Sự thật – thánh hiến – giải thoát.
“Thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian”. Đó là toàn cảnh giáo hội ngay từ buổi sơ khai và cho đến muôn đời. Đơn giản vì một lẽ, Giáo hội chiến đấu cho sự thật, và tự thánh hiến mình bằng sự thật. Điều đó cũng có nghĩa, nếu người nào hay lúc nào, Giáo hội không lên tiếng cho sự thật, chỉ vì sự an toàn thế tục của mình, thì cũng đồng nghĩa, lúc đó Giáo hội đang không được thánh hiến. Phàm ai không sống vì sự thật, xả thân cho sự thật, thì dĩ nhiên không thể có tự do trong mình.
Có một thực tế trớ trêu là, chiến đấu vì sự thật thì lại luôn phải đón nhận những đe dọa, những hạch sách, tóm lại là không có tự do thế gian. Cũng vì điều này mà đã có không ít những con cái của Giáo hội đã chọn con đường thỏa hiệp. Trái lại, có những người ngay trong thời đại chúng ta, vì chiến đấu cho tự do mà phải cảnh lao tù, chí ít là bị người ta loại trừ, trù dập cách này cách khác. Cả hai tình trạng đó đều cần được nâng đỡ, người đang phải lao tù, cần lời cầu nguyện, hiệp thông của cộng đoàn thế nào thì những người đang vì những lí do tế nhị, mà phải thỏa hiệp, họ cũng cần được cảm thông, cầu nguyện như thế. Họ cần được đón nhận sự tha thứ của anh em đồng đạo, để họ có đủ can đảm bứt ra khỏi những ràng buộc. Cầu nguyện, hiệp thông hay cảm thông như thế chính là tự thánh hiến mình và thánh hiến anh em, để tất cả đều được trở lại trong tự do đích thực, là những người hoàn toàn trung tín và quy thuận lề luật mà Thiên Chúa đã đặt sẵn từ trong sâu thẳm lương tâm.
Thế nhưng còn một số lượng rất đông đảo những người mà lẽ thường, ta rất dễ loại trừ, vì họ chính là những thế lực ngăn cản, chống phá đời sống đức tin, những thế lực căm ghét sự thật trọn vẹn. Điều đó gián tiếp cho chúng ta hiểu rằng, có thể bề ngoài, họ có đầy đủ mọi thứ, quyền lực, danh vọng, địa vị...nhưng tự bản chất, họ là những người đang mất tự do nhiều nhất. và như thế, hơn ai hết, họ còn được biến đổi, cần được thánh hiến nhiều nhất.
Thật phù hợp khi nói về đề tài này trong bối cảnh Giáo hội Việt nam trong thời gian qua và ngay lúc này đây, từ khắp ba miền, đang phải hứng chịu những cấm cách, sỉ nhục, đàn áp đủ mọi phương diện. Chỉ tính từ ngày lễ Các thánh (01/11/2011) đến nay, Từ giáo điểm Con Cuông – Nghệ An, Dòng Chúa Cứu Thế - Thái Hà, Hà Nội; và cách đây 3 ngày là giáo xứ Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh liên tục phải đôi diện với những chiêu sách đầy lật lọng, ranh mãnh và có thể nói là bỉ ổi của chính quyền các cấp. Nhiều người biết rõ nội dung các sự vụ trên đã không thể cầm lòng trước việc người ta dùng đường lối, chính sách và cả sức mạnh để vu khống, cưỡng bức, đàn áp giáo dân thụ, kể cả giáo sĩ không một tấc sắt trong tay. Người ta căm phẫn vì những sự tác oai, tác qoái của các thế lực cầm quyền. Một kiểu tự do phách lối đến trắng trợn, bất nhân. Vâng, bề ngoài là như thế, nhưng bên trong thì chính những thế lực cầm quyền thực ra lại đang vô cùng rối rắm. Trước hết, không ai dám khẳng định rằng họ không bị những cái “răng” của lương tâm cắn rứt, khi họ đang tâm thực hiện điều mà chính họ biết thừa là hoàn toàn sai trái. Thứ đến, họ phải tìm cách che chắn, làm sao không để dư luận đại chúng nhìn thấy những sự giả trá, thô bỉ đằng sau cái gọi là ích nước lợi dân, phục vụ cộng đồng, bảo đảm tự do kia. Và thứ nữa là việc họ đang cố sức để neo giữ, bám trụ cho một thể chế mà tự bản chất, gần như không còn một chút thực tế, hợp lý, đúng đắn nào, nên luôn phải chịu sự sai khiến của thế lực này, đàn anh kia, ông bạn nọ, hầu nhận được sự hậu thuẫn, chống lưng.
Nói tóm lại, chính họ đã không còn một chút tự do nào, ngoài việc nhắm mắt làm điều xấu, điều ác. Lí do không ngoài sự thật, một sự thật lớn lao, rằng họ đã không đi đúng quy luật vốn có của tự nhiên và hành trình ý thức nhân loại. Như thế, hơn ai hết, họ đang cần được phải được biến đổi. Lẽ dĩ nhiên, đó là cầu nguyện cho họ được ơn giác ngộ, nhưng xa hơn, triệt để hơn, là “biến đổi cách toàn cục”.
Trở về với tinh thần của ngày lễ mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, những người đã can đảm coi thường sự tự do tạm bợ, để chọn lấy tự do vĩnh cửu, tự do tuyệt đối. Chúng ta cùng cầu xin Chúa, vì công nghiệp của tổ tiên chúng ta, mà ban cho mỗi người một tinh thần dám can đảm xả thân vì sự thật, dù nó có ngang trái đến đâu. Xin Đức Kitô, vị tử đạo đầu tiên của Hội thánh, ban cho mỗi người chúng ta, một tinh thần dám can đảm thánh hiến nhân loại, nhất là với những người mà xưa nay, luôn coi đức tin Kitô giáo là thù địch, để bằng chính sự hy sinh của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, chúng ta được góp phần mình vào công cuộc thánh hiến và mang lại tự do đích thực cho toàn thể nhân loại, như lời Ngài đã cầu xin: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”
Antôn Vũ Đình Minh