-
Moderator
DĐ - Đi tìm chân dung Giêsu
ĐI TÌM CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU
Đức Giêsu “đã” chết trên thập giá. Đó là tất cả những gì mà người yếu đức tin và những người tự mãn của thời hiện đại thấy rõ. Ngoài ra họ không hiểu tại sao một người đã chết như vậy lại cứu được toàn thể nhân loại. Từ đó cả một rừng luận giải về chân dung Đức Giêsu được đưa ra. Ở đây chúng ta không bận tâm về những biện giải của nhóm vô thần Richard Dawkins, vì chủ đích của họ chỉ là bài bác Kitô giáo. Đối với những nhóm nghiên cứu đa dạng khác, chúng ta thấy có hai khuynh hướng: hướng tục hóa và hướng thần học. Học giả Martin Kähler dùng hai danh xưng “Đức Giêsu của lịch sử” và “Đức Giêsu của đức tin” để cụ thể hóa hai hướng nhìn này. Chân dung “Đức Giêsu của lịch sử” là chủ đề thuộc sử học, trong khi “Đức Giêsu của đức tin” thuộc về thần học. Cùng một sự kiện nhưng ý nghĩa dị biệt bởi hai hướng nhìn khác nhau. Chẳng hạn sử học thấy: “Đức Giêsu bị chết bởi án tử hình”, nhưng thần học thấy: “Đức Giêsu chịu chết cho tội lỗi của nhân loại”. Vào thời duy lý ngày nay, càng ngày càng có nhiều khuynh hướng tục hóa, dùng phương pháp phê bình sử học (Historical critical method) để nghiên cứu chân dung Đức Giêsu. Công trình đầy thuyết phục của họ đã tạo ra não trạng mặc cảm đức tin cho nhiều Kitô hữu. Đó là vấn đề chúng ta phải thành thật đối diện để biết những gì đang xảy ra cho giáo hội.
Lược Qua Chủ Trương Của Nhóm Phê Bình Lịch Sử
Nguyên tắc của nhóm phê bình lịch sử là dùng nền tảng xác thực của lịch sử để nghiên cứu đối tượng. Đối với họ bất cứ một cuộc nghiên cứu nhân văn nào, dù là của thần học, mà thiếu yếu tố xác thực của lịch sử cũng đều vô giá trị. Học giả không thể tưởng tượng ra một ý nghĩa vô căn cứ nào đó để gán ghép cho một biến cố lịch sử. Cần nên biết, các nhóm theo phương pháp phê bình lịch sử không phải là những người chống Chúa như nhóm Dawkins. Họ là những học giả thuần túy. Việc làm của họ được trình bày theo dạng vô tư khoa học. Họ không nằm trong một hệ thống ý thức hệ nào và cũng không kỳ thị tôn giáo. Vì vậy công trình nghiên cứu của họ quyến rũ được nhiều người. Tuy thuộc nhiều nhóm khác nhau nhưng họ đều có một mẫu số chung là không chấp nhận yếu tố thiêng liêng trong cuộc nghiên cứu. Đối với họ, yếu tố siêu việt chỉ là những tình tiết thần thoại hoang đường. Niềm tin Đức Giêsu là con Thiên Chúa từ trời nhập thế, đối với họ, là một huyền thoại thiếu cơ sở chứng minh. Vì vậy tuy họ không kỳ thị tôn giáo, nhưng những lý luận phủ nhận tâm linh của họ đã làm dao động đức tin cho nhiều người.
Chúng ta có thể nhắc đến một vài khuôn mặt tiêu biểu nổi bật của khuynh hướng phê bình lịch sử. Năm 1953, Ernst Käsemann (1) đề xướng cuộc “Tân Truy Cứu” (the New Quest) để tìm hiểu đời sống Đức Giêsu. Phương cách của ông là gom góp tất cả các chứng cớ của sử liệu để phân tích rồi luận ra ý nghĩa của sự kiện. Ông gạt bỏ những trình thuật không thể kiểm chứng như việc Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới dạng chim bồ câu, Đức Giêsu tranh luận với Satăng trong sa mạc, Đức Giêsu cách không chữa bệnh cho người đang nằm ở nhà cách chỗ Người đứng rất xa… Nhóm Tân Truy Cứu cho rằng đó là những tình tiết được thần thánh hóa bởi lòng sùng đạo của người viết Thánh Kinh. Quan niệm của nhóm này rất mạnh mẽ vào hai thập niên 50 và 60.
