Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-...7/02/3B9F3823/
Bầu cử Quốc hội cũng có 'bệnh thành tích'
Ủy viên Thường vụ QH Vũ Mão. Ảnh: Việt Anh
"Có tâm lý người lãnh đạo muốn địa phương chỉ bầu một lần là xong, đại biểu trúng với tỷ lệ phiếu cao. Điều này phần nào cũng giống như bệnh thành tích trong giáo dục", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão, người từng có kinh nghiệm 3 khóa làm Tổng thư ký Hội đồng bầu cử QH trao đổi với VnExpress.
- Tại kỳ bầu cử QH khóa 12, người dân muốn có nhiều ứng cử viên cho mỗi vị trí để tăng tính cạnh tranh và cử tri cũng có thêm sự chọn lựa. Luật không cấm điều này nhưng tại sao chúng ta không thực hiện, thưa ông?
- Theo luật, mỗi đơn vị bầu cử, số ứng cử viên phải nhiều hơn số người được bầu và không giới hạn số ứng viên. Các khóa trước đây, mỗi đơn vị bầu cử thường bầu 2 đến 3 đại biểu. Nếu đơn vị bầu cử 3 đại biểu thì số ứng cử viên thường là 5, nếu bầu 2 thì số ứng viên là 3. Nhưng thực tế, có đơn vị bầu 3 người, chỉ để 4 ứng cử viên, như vậy thì “ngon lành” quá, ăn chắc quá. Xung quanh vấn đề này cũng có những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, nếu chọn những ứng cử viên xứng đáng thì chỉ cần ít ứng cử viên. Tôi thì không nghĩ như vậy.
- Thưa ông, trong lịch sử, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, ở Hà Nội, số ứng viên gấp nhiều lần số đại biểu được bầu. Đất nước có rất nhiều người tài, vậy đâu là lý do khiến hiện nay chúng ta không mở rộng số lượng ứng cử viên?
- Hồi đó Bác Hồ chỉ đạo rất dân chủ, cởi mở. Ứng cử viên nhiều, nhưng người trúng cử vẫn đạt số phiếu cao. Khi nói lại câu chuyện lịch sử như vậy cũng có người cho rằng thời kỳ đó khác, bây giờ khác. Do đó vấn đề nhận thức là rất quan trọng, nó thể hiện chúng ta có đổi mới, có dân chủ không, có dám mở rộng số lượng ứng cử viên để người dân lựa chọn không?
Hiện nay, tâm lý người lãnh đạo muốn cho địa phương, đơn vị bầu cử của mình chỉ bầu một lần là xong, đại biểu trúng với tỷ lệ phiếu cao. Điều này phần nào cũng giống như bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay, phải đỗ tỷ lệ cao mới tốt. Nếu nhiều ứng cử viên, có thể phải bầu lại do không đủ người có số phiếu quá bán (50%). Khi đó, họ sợ bị đánh giá là địa phương có vấn đề, lãnh đạo chỉ đạo không tốt, tốn kém chi phí. Còn về phía ứng cử viên, nếu càng ít người cạnh tranh họ càng thích, càng dễ trúng.
- Là người nhiều khóa làm Ủy viên Thường vụ QH và 3 khóa liên tiếp (9, 10, 11) là Tổng thư ký Hội đồng bầu cử QH, theo ông, thời điểm hiện nay đá thích hợp để mở rộng số lượng ứng cử viên?
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu QH: " Trong bầu cử, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 chấp nhận quyền tự ứng cử một cách rộng rãi. Thủ đô Hà Nội có hơn 70 ứng viên mà dân vẫn chọn được số người trúng cử chỉ bằng 1/10 số người ra ứng cử. Chúng ta đều biết rằng những người được dân chọn này là hoàn toàn xứng đáng. Như vậy là do cách làm đúng và dân chủ thì chọn được nhân tài. Tỷ lệ nhân sĩ trí thức, các nhà công thương, những người không đảng phái rất cao".
(Theo Người đại biểu nhân dân)
- Tôi mong muốn có nhiều ứng cử viên cho một vị trí, ví dụ như cần có ít nhất 6 ứng viên để bầu 3 đại biểu. Nếu lần bầu cử này chúng ta làm được như vậy sẽ phản ánh không khí dân chủ, cởi mở, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu. Chúng ta phải chấp nhận có nhiều người không trúng cử, việc một số đơn vị bầu lại phải được coi là chuyện bình thường.
Công tác bầu cử QH đến nay tốt là cơ bản nhưng vẫn còn khiếm khuyết, vấn đề là chúng ta phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết. Khi dân trí đã được nâng cao hơn, khi dân chủ được mở rộng hơn thì nhân dân đòi hỏi cuộc bầu cử QH lần này phải đổi mới hơn, thực chất hơn.
- Tại hội nghị hiệp thương vừa qua, có một số ý kiến cho rằng không nên quá nặng vấn đề cơ cấu. Với một đất nước có nhiều dân tộc, nhiều tầng lớp nhân dân, việc duy trì cơ cấu vùng miền trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân nên được xem xét thế nào, thưa ông?
- Theo nhận thức của tôi, cơ cấu cứng nên giữ, còn cơ cấu mềm địa phương được phép linh hoạt. Tôi biết một số địa phương đang tâm tư vấn đề này. Chúng ta vẫn thường nói tiêu chuẩn là quan trọng nhất nhưng nhiều khi cơ cấu lại chi phối quá mức. Một tỉnh miền núi, thường chỉ có 4 đại biểu địa phương và một số đại biểu trung ương. Trong 4 đại biểu địa phương phải có lãnh đạo chủ chốt, phải có người dân tộc, có cán bộ mặt trận, đoàn thể, lực lương vũ trang, có nữ, có thanh niên, có giáo viên... Chúng ta vẫn nói đùa với nhau là một đại biểu đôi khi phải gánh nhiều "cơ cấu" quá. Ví dụ đại biểu đó vừa là nữ, người dân tộc, trẻ, giáo viên...
Tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải coi trọng tiêu chuẩn. Cơ cấu là cần thiết nhưng phải mềm dẻo. Một số đồng chí lãnh đạo địa phương nói với tôi, nếu cơ cấu thành phần đại biểu như vậy thì không thể xoay được.
- Theo cơ cấu dự kiến, số đại biểu QH khóa 12 là thành viên Chính phủ sẽ giảm 7 người so với khóa 11. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần phải tiếp tục giảm mạnh hơn nữa đại biểu trong cơ quan hành pháp để tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Quan điểm của ông thế nào?
- Mỗi nước đặt vấn đề này khác nhau. Có nước đã là đại biểu QH thì dứt khoát không làm quan chức trong cơ quan hành pháp nữa. Ví dụ như ở Mỹ, anh đi làm đại sứ thì phải thôi nhiệm vụ nghị sĩ. Tuy nhiên, có những nước tất cả bộ trưởng đều là nghị sĩ QH.
Các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh là những người ưu tú, có trí tuệ cao. Cho nên, có quan điểm là cần có thành phần này trong QH để nâng chất lượng, trí tuệ của cơ quan lập pháp. Từ quan điểm đó, ở Việt Nam, có những lúc đa số thành viên Chính phủ là đại biểu QH. Việc giảm các đại biểu là những người làm việc trong cơ quan hành pháp, tôi cũng đồng tình, nhưng phải hài hòa với các thành phần khác. Ví dụ phải có 1 vị trí lãnh đạo chủ chốt trong thành phần đoàn đại biểu QH địa phương. Thực tế nhân dân địa phương cũng khó có gửi gắm cao được nếu không có đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy hoặc UBND, HĐND trong thành phần đoàn đại biểu tỉnh nhà.
Đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường. Ảnh: Tuổi Trẻ
- Nhưng có một thực tế là không ít đại biểu trong cơ quan hành pháp ngại chất vấn Chính phủ, vì mối quan hệ đông cấp hoặc trên dưới. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua không phải là không có tranh luận giữa các bộ trưởng với nhau trong QH. Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ khi tham gia Quốc hội ít phản biện, chất vấn Chính phủ là có thật.
- Trước các hội nghị hiệp thương những năm trước chúng ta vẫn nói khuyến khích người tự ứng cử. Nhưng thực tế số người tự ứng cử và trúng cử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông, đâu là điều cần thiết để có nhiều người tự ứng cử ?
- Chỉ đạo của chúng ta là mong muốn có nhiều người tự ứng cử và có một tỷ lệ thích hợp trúng cử. Cá nhân tôi cũng muốn có 10-20 đại biểu QH là những người tự ứng cử, điều đó thể hiện sự dân chủ, đổi mới. Nhưng ba khóa QH gần đây (9, 10, 11) số người tự ứng cử trúng QH chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khóa 11, chỉ có 2 đại biểu của Hà Nội thuộc diện tự ứng cử.
Theo tôi, từ nhận thức phải có nhiều người tự ứng cử, chúng ta cần phải công phu trong chỉ đạo và tạo điều kiện để các địa phương chủ động, dành tỷ lệ cho người tự ứng cử. Tôi nhớ mãi một trường hợp của nữ đại biểu khóa 9 của tỉnh Lai Châu là chị Mùa Thị Mỷ. Đến khóa 10, chị Mỷ không nằm trong cơ cấu nhưng đã xin tự ứng cử. Chị ấy đã biết cách vận động quần chúng và đã trúng cử. Điều đó rất hay.
- Nhưng thưa ông, trường hợp mà ông vừa kể ít ra cũng đã từng là đại biểu QH khóa trước. Các nhân sĩ, trí thức chưa từng là đại biểu QH đang rất băn khoăn về cơ hội trúng cử?
- Đúng là quy trình thủ tục dành cho những người tự ứng cử cần phải cải tiến hơn nữa, tạo điều kiện thời gian để người dân có được thông tin sớm và đủ thời gian làm thủ tục kịp theo quy trình. Quy trình thủ tục nộp hồ sơ của chúng ta chính xác đến từng ngày, có những người chỉ vì chậm một vài ngày mà không trở thành ứng cử viên. Ngay cả những người đã từng tham gia Hội đồng bầu cử như tôi cũng phải đọc nghiên cứu rất kỹ mới nắm được quy trình, thủ tục.
Nhân sĩ trí thức là vốn quý của đất nước, họ có văn hóa và cũng giàu lòng tự trọng. Với những vấn đề mà họ không chắc thì họ không muốn ra ứng cử vì sợ sẽ thành trò cười, trở thành "quân xanh". Như vậy ở đây có vấn đề là việc tự ứng cử dựa trên sự tự nguyện của cá nhân nhưng phải có sự chỉ đạo của trung ương, địa phương. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương như Hà Nội, TP HCM - những nơi quy tự nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân giỏi - phải khơi dậy, khuyến khích họ tự ứng cử. Lãnh đạo địa phương phải cho họ thấy rằng, việc tự ứng cử là trách nhiệm, là nghĩa lớn đối với đất nước.
Chúng ta cần phải đầu tư và chỉ đạo công phu để các ứng cử viên QH được lựa chọn kỹ càng. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác vẫn có chuyện "quân xanh, quân đỏ". Đương nhiên, họ muốn "quân đỏ" thắng, nhưng một vài khóa trước đây cũng có chuyện "quân xanh" trúng, "quân đỏ" không trúng nhưng chủ yếu là do có một số vấn đề trục trặc trước bầu cử (đơn tố cáo, sai sót nghiêm trọng...). Do sát đến ngày bầu cử nếu rút ra khỏi danh sách thì hụt mất số ứng cử viên.
- Một số cử tri các khóa trước phàn nàn là họ lựa chọn đại biểu dựa trên hồ sơ, những cuộc tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri quá ít và kém sinh động. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến của họ?
- Người ra ứng cử phải tiếp xúc với cử tri ở nhiều cơ sở của đơn vị bầu cử, nhưng nói thật là mức độ tiếp xúc hiện này chưa nhiều. Văn hóa của người Việt Nam không muốn có sự tranh giành do đó cũng ngại việc tranh luận. Còn ở các nước, ứng cử viên có thể tuyên truyền cho mình nhiều hơn, tranh luận nhiều hơn. Việc nói xấu nhau là không thể nhưng tôi cho rằng, cần phải có tranh cử, cương lĩnh hành động phái rõ ràng để cử tri giám sát. Hiện nay, có thực tế là việc cử tri lựa chọn ứng cử viên để bầu còn có phần hơi đơn giản.
Việt Anh thực hiện