LÒNG THƯƠNG XÓT & NHÂN TỪ


Trong thánh lễ Chúa Nhật, đang lúc cha chủ tế đọc lời truyền phép: “Trong bữa ăn tối, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: …” thì thằng bé con ở ghế đàng trước khóc thét lên, tiếng của nó át cả tiếng của cha chủ tế … Bạn phản ứng ra sao?

Bạn nhìn bà mẹ với ánh mắt cảm thông, hiền từ và thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, chắc cháu bé này đang đói hay bị bịnh, xin Chúa chúc lành cho cháu và cho cha mẹ của cháu.”
Hay là … Tim bạn đập nhanh hơn bình thường, nhiệt độ của máu trong người bạn sắp sửa sôi lên, bạn nhăn mặt, tức giận, liếc mắt nhìn bà mẹ của đứa bé với cặp mắt mang hình … viên đạn?

Trong Giờ Chầu Thánh Thể, đang lúc cả nhà thờ đang thinh lặng, cúi đầu thờ lạy Chúa, bạn đang thầm thĩ nguyện xin … thì bỗng dưng cell phone của người bên cạnh reo um sùm với điệu nhạc: “Tò te, con ve đánh đu, thằng cu nhảy dù …” thì bạn sẽ có thái độ nào?
  • Bạn bình thản, nhắm mắt lại, làm như không có chuyện gì xảy ra cả, và thầm thĩ cầu nguyện: “Lạy Chúa chắc chị ta đang xấu hổ và bối rối lắm vì chị ta quên off phone khi vào nhà thờ, xin Chúa ban cho chị ấy sự bình an!”
  • Hay là … Mặt của bạn nhăn nhó, bực bội, tức giận và tỏ thái độ bất mãn với người ấy: “Vào nhà thờ mà còn lo hẹn với hò, phone với phiếc…”


Sau lời nguyện hiệp lễ, vừa nghe thấy cha sở giới thiệu: “Đây là cha X … đây là sơ Y … hôm nay đến giáo xứ chúng ta để xin bà con giúp đỡ cho các trẻ em tàn tật, những trẻ mồ côi bất hạnh, những em bị mù bẩm sinh …” Bạn làm gì? Phản ứng ra sao?
  • Bạn vui vẻ ký một chi phiếu, hay thủ sẵn trong tay vài đồng hay vài chục bạc để rồi sau thánh lễ, bạn vui vẻ trao cho cha X hay sơ Y và nói: “Con có một chút xin đóng góp vào công việc của giáo hội.”
  • Hay là … Thở một phát dài hơn … cả cây số, rồi lắc đầu, bĩu môi, rồi sau đó … lẩm bẩm: “Tuần nào đến nhà thờ cũng nghe đến tiền, tuần trước thì tiền cho quỹ xây dựng giáo xứ, tuần này thì tiền cho giáo phận chưa xong, bây giờ lại đến hụi chết cho Việt Nam …”


Nếu gặp những trường hợp trên mà bạn có thái độ bình tĩnh, lạc quan, vui vẻ, nhân từ và quảng đại … thì tôi xin chia vui với bạn bởi vì bạn là người có tấm lòng thương xót, có lòng nhân từ, và như thế bạn là người có phúc bởi vì Chúa Giêsu đã từng phán: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

Còn nếu …bạn rơi vào thái độ thứ hai, tức là bạn tỏ ra nóng giận, bực bội, nhăn nhó, càm ràm, lẩm bẩm, kêu trách … trong những hoàn cảnh tương tự như trên, thì xin bạn hãy … cẩn thận! Bạn phải cẩn thận là bởi vì bạn chưa có lòng nhân từ, chưa biết thương xót người khác và bụng của bạn chưa … tốt tí nào cả! Thật đấy! Bạn cứ nghĩ thử mà xem!
  • Nghe tiếng khóc ré lên của đứa con, bà mẹ đáng thương ấy chắc là sợ hãi và xấu hổ lắm, bà đâu có muốn cho con của bà khóc thét lên ngay thời điểm quan trọng và linh thiêng như vậy? Chưa kể đến trường hợp thằng bé bị đau bệnh bất tử hoặc vì đói quá nên phải khóc thét lên như vậy, chứ có phải là mẹ nó muốn vậy đâu? Nếu thằng bé biết kìm hãm, biết chịu đựng … thì nó không còn phải là con nít nữa. Nó là người lớn mất rồi! Bạn nghĩ tôi nói có đúng không?
  • Nghe tiếng phone reo um sùm trong lúc cả nhà thờ đang thinh lặng như vậy, bạn nghĩ người đó cảm thấy sung sướng và thoải mái lắm hay sao? Mắc cở và xấu hổ muốn độn thổ luôn đấy chứ lại! Người ấy vô ý quên tắt phone chứ đâu phải là cố ý làm như vậy? Cả nhà thờ chia trí, mọi người đăm đam nhìn mình như vậy bạn nghĩ là người ấy cảm thấy dễ chịu lắm sao? Em chã!
  • Đường đường là một linh mục, là một nữ tu, bây giờ phải làm đệ tử của cái bang, đi ngửa tay xin tiền, xin sự bố thí và sự thương hại, không phải là cho mình mà là cho người khác như vậy, bạn nghĩ mấy cha, mấy sơ đó sung sướng lắm hay sao? Mắc cỡ, tự ái dồn cục đấy chứ lại! Nhục nhã nữa là đàng khác! Bạn nghĩ thử xem, họ có sung sướng và hãnh diện khi ngửa tay ra xin xỏ như vậy không? Tôi nghĩ rằng không!


Bạn thân mến, trong mỗi thánh lễ, vừa sau lúc làm dấu, thì linh mục chủ tế cũng như toàn thể cộng đoàn đều mở miệng van xin rằng: “Xin Chúa thương xót chúng con” không phải là một lần, nhưng mà là tới ba lần lận! Bạn, tôi và mọi người đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Vậy tại sao khi người khác cần chúng mình tỏ lòng nhân từ, van xin hay cần đến lòng thương xót của chúng mình thì tôi và bạn lại có thái độ e dè, so đo, tính toán và khinh khỉnh như vậy? Bạn thấy có công bằng không? Bảo rằng không! Trăm ngàn lần cũng không …!

Nếu hôm nay, ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, mà bạn nhận ra được rằng, để đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa thì trước tiên tôi phải biết thương xót và tỏ lòng thương xót ra đối với tha nhân thì mới … thật là chính đáng, công bình và hữu ích cho phần rỗi chúng con, thì xin bạn:

  • Hãy nhẫn nại, bình tĩnh, mỉm cười, tha thứ và nhất là hãy tỏ thái độ nhân từ khi những người chung quanh phạm lỗi, làm sai luật. Bởi vì đây chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất: “… Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế…” (Mt 9:13).
  • Hãy quảng đại, rộng rãi bố thí, chia sẻ cơm áo và tiền của cho những người kém may mắn và bất hạnh. Bạn và tôi chỉ là những người quản lý không hơn không kém! Đừng giữ bo bo những gì là của Chúa, làm như vậy là phạm tội ăn cắp đấy! Mà tội ăn cắp là tội lỗi đức công bằng, phải đền trả cho đến đồng xu cuối cùng rồi thì tội ấy mới được tha! Không phải chuyện đùa đâu!


Thay cho lời kết, tôi xin gửi đến bạn lời cảnh cáo khá nghiêm khắc của thánh Xê-da-ri-ô, Ngài nói với những kẻ không có lòng thương xót, với những kẻ thờ ơ, lãnh đạm không có lòng nhân từ đối với tha nhân như thế này: “Này bạn, sao bạn dám chường mặt ra xin điều mà bạn vẫn chối khéo vậy? Ai muốn được Thiên Chúa thương xót trên Trời thì phải biết thương xót người khác dưới đất! … Bạn chỉ nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa trên Trời khi nào bạn biết xót thương người khác ở dưới đất mà thôi!”
  • Bạn có muốn người ta thương xót, cảm thông và giúp đỡ bạn trong lúc bạn sa cơ thất thế, trong lúc bạn rơi vào những nghịch cảnh … không? Nếu bạn muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta [y] như vậy! (Lc 6:31).
  • Bạn có muốn Chúa thương xót bạn khi bạn lâm vào cảnh cùng khốn không? Hãy tỏ lòng nhân từ, đại lượng và thương xót người khác ngay hôm nay đi! Bởi vì mỗi lần [bạn đối xử tốt như thế với]một trong những anh em bé nhỏ nhất … là [bạn] đã làm cho chính [Chúa] vậy(Mt 25:40).
  • Bạn có muốn Chúa nhân từ tha thứ cho những tội lỗi và yếu đuối của bạn không? Hãy nhân từ và tha thứ những lỗi lầm và quên đi những khuyết điểm của người khác! Bởi lẽ nếu [bạn và tôi] tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho [chúng mình]” (Mt 6:14).


“Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế … 'I desire mercy, not sacrifice” (Mt 9:13). Lòng nhân từ, biết thương xót tha nhân chính là của lễ mà Thiên Chúa ưa thích nhất! Bạn đã có của lễ quý giá chưa? Nếu chưa có thì lo kiếm ngay hôm nay đi kẻo không kịp đâu! Thật đấy!



Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD