Chúa Nhật 2 Thường Niên: Thánh Gióng và Thánh Tiền hô


Vào đời Hùng Vương thứ 6, người Ân từ phương Bắc kéo xuống tấn công vương quốc Văn Lang của người Việt Nam. Thế giặc mạnh như chém sắt chẻ tre, người Ân đi tới đâu, làng mạc biến thành bình địa tới đó. Nếu không có chú bé ba tuổi của làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh, vươn mình, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt, một mình một ngựa xông thẳng vào giặc Ân, hiện tình của nước Việt Nam ngày nay có thể đã thay đổi. Điểm lạ lùng là sau khi phá tan giặc ngoại xâm, Phù Đổng Thiên Vương không ghé vào thủ đô Phong Châu diện kiến Vua Hùng Vương. Nhưng thiên tướng cưỡi ngựa sắt lên núi Sóc Sơn, rồi biến mất. Cả một vương quốc Văn Lang không ai được dịp mở lời tri ân tới người hùng tuổi trẻ tài cao.

Chú bé ngày xưa của làng Phù Đổng là một thiên tướng với nhiều đặc điểm lạ kỳ. Một trong những điểm lạ kỳ nhất là chú không màng lợi danh, không để chữ tôi của mình lấn áp chữ tôi của đại cuộc. Chú xuất hiện trong một khoảng thời gian của lịch sử lập quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người trai thời loạn, chú bé yên lặng bỏ đi. Vua Hùng Vương mến tài, tri ân người hùng lập đền thờ ở làng Phù Đổng. Nhân gian xưng tụng, gọi tên Thánh Gióng.

Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái bị gót giầy đô hộ của người La Mã chà đạp. Vào năm 63 B.C., dưới vó ngựa sắt của đoàn quân viễn chinh La Mã, thống tướng Pompey cưỡi ngựa tiến vào kinh thành Giêrusalem. Thế là tình hình chính trị của vùng đất thánh lật sang một trang sử mới, trang sử bị bảo hộ dưới bàn tay sắt bọc nhung của Hoàng Đế Cêsar. Sống trong tình trạng bị ngoại bang đô hộ dầy xéo, người Do Thái vào những năm đầu tiên của công nguyên đêm ngày mong chờ Giavê Thiên Chúa sẽ sai một Đấng Xức Dầu tới. Đấng Xức Dầu này, tương tự như Vua Đavít, sẽ đứng lên lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi vùng đất hứa. Dấu hiệu báo cho dân Do Thái biết Đấng Xức Dầu đã gần đến là sự tái xuất hiện của ngôn sứ Elijah, người đã được đưa về trời bằng một cỗ xe lửa (2Các Vua 2:11). Theo niềm tin, ngôn sứ Elijah sẽ tái xuất hiện, làm người tiền phong, mở đường dẫn lối cho Đấng Xức Dầu đến với dân Do Thái (Malaki 3:1, 23).

Ngày đó rồi cũng đã tới, xuất hiện trong sa mạc qua hình ảnh của ngôn sứ Elijah, ngôn sứ Gioan Tiền Hô mặc áo lạc đà (2Các Vua 1:8), sống bằng mật ong và châu chấu của hoang địa. Tự xưng mình là tiếng kêu trong sa mạc, ngôn sứ Tiền Hô kêu gọi dân chúng hãy thay đổi đời sống, hãy chuẩn bị con đường cho Đấng Xức Dầu. Tiếng kêu gọi của người ngôn sứ đã đánh động lương tâm của nhiều người Do Thái. Đáp trả lại lời mời gọi của tiếng kêu âm vang từ sa mạc, người người từ khắp các làng mạc của miền Nam Giuđê và kinh thành Giêrusalem tiếp tục kéo về vùng đất sỏi, nhận phép thanh tẩy bằng nước sông Giođan từ hai bàn tay của người ngôn sứ sa mạc. Thanh thế của Gioan vào năm thứ nhất Công Nguyên rất lớn. Ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng phải kính nể ngôn sứ Tiền Hô, mặc dầu bản thân của nhà vua bị người ngôn sứ công kích lên án về cuộc hôn nhân giữa ông với người chị dâu Hêrodias. Bởi vị thế khá đặc biệt của ngôn sứ thanh tẩy, có người lầm tưởng Gioan chính là Đấng Kitô mà họ đang mong đợi (Luca 3:15). Nhưng Gioan Tẩy Giả thẳng thắn lắc đầu phủ nhận. Không những thế, ông còn khẳng định một điều, ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, tiếng kêu dọn đường cho Đấng Kitô (Máccô 1:2-3).

