Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng "Khi đã khắc phục được tâm thức thì dần dần từng chút, vài khả năng nào đó mà người ta gọi là « kỳ diệu » cũng có thể xảy ra, nhưng đấy chỉ những gì phụ thuộc. Nếu ta xem những thứ ấy là đối tượng chính của sự tu tập thì thật sự tôi không tin chút nào rằng đấy là sự tu tập Phật giáo. Những người ngoài Phật giáo cũng có những loại khả năng như thế." Hãy xem Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng:
Tổ Tuyên Hóa và chữ Vạn trên ngực. Hòa thượng Tuyên Hóa (1918-1995): Khi được Lão Hòa thượng Hư Vân truyền pháp, Ngài được ban pháp hiệu là Tuyên Hóa. Hòa thượng Tuyên Hoá được Hòa thượng Hư Vân truyền Pháp trước khi rời Trung Hoa đến Hương Cảng rồi sang Hoa Kỳ. Do đó, Hòa thượng Tuyên Hoá là tổ thứ bốn mươi lăm từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tổ thứ mười tám tại Trung Hoa, tổ thứ chín dòng thiền Quy Ngưỡng, và là Sơ Tổ tại Tây Phương.
LỤC TỔ ĐÀN KINH
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA Lược Giảng
Đọc @: www.dharmasite.net/KPBDLG1.htm
Audio @: dharmasound.net/?type=files&paths=Master-Hua-Vietnamese/Kinh-Phap-Bao-Dan
Một phần hay trong phẩm 1:
LỤC TỔ ĐẮC PHÁP NHƯNG CHƯA CÓ THẦN THÔNG,
HUỆ MINH KHAI NGỘ NHƯNG VẪN CÒN TÂM THAM
[Trước khi đọc bài này thì nên đọc trước bài: TU TẬP ĐỂ ĐẠT THẦN THÔNG THÌ KHÔNG PHẢI LÀ PHẬT GIÁO
Kinh: [Hãy lướt qua phần Kinh, tập trung đọc phần Giảng]
Có một thầy họ Trần, tên Huệ Minh, ngày trước làm Tứ phẩm Tướng quân, tánh tình thô bạo, quyết chí tìm ta. Thầy cầm đầu chúng nhơn và đuổi theo kịp Huệ Năng nầy. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá mà nói rằng: "Y này là vật biểu tín, há dùng sức mà tranh được sao!" Ðoạn Huệ Năng nầy ẩn mình trong đám cỏ tranh.
Huệ Minh đến cầm y giở lên mà không nhúc nhích, bèn kêu rằng: "Hành giả, hành giả, tôi vì Pháp mà đến đây, chớ chẳng phải vì y đâu!"
Giảng:
Lúc đó trong số một trăm người này, có một vị xuất gia, tục danh là Trần Huệ Minh, trước kia đã từng làm đến Tứ phẩm tướng quân, tánh tình thô tháo nóng nảy, một chút học thức cũng không có, mở miệng là mắng người, nếu ai không nghe lời liền ra tay đánh người. Người này sức lực rất mạnh, hòn đá nặng mấy chục ký cũng có thể đập nát. Vì ông ta có bản lãnh này nên làm đến Tứ phẩm tướng quân. Ông ta có một khả năng lạ thường đặc biệt – phi mao thoái (người chạy nhanh như sóc), một ngày có thể chạy hai trăm dặm đường, mà người thường một ngày chỉ có thể chạy một trăm dặm là nhiều nhất.
Ông ta quyết tâm muốn đoạt y bát trở về, nghĩ rằng ai có sức mạnh người đó sẽ được y bát. Nhất là ông chạy rất nhanh, chạy trước mọi người, và sắp có thể đuổi kịp Huệ Năng rồi.
Huệ Năng nhìn thấy một người thô lỗ như thế chạy đến, lúc đó tâm Ngài cũng có chút lo lắng hoang mang. Tuy Ngài đã đắc pháp, nhưng vì mới tu tập Phật pháp, chưa có thần thông lớn, cho nên có chút lo lắng. Vì thế Huệ Năng bèn đem y bát bỏ trên một hòn đá, tự nói với hư không rằng: "Y bát này là một vật biểu tín, làm sao có thể dùng võ lực để tranh đoạt được?" Ðoạn Huệ Năng bèn ẩn núp trong lùm cỏ, không để cho người ta nhìn thấy. Huệ Minh chạy đến, nhìn thấy y bát, nhưng lại không thể nhấc lên nổi. Tại sao ông ta nhấc lên không nổi? Tại vì trong cõi vô hình có chư thần hộ pháp, thiên long bát bộ bảo hộ y bát, cho nên dù Huệ Minh có sức mạnh như thế, cũng là anh hùng không có đất dụng võ thôi. Lúc đó Huệ Minh bèn kêu lên rằng:
–Vị tu hành đắc đạo ơi, tôi vì Phật pháp mà đến đây, không phải vì muốn đoạt y bát!
Vì ông ta nhấc không nổi y bát, cho nên nói như vậy; nếu nhắc lên nổi, ông ta đã ôm lấy y bát mà chạy khỏi nơi này từ lâu rồi. Vì nhấc lên không nổi, ông bèn tỉnh ngộ: Y bát này không thể dùng sức lực đoạt được, cho nên hướng về Lục Tổ để cầu pháp.
Tại sao nói Huệ Minh không phải vì pháp mà là vì y bát? Vì nếu thật ông ta vì pháp mà đến, thì sẽ không đụng đến y bát trước tiên, mà vừa tới nơi phải lên tiếng trước: "Hành giả, hành giả, tôi vì pháp mà đến, không phải vì y bát mà đến." Quý vị cho rằng tôi nói như vậy có hợp lý không?
Kinh:
Huệ Năng nầy bèn bước ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ, nói rằng: "Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe."
Huệ Năng nầy nói: "Ông vì pháp mà đến đây, thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng, tôi sẽ nói rõ Phật pháp cho Ông nghe."
Lẳng lặng một hồi lâu, Huệ Năng nầy nói: "Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?"
Huệ Minh nghe nói rồi, liền đại ngộ.
Huệ Minh lại hỏi: "Ngoài lời nói và ý chỉ diệu mầu Ngài vừa giảng, còn có ý chỉ vi diệu nào nữa chăng?"
Giảng:
Nghe Huệ Minh nói như vậy, Lục Tổ bèn từ trong lùm cỏ đi ra, ngồi trên hòn đá. Lúc đó Huệ Minh khấu đầu đảnh lễ (tuy người xuất gia không đảnh lễ người tại gia, nhưng đây là nhân duyên đặc biệt, cho nên ngoại lệ):
–Tôi mong hành giả vì tôi thuyết pháp.
Lục Tổ Ðại sư nói với Huệ Minh rằng:
–Ông đã vì pháp mà đến chứ không phải vì muốn đoạt y bát, thì cần phải ngừng tất cả tâm phan duyên, không được nghĩ đến việc gì hết, một niệm không sanh. Ta nay vì ông thuyết pháp.
Nói xong bèn im lặng không nói. Lúc đó Lục Tổ Ðại sư không sanh một niệm, Huệ Minh cũng không sanh một niệm, hai người đều ngừng các duyên, ngay cả quỷ thần cũng không biết hai người đang làm gì, cho nên nói lương cữu, lâu khoảng năm phút. Lục Tổ Ðại sư thấy Huệ Minh không còn vọng tưởng, tâm phan duyên đã buông bỏ, tất cả đều không không, bèn nói:
–Lúc ông không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính vào lúc đó ai là chân diện mục bổn lai của Thượng Tọa Huệ Minh?
Chính vì hỏi chữ "ai," cho nên về sau thiền tông đều tham "Niệm Phật là ai?"
Ở đây dùng chữ "cái gì" là từ thế tục, ý tức là "ai." Tại sao dùng "Thượng Tọa?" Bởi vì Lục Tổ Ðại sư vẫn còn là cư sĩ, cho nên xưng Huệ Minh là Thượng Tọa.
Nghe Lục Tổ khai thị như vậy, Huệ Minh liền hoát nhiên đại ngộ.
Huệ Minh tuy khai ngộ rồi, đã hồi đầu chuyển diện, đã nhận thức chân diện mục bổn lai của chính mình, nhưng vẫn chưa biết tri túc, tâm tham vẫn còn lớn. Những người đuổi theo Lục Tổ Ðại sư, đều là do tâm tham sai sử, tham muốn làm vị Tổ đời thứ sáu. Mà Huệ Minh Ðại sư là cái tham trong cái tham, ông ta đã khai ngộ rồi vẫn cảm thấy không đủ, dường như có những điều gì chưa đạt đến, cho nên hỏi nữa:
–Ngài vừa giảng cho tôi mật ngữ mật ý, ngoài những lời và ý quan trọng này, xin hỏi còn có lời nào vi diệu hơn nữa không?
Mật ngữ mật ý ở đây cần phải hiểu là diệu, không nên hiểu là bí mật.
Kinh:
Huệ Năng nầy nói: "Ðiều tôi nói với ông đó chẳng phải là mật (điều vi diệu). Nếu ông phản chiếu, thì mật ấy (cái vi diệu) ở ngay nơi ông."
Huệ Minh nói: "Tôi tuy ở tại Hoàng Mai, nhưng thiệt chưa xét biết cái Diện mục của mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, tỷ như người uống nước, lạnh nóng tự mình hay. Nay hành giả tức là thầy của Huệ Minh vậy."
Huệ Năng nầy nói: "Nếu như thế, thì tôi cùng ông đồng thờ một thầy là đức Hoàng Mai. Hãy khéo tự hộ trì!"
Huệ Minh lại nói: "Nay và sau Huệ Minh phải đi xứ nào?"
Huệ Năng nầy nói: "Gặp Viên thì ngừng lại, gặp Mông thì ở đó."
Minh làm lễ rồi giã từ.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
–Những điều mà tôi giảng cho ông không phải là điều bí mật, cũng không phải là điều tối diệu. Nếu ông hồi quang phản chiếu, thì diệu pháp ở ngay nơi ông, không phải ở tôi.
Huệ Minh vui mừng nói:
–Tôi ở Hoàng Mai đã lâu năm, thực sự chưa có tỉnh ngộ nhận thức chân diện mục của chính mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, giống như người uống nước, nóng hay lạnh chỉ mình tự biết. Nay hành giả là sư phụ của Huệ Minh.
Lục Tổ Ðại sư nói:
–Nếu ông nghĩ như vậy, thì tôi thay Ngũ Tổ Hoàng Mai truyền pháp cho ông. Chúng ta cùng bái Ngũ Tổ làm Thầy, là huynh đệ đồng sư. Ông cần phải giữ gìn bảo hộ Phật pháp đừng để cho đoạn tuyệt.
Huệ Minh lại hỏi:
–Huệ Minh sau này nên đi về đâu?
–Ðến Viên Châu thì dừng lại, đến Mông Sơn thì trú ở đó.
Lúc đó Huệ Minh bèn hướng Lục Tổ khấu đầu đảnh lễ, bái biệt mà đi.