những người nghèo ấy thi thoảng lại gặp bọn bất lương chèo kéo lên những chiếc xe dù, sau đó trấn lột cho bằng hết hành lý tư trang của người nghèo và đuổi họ xuống vệ đường. Bao nhiêu cái nghịch lý, bao nhiêu điều tủi nhục cứ đổ lên đầu người nghèo khó tất bạt.

Những lúc ngồi trên xe tôi mới cảm nhận được những “hung thần trên đường phố” là gì. “Thời giờ là vàng bạc”, thế là sau khi vượt trạm của “anh hùng núp” là các bác tài cứ mặc sức mà đạp ga. Có những bác tài liều mạng đạp hết sức có thể đạp. Hỏi đâu ra mà không gây tai nạn? Những ngày này, có dịp ra các quốc lộ về các tỉnh, ta sẽ nhìn thấy những chuyến xe về tỉnh đầy ắp người và hàng hoá. Ngược lại, những chuyến xe từ các tỉnh về các thành phố lớn chạy một cách kinh khủng.

Năm nào cũng vậy, Tết chính là thời điểm mà những chuyến xe bão táp và những cái chết được báo trước luôn xảy ra.

Dù biết được nguyên nhân, dù biết được nghịch lý nhưng có lẽ người ta cứ lờ đi để kiếm được chút cơm gạo dăm ba ngày tết. Nhà xe kiếm theo phần của nhà xe, “anh hùng núp” kiếm theo kiểu của “anh hùng núp”. Tất cả những cái khổ, những cái tủi nhục cay đắng đều đổ dồn lên những con người nghèo khổ, tất bạt trong xã hội.

Chắc có lẽ Việt Nam đạt huy chương vàng về vận chuyển hành khách cũng như giao thông vận tại và có thể ghi vào sổ Guiness về thành tích to lớn của mình. Đất nước phát triển đến đâu không cần biết, nhìn vào đường sá, giao thông vận tải của nước đó sẽ biết thực hư như thế nào. Leo lên xe thì biết leo lên xe, còn khi nào đến đích thì mới biết đến chứ không thể nào lường trước được bởi ám ảnh của những chuyến xe bão táp và những con đường đầy những hiểm hoạ tai nạn.

Biết đến bao giờ xã hội mới có được cái Tết an toàn không tai nạn, không có xe bão táp?

Biết đến bao giờ số người chết do “hung thần đường phố” gây nên được kéo giảm?

Biết đến bao giờ người nghèo được ưu đãi đi trên những chiếc xe rộng rãi không nhồi nhét?


Anmai, CSsR