Bài của BBC: Vụ Tòa Khâm Sứ ở HN kết thúc ra sao?


Giáo dân ở lại khuôn viên Tòa Khâm Sứ sau buổi lễ dâng nến cầu nguyện.

Vụ việc xảy ra quanh cuộc tranh chấp nhà đất giữa Giáo hội Công giáo ở Hà Nội và chính quyền đang ngày càng thu hút quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.

Mới đây nhất bản tin của VietCatholic News trên mạng nói chính quyền thành phố Hà Nội ra yêu cầu hạn chót là chiều ngày 27.01 phía giáo dân phải "tháo rỡ các ảnh tượng" trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ cũ mang về.

Nguồn tin này nói hôm 26, Ủy ban Nhân dân TPHN gửi văn thư cho Tòa Tổng Giám Mục yêu cầu thời hạn cuối cùng là 17 giờ chiều ngày Chủ Nhật nếu không chính quyền sẽ có biện pháp mạnh'.

Còn Asia News bản trên mạng đưa tin hôm thứ Sáu, dù trời mưa, đông đảo giáo dân Hà Đông đã làm lễ rước đòi chính quyền trả lại trụ sở của giáo xứ bị mất năm 1977.

Bài báo bản tiếng Anh đăng hình của đoàn người họ nói là 'khoảng 1000 giáo dân' đấu tranh đòi lại tài sản theo cách thức tương tự như vụ đòi lại Toà Khâm Sứ tại Hà Nội từ tháng 12.2007.

Đài truyền hình STBN tiếng Việt cũng hôm thứ Bảy có tường thuật cho rằng một nguồn tin từ phía chính quyền tiết lộ ra ngoài nói nhà chức trách đã chuẩn bị sẵn quân đội và an ninh để dẹp khu vực Tòa Khâm Sứ cũ.

Theo STBN, cách thức xử lý sẽ giống như việc giải tán nông dân khiếu kiện tại TPHCM hồi tháng Bảy 2007.

Tin của Catholic News Agency có bài tiếng Anh cả trên mạng và trên truyền hình mô tả cuộc xô xát hôm 25.01 và cho rằng sau vụ việc, công an Việt Nam tiếp tục "truy bắt những người liên quan".

Vấn đề ngã ngũ như thế nào, chìa khóa nằm ở trong tay các đấng bậc đang có trách nhiệm với những cuộc cầu nguyện bây giờ.

Giải pháp cứng hay mềm?

Về phía báo chí nhà nước Việt Nam, hôm 26.01 có Thanh Niên trong bản tiếng Anh trích lời quan chức Ban Tôn giáo Chính phủ nói sẽ áp dụng Luật Đất đai để giải quyết "yêu cầu của Giáo hội Công giáo Hà Nội về một bất động sản".

Bài báo trích Thông tấn xã VN cho hay chính phủ sẽ xem xét các quyết định về tài sản theo nhu cầu của tổ chức tôn giáo về đất.

Trước đó, hôm 25, báo Nhân Dân cũng bản tiếng Anh cho biết tân Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm đã tiếp phái đoàn Giáo hội ở Thái Bình do Giám mục Nguyễn Văn Sang dẫn đầu.

Ông Huỳnh Đảm được trích lời đã "khen ngợi các đóng góp của giáo dân Thái Bình" vào công cuộc xây dựng tổ quốc.

Tuy Nhân Dân không nói ra nhưng theo các nguồn tin Công giáo thì Giám mục Sang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển các ý kiến giữa Giáo hội Công giáo với phía chính quyền, cụ thể là công an và Ban tôn giáo Chính phủ trong những tuần xảy ra vụ toà Khâm Sứ.

Nhưng cũng chính Giám mục Nguyễn Văn Sang đã kêu gọi giáo dân Thái Bình ủng hộ đồng đạo ở Hà Nội trong vụ Toà Khâm Sứ.

Bản trên mạng của đài Á châu Tự do (RFA) hôm 25.01 thì đăng cuộc phỏng vấn với ông Trần Phong Vũ, Chủ Biên Tạp Chí Diễn Ðàn Giáo Dân, xuất bản tại bang California, Hoa Kỳ bình luận về tình hình vụ tranh chấp Toà Khâm Sứ.

Không đồng ý với cách trao đổi của Giám mục Sang với nhà nước mà ông cho là "không cần thiết, có thể gây nhiều ngộ nhận", ông Trần Phong Vũ nói các giám mục ở Việt Nam phải vững vàng tiếp tục cầu nguyện.

Ông cho rằng: "Vấn đề ngã ngũ như thế nào, chìa khóa nằm ở trong tay các đấng bậc đang có trách nhiệm với những cuộc cầu nguyện bây giờ" và ông tin rằng nếu mọi giáo dân VN cùng đồng thanh cầu nguyện, "chắc chắn nhà nước sẽ phải nhượng bộ,"

Vẫn ý kiến này cho rằng một khi nhà nước nhượng bộ, thì sẽ có tác động lan truyền kiểu bài domino, "sẽ lần lượt xảy ra những cuộc cầu nguyện khác nữa của Giáo Hội, và...sẽ dẫn đến một cuộc biến động rất lớn, có thể làm thay đổi cục diện Việt Nam".

Tuy nhiên, ông Trần Phong Vũ nói đó là "cái nhìn rất lạc quan, nhưng lạc quan trên chừng mực vì cần phải có những điều kiện bên cạnh."

Trong khi đó có ý kiến nói giải pháp làm mạnh sẽ không dễ dàng làm phía Công giáo lùi bước vì kể cả khi hàng giáo phẩm đồng ý đàm phán cùng giải quyết với nhà chức trách, họ cũng phải chịu sức ép từ chính các giáo dân muốn thấy nhiều tài sản được hoàn trả.

Trả lời RFA hôm 17.01, Linh mục Trần Công Nghị, Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam tức VietCatholic News tại Hoa Kỳ nêu ra xu hướng này như sau:

"Ngày 14 tháng 1 vừa qua, ông Thủ Tướng Dũng có mời Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Đức Cha Nhơn và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội là Đức Cha Kiệt đã vào để gặp, và cũng đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề. Nhưng mà kết quả thì chưa được đi tới bởi vì nó cũng phải tuỳ thuộc các giáo phận ở Việt Nam nữa".

Giới quan tâm tình hình ngay tại Việt Nam, chẳng hạn như luật sư Trần Vũ Hải, ngay từ hồi đầu năm đã trả lời báo chí với nhận định rằng chuyện đòi nhà đất của Giáo hội "là bài toán đau đầu cho chính quyền hiện nay".

Hãng AP hôm 24.01 trong bài gửi từ Hà Nội cho rằng "Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang thách thức chính phủ một cách dũng mãnh nhất kể từ khi những người cộng sản nắm quyền lực hơn năm thập niên về trước."
BBC