THIẾU NIÊN ANH HÙNG TRONG THỬ THÁCH

Aldo Marcozzi sinh năm 1914 và qua đời năm 1928, tại Milano (Bắc Ý), sau tai nạn xe hơi trầm trọng. Mấy tháng trời ròng rã phải chịu đau đớn, nhưng cậu thiếu niên 14 tuổi không hé môi than trách. Trái lại, cậu luôn tỏ ra can đảm và vui tươi để an ủi Mẹ. Thỉnh thoảng Aldo nói đùa với Mẹ:

- Rất may là con ngồi đàng trước, nên bị dập mũi. Nếu không thì chính Mẹ bị đó!

Aldo hoan hỉ tươi vui cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Khi đến giờ Chúa gọi, cậu thầm thì:

- Con sung sướng được chết.

Trước đó, khi có người tỏ ra cảm thương vì thấy cậu phải chịu nhiều đau đớn, Aldo bình tĩnh nói:

- Nỗi đau đớn của con không là gì, nếu so sánh với Đức Chúa GIÊSU, bị người ta đóng đinh nơi tay và chân.

Sở dĩ Aldo đạt được tới mức độ chịu bệnh anh hùng là nhờ biết sống đứng đắn, không đùa chơi với cuộc đời. Một người bạn nói về Aldo:

- Aldo biết sống vì đã luôn luôn nói chuyện với Chúa và chỉ nói duy nhất với Chúa mà thôi.

Aldo kín múc niềm hạnh phúc nơi chính suối nguồn hạnh phúc là THIÊN CHÚA. Một lần, một giáo sư ngạc nhiên hỏi Aldo:

- Em luôn luôn tươi cười như vậy sao?

Aldo lúng túng, đỏ mặt trả lời:

- Em cười luôn vì em sung sướng được sống!

Thật ra, Aldo Marcozzi sống tử tế, sống hạnh phúc, trước tiên là nhờ công lao giáo dục nghiêm chỉnh của Cha Mẹ. Một lần cậu bé đập vỡ cửa kính, đã bị Cha cậu nghiêm khắc la rầy và trừng phạt. Ngay chính lúc đó, cậu bé vô cùng đắng cay, đau khổ. Nhưng hồi tâm nghĩ lại, Aldo khiêm tốn nhận chịu lỗi lầm, ăn năn thống hối, và viết thư xin lỗi thân phụ. Một lần khác, Aldo cũng làm phật lòng Mẹ và đã hối hận viết thư xin lỗi Mẹ:

- Mẹ yêu dấu, vừa rồi con trả lời Mẹ cách hỗn xược. Mẹ không la mắng con, nhưng Mẹ chỉ tỏ lộ nét mặt nghiêm nghị, khiến con cảm thấy vô cùng đau đớn. Giờ đây con thật lòng ăn năn thống hối và xin Mẹ tha thứ lỗi lầm cho con. Lần sau, con xin hứa sẽ không tái phạm nữa. Bởi vì, thật buồn lòng khi đứa trẻ không ngoan ngoãn, làm cho Mẹ nó phải tỏ ra nghiêm nghị. Con Aldo của Mẹ.

Lá thư thứ hai, Aldo viết cho Ba:

- Ba yêu dấu. Con xin lỗi Ba. Con thấy Ba thật nổi giận. Điều này khiến con cảm thấy vô cùng ân hận. Xin Ba tha lỗi cho con. Con sẽ không bao giờ nghịch ngợm như thế nữa. Con yêu Ba nhiều lắm, nhiều lắm, nhiều nhất, nhiều hơn mọi người. Ba là Cha dấu ái của con và Ba chiếm chỗ rất lớn trong trái tim con. Hôn Ba. Con của Ba. Aldo.

Hai bức thư chứng tỏ cậu thiếu niên Aldo Marcozzi may mắn sinh ra trong gia đình Công Giáo thật đạo đức. Ngay từ khi biết bập bẹ hai tiếng ”Mẹ ơi” thì bé Aldo cũng được Mẹ dạy gọi danh thánh MARIA. Rồi kể từ khi lên 9, nghĩa là sau khi xưng tội và rước lễ lần đầu, bé Aldo có thói quen quì gối và lần trọn tràng chuỗi Mân Côi 150 hạt.

Bé Aldo rất yêu thích đi học và xem trường học là nơi chốn thánh thiêng. Cậu không bao giờ bỏ học, hoặc trốn học. Và Aldo sống nghiêm chỉnh như thế cho đến khi gặp tai nạn trầm trọng. Trong những tháng ngày nằm trên giường bệnh, Aldo thường tỏ ra vui vẻ để an ủi Mẹ.

Nhưng để được can đảm như thế, Aldo kín múc sức mạnh nơi Hiền Mẫu Thiên Quốc là Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Trên bức tường nơi giường nằm của Aldo có treo khung ảnh Đức Mẹ. Mỗi ngày Aldo hôn kính bức ảnh không biết bao nhiêu lần. Khi cậu thiếu niên qua đời, người ta mới để ý thấy trên bức tường, hai bên khung ảnh Đức Mẹ, có hai vết ghi đậm hai bàn tay của Aldo chống vào, làm thế tựa, để hôn kính bức ảnh Đức Mẹ MARIA.

Có thể nói, cậu thiếu niên Aldo Marcozzi thật sự si tình THIÊN CHÚA và Đức Trinh Nữ MARIA.

... ”Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ. Người công chính đẹp lòng THIÊN CHÚA nên được THIÊN CHÚA yêu thương. Vì họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được THIÊN CHÚA dời đi nơi khác. Người đã cất họ đi, kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa. Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác” (Sách Khôn Ngoan 4,7-12).

(P. Luigi Faccenda, ”Testimoni di Maria”, Edizioni dell'Immacolata, 1993, trang 67-71)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt