GIA ĐÌNH BA NGÔI THIÊN CHÚA

NƠI KHỞI SINH TÌNH YÊU VÀ SỰ HỢP NHẤT


“ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16)
Vào một buổi sáng, Thánh Âu Tinh đi dạo trên bãi biển, đầu óc đang đắm chìm và suy tư về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, bỗng Thánh nhân nhìn thấy một cậu bé đang lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào cái hang mà cậu đã đào sẵn trên bờ biển. Thấy lạ, Thánh nhân tiến lại và hỏi:

Con đang chơi trò gì thế? Cậu bé hồn nhiên trả lời:
Dạ! Con dự dịnh múc hết nước biển để đổ vào cái hang này! Thánh nhân liền nói:
Sao con có ý định làm những việc không thể như thế?! Cậu bé liền trả lời:
Điều con làm còn dễ hơn nhiều so với điều mà ngài đang suy nghĩ trong đầu!


Sau khi nghe cậu bé trả lời Thánh nhân bước đi. Một điều lạ lùng đã sảy ra, đó là khi Thánh nhân quay lại ngài không thấy cậu bé đâu, lúc này Thánh nhân bừng tỉnh và nhận ra Chúa đã sai Thiên Thần đến nhắc nhở ngài.

Vâng! Với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi (Ba Ngôi mà một Chúa, một Chúa mà có Ba Ngôi), thì quả thật quá cao siêu và khôn vời. Với trí khôn nhỏ bé của loài người không ai có thể định nghĩa, diễn tả một cách rõ nét về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ta chỉ có thể hiểu được qua ngôn ngữ của niềm tin, của ân sủng. Nhờ ơn soi sáng của Chúa, ta có thể hiểu được phần nào về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đó chính là: Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi khởi sinh Tình Yêu và sự Hợp Nhất. Từ đó, mời gọi ta chiêm ngắm và học nơi Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, để vận dụng và mưu ích cho chính ta là người Kitô hữu và qua ta một phần nào đó giúp ích cho mọi người trong cuộc sống.

Tình Yêu và sự Hợp Nhất nơi Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, đã được Kinh Thánh diễn tả:

-“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.”(St.1,1-2)

- “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St. 1,26)

- “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga.1,1-3)

- “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16)

- “ Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói và loan báo cho anh em biết….Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì Thế, Thầy đã nói: Người sẽ lấy những gì của thày mà loan báo cho anh em”(Ga.16,13-15).

-“Tôi và Chúa Cha là Một.” (Ga 10,30)

- “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10,38)

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”(Ga 14,9)

Khởi đi từ Tình Yêu và sự Hợp Nhất nơi Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, vũ trụ, trái đất được hình thành và phát triển, sự sống con người nhân loại được trao ban, mạng sống con người được bảo tồn. Sau khi con người nhân loại lỗi lầm, đánh mất tình yêu và sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhưng nhờ Tình Yêu và sự Hợp Nhất nơi Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa mà con người nhân loại được dạy dỗ, thánh hóa và được hưởng nguồn ơn cứu độ, được sống lại và hưởng hạnh phúc Nước Trời, qua vai trò và sự hoạt đông không ngưng nghỉ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngôi thứ nhất, Đức Chúa Cha, Đấng tạo dựng trời đất và cả mạng sống con người nhân loại. Đấng chăm sóc muôn loài muôn vật trên trời, đưới đất.

Ngôi thứ hai, Đức Chúa Con ( Chúa Giêsu), Đấng cứu độ nhân loại, Đấng đã xin vâng tự hạ để mang lấy thân phận kiếp người. Ngài đã chịu chết để cứu độ nhân loại, đã Phục Sinh để khơi nguồn hy vong và về Trời vinh hiển để mở lối về trời cho nhân loại.

Ngôi Thứ ba, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng kiện toàn và canh tân, Đấng bảo trợ, an ủi và soi sáng…

Một Chúa duy nhất có Ba Ngôi, ba công việc, nhưng không tách rời nhau trong Tình Yêu và sự Hợp Nhất.

Thánh Phaolô đã xác tín, giới thiệu và mời gọi ta hướng về Tình Yêu và sự Hợp Nhất nơi Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa qua thư thứ hai ngài gửi cho giáo đoàn Côrintô:“ Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em…Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr.13,11-13).

Vâng! Nơi cuộc sống thường nhật, và cuộc sống lữ hành của con người nhân loại, thì Tình yêu và sự hợp nhất là hai điều cơ bản và quan trọng đem lại hạnh phúc, thành công và phát triển trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội. Đây là điều không ai có thể phủ nhận và luôn mơ ước. Vì sao thế? Xin Thưa rằng:

Thứ nhất: Có tình yêu và từ tình yêu, điều đem đến cho ta những giây phút thăng hoa trong cuộc sống, giúp ta phấn đấu vượt qua trở ngại, rào cản giữa người với người, từ đó tạo nên một bầu khí gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội luôn đầy ắp tiếng cười. Có tình yêu và từ tình yêu, sẽ giúp ta vượt qua những thách đố, thử thách của bản thân trong cuộc sống, là động lực giúp ta hoàn thành tốt bổn phận và vai trò trong mọi lĩnh vực và mọi hoàn cảnh…Trong đời sống chứng nhân Tin Mừng, làm chứng cho Chúa, thì tình yêu là lời chứng xác thực nhất như lời giáo huấn của Đức Giêsu: “ Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga.13,35).

Thứ hai: Sự hợp nhất là chất keo kết dính người với người, đem lại thành công trong công việc và hành động từ mái ấm gia đình trở đi. Sự hợp nhất là hàng rào bảo vệ lý tưởng, là vũ khí mạnh nhất trước sự xâm hại của kẻ thù, là tiếng nói mạnh nhất bảo vệ công lý, sự thật và sự sống. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:“ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Sự hợp nhất là lời chứng sống động nhất trong đời sống Đức Tin và giới thiệu Chúa cho mọi người. Đây là điều thao thức của Đức Giêsu qua lời cầu nguyện của Ngài: “ Lạy Cha! Xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga.17,21).

Vì thế, trong ngày ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, trước tiên, ta cảm tạ Chúa Cha yêu thương và tác dựng nên ta, ban cho ta sự sống, nuôi dưỡng ta bằng tình yêu của Ngài, ta cảm tạ Chúa Con là Đức Giêsu đã cứu chuộc ta và giúp ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, ta cảm tạ Chúa Thánh Thần đã luôn đồng hành, nâng đỡ, soi dẫn cho ta trong từng ngày sống, kế đến ta xin với Chúa giúp ta luôn biết noi gương Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa trong Tình Yêu và sự Hợp Nhất, để nhờ ơn Chúa giúp

Trong đời sống gia đình ta, luôn có Tình Yêu và sự Hợp Nhất giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em cùng huyết thống và gia đình dòng tộc. Nhờ đó, dần trở thành gia đình và dòng tộc thánh, trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi, trở thành cái nôi nuôi dưỡng tình yêu, bảo vệ sự sống và là mái trường đầu tiên dạy luân lý và nhân bản.

Trong đời sống cộng đoàn luôn có Tình Yêu và sự Hợp Nhất trong đời sống cầu nguyện, đời sống bác ái, yêu thương giữa các thành viên. Từ đó tạo thành một cộng đoàn thánh, trở thành chi thể và là cánh tay nối dài của Giáo Hội. Đặc biệt trong sứ vụ loan báo tin mừng.

Trong đời sống Giáo Hội luôn có Tình Yêu và sự Hợp Nhất, để xứng đáng là nhiệm thể của Đức Kitô, nhờ Tình Yêu và sự Hợp Nhất Giáo Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng phản ảnh tình yêu của Chúa Ba Ngôi một cách cụ thể và rõ nét. Ngõ hầu mọi người nhận ra được Thiên Chúa là vị Thần độc nhất, cao cả nhất, là Cha luôn yêu thương hết thảy mọi phàm nhân và cuối cùng tất cả được hưởng nguồn ơn Cứu Độ, được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, màu da.

Tình Yêu và sự Hợp Nhất, như những hạt giống mà Chúa Ba Ngôi đã gieo vào tâm khảm của con người nhân loại, Thiên Chúa vẫn luôn mong ước những hạt giống đó ngày càng triển nở và sinh nhiều hoa trái, đó là tình yêu thương, sự tha thứ, cảm thông và sẻ chia….đồng thời giúp ta hiến thân, hy sinh và phục vu. Nhưng để Tình Yêu và sự Hợp Nhất thực sự có nơi ta, trước tiên ta phải có đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường là nhân đức đẹp lòng Chúa nhất như Lời Chúa mạc khải cho thánh nữ Faustina: “ Con là niềm vui lớn lao cho Ta, lòng mến và sự khiêm nhường của con làm cho Ta phải lìa bỏ ngai tòa Thiên đàng để xuống kết hợp với con. Tình yêu đổ đầy vực thẳm ngăn cách giữa sự cao cả của Ta và cái hư vô của con” (trích nhật ký T.nữ Faustina 512).

Nhờ đức khiêm nhường, ta mới có thể yêu và trao ban tình yêu một cách trọn vẹn và vô vị lợi. Một tình yêu mà chính Thiên Chúa đã sống và nên gương cho ta, như trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan:“ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16), hoặc: “ Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13).

Nhờ đức khiêm nhường, ta mới có thể gạt bỏ ý riêng và thuận theo ý chung, dẫu điều đó trái với ý ta, là những người thua kém ta về mọi mặt, nhờ đức khiêm nhường ta mới có thể sống và đón nhận tất cả những mặt ưu và khuyết nơi anh em của mình, từ mái ấm gia đình trở đi, để sống hòa thuận, yêu thương và hợp nhất…Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động thánh Phaolô đã để lại những lời giáo huấn rất thiết thực cho ta “ Anh em hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho kẻ khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl.2,3-7).

Một sự thật không thể chối bỏ nơi ta là những con người luôn thích ra lệnh, thích ở trên mọi người, thích tiếng nói của mình là trên hết, thích thực hiện theo ý riêng, thích mọi người thán phục và quy phục mình, thính quan hệ và hòa đồng với những ai đồng hội, đồng thuyền, thích người khác phục vụ mình, hơn là mình phục vụ người khác... Tất cả những điều thích đó luôn ở trong con người ta, vì thế ta rất khó và rất khó khiêm nhường trong cách sống, qua lời ăn, tiếng nói, qua công việc….

Đức Giêsu luôn mời gọi ta: “ Anh em hãy đến cùng Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt.11,20). Vì thế, để có đức khiêm nhường, từ đức khiêm nhường giúp ta noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa luôn sống trong Tình Yêu và sự Hợp Nhất, thiết tưởng không có con đường nào khác ngoài con đường ta thường xuyên đến với Chúa qua Lời của Ngài nơi Kinh Thánh, qua Thánh Lễ, chầu Mình Thánh Chúa, qua Kinh Nguyện riêng cũng như chung. Một điều không thể thiếu nơi đời sống cầu nguyện của ta, đó là ta năng chạy đến với Mẹ Maria qua chuỗi kinh Mân Côi, nhờ Mẹ hướng dẫn và giúp ta sống khiêm nhường. Đây là nhân đức Mẹ đã sống và đã thực hiện một cách trọn hảo và đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa Ba Ngôi! Xin thương xót con và xin đón nhận con trong tình yêu của Chúa, xin giúp con luôn ý thức một điều, chỉ trong Tình Yêu và sự Hợp Nhất, bản thân, gia đình và cộng đoàn con mới thực sự có an vui và hạnh phúc, mới thực sự là những chứng nhân loan báo Tin Mừng giữa cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Ba Ngôi! Để có được Tình Yêu và sự Hợp Nhất như lòng Chúa ước mong, thì chính con phải có đức khiêm nhường. Xin Chúa giúp con, ban cho con có đủ can đảm để sống khiêm nhường trước Chúa và trước anh em nơi cuộc sống của con. Amen.


Sài Gòn Ngày 15/6/2011
Antôn Lương Văn Liêm