Một nhóm khác có tên “Hội Thảo về Đức Giêsu” (the Jesus Seminar) thành lập năm 1985, hội viên gồm các giáo sư đại học thuộc các ngành sử học, thánh kinh học, và toán học. Nhóm này có tầm ảnh hưởng mạnh nhất vào thập niên 80. Sách vở của họ tung ra có tầm vóc cả về lượng lẫn phẩm. Những nhận định của họ được lưu ý trên những hệ thống truyền thông đại chúng. Họ quan niệm rằng trước khi có thể giải thích biến cố, các tài liệu về biến cố đó phải được xác định là thật hay giả. Họ gom nhặt dữ kiện rồi đo lường giá trị của chúng theo thang đo lường đi từ điểm “có vẻ đúng”, đến điểm “không chắc lắm”, và điểm cuối cùng là “có vẻ sai”. Chẳng hạn khi đưa ra chủ đề “Những lời nói của Đức Giêsu có thật là của Người hay không?”, họ cho rằng trong Phúc Âm thánh Gioan không có lời nào là của Đức Giêsu cả (0% có vẻ đúng, khoảng 4.2% không chắc là của Người, còn lại khoảng 95.7% là những lời được gán cho Người). (2) Cũng như nhóm Tân Truy Cứu, những dữ kiện tâm linh được nhắc đến trong Phúc Âm không được họ chấp nhận.
Năm 1992, N.T. Wright (3) đưa ra một đường hướng truy cứu khác với tên “Cuộc Truy Cứu Đệ Tam” (the Third Quest). Wright cho rằng những phương pháp sử học đương thời chỉ là cách chú giải sử liệu để tìm ra chủ đề. Phương pháp này chỉ có thể giải thích một số sự kiện. Số tài liệu đồ sộ còn lại sẽ phải bỏ rơi vì nằm bên ngoài hay nghịch với chủ đề. Wright trái lại đặt ra chủ đề trước rồi mới đi tìm sử liệu để phân tích chứng minh. Ông đưa ra năm chủ đề chính dựa theo biến cố xã hội chính trị (socio-political event). Chẳng hạn với chủ đề: “Mục đích của Đức Giêsu là gì?”, Wright đặt Đức Giêsu vào thời điểm lịch sử xã hội và chính trị của nước Do Thái ở thời đó để phân tích. Ông vạch ra sự kiện Đức Giêsu là người Do Thái, sống theo luật Do Thái giáo, cầu nguyện trong đền thờ Do Thái, chịu Gioan rửa tội như những người Do Thái khác. Vậy Đức Giêsu trước tiên là tín đồ Do Thái giáo. Tuy nhiên ông cũng nhận ra Đức Giêsu đã đề xướng một đường lối mới đi ra ngoài Do Thái giáo. Mặc dầu thế Đức Giêsu vẫn xuất hiện dựa theo hình ảnh vị tiên tri được miêu tả trong sách Cựu Ước của Do Thái giáo. Từ đó Wright trực giác có sự chuyển tiếp từ Do Thái giáo qua Kitô giáo trong thế kỷ I và thứ II. Sự chuyển tiếp giữa hai hướng đi này rất khó phân tích qua lối phê bình sử học cổ truyền.
Cuộc Truy Cứu Đệ Tam thu hút được đa số các học giả ngày nay. Họ có khuynh hướng giải thích Đức Giêsu như một “hiện tượng” biện chứng của xã hội và chính trị. Vì vậy họ giải thích đời sống của Đức Giêsu qua những phân tích hiện trạng xã hội. Chẳng hạn biến cố Đức Giêsu vào đền thờ Giêrusalem đánh đuổi những người buôn bán, lật đổ bàn đổi tiền, E. P. Senders cho rằng hành động ấy không đơn giản như một biểu lộ ý muốn “làm sạch đền thờ”. Sự kiện “lật đổ bàn” là biểu tượng dữ dội cho sự phá hủy đền thờ, một hình thức phù hợp với niềm tin về cánh chung của người Do Thái thời ấy. Tín đồ Do Thái giáo tin rằng Thiên Chúa sẽ phá hủy đền thánh cũ để dựng thành Giêrusalem mới. Đức Giêsu đã đi theo chiều hướng ấy mà hành động. Tuy nhiên Người đã chuyển việc xây dựng đền thánh mới qua hướng thành lập một quốc gia mới, gọi là “Vương Quốc Thiên Chúa” (Nước Trời). Chỉ có tại quốc gia này giao ước giữa Thiên Chúa và loài người mới được hoàn tất. Vì vậy hành động “lật đổ bàn” của Đức Giêsu là một dấu hiệu thách thức chính trị cho sự hiện hữu của giai cấp lãnh đạo Do Thái giáo. Cũng theo Sanders, hậu quả của thái độ “lật đổ bàn” là nguyên nhân sâu xa dẫn đến án tử hình cho Đức Giêsu. Một bản án do sức ép của quyền lực chính trị xã hội. Chủ đề Đức Giêsu chịu chết để cứu chuộc nhân loại bị loại bỏ.
Sử Liệu Của Ngụy Thư
Một hiện tượng truy cứu khác cũng rất ăn khách là khuynh hướng đi tìm chân dung Đức Giêsu qua những bản văn cổ Ngụy Kinh (apocryphal Gosbels. Chữ Hylạp apocrypha có nghĩa là “mật thư”. Nghĩa chữ “mật thư” mập mờ này đã khơi động óc hoài nghi của nhiều người thuộc thời đại “tân tiến”. Với tính đố kị họ tin rằng Công giáo loại bỏ những sách ấy vì muốn che dấu một sự thật kinh khủng nào đó. Gần đây Dan Brown xuất bản cuốn Mật Mã Da Vinci (Da Vinci Code, năm 2003) với sự hỗ trợ của phim ảnh Holywood (phim cùng tên, năm 2006) là một công trình thuộc khuynh hướng này.
Có rất nhiều lý do khiến Công Giáo loại bỏ Ngụy Kinh nhưng không hề có ý che dấu một sự thật khó nói nào. Lý do chính chỉ là Ngụy Kinh có một giá trị rất thấp về thần học vì chúng đưa ra những tín lý sai lầm. Bạn có cần biết mắt Đức Giêsu không bao giờ chớp và bước đi của Người không để lại dấu chân trên cát? Đại loại đó là những chi tiết “bí mật” được ghi trong Ngụy Kinh. Nguồn tài liệu này gồm có Phúc Âm theo thánh Phêrô, PÂ theo Tôma, PÂ theo Giacôbê, PÂ theo Maria [Mađalêna], PÂ theo Nicôđêmô, PÂ Do Thái, và PÂ Ai Cập.(4) Ngoài ra còn có các sách công vụ ghi chép sự tích cá nhân của các thánh Andru, Phaolô, Phêrô, Philíp… Theo Elizabeth A. Johnson (5) ngụy kinh được viết trong khoảng thế kỷ II và III. Vào thời gian ấy các vị tông đồ tiên khởi đã qua đời. Có những người hậu sinh tự nhân danh một vị tông đồ tiên khởi nào đó để có thẩm quyền trước tác.
Tự bản chất, Ngụy Kinh chỉ là loại truyện tích thần kỳ. PÂ theo thánh Phêrô cho biết Đức Giêsu chỉ bị đóng đinh vào tay, không bị đóng vào chân. Trong khi bị đóng đinh, Người thản nhiên không hề đau đớn. Có lẽ tác giả muốn đề cao Đức Giêsu là thần linh, nhưng như vậy hóa ra Đức Giêsu không chịu cuộc khổ nạn hay sao? PÂ theo thánh Maria kể rằng, một hôm Phêrô hỏi Đức Giêsu về vấn đề tội lỗi. Người trả lời không hề có cái gọi là tội lỗi. Đây rõ ràng là khái niệm về tội của Ngộ Giáo (Gnostisism)(6) được gán cho Đức Giêsu. PÂ theo thánh Tôma kể chuyện Đức Giêsu hồi còn nhỏ. Một hôm nhằm ngày Sabát kiêng việc, cậu Giêsu lấy đất sét nắn thành bầy chim sẻ. Người hàng xóm trông thấy đi mách thánh Giuse. Cậu Giêsu bèn vỗ tay một cái, bầy chim đất biến thành chim thật vỗ cánh bay đi. Thế là không còn bằng cớ để bắt lỗi cậu. Nếu việc đó là sự thật, vậy Đức Giêsu đã sử dụng quyền phép qua mắt thiên hạ cho lợi thế cá nhân hay sao? PÂ theo thánh Nicôđêmô viết rằng tổ phụ Ađam đang ở trong hỏa ngục, ông phái con là Sét lên Thiên Đàng xin dầu thánh để chữa bệnh suy nhược cho ông. Đức Giêsu, sau đó, xuống hỏa ngục cứu Ađam ra khỏi hỏa ngục. Có lẽ ai cũng thấy đây là một mẩu truyện “tức cười”.
