Tittle:Các bạn trẻ Công giáo sử dụng Internet để hỗ trợ nhau trong đức tin.
Tác giả:(VietCatholicNews 13/07/2007)

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, Việt Nam (UCAN) -- Maria Nguyễn Thị Mi Pha bật máy vi tính, mở Yahoo Messenger rồi đăng nhập ID và password vào. Chị đốt nến đặt trước máy vi tính và đọc 3 kinh Kính Mừng.

Một lúc sau, trên màn hình vi tính xuất hiện dòng thông tin đầu tiên: “Chiều nay một thành viên trong nhóm chúng ta là bạn Kiều Thi đã nhập viện để mổ tim. Xin cầu nguyện cho bạn ấy."

Mi Pha liền gõ lên Conference: "Xin Chúa và Mẹ Maria gìn giữ Kiều Thi".

Sau khi chị nhấn phím "Enter", hàng loạt lời cầu nguyện cho Kiều Thi của các thành viên khác hiện lên màn hình.

Nhân viên kế toán 26 tuổi này cho UCA News biết chị cầu nguyện từ 30-60 phút với các thành viên trong nhóm mỗi ngày vào lúc 22 giờ.

"Phương thức cầu nguyện này rất hợp với lứa tuổi chúng tôi. Chúng tôi không có thời gian đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng dường như ngày nào chúng tôi cũng ngồi trước máy vi tính", theo Mi Pha, người gia nhập nhóm Fiat hồi tháng 5.

Linh mục dòng Chúa Cứu Thế Giuse Lê Quang Uy phát biểu rằng ngài và một số bạn trẻ Công giáo thành lập nhóm cầu nguyện này hồi tháng Tư. Nhóm có 149 thành viên, tuổi từ 16-73, đa số ở thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại ở nhiều tỉnh thành khác và một số thành viên đang du học ở nước ngoài.

Theo cha Uy, 49 tuổi, nhóm này quy tụ các bạn trẻ Công giáo sử dụng công nghệ hiện đại để cầu nguyện, thăm viếng và phục vụ. Ngài nói: "Giới trẻ ngày nay hầu như ai cũng biết chat. Tôi đã nhiều lần chat với các bạn trẻ và nhận thấy họ rất thích chat, nhưng chủ yếu họ chỉ tán gẫu và nói chuyện tầm phào với nhau".

Vào mỗi buổi cầu nguyện có một thành viên trong nhóm làm chủ sự đánh lên một câu chủ lực. Sau đó các thành viên khác gõ lên Conference lời cầu nguyện của mình, theo lời giải thích của chị Maria Nguyễn Thị Anh Đào, một trong những người đưa ra ý tưởng thành lập nhóm. Họ kết thúc buổi cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Chị Đào cho biết khi chat họ thảo luận các vấn đề đạo đức, như nạo phá thai và quan hệ tình dục trước hôn nhân, và khoảng 10 thành viên tham gia cầu nguyện mỗi ngày, do các bạn khác có thể bận việc, hay không thể lên mạng vào lúc đó.

Anh Phaolô Phạm Phi Hùng, 29 tuổi, đánh giá cao các buổi cầu nguyện online.

"Tôi thường xuyên phải trực ở công ty vào buổi tối, rất ít khi có thời gian đến nhà thờ. Những lúc như vậy tôi cầu nguyện trước máy tính và dâng tất cả công việc cho Chúa", kỹ sư mạng phát biểu với UCA News. Anh còn tham gia công tác từ thiện của nhóm vào các ngày Chúa nhật.

Vào các ngày Chúa nhật, các thành viên ở thành phố Hồ Chí Minh, cách Hà Nội 1.710 km về phía nam, tham dự Thánh lễ sáng tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Sau đó họ chia thành các nhóm nhỏ đi thăm viếng bệnh nhân tại các bệnh viện và các trung tâm dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bị HIV/AIDS, và các nhà hưu dưỡng dành cho giáo sĩ và tu sĩ. Họ còn hiến máu nhân đạo và thu gom đồ cũ để bán lấy tiền giúp người nghèo.

Cha Uy còn mở Internet blog, hay web blog của nhóm nhằm giúp các bạn trẻ tự tin chia sẻ các vấn đề đạo đức, trao đổi thông tin, cầu nguyện cho tha nhân và suy tư về những kinh nghiệm tâm linh từ các hoạt động bác ái của họ.

Ngài nói thêm, hiện nay các thành viên trong nhóm đang tham dự một cuộc thi online viết truyện ngắn về cha mẹ. Họ phải gửi bài thi lên blog đến cuối tháng 7 thì phát giải.

Cha Uy, người năng nỗ trong công tác mục vụ giới trẻ, cho biết ngoài 160 thành viên chính thức còn có 36.675 lượt người truy cập vào địa chỉ 360.yahoo.com/fiat.xinvang. Theo ngài ước tính, có khoảng 700 lượt người truy cập vào các ngày trong tuần và 1.000 lượt người vào các ngày cuối tuần, chủ yếu là sinh viên, giáo viên, chuyên gia máy tính, bác sĩ và phóng viên.

Theo thống kê của chính phủ, tháng 5-2007 Việt nam có 4,4 triệu thuê bao Internet và 15 triệu người sử dụng Internet, chiếm gần 20% dân số.
UCAN