Để nhận ra những điểm giáo lý về đời sống Hội Thánh Chúa Ki-tô, trước nhất chúng ta phải tìm hiểu:
- Tầm quan trọng trong chương 21 của Tin Mừng Gioan.
- Ý nghĩa 153 con cá.
- Lý do Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đệ: “Hãy thả lưới bên phải thuyền”.
- Lý do Chúa Giê-su hỏi ông Phê-rô ba lần “có yêu Thầy không” trước khi Ngài trao quyền ?
1/ TẦM QUAN TRỌNG TRONG CHƯƠNG 21 CỦA TIN MỪNG GIO-AN.
Ngày nay có nhiều ý kiến khác nhau về tác giả chương 21 của Tin Mừng thứ tư, người thì bảo là của ông Gio-an, kẻ khác cho là của môn đệ ông Gio-an, ý kiến khác nữa lại cho là của một tín hữu vô danh nào đó. Sở dĩ đã có những ý kiến khác nhau như vậy, vì họ thấy ông Gio-an đã kết thúc Tin Mừng ở chương 20,30-31: “Đức Giê-su đã làm trước mắt các môn đồ của Ngài nhiều dấu lạ khác nữa, không viết lại trong sách này …” , thế mà lời kết trong chương 21, tác giả lấy lại lời kết ở chương 20!
Vấn đề của tác giả nào, chúng ta hãy để cho các nhà chuyên môn tranh luận, còn phần các Ki-tô hữu phải xác tín rằng :
a- Chương 21 của ông Gio-an được Hội Thánh Công giáo công nhận là phần của mạc khải, tác giả chính hay tác giả nguyên nhân là Chúa Thánh Thần ; tác giả phụ hay tác giả dụng cụ là người viết.
b- 20 chương đầu của Tin Mừng Gio-an, tác giả viết về Chúa Giê-su:
- Ngài là Đấng tái tạo mọi sự trong vũ trụ nên hoàn hảo hơn.
- Ngài là sự sống.
- Ngài là ánh sáng.
- Ngài là chân lý.
Chỉ có chương 21 ghi nhận những sinh hoạt đời sống Hội Thánh, tuy nhiên tầm quan trọng của chương 21 cũng bằng 20 chương trước, vì hai lời kết đều ghi giống nhau: “Đức Giê-su đã làm …” (x Ga 20,30 ; 21,25)
2/ Ý NGHĨA 153 CON CÁ ?
a- Theo thánh Giê-rô-ni-mô: Thời bấy giờ người ta nghĩ là tất cả mọi loại cá biển gồm 153 loại. Nếu thế thì đây là biểu tượng cho sứ mệnh của Hội Thánh: nhờ làm theo Lời Chúa, Hội Thánh thâu họp vạn vật để phục vụ con người, con người “thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về Chúa Cha” (x 1Cr 3,22-23). Đó cũng là ý mà Phụng vụ hôm nay đã nói trong Bài đọc II: “Mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5,13)
b-Theo thánh Au-gus-tin: Tin Mừng Gio-an viết về cuộc sáng tạo mới trong Đức Giê-su, mọi hoạt động trong Hội Thánh cũng chính là con người được Đức Giê-su mời gọi cộng tác để kiện toàn cuộc tạo dựng mới này. Do đó số 153 con cá có nghĩa là:
Vậy cuộc tạo dựng mới này rất hoàn hảo nhờ Ba Ngôi Thiên Chúa dùng Lời và các Bí tích để tái tạo vũ trụ nói chung và người Công Giáo nói riêng.
Vì sứ mệnh của Hội Thánh là dùng Lời Chúa và Bí tích để làm cho cả loài người được tạo dựng lại trong Đức Giê-su Phục Sinh, cho dù các Tông Đồ có bị bách hại vì sứ mệnh này, họ cũng không sợ hãi. Trái lại, họ hân hoan bị sỉ nhục vì danh Chúa Giê-su Ki-tô! (x Cv 5,27b-32 . 40-41: Bài đọc I) Bởi vì: “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu” (ông Tertuliano)
3/ LÝ DO CHÚA GIÊ-SU RA LỆNH CHO CÁC MÔN ĐỆ: “HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI THUYỀN?” (x Ga21,6)
Thuật ngữ “bên phải” của Thánh Kinh luôn luôn diễn tả về ơn cứu độ như con chiên (người lành) đứng bên phải Thiên Chúa cứu độ (x Mt 25,34), như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en chương 47, câu 1 nói: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì được cứu độ.”