Cùng thể loại diễn tả ấy, sách công vụ nói về thánh Phaolô cho biết có một thiếu nữ trẻ yêu thầm ông. Vị truyền giáo này đi đâu cô gái cũng đi theo lang thang khắp nơi. Có thể đó là mối tình đẹp dưới con mắt người thời đó, nhưng tình tiết ấy đã khiến sách được định giá là truyện tiểu thuyết hơn là sách công vụ. Trong sách của các thánh khác, phần lớn văn bản là những bài miêu tả cảnh tượng của các nước xa lạ với những tình tiết thuộc loại phiêu lưu mạo hiểm. Học giả William J. Parker cho rằng sách công vụ của Ngụy Kinh không hơn không kém chỉ là loại tiểu thuyết lịch sử. Một phần nào đó, chúng phản ảnh xã hội của cộng đồng Kitô giáo, vùng Địa Trung Hải, trong thế kỷ II-III. Thời kỳ Kitô hữu sống trong hoang mang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa lời giảng của Đức Giêsu.
Phê Bình Nhóm Truy Cứu Chân Dung Đức Giêsu Qua Sử Liệu
Hiển nhiên là chúng ta không cần phải bàn về Ngụy Kinh. Điều chúng ta cần nói tới là điểm ngộ nhận của các học giả thuộc nhóm truy cứu sử liệu. Họ đã “nghiên cứu” Đức Giêsu như một đối tượng vật lý, xã hội, triết lý hay tâm lý, mà họ tin là đúng. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có nhóm nào đạt được tiêu chuẩn bảo đảm xác thực về chân dung Đức Giêsu. Chính các nhà phê bình sử học của họ, thuộc những khuynh hướng khác, lại phủ nhận lẫn nhau mạnh bạo hơn ai hết. Giáo Hoàng Bênêđíc XVI cho rằng chân dung Đức Giêsu không thể chỉ là những giả thuyết. Các giả thuyết dù có đứng đắn và có tính cách khoa học đến đâu cũng chỉ nằm trong bình diện nhân loại, một bình diện trí thức tục hóa không biết Thiên Chúa. Trong khi chân dung Đức Giêsu là một tín lý vững bền bất biến, vì vậy có sự mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin là điều không thể tránh.
Nói cho đúng, công trình của nhóm phê bình sử học cũng có phần giá trị mà Công Giáo có thể sử dụng. Thánh Kinh cũng cần phải được giải thích một cách đứng đắn theo phương diện lịch sử. Tuy nhiên nếu giá trị của Thánh Kinh chỉ nằm ở đó, Thánh Kinh sẽ chỉ là những văn phẩm bị đóng khung chết trong quá khứ. Trên hết, Thánh Kinh phải được đọc với sự linh ứng của Thiên Chúa. Người cầu đạo không đi tìm chân dung Đức Giêsu qua chữ nghĩa, nhưng đi gặp chính Đức Giêsu. Khi thánh Tôma Aquina, viết xong bộ “Tổng Luận Thần Học”, một tác phẩm quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng nền tảng tín lý Công Giáo, ngài quẳng bút xuống nói: “Chỉ là đồ rơm rác.” Thánh Tôma nhận ra công trình của ngài, dù thuộc lãnh vực thần học, cũng chỉ là những biện giải thuần lý. Đạo Chúa không nằm ở đó. Tín lý không phải là những khái niệm để suy tưởng, nhưng để sống với đạo.
Coi Phúc Âm là sử liệu là một tính toán vụng về. Truy cứu Đức Giêsu theo sử liệu Phúc Âm lại còn vụng về hơn. John Polkinghorne (7) nhận định rằng nếu cần phải đối chiếu thần học và khoa học, chúng ta phải có một nhận định đúng về giá trị của các sách Phúc Âm. Phúc Âm không phải là bộ lịch sử ghi chép cuộc đời nhân vật Giêsu. Cho nên không thể đi tìm Đức Giêsu trong Phúc Âm bằng đường lối sử học. Phúc Âm có cùng một mục đích với khoa học là nhằm giải thích về vũ trụ và sự tiến hóa của nhân loại. Tuy nhiên Phúc Âm cũng giống như những tập sổ tay (note books) của các khoa học gia trong phòng thí nghiệm. Trong đó họ ghi chú những chi tiết tùy theo trình độ cảm nhận vào hoàn cảnh lúc đó và không theo một thứ tự nào. Tập sổ tay chỉ là bản sơ thảo. Thế hệ sau không thể đòi hỏi nơi đó một hệ thống tư tưởng chặt chẽ rõ ràng và nhất trí. Công việc sơ khởi của các thánh Tông Đồ đã hoàn tất. Họ là những người chỉ đường cho nhân loại đi vào thế giới tâm linh trong đó con người sẽ tiến hóa trong nền đạo lý siêu việt. Khai triển sự hiểu biết ấy là việc làm của các nhà thần học chuyên môn sau này, chứ không phải là công việc của nhà sử học. Nếu không qua thần học, con người không thể thấy chân dung thật của Đức Giêsu và cũng không thể thấy Thánh Ý của Thiên Chúa.
Phê bình khuynh hướng của nhóm “Hội Thảo Về Đức Giêsu”, Howard Clark Kee (8) gọi họ là nhóm “khoa bảng vô phúc” (an academic disgrace). Cùng một nhận định, Richard B. Hays (9) cho họ là nhóm “lừa dối đáng khinh” (reprehensible deception) và nguy hiểm.
Chân Dung Đức Giêsu Qua Thần Học
Hơn lúc nào hết, Công Giáo đã có công rất lớn trong việc xây dựng một nền tảng đức tin vững chắc về Thiên Chúa. Duyệt qua tất cả những công trình “truy cứu” từ sử liệu, ta có thể kết luận rằng chúng chỉ là những kiến thức thuộc lớp vỏ bên ngoài của trí thức. Con người dù có trí thức cao đến đâu cũng không thể hiểu được Thiên Chúa. Cốt tủy của Thánh Kinh nằm đàng sau những chữ nghĩa ẩn dụ và những biến cố được trình bày. Vì vậy loài người tội lỗi cần phải có những mặc khải về Thiên Chúa. Con người phải nhìn ra Đức Giêsu là mặc khải cuối cùng và trọn vẹn về Thiên Chúa. Nếu không có Đức Giêsu, con người không thể đến với Thiên Chúa. Vì vậy chân dung thật của Đức Giêsu không thể đo lường qua giới hạn của một nhân vật lịch sử. John P. Meier (10) khảng quyết rằng “Đức Giêsu thật” là nhân vật của phép lạ và phục sinh. Chân dung siêu việt này khác với chân dung nhỏ bé “Đức Giêsu của lịch sử”.
Cho dù có bị đóng khung trong lịch sử loài người, Đức Giêsu vẫn là “Đấng tâm linh”. Tâm linh là căn gốc, là nguồn lực và là mục tiêu dậy dỗ của Người. Thế giới tâm linh là một thực tại sống động nằm trong một chiều không gian khác bao trùm thế giới phàm tục của lịch sử. Con người không thể thấy thế giới tâm linh bằng giác quan hay tri thức. Với chiều kích ấy, thánh thư không phải là nguồn sử liệu nhưng là những văn kiện thiêng liêng (divine documents) vì hướng về thế giới tâm linh. Cũng vì là Đấng thiêng liêng, nên Đức Giêsu không nằm trong chính sử lẫn huyền sử. Người ở trong đời sống tâm linh. Theo quan điểm này, Marcus J. Borg (11) đưa ra một lối nghiên cứu khác về chân dung Đức Giêsu. Ông cho rằng không thể Truy Cứu Đức Giêsu theo sự kiện và niên đại lịch sử, nhưng phải nhìn Người qua biến cố tôn giáo. Ông lấy biến cố phục sinh làm mốc rồi đưa ra hai chân dung: “Đức Giêsu trước phục sinh” và “Đức Giêsu sau phục sinh”. Đức Giêsu của lịch sử chấm dứt khi Người được chôn trong mồ, tức thời tiền phục sinh. Nhưng thật sự chân dung Đức Giêsu không chấm dứt ở đó, Người đã sống lại và ở cùng với tín đồ của Người cho đến muôn đời. Đó không phải là đức tin nhưng là một sự thực và kinh nghiệm sống. Vì vậy Người ta chỉ có thể biết chân dung thực của Đức Giêsu khi đi vào đời sống tôn giáo.
Thượng Đế là nền tảng mọi giá trị của hiện hữu. Muốn ý thức về Thượng Đế con người cần có một khả năng vượt khỏi trí thức. Đó là khả năng hướng về tâm linh. Tôn giáo là kinh nghiệm của con người về sự hiện hữu của Thượng Đế. Từ nhận thức đó cách đáp ứng thích hợp nhất của con người là tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa. Những phẩm tính mà con người có chính là những ơn được khơi dậy từ Thượng Đế. Biết cảm nhận sự thiện mỹ trong trời đất là trình độ tâm linh của con người biết chia sẻ với Thượng Đế trong niềm vui sáng tạo. Biết trọng luân lý là mức độ thanh khiết của lương tâm phản ảnh phẩm tính Thượng Đế. Biết yêu thương là nhận ra căn tính của Thượng Đế… Đó là những chứng nghiệm của con người về Thiên Chúa. Vì vậy, đi vào tôn giáo không có nghĩa loại bỏ xã hội tính và lịch sử tính, nhưng để thấy rõ hơn giá trị tâm linh nằm trong lịch sử. Ra ngoài tôn giáo, dù chúng ta có dùng tri thức để truy cứu đến mức nào đi nữa, chúng ta cũng không thể nào gặp Đức Giêsu. Chỉ những ai đi vào tôn giáo, chứng nghiệm những gì Đức Giêsu dậy, mới tìm thấy chân dung thật của Người.
________________
(1) Ernst Käsemann. Năm 1953 trong cuộc giảng thuyết ông trình bày quan điểm về the New Quest. Quan điểm này được khai triển trong cuốn Blind Alleys in the ‘Jesus of History’ Controversy, 1969
(2) Tỷ lệ này do người viết tính ra căn cứ trên những con số thống kê do nhóm the Jesus Seminar đưa ra.
(3) N. T. Wright. 1992. The New Testament and the People of God.
(4) Thánh Irenaeus, trong sách Against Heresies, còn nêu ra Phúc Âm theo Juđa, (không rõ Juđa ở đây là Juđa bán Chúa hay thánh Juđa (thánh Jude). Cho đến nay chưa có ai tìm thấy sách này.
(5) Giáo sư thần học tại Fordham University, cựu chủ tịch Hội Thần Học Công Giáo (Catholic Theological Society).
(6) Ngộ Giáo phát sinh vào thế kỷ I. Hệ thống triết lý của Ngộ Giáo là một hỗn hợp về tín ngưỡng của nhiều tôn giáo kể cả Kitô giáo. Họ tin thân xác Đức Giêsu chỉ là ảo thể. Con người ngộ đạo chỉ nhờ vào sự hiều biết của mình (tâm thức).
(7) John Polkinghorne, thần học gia và khoa học gia. Ông từng là khoa trưởng đại học Queens' College, Cambridge University, giáo sư Mathematical Physics tại đại học Cambridge, chủ tịch Ủy Ban Vật Lý Nguyên Tử (Nuclear Physic Board), tiền thân của Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học (Science Research Council). Ông viết rất nhiều sách bàn về sự liên hệ giữa khoa học và tôn giáo. Năm 1998, sách của ông được liệt vào 10 loại sách hàng đầu viết về tôn giáo. Ông được giải Templeton Prize năm 2002 về nỗ lực khám phá những thực thể tâm linh.
(8) Howard Clark Kee. Giáo sư tại Boston University. “Letter to Editor”, Los Angeles Time, March 30, 1991.
(9) Richard B. Hays. Giáo sư tại Duke University. “The Corrected Jesus”, First Thing 43, 1994.
(10) John P. Meier. Giáo sư Tân Ước tại Notre Dame University. “A Marginal Jew: Rethingking the Historical Jesus”, Vol. 1, The Roots of the Problem and the Person, 1991.
(11) Marcus J. Borg. Giáo sư Đạo học và văn hoá tại Oregon State University. Meeting Jesus Again for the First Time, 1994
Đỗ Trân Duy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules