GIỌT NƯỚC MẮT NHÀ NÔNG


Đang học bài thi trong căn phòng nhỏ của tu viện, đứa nhỏ cạnh con hẻm sau nhà dòng chắc có lẽ cũng đang “gạo” bài để thi :

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cái cày vốn nghiệp nông gia

Ta đâu trâu đấy ai mà quản công !”..


Giọng em đọc trong trẽo, dễ thương quá nhưng giật mình ra thấy chua xót cho nhà nông thật.

Tưởng chừng nền kinh tế thị trường chỉ làm xáo trộn đời sống thành thị, nào ngờ nó đã gây một tác động hay nói đúng hơn là một xáo động cho những vùng quê nghèo vốn dĩ đã bình yên. Cũng mừng khi đất nước vươn mình hội nhập W.T.O nhưng đàng sau nỗi mừng đấy lại là nỗi lo tột cùng của những nhà nông vốn xưa nay chân luôn bị lấm, tay luôn bị bùn.

Với tốc độ đô thị hoá đến mức chóng mặt thì những vùng đất nghèo nông thôn bỗng nhiên trở thành thành thị thôi. Đó là chuyện hết sức bình thường nhưng đàng sau chuyện hết sức bình thường đấy lại là chuyện hết sức bất thường.

Do quy hoạch đất đai để phục vụ các đại gia trong việc xây dựng nhà máy, xí nghiệp nên những người nghèo phải ngậm ngùi bán đất để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện tại. Tưởng chừng chỉ phục vụ cho nhu cầu sản xuất chế tạo thôi nhưng giờ đây nhà nông lại nai lưng ra phục vụ cho nhu cầu giải trí của các đại gia. Mới đây, nhiều tỉnh lẻ đã phải gồng mình bán cả ngàn héc-ta đất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng sân golf.

Bán đất có tiền một cái là bắt đầu đi sắm sửa, cũng chẳng trách vì đó là lẽ tự nhiên của những người mà cả đời họ chưa bao giờ cầm được số tiền lớn trong tay. Thế nhưng chẳng mấy chốc những đồng tiền có được nó lại bay ra ngoài cửa như gió lùa vào nhà trống vậy.

Biết tính toán hơn như vài nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn, xa hơn một chút có Long Khánh, Hàm Tân sau khi bán đất bán ruộng khăn gói vào Sài Thành sinh sống. Nghe đâu kinh doan xe buýt có lãi, họ bèn đầu tư và tậu cho mình một “con” buýt thật ngon. Thế nhưng càng cầm tài càng lỗ. Họ ngao ngán nhìn con xe mới đầu tư ấy và tiếp tục lau những giọt mồ hôi nhuễ nhoại giữa cái nóng trưa hè của cái đất Sài Thành.

Nhìn bề ngoài mảnh đất Sài Thành này thật dễ sống nhưng chỉ có ai đang phải đối diện với cuộc sống mưu sinh mỗi ngày mới hiểu nỗi cơ cực là dường nào. Với người bình thường thì cơ cực vẫn có còn nhà nông nghèo nay lên Thành Thị nỗi cơ cực ấy tăng phần gấp bội. Đâu có đơn giản khi thấy người ta kinh doanh được mà mình cứ nhảy vào. Không hiểu biết, thiếu kinh nghiệm như những nhà nông đơn sơ chất phác khi nhảy vào lãnh vực kinh doanh thì phải nói rằng hậu quả chỉ “từ chết đến bị thương” thôi.

Họ đâu có ngờ được cái giọt mồ hôi mà ngày xa xưa ấy, ông bà tổ tiên của họ đổ xuống đồng, đổ xuống ruộng sẽ có những bát cơm ngon cho người và cho đời. Ngày nay, những giọt mồ hôi của họ vẫn đổ nhưng đổ trên bát cơm “bình dân” quán cóc cạnh bên xe ngậm ngùi đau đớn !

Chẳng biết trách đời hay trách người đây ?

Thế nhưng, dẫu có trách cũng đã muộn rồi ! Bán mảnh ruộng để mua một xe buýt thì rất dễ nhưng bán chiếc xe buýt “lỡ mua” để “chuộc” lại mảnh ruộng gia bảo của cha ông để lại chẳng dễ chút nào.

Rồi đây, những mảnh đời lao đao vất vả của giới nhà nông ai sẽ là người lãnh trách nhiệm ?

Anmai, C.Ss.R.