“Nước từ bên phải đền thờ chảy ra” chính là trái tim Chúa Giê-su bị đâm trên thập giá !
Vậy lưới các Tông Đồ thả bên phải thuyền bắt được mẻ cá lạ lùng, chính là dấu chỉ những hoạt động của Hội Thánh sẽ đạt kết qủa lạ lùng nhờ nguồn cứu độ trong Phụng vụ, nhất là Bí tích Khai tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể) phát xuất từ cạnh sườn Đức Giê-su bị đâm ! (x Ga 19,31-37)
4/ LÝ DO CHÚA GIÊ-SU HỎI ÔNG PHÊ-RÔ BA LẦN “CÓ YÊU THẦY KHÔNG” TRƯỚC KHI NGÀI TRAOQUYỀN ?
Trước nhất, ta phải phân biệt hai động từ yêu được dùng trong trình thuật này :
* Agapê: yêu vô vị lợi, không phân biệt bạn hay thù.
* Philein: Yêu trong tình bạn, đặt trên công bằng giao hoán.
Ta thấy ba lần Chúa Giê-su hỏi và ông Phê-rô trả lời :
- Con có Agapê Thầy không ? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn chiên (Arnia).
- Con có Agapê Thầy không? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
- Con Philein Thầy sao ? Dạ, con Agapê Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
Như vậy:
a- Chỉ khi nào thủ lãnh Phê-rô trả lời Agapê, Chúa Giê-su mới đồng ý, nghĩa là phải yêu như Chúa yêu mới đạt.
b- Ba lần Chúa Giê-su hỏi về tình yêu của ông Phê-rô, Ngài muốn ông chuộc lại ba lần đã chối Thầy. Vì thế lần thứ nhất Chúa Giê-su hỏi ông: “Phê-rô, con có yêu mến Thầy HƠN những người này không ?” (Ga 21,15: Tin Mừng).
Chữ HƠN ở đây có ý nhắc đến lần ông đã tự mãn thề thốt: “Dù mọi người đều vấp ngã vì Thầy, còn con, con sẽ không bao giờ vấp ngã !” (Mt 26,33) Nhưng rồi sau đó ông đã chối Thầy ba lần !?
Bởi thế, sau ba lần Thầy hỏi về tình yêu của ông, ông hiểu ý Thầy muốn ông nhớ lại ba lần ông đã chối Thầy, nên ông buồn và khiêm tốn trả lời: “Lạy Thầy, Thầy thông hay mọi sự (con đã chối Thầy ba lần), Thầy biết con yêu mến Thầy !” (Ga 21,17) Lúc đó Chúa mới trao quyền cho ông thâu họp mọi người trên dương thế thuộc về Hội Thánh, mà “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!” (Thánh Gioan Vianey)
c- Ba lần Chúa hỏi ông Phê-rô về tình yêu, và sau mỗi lần Ngài lặp lại việc trao quyền chăm sóc Hội Thánh cho ông. Vì ba lần Chúa hứa trao quyền là không bao giờ Ngài rút lại, cũng như ông Ab-ra-ham mua hang Makpela để an táng bà Sa-ra, ông phải mặc cả với người địa phương tới ba lần, để họ không được động đến mồ mả vợ ông. (x St 23,3-8)
Đức Giê-su chọn ông Phê-rô làm thủ lãnh, không phải vì ông học thức hơn ai, mà trái lại, ông bị dân liệt vào loại vô học (x Cv 4,13) ; không phải ông thánh thiện hơn ai, trái lại ông là kẻ kiêu ngạo: “Cho đi mọi người đều vấp ngã vì Thầy, tôi sẽ không vấp ngã bao giờ”. Đức Giê-su bảo ông: “Quả thật, Ta bảo ngươi, nội đêm nay trước khi gà gáy ngươi đã chối Ta ba lần” (x Mt 26,33-34) ; nhất là có lần ông dám lên tiếng khuyên răn dạy Thầy: “Đừng đương đầu với kẻ ác, vì đó là dấu Thiên Chúa không thương” ! Tức khắc Đức Giê-su mắng ông là: “Satan, lui lại đằng sau” (x Mt 16,21-23) ; ông cũng là kẻ nóng nảy và hung bạo: “chém đứt tai đầy tớ của vị thượng tế” ! (x Ga 18,10)
Dầu thế Đức Giê-su vẫn quyết trao Hội Thánh cho ông lãnh đạo. Đó là quyền tự do của Thiên Chúa. Nhưng quyền tự do này Chúa vẫn muốn lệ thuộc vào đức ái của con người, khởi đi từ lòng sám hối. Mà thực, trong số 12 Tông Đồ chỉ có ông Phê-rô xưng thú tội mình trước mặt Thầy: “Lạy Thầy, con là kẻ có tội, xin Thầy tránh xa con” (Lc 5,8). Vì Chúa biết nhiệm vụ Ngài trao rất nặng nề và nguy hiểm đến tính mạng, như các Tông Đồ bị đòn vọt, ra tù vào khám (x Cv 5,7b-32.40-41: Bài đọc I). Chỉ có tình yêu mới giúp người môn đệ Chúa lướt thắng mọi khó khăn. Thánh Au-gus-tin nói: “Ở đâu có tình yêu, thì ở đấy hết khó nhọc, và giả như có khó nhọc, thì lại yêu chính sự khó nhọc ấy”. Và vì yêu Thầy mà chăm sóc chiên của Thầy, chứ không phải tìm lợi nhuận nơi đàn chiên của Thầy mà xén lông, vắt sữa, làm thịt!
Như vậy, dưới cái nhìn của tác giả Mát-thêu, Chúa xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đức tin người thủ lãnh của cộng đoàn. Đức tin ấy được biểu lộ bằng việc phát biểu về giáo lý xuất sắc, đã được lãnh nhận từ Cha trên trời (x Mt (16,15-19). Nhưng dưới cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu, thì Chúa xây dựng Hội Thánh trên đức ái của thủ lãnh, của tập thể. Đức ái trong Hội Thánh được diễn tả cách cụ thể trong Tin Mừng Chúa nhật này:
a- Đối với nhau: Cần nhất trí với thủ lãnh. Ông Phê-rô hô: “Tôi đi đánh cá đây”, các môn đệ khác nhao nhao: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Dù có người không biết nghề chài lưới như ông Mát-thêu, ông Na-ta-na-en ! (x Ga 21,3)
b- Đối với Chúa:
* Vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (x Cv 5,29: Bài đọc I). Ngoan ngoãn tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, như Chúa bảo họ thả lưới bên phải thuyền, họ mau mắn làm ngay, dù đã vất vả cả đêm mà không được gì ! (x Ga 21,6: Tin Mừng)
* Quy mọi thành công cho vinh quang Thiên Chúa. Khi được mẻ cá lạ, ông Gio-an nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” Nghĩa là nhìn vào kết qủa việc làm, ta nhận ra Thiên Chúa, vì như Đức Giê-su đã nói: “Không có Thầy chúng con không thể làm gì được !” (Ga 15,5b)
* Đón trước đau khổ kể cả cái chết như Thầy. Chúa đã báo cho ông Phê-rô: “Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về gìa, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21,18: Tin Mừng), nghĩa là ông Phê-rô phải chết như Thầy. Vì chính Thầy đến núi Cây Dầu cầu nguyện xin Chúa Cha: “Nếu Cha muốn, xin cất chén đắng này khỏi Con” (khỏi chết nhục trên thập gía). Nhưng vừa dứt lời cầu thì kẻ ác xông đến bắt Ngài đem đi giết ! (x Lc 22,39t) Và như vậy “Chúa Cha đã không tha chết cho Con Một Người, nhưng đã phó nộp vì chúng ta hết thảy, làm sao Người không gia ân vạn sự cho chúng ta làm một với Ngài” (Rm 8,32).
Vậy mỗi khi ta gặp đau khổ, ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30/29,2: Đáp ca).
Người làm ông làm bà, khi về gìa thường có nhiều tủi nhục với con cháu, thì chủ chăn trong Hội Thánh khi xế chiều còn tủi nhục hơn thế nữa ! Nhưng chấp nhận tất cả vì yêu !
Bông hoa trưng nơi bàn thờ cũng diễn tả kiếp người phục vụ: Khi còn trẻ, khỏe, tài năng thì như hoa tươi rực rỡ, ai cũng qúy. Nhưng lúc về gìa, hết sức, hết tài, thì bị coi rẻ như đóa hoa héo tàn, người ta ném vào sọt rác, không chút tiếc nuối !
Chúa báo trước cho biết như thế, để khi sự việc xảy ra, ta không ngỡ ngàng mà biết đón nhận như một hồng ân Chúa ban (x Giop 1,21 ; 2,10b), và ta đã chọn lựa, không ân hận, không hối tiếc, rồi trở nên bất mãn ! Trái lại ta hãy vui vì đã hoàn tất Hy Lễ cùng với Chúa Giê-su !