-
Moderator
H - Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động
Chúa nhật 32 thường niên Cung hiến thánh đường Latêranô
HIẾN DÂNG THÂN MÌNH LÀM CỦA LỄ SỐNG ĐỘNG !
Ed 47, 1-2.8-9.12; 1 Cr 3, 9b-11.16-17; Ga 2, 13-22
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay như là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nói về Đền Thờ.
Ngôn sứ Êdêkien đã vẽ lại cho chúng ta thấy hình ảnh của một Đền Thờ. Cái hay của Đền Thờ này là nước từ Đền Thờ đổ ra biển Chết bỗng nhiên nước của biển chết lại hoá lành. Nước sông này chảy đến đâu thì lại mang sự sống đến đấy. Hai bờ sông mọc lên mọi giống của cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết. Cây trái ở xung quanh đền thờ sẽ đơm hoa kết trái nhờ nước chảy ra từ thánh điện và lạ lùng, đặc biệt là trái còn dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc chữa bệnh nữa.
Đền Thờ ấy phải chăng là viễn cảnh của Đền Thờ mà Chúa Giêsu nói cho chúng ta trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Gioan thuật lại. Bắt đầu sứ mạng công khai (sau phép lạ tại tiệc cưới Cana) Đức Giêsu lên Giêrusalem, đây là hành trình đầu tiên lên đền thờ của Ngài, vào thời điểm gần Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe ghi lại việc Chúa Giêsu đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Đồng thời Ngài cũng tỏ ra cho mọi người biết, đền thờ mới chính là Thân Thể của Ngài, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.
“Người thấy trong đền thờ có những kẻ buôn bán...”: mỗi năm vào dịp đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần... theo tập tục và thói quen, người Do thái khi đến đền thờ dự lễ đều phải dâng vào đền thờ một lễ vật nào đó để dâng lên Thiên Chúa. Nhưng vì đền thờ không có chợ, nên các tư tế đã lợi dụng cơ hội này để làm ăn, biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán.
“Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa. ..”: tác giả Gioan đã đổi động từ trong Thánh vịnh (Tv 69,10): động từ “ thiệt thân” thì tương lai (sẽ phải thiệt thân) có nghĩa là lòng nhiệt thành đối với đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến cái chết. Cách áp dụng Thánh vịnh này liên quan đến cái chết của Đức Giêsu, dọn đường cho lời giải thích về đền thờ liên hệ đến sự sống lại của Người.
“Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói...”: Thân thể Đức Giêsu phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho mọi người, là Đền thờ mới, Đền thờ thực thụ, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.
Thánh Phaolô sau những lần phải nói là vất vả để theo Chúa đấy Ngài đã cảm nhận được Thiên Chúa là ai trong cuộc đời của Ngài. Ngài đã dong duỗi bắt Chúa và cuối cùng Chúa đã bắt Ngài. Tưởng chừng Ngài thắng Chúa nhưng Chúa đã thắng Ngài. Trong hành trình rao giảng Tin mừng, thánh nhân đã cảm nhận được Chúa để rồi trong các lá thư của Ngài gửi cho các cộng đoàn mà Ngài đến truyền giảng Tin mừng chúng ta thấy Ngài đã như là rứt ruột ra để mà nói với các tín hữu, với các cộng đoàn mà Ngài đã hơn một lần đặt chân đến.
Thánh nhân cảm nhận được Thiên Chúa thế nào và Ngài nói về ngôi nhà của Thiên Chúa và mỗi người như là cộng sự viên để xây dựng lên ngôi nhà đó trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe: “Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên. Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô. Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”.
Ngài nói thẳng với mỗi người chúng ta: Đền Thờ ấy chính là anh em !
Thánh lễ cung hiến Thánh đường hôm nay chính là dịp, là cơ hội để chúng ta nhìn lại đền thờ của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã được dạy, được giáo huấn cho biết chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần ngay từ những ngày còn chập chững đi học các lớp giáo lý và hôm nay, chúng ta nhìn lại chúng ta còn là đền thờ của Chúa hay là chúng ta lại buôn bán đủ thứ trong Đền Thờ ấy như Chúa Giêsu trách móc những người xâm lấn ?
Khi thấy những kẻ buôn bán xâm lấn Đền thờ, Chúa Giêsu đã dám xông đến và xua đuổi họ mà không sợ phản kháng, chống đối. Ngài cũng đã hy sinh mạng sống để thiết lập một Đền thờ mới cho Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với mọi người. Phần chúng ta, chúng ta đã làm gì để xây dựng và tô điểm cho ngôi đền thờ tâm hồn chúng ta ? Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta đã không dám chống lại, nhưng còn đồng loã với kẻ làm ô uế đền thờ tâm hồn chúng ta và bi đát hơn nữa là chúng ta đã làm vẫn đục những tâm hồn ngây thơ. Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống, những lần chúng ta phạm tội là lúc chúng ta biến tâm hồn chúng ta thành nơi đổi chác, buôn bán: nào là tiền tài, ích kỷ, nào là danh vọng, địa vị...
Xã hội ngày hôm nay, thay vì xây dựng, bảo vệ nền văn minh tình thương nhưng người ta đã cam tâm xây dựng một nền văn minh chết chóc, nền văn minh huỷ diệt.
Mới mở mắt chập chững đến trường thôi, những tâm hồn trẻ thơ phải nhìn cái cảnh cha mẹ chúng chạy trường chạy lớp cho chúng và hở ra là cứ có phong bì kèm cho cô giáo, kèm cho cô bảo mẫu. Nếu không chăm sóc cho cô bão mẫu, cho cô giáo của cháu thì cháu sẽ đói vì tuổi nhỏ như các cháu vấn đề khó nhất là vấn đề cho cháu ăn.
Lớn lên một chút, các cháu đi học và rồi vẫn luẩn quẩn đâu đó cái vòng xoáy của cuộc đời là phải chạy, phải chọt. Bài vở thi cử của chúng giờ nào còn tin tuyền được khi mà chúng tìm đủ mọi cách để mày quay cóp để mà sao y bản chính của người bạn bên cạnh.
Suốt quãng đời trẻ đến trường, trẻ đi học chúng ta thấy làm gì mà tâm hồn của trẻ còn trong trắng nữa. Lẽ ra những “kỹ sư tâm hồn” là những người, là những hình ảnh mẫu mực để giáo dục cho trẻ nhưng ngày hôm nay tìm được bao nhiêu người còn là chuẩn mực cho trẻ học theo ? Tất cả chạy theo nền kinh tế thị trường, chạy theo hơn thua để rồi gieo vào tâm hồn thơ ngây của chúng sự hơn thua, sự giả trá.
Lành lặn thì không nói, nếu lỡ may chúng bệnh mà chúng phải vào bệnh viện thì chúng thấy được những tâm hồn cao thượng được treo trên tường “Lương y như từ mẫu” là thế nào ? Làm gì mà có chuyện từ mẫu được ? Phải có tiền và có tiền thì bệnh nhân mới được quan tâm, được chăm sóc.
Thế đấy, sống trong một môi trường mà làm cho chúng bị ô nhiễm, bị vẩn đục thì làm sao mà xã hội có những con người tốt được.
Giữa một xã hội phải nói là bát nháo như vậy thì phải nói là đấu tranh, gìn giữ, phát triển một tâm hồn thanh sạch không phải là chuyện đơn giản. Vì vậy, đối diện với những vấn đề của xã hội như vậy thì người Công giáo phải làm điều gì đó cho con cái mình và điều đầu tiên mình phải sống chuẩn mực, mình phải xây dựng cuộc đời của mình bằng sự trong sạch, bằng sự thật và công bằng.
Thánh lễ hôm nay cũng thức tỉnh chúng ta phải biết quan tâm, chăm lo và tôn trọng Nhà thờ là nơi giáo dân tụ họp để thờ phượng Thiên Chúa. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhớ đến Đền thờ của Thiên Chúa mà mỗi người kitô hữu là những viên đá sống động được dùng để xây nên đền thờ ấy. Xưa Chúa đã dám làm tất cả vì Đền thờ, hôm nay xin cho chúng ta cũng biết chấp nhận mọi khổ đau, khó nhọc để xây dựng một Đền thờ xứng đáng cho Chúa.
Vấn đề này cũng là vấn đề hết sức tế nhị khi có vài vị đã có chủ trương xây đền thờ của giáo xứ quá hoành tráng để tạm gọi là hơn thua với người khác. Chúng ta cũng cần phải nhắc nhau với những trường hợp cá biệt như thế. Còn với những trường hợp có nhu cầu thiết thực để xây dựng ngôi thánh đường dùng vào việc phụng thờ Chúa thì bình thường.
Đền thờ, thánh điện vật chất cũng cần nhưng cần hơn đó là đền thờ, thánh điện, vật chất mà Thánh Phaolô mời gọi mỗi người chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”. (Rm 12, 12). Cảm ơn Thánh Phaolô vì Ngài đã nhắc nhớ mỗi người chúng ta chuyện quan trọng đó là hiến dâng thân mình làm của lễ sống động. Hơn nữa là cải biến con người, đổi mới tinh thần hầu nhận ra thánh ý Thiên Chúa.
Đấy ! vấn đề là ở chỗ này. Thiên Chúa cần Đền Thờ vật chất nhưng cần hơn đó là đền thờ tinh thần, là con người, là thân mình của mỗi người chúng ta. Biết rằng con người vẫn mang trong mình những yếu đuối của phận người, những mong manh của kiếp sống và như thế, chúng ta lại càng chạy đến Chúa xin Chúa cho chúng ta nhận ra Thánh ý của Chúa trên cuộc đời chúng ta: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo để ngày mỗi ngày ta hiến dâng thân mình sống động của ta trên Tôn Nhan Chúa để ngày sau ta cũng được hưởng nhan Thánh Chúa trên Nước Trời. Amen.
Anmai, CSsR
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules