Lộ Đức: «Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn!»

(Kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle/Lộ Đức)

Massabielle – theo thổ âm miền Pyrénée có nghĩa là «núi đá» - là trung tâm của Thánh địa Lộ Đức, nơi Mẹ Maria đã hiện ra cách đây 150 năm về trước (1858-2008). Xưa kia ở nơi hẻo lánh này, nơi người ta dùng làm chỗ đốt các rác rưởi thải ra từ các nhà thương và cũng là nơi hẹn hò của các cặp tình nhân, thì từ ngày 11.02. cho tới ngày 16.07.1858 Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thôn nữ 14 tuổi Bernadette Soubirous tất cả 18 lần.


Tượng Đức Mẹ tại hang đá Lộ Đức, nơi Mẹ đã hiện ra với Bernadette năm 1858

Vào năm 1864, nhà điêu khắc Fabisch ở tỉnh Lyon hoàn thành xong bức tượng Đức Mẹ bằng cẩm thạch trắng nguyên khối và đặt vào hốc đá, nơi Đức Mẹ đã đứng trong những lần hiện ra với Bernadette, như chúng ta thấy ngày nay. Dưới chân Đức Mẹ có một tấm bảng bằng đồng ghi tên của «Madame» bằng thổ ngữ miền Pyrénée: «Que soy ere immculada Councepciou» - «Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai.» Điều đáng ghi nhận ở đây không chỉ việc Đức Mẹ đã tự xưng tên của mình một cách khác thường như thế trong lần hiện ra thứ 16, nhưng sự xưng tên đó của Đức Mẹ đi song song với việc Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê tên của Người: «Ta là Đấng Hiện Hữu» (Xh 3,14). Điều đó có nghĩa là: «Ta luôn hiện diện bên cạnh các ngươi, hôm nay, ngày mai và mãi mãi» (x. Xh 3,15b). Khi hàng triệu người tín hữu chạy đến cùng Đức Mẹ Lộ Đức với niềm hy vọng sẽ được lành bệnh qua lời bầu cử của Mẹ, thì việc Đức Mẹ xưng tên như thế cũng muốn nói lên rằng: «Ta đã được Thiên Chúa thương ban cho đặc sủng không bị vướng mắc tội nguyên tổ ngay trước khi được cưu mang trong lòng mẹ. Ta là Đấng hoàn toàn tinh tuyền trong trắng cho các con, hôm nay, ngày mai và mãi mãi.»

Sự lành bệnh thể xác và linh hồn

Nhà điêu khắc đã tạc bức tượng Đức Mẹ ở hang đá Lộ Đức theo sự diễn tả của Bernadette về «Madame». Bức tượng Đức Mẹ chấp hai tay trước ngực, có kích thước hơi nhỏ hơn người bình thường. Đầu hơi cúi xuống và đội một tấm khăn màu trắng phủ dài xuống hết hai vai. Đức Mẹ mặc một chiếc áo màu trắng dài đến tận chân và ngang lưng thắt một chiếc khăn vải màu xanh da trời, phần dài còn lại của chiếc khăn rủ xuống. Trên hai bàn chân tượng điểm hai nụ hồng màu vàng. Và cánh tay phải Đức Mẹ mang một bộ tràng hạt Mân Côi dài.

Nhà điêu khắc đã cố gắng tối đã để có thể thực hiện được một bức tượng Đức Mẹ tuyệt vời như thế, khiến cho hàng triệu khách hành hương từ 150 năm nay khi chiêm ngắm bức tượng đã có ngay cảm tưởng như chính mắt họ đã nhìn thấy Đức Mẹ vậy. Nhưng chính Bernadette khi được hỏi ý kiến về bức tượng, đã trả lời là bức tượng tuy đẹp nhưng không thể so sánh với chính Đức Mẹ mà em đã nhìn thấy được, vì Đức Mẹ trông khác hẳn: muôn phần đẹp và rực rỡ hơn bội phần.

Ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã được tôn kính và được khẩn cầu với danh hiệu «Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn». Dĩ nhiên, sự sùng kính Đức Mẹ và niềm hy vọng được lành bệnh đó không chỉ gắn liền với bức tượng và với dòng nước mà Đức Mẹ đã truyền cho Bernadette dùng tay khơi cho chảy vọt lên trong lần hiện ra thứ chín vào ngày 25.02.1858, mãi cho tới hôm nay. Đúng vậy, ở Lộc Đức nhiều người đã được khỏi bệnh tật không chỉ vì được dìm mình vào bồn nước Đức Mẹ mà còn qua các cuộc nghinh rước Mình Thánh Chúa, nguồn cứu rỗi cho mọi người.

Trong vòng 150 năm qua đã có khoảng 4.000 đến 5.000 trường hợp các bệnh nhân đã được chữa lành bệnh một cách lạ lùng tại Lộ Đức. Nhưng sau những xét nghiệm và kiểm tra hoàn toàn khách quan với những tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt - của các nhà khoa học thuộc đủ các ngành, như: Y khoa, phân tâm học, bệnh lý học, thần học, v.v…; và thuộc nhiều thành phần tư tưởng khác nhau, như: Kitô giáo, các tôn giáo khác hay vô thần – thì chỉ có 68 trường hợp đã chính thức được công nhận là phép lạ. Đó là những trường hợp mà các bác sĩ y khoa gọi là «những trường hợp lành bệnh hoàn toàn vượt khỏi khả năng thẩm định của y khoa, không thể cắt nghĩa được», còn các nhà thần học thì gọi là «các phép lạ».

Nhưng những trường hợp lành bệnh ở Lộ Đức không chỉ dừng lại ở việc lành bệnh thể xác mà thôi, nhưng trước hết là sự lành bệnh tâm linh. Chính sự lành bệnh tâm linh mới chính là điều các khách hương mong muốn và tìm kiếm khi họ đến kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức.

Đúng vậy, những ai là Linh mục đã từng ngồi vào một trong hàng trăm tòa giải tội ở Lộ Đức với số tín hữu xếp hàng dài chờ được lãnh nhận Bí tích Cáo Giải, thì chắc chắn đã cảm nhận được rằng, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, hằng ngày Thiên Chúa đã thực hiện ở Thánh địa Lộc Đức bao phép lạ cả thể nơi các tâm hồn:

• Từ những con người luôn hận thù chống báng Thiên Chúa và Giáo Hội đã thành tâm quay trở về núp bóng Mẹ hiền Giáo Hội.

• Từ những con người vô thần trở thành những tín hữu sốt sắng.

• Những kẻ vốn lấy bạo lực và khủng bố làm lẽ sống đã trở nên những tông đồ bác ái.

• Từ những kẻ ngang tàng, cướp bóc và tham lam hối lộ đã quyết tâm trở lại sống đời lương thiện.

• v.v…

Vâng, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ánh sáng tình thương của Thánh Linh đã đánh động bao dòng nước mắt sám hối đã chảy ra nơi đây, nơi hang đá Lộ Đức. Qua Bí tích Cáo Giải, không biết bao nhiêu tâm hồn «bệnh hoạn, ốm yếu» đã đã trở nên lành mạnh, đã được hồi sức thiêng liêng, đã được hưởng ơn tha thứ tội lỗi và sự cứu rỗi. Họ đến Lộ Đức trong tình trạng tâm hồn đầy bệnh hoạn u sầu và chán chường, nhưng rồi sau đó đã ra về với lòng vui tươi, phấn khởi, nhẹ nhàng thanh thản, và can đảm đổi đời, sống một cuộc sống mới: Tin tưởng vào lòng Chúa nhân từ hơn, phó thác vào cánh tay dìu dắt của Mẹ Maria hơn, yêu mến và dấn thân cho đồng loại hơn, v.v… Người ta phải nói rằng sống lạc quan tin tưởng và phó thác vào tương lại chính là hoa quả của Bí tích Cáo Giải mà mỗi khách hành hương đã cảm nhận được khi họ thành tâm chạy đến với Đức Mẹ Lộ Đức. Chính nơi đây, nơi hang đá Massabielle tại Thánh địa Lộ Đức này những ân thiêng Thiên Chúa ban cho các tâm hồn qua lời bầu cử của Mẹ Maria đã trở thành cụ thể trên gương mặt rạng rỡ, trong khoé mắt rực sáng và trong sự đổi đời của họ.

Từ biến cố lành bệnh lạ thường đầu tiên xảy ra ngày 01.03.1858 và đã được Giáo Hội công nhận – đó là trường hợp của cô Catherine Latapie-Chouat, 39 tuổi, đến từ Loubajac, được khỏi bệnh tê liệt – làn sóng các bệnh nhân thuộc đủ mọi lớp tuổi và thuộc đủ mọi dân tộc đã không ngừng tuôn đổ về Lộ Đức từ 150 năm qua và còn tiếp tục mỗi ngày. Theo thông tin chính thức của «Bureau de l’Hospitalitté» của Trung tâm hành hương Lộ Đức cho hay thì hàng năm có tới khoảng 50.000 bệnh nhân từ khắp nơi trên nước Pháp, khắp Âu Châu và trên thế giới đến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Khi nhìn vào từng hàng hàng lớp lớp các bệnh nhân đủ thứ bệnh nằm/ngồi trên trên cáng, trên xe thồ, trên xe lăn, trước hang đá Đức Mẹ, trong Vương Cung Thánh Đường hay trước quảng trường Lộ Đức, v.v… người ta không khỏi xúc động trước một đức tin mạnh mẽ và một niềm trông cậy vững vàng vào tình thương của Chúa và sự cầu bầu của Mẹ Maria nơi những người anh chị em đồng loại bất hạnh kia.

Nhưng dĩ nhiên, Lộ Đức là một Trung tâm hành hương thuần tuý tôn giáo, có tính cách thiêng liêng, chứ không phải là một nơi chữa bệnh hay dưỡng bệnh theo đúng nghĩa, nghĩa là một nơi có đầy đủ sự săn sóc sức khoẽ mang tính cách y khoa. Vì thế, mục đích của các khách hành hương nói chung và của các bệnh nhân nói riêng khi tuôn đổ về Lộ Đức là để cầu khẩn sự giải thoát qua lời cầu bầu che chở của Mẹ Maria trước nỗi cùng khổ - trước hết thuộc lãnh vực tâm hồn, rồi tiếp đến, mới thuộc lãnh vực thể xác – đang đè nặng lên cuộc đời họ.

Ở Lộ Đức, các bệnh nhân đều cùng cầu nguyện với nhau, cùng đau khổ với nhau và cùng hy vọng với nhau. Vì thế, cái cảm giác bị bỏ rơi và bị cô đơn trong cảnh đau ốm khi các bệnh nhân còn đang ở nhà, thì tại Lộ Đức đã hoàn toàn biến mất. Trước hết, chính tất cả họ đã là một an ủi và động viên cho nhau rồi. Nhưng nhất là sự ấp ủ đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria trên linh hồn họ.

Ở Lộ Đức, mọi đau khổ thể xác và tâm hồn của nhân loại, những người thành tâm tin tưởng và yêu mến chạy đến với Mẹ Maria, đã được tắm gội và tuôn chảy vào biển tình thương bô bờ bến của Thiên Chúa, tựa như dòng suối lạ Lộ Đức tuôn chảy và hòa tan vào biển cả bao la. Vâng, «chưa từng có ai kêu khẩn Mẹ mà Mẹ không nhậm lời», «chưa có ai xin Mẹ về không!»
Lm Nguyễn Hữu Thy