Tương tự như Phù Đổng Thiên Vương, ngôn sứ Gioan Tiền Hô là một người cũng không màng danh lợi, không có những uẩn khúc về cái tôi, cái bản ngã. Cả hai, Thánh Gióng và Gioan Tiền Hô đều hiểu rõ lý do tại sao mình đã xuất hiện trên cõi đời này. Cả hai đều biết nhiệm vụ mình sẽ phải thi hành trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của trăm năm trong cõi trần gian. Bởi hiểu và biết, cả hai đều không chết đuối trong dòng sông với cái bản ngã của riêng mình. Nhưng sau khi hoàn thành sứ mệnh do trời cao trao tặng, cả hai yên lặng bỏ đi. Trong khi Phù Đổng bay lên núi Sóc Sơn rồi biến mất, Gioan Tiền Hô nhún nhường lên tiếng khẳng định thân thế của Đấng Xức Dầu Giêsu qua câu nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, ngay khi nhận ra bóng dáng của Đức Giêsu (Gioan 1:29). Chưa hết, ngày hôm sau, lại một lần nữa, thấy Đấng Mêsia Giêsu đi ngang qua, ngôn sứ Gioan Tiền Hô tái xác nhận với hai người môn đệ về thân thế “Chiên Thiên Chúa” của Ngài. Bởi chứng từ của sư phụ, hai người môn đệ quyết định rời bỏ môn phái Tiền Hô, gia nhập môn phái Giêsu. Thấy hai người môn đệ đi theo những dấu chân của mình, Chiên Thiên Chúa quay lại hỏi, “Các anh đi tìm chi thế?” Anrê và người môn đệ kia trả lời, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Và bắt đầu từ giây phút đó, cả hai người môn đệ của Gioan trở thành hai tân môn đệ của Đức Giêsu (Gioan 1:35-39).

Suy Niệm

Làm người, ai chẳng có bản ngã. Cái tôi của bạn và cái tôi của tôi, cả hai đều được Thiên Chúa ban tặng ngay khi mình vừa được thụ thai trong lòng mẹ. Nhưng nếu bạn và tôi không khéo sử dụng cái bản ngã của riêng mình, chữ tôi có thể trở thành con dao hai lưỡi, nguy hại đến tính mạng tâm hồn của người đang sở hữu lưỡi dao. Khi biết sử dụng cái bản ngã của mình để làm sáng danh Thiên Chúa, hoặc vào những công tác vô vị lợi để xây dựng giáo xứ, hoặc làm việc bác ái lợi ích cho những người anh chị em thiếu may mắn hơn mình, đó là một cái bản ngã thiên đàng, cái bản ngã của Thánh Gióng và của Ngôn Sứ Gioan. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng cái tôi cho những sở thích cá nhân của mình, không màng chi đến những lợi ích của tha nhân và của xã hội, cái tôi này không phải là cái bản ngã của Thánh Gióng và Ngôn Sứ Gioan. Cái tôi này chính là cái bản ngã hỏa ngục của người nhà giàu trong câu chuyện dụ ngôn Ông Nhà Giàu và Lazarô của Tin Mừng Luca 16:19-31.

Bởi Thánh Gióng và Thánh Tiền Hô đều sử dụng cái bản ngã của mình cho tha nhân, cho xã hội, và cho đại cuộc, cái tôi của họ là cái bản ngã thiên đàng. Thánh Gióng một mình một ngựa, dẹp tan giặc Ân, đem lại thanh bình, tiếng cười tiếng nói, tiếng chầy giã gạo đêm trăng, và tiếng hát quan họ Bắc Ninh tới vương quốc Văn Lang. Ngôn sứ Tiền Hô, nếu để cái tôi của ngài lên trên đại cuộc, thay vì dẫn người ta đến với Đấng Kitô, ông sẽ làm lơ không giới thiệu Chiên Thiên Chúa đến cho môn đệ của môn phái Tiền Hô và đám đông dân chúng đang lầm tưởng Gioan là Đấng Mêsia; hoặc ông sẽ giơ cao tay ngăn cản hai người môn đệ, trước khi họ có dịp cất bước ra đi lần theo vết chân của Chiên Thiên Chúa. Không! Ngôn sứ Gioan đã không làm như vậy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếng kêu dọn đường trong hoang địa, người ngôn sứ không ngần ngại, không tiếc nuối, nhưng chấp nhận biến mất sau bức màn nhung sân khấu để Chiên Thiên Chúa Giêsu bước lên khán đài chính. Đẹp thay những cái bản ngã thiên đàng của Thánh Gióng và Thánh Tiền Hô.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin dạy con biết sử dụng cái tôi của riêng con để làm sáng danh Thiên Chúa, sáng danh Thiên Đàng, và sáng danh Đức Kitô.

www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD