BÍ QUYẾT
TRÁNH NHỮNG MÂU THUẪN, KHỦNG HOẢNG



Những mâu thuẫn thường xảy ra cho hai vơ chồng sau thời gian chung sống, với nhiều vui mừng và đau khổ như sau :

Quen quá hoá nhàm: Trước đây hai người là tình nhân, tâm hồn rạo rực, muốn chiếm đoạt nhau, nên ăn nói ý tứ. Sau khi lấy nhau rồi tình yêu không còn nồng nàn nữa, vì gần guĩ nhau hàng ngày nên thấy rõ những khuyết điểm của nhau. Một nhà văn Pháp đã nói:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tình hết vui khi đã vẹn câu thề.

Thói đời thường ham của lạ, họ hay quên cái mình hiện tại đang có. Vậy bạn luôn tăng cường tình yêu của mình nhu sau:

1/ Tỏ lòng kính trọng nhau: Nói lời êm ái, nhẹ nhàng, khích lệ, tạo niềm vui, lịch sự, nhã nhặn, khen những nết tốt của nhau.

Yêu nhau chia áo chia quần, ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra.

Nếu bạn biết giữ gìn, tình yêu của mình dần dần sẽ thăng tiến, mặn mà, không xảy ra thầm lén với người khác, lúc đó mới tiếc:

Khi xưa ngọc ở tay ta, bởi vì chểnh mang ngọc ra tay người.

2/ Bàn cách tổ chức gia đình: Hàng tuần, hàng tháng vợ chồng nên bàn bạc cách xếp đặt đời sống gia đình mỗi ngày có ngăn nắp hơn, mỗi người một trách nhiệm. Săn sóc con cái, nâng đỡ nhau, nấu nướng, ăn uống, vệ sinh sạch sẽ trong ngày v..v…

3/ Bàn bạc việc chăn gối: Tạo những giờ phút gần guĩ nhau một cách thoải mái, ấm cúng, hy sinh và làm vui lòng trong yêu mến và tôn trọng nhau. Nói cho nhau những ý muốn và xếp đặt những thì giờ thật tốt cho sức khỏe của nhau, không ích kỷ.

4/ Bàn cách giáo dục con cái: Vợ chồng cùng thống nhất trong việc nói năng dạy bảo con, ăn ý với nhau trong tư tưởng, lời nói và hành động, để giúp con kính trong bố mẹ và mau mắn thi hành. Chồng hãy tôn trọng lòng thương con bề ngoài của vợ, vợ hãy tôn trọng tính nghiêm nghị của chồng, để cùng nhau giáo dục con. Không ai lấn áp ai, như vậy gia đình bạn sẽ êm ấm đề huề. Tránh kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, con không biết theo ai !

5- Bàn bạc trong việc chi tiêu: Vợ chồng luôn bàn bạc trong việc mua sắm tuỳ theo đồng lương hàng tháng, để tránh thiếu hụt. Nên nhớ câu châm ngôn sau đây: “chỉ mua những thứ rất cần” (nghĩa là không có không được), vì nhiều khi mua những món không rất cần, ít khi dùng đến, nên gia đình sẽ bị thiều hụt tiền bạc.

6- Đối xử với họ hàng đôi bên: Bạn hãy đối xử với họ hàng đội bên thật trung dung, không nên thiên vị, kỳ thị, nhất bên trọng, nhất bên khinh. Nên coi nội ngoại là của mình cả, luôn ăn nói, xử sự tế nhị. Luôn nhìn vào những điểm tốt của nhau để khen ngợi, thăm hỏi, đi lại những ngày giỗ tết một cách đồng đều, mến trọng nhau.

7- Đối với người hàng xóm: Chuyện kể có vợ chồng nọ đi thăm một bà cụ già ở cùng xóm, không có người thân thích. Vào một buổi chiều mùa đông, hai vợ chồng thấy cụ đẩy xe vào bãi nhặt rác mà không thấy về, hai vợ chồng đã thu xếp việc nhà đi tìm kiếm bà.

Cuối cùng họ tìm thấy bà ngồi trên chiếc xe cút kít, đầu gục xuống mệt mỏi và tuyệt vọng. Vợ chồng này đã chạm vai và nhẹ nhàng lay bà dậy. Bà đã vui mừng ngẩng đầu lên và cám ơn không hết lời. Bà nói: Cảm ơn Trời Phật, nếu anh chị không tới giúp tôi, thì đêm nay tôi sẽ chết cóng tại đây, thật anh chị có một tình thương vô bến bờ. Hai vợ chồng đã đưa bà cụ về nhà sưởi ấm cho bà và họ cùng nhau ăn bữa tối trong bầu không khí vui mừng và đầy yêu thương.

Câu chuyện trên là một hình ảnh cụ thể, khi hai vợ chồng đồng tâm nhất trí, bàn với nhau trong mọi công việc, hay đi làm một việc thiện nào thì gia đình sẽ có nhiều bình an, vui vẻ và hạnh phúc.


Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.


Phó tế: JB Nguyễn văn Định