SỰ PHẢN BỘI “ĐÁNG THƯƠNG”

Một thủ thuật của hội hoạ, để làm nổi bật một mảng nào đó của bức tranh người ta thường nhấn bên cạnh một vài nét hay mảng tối, sẫm màu. Đây chính là vận dụng quy luật tương phản. Lấy sắc đen làm nổi màu trắng. Có lẽ tương tự thế, khi dần bước vào tuần cao điểm sống mầu nhiệm đức tin của Kitô giáo,mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Kitô, mầu nhiệm mạc khải cách hoàn hảo về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì Mẹ Hội Thánh dọn cho chúng ta những bài đọc thánh kinh tường thuật những mảng tối của kiếp người. Sự phản bội của một Giuđa Iscariô, một Phêrô và cả tập thể nhóm Muời Hai Tông Đồ. Sự phản bội của các Ngài như là một trong những mảng tối làm rực rỡ hơn tình yêu khoan dung của Thiên Chúa.

Hai chữ phản bội khiến tôi liên tưởng đến cuộc thi hoa hậu áo dài lần đầu tiên tổ chức tại thành phố, vốn là Hòn Ngọc Viễn Đông ngày nào. Nếu không lầm thì người đoạt giải hoa hậu là cô Maria Nguyễn Thị Kiều Khanh, một nữ thợ làm đầu và cũng là một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận Sài Gòn. Kiều Khanh đăng quang nhờ thắng cuộc phần thi ứng xử. Khi được hỏi em ghét điều gì nhất Kiều Khanh trả lời em ghét sự phản bội. Theo thông tin báo chí thời bấy giờ thì chính câu trả lời này đã đưa Kiều Khanh lên ngôi hoa hậu.

PHẢN BỘI: HÀNH VI ĐÁNG KHINH BỈ

Đã là người ai ai cũng chân nhận rằng cần phải có những nhân đức nhân bản. Một trong những nhân đức nhân bản giúp sống xứng phận con người đó là sự trung tín. Bất trung, bất tín là những hình thức phản bội. Chúng làm cho xã hội bất an, tương quan giữa người với người bất ổn. Làm sao có thể ổn định hay an bình khi mà chữ tín không được coi trọng, chữ trung không được tuân giữ. Ai dám thoả thuận, ký hợp đồng hay cam kết khi không tin vào sự tín thành của phía đối tác. Không có niềm tin vào sự tín trung thì sẽ chẳng có sự gì hiện thực ngay cả cơ cấu nền tảng của xã hội đó là hôn nhân gia đình.

Thế mà thực tiễn cho ta thấy điều này là sự phản bội, bất tín bất trung vẫn có đó, lắm khi nhan nhản ngoài xã hội và chính ngay trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân chúng ta đã từng biết bao lần bất trung với lời hứa, lời khấn, lời cam kết của mình. Từ Đức Giáo Hoàng đến các Phó tế, được mấy ai khẳng định mình chưa hề thất trung với lời hứa hàng giáo sĩ ngày lãnh nhận tác vụ phó tế, linh mục hay giám mục. Có được bao nhiêu tu sĩ khẳng khái rằng mình chưa hề lỗi các lời khấn vâng phục, khó nghèo hay khiết tịnh. Được mấy ai trong hàng tín hữu con cái Chúa lại chưa bất trung với những lời cam kết ngày lãnh nhận bí tích thánh tẩy: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ và những quyến luyến lệch lạc do ma quỷ cám dỗ, và rồi hết lòng tin vào Chúa... Sự kiện hàng năm Kitô hữu lặp lại lời cam kết và tuyên xưng đức tin trong đêm Vọng Phục Sinh, việc các linh mục lập lại lời hứa hàng giáo sĩ trong thánh lễ Truyền Dầu cũng như các tu sĩ lập lại lời khấn, phải chăng đủ minh chứng cho sự thật này. Chúng ta đã từng phản bội nhiều lần với nhiều cách thế và trong nhiều mức độ khác nhau. Và rồi chúng ta lại sẽ còn bất tín, bất trung nếu Chúa không gìn giữ cách đặc biệt.

SỰ PHẢN BỘI ĐÁNG GHÉT- ĐÁNG THƯƠNG HAY DỄ THƯƠNG

Dù rằng ta chưa từng thấy Giuđa Iscariô thề hứa hay cam kết điều gì với Thầy mình thế nhưng việc ông ta bán Thầy với ba mươi đồng bạc khiến ta khó chấp nhận. Đọc Tin Mừng và tìm hiểu Tin Mừng kỹ lưỡng ta thấy rằng chẳng phải vì Giuđa ham hố gì ba mươi đồng bạc để đánh đổi sinh mạng của Thầy chí thánh. Ông ta được Chúa Giêsu giao cho giữ túi tiền và ròng rã suốt ba năm trời bớt xén quỹ chung trong sinh hoạt cũng như trong việc bố thí cho người nghèo, thì với ông ta, ba mươi đồng chẳng đáng là bao. Các nhà chú giải cho ta hay rằng động cơ phản bội của Giuđa là muốn dồn Thầy mình vào tận chân tường. Vào thế chẳng đặng đừng thì Thầy phải ra tay thi thố quyền năng. Chắc hẳn lần này Thầy không thể từ chối vương quyền mà dân chúng, đặc biệt ở Giêrusalem xưng tôn. Thầy đã làm vua thì mình, Giuđa Iscariô này, dẫu không tranh được cái ghế bên hữu bên tả thầy như Phêrô, Gioan hay Giacôbê, thì chí ít cũng được vào hàng quan nhị phẩm của triều đình mới. Vì lợi ích cá nhân, vì danh vọng, quyền bính của chính mình để rồi phản bội Thầy chí thánh thì thật là đáng ghét đáng khinh. Rất có thể ông Giuđa nghĩ rằng Thầy không thể thua, vì đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy, nhưng điều này cũng khó có thể bào chữa cho những tính toán vụ lợi bất chấp cả nghĩa tình và tôn ti. Một sự phản bội có tính toán xuất bởi những ích lợi cá nhân quả thật đáng ghét.

Tuy nhiên cái đáng ghét của Giuđa cũng thật “đáng thương”. Ông ta đáng được thương xót vì đã lầm. Trong thâm tâm, Giuđa đâu có muốn làm hại Thầy. Ta dễ nhận ra điều này khi thấy Thầy chịu bó tay trước bạo lực của thần quyền và thế quyền thời bấy giờ ông đã công khai ném trả số tiền bán Thầy cho các Thượng Tế và thú nhận: “tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”( Mt 27,4 ). Quả thật, Giuđa đang còn lương tri và chút liêm sĩ khi thú tội công khai, một điều mà lắm người trong chúng ta kể cả những vị có chức có quyền đạo đời dễ gì có được, khi mà chỉ biết đổ lỗi cho cơ chế hay đổ lỗi cho nhau như hai ông trưởng, phó bộ giao thông vận tải vừa qua trong vụ án PMU 18. Lỗi lầm của Giuđa quả “đáng thương”.

Chuyện Giuđa ngã lòng thất vọng đi thắt cổ tự vẫn như Thánh sử Matthêu trình bày ( x. Mt 27,5 ) hay ông ta “ ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra” như lời thánh Phêrô ( x. Cvtđ 1,18 ) thì ta có thể cảm thông cho ông cách nào đó. Một khi đã tự nhận mình là “ nô tài có tội”, “hạ thần đáng chết” thì cũng có thể làm những sự quẩn trí. Thái độ của mẹ Hội Thánh trước sự tự vẫn của một Giám mục muốn phản đối một luật bất công hay của một nhân viên trong giáo triều thời gian vừa qua khiến ta nhận ra điều này. Một người trong tình trạng mất quân bình thì khi thực hiện một hành vi đáng trách nào đó cũng dễ được khoan dung. Theo tôi, sự ngã lòng của Giuđa chắc chắn không làm cản trở lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Trường hợp Tông Đồ Phêrô thì dường như ngược lại. Chính ông đã hơn hai lần tuyên hứa: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai……( Ga 7,68 ); Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không( Mc 14,29 ); Lạy thầy, dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng”( Lc 22,33 ). Thế mà trước người đầy tớ gái của Philatô, ông đã chối Thầy. Tin mừng tường thuật Phêrô chối Thầy những ba lần nghĩa là chối “sạch sành sanh”. Tuy nhiên, nếu loại bỏ sự sợ hãi tức thời lúc ấy thì nguyên nhân dẫn đưa Phê-rô đến sự phản bội đó là vì đã quá có lòng với Thầy. Không như các Tông Đồ khác đã bỏ Thầy chạy lấy thân, sau khi Chúa Giêsu bị bắt chính Phêrô đã lò dò vào sân dinh vị Thượng Tế để theo dõi số phận của Thầy, Người mình yêu mến.

Chúng ta nhận ra tấm lòng của Phêrô đặc biệt khi ông nghe Thầy tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài tại Giêrusalem, ông đã vội can ngăn. Chắc hẳn khi quở trách Phêrô là satan, thì Chúa Giêsu đã tỏ tường tấm lòng của ông. Ông thương Thầy nên không muốn Thầy phải chịu khổ. Có thế thôi. Trong vườn cây dầu, trước đoàn binh lính đông đảo, chỉ mình Phêrô rút gươm chiến đấu để bảo vệ Thầy. Trong số Tông đồ và môn đệ có người được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt hơn như Tin Mừng Gioan ám chỉ, thế nhưng người yêu mến Chúa Giêsu hơn ai hết mà ta phải thừa nhận, đó là Phêrô. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các Ngài trên bờ hồ Tibêria đã hỏi: Phêrô, anh có yêu mến ta hơn những người này không ? Và Phêrô đã trả lời: Thưa Thầy, Thầy biết rồi mà ( x. Ga 21,15 ). Chính tấm lòng của Phêrô dành cho Thầy chí Thánh phải chăng là một trong những nguyên cớ dẫn ông đến chỗ phản bội, chối Thầy ? Ông đã phản bội nhưng là một sự phản bội khá “dễ thương”.

Sự dễ thương nơi Phêrô còn thể hiện qua dòng nước mắt thông hối ăn năn. Dù không công khai xưng thú như Giuđa nhưng với một người đánh cá vạm vỡ, vốn năng động, luôn đi đầu trong lời nói lẫn việc làm như Phêrô giờ đây lại đầm đìa nước mắt cũng đủ nói lên tấm lòng của ông.

TÌNH YÊU PHỦ LẤP MUÔN VÀN TỘI LỖI ( 1.P 4,8 ).

Ai trong chúng ta cũng đã từng bất trung, phản bội cách này hay cách khác, công khai hay kín đáo. “ Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành… mà con đã cả lòng phản nghịch cùng Chúa…”. Lời kinh ăn năn tội ai cũng thuộc từ khi “xưng tội rước lễ lần đầu”. Ta không chỉ thuộc mà rất thường xuyên đọc những khi xét mình. Cố quyết giữ tín trung với lời khấn hứa, với điều cam kết nhưng rồi ta lại vẫn bất tín, bất trung. Phận người là thế, rất dễ đổi thay. Rất may cho ta là có được cảm nghiệm của Thánh Tông Đồ cả. Chính Ngài đã truyền lại cho ta những lời tâm huyết này: “ Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” ( 1. P 4,8 ). Tình yêu không chỉ xoá đi lỗi lầm bất tín, bất trung mà còn là động lực giúp ta can đảm bắt đầu lại. Có được tấm lòng thì “dù khi thất vọng, dù khi mõi mòn, con vẫn cậy trông để lại bắt đầu” (một ca từ của linh mục Mi Trầm ). Và cũng xin dùng một lời ca của cố nhạc sĩ họ Trịnh để khép lại những suy tư này:“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Một mục tử khi sống có tâm, có lòng với đoàn chiên, với những người nghèo hèn khốn khổ thì dù cho lầm lỗi vẫn có đó bất tín bất trung vẫn còn đây nhưng sẽ dễ được bà con khoan thứ. Tình người đã thế huống là tình Chúa chí nhân. Khi đã có lòng với nhau hẳn là ta đang có tình với Chúa.


